Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Lạm bàn đôi điều về Khổng Tử

Phong Uyên

                

1) Khổng Tử, một con người máy móc:

Thật sự chả ai biết con người thật của Khổng Tử là gì, vì cũng như mọi nhân vật trong lịch sử Tàu, Lão Tử, Lưu Bị, Tào Tháo, Vân Trường... đều chì được biết theo truyền thuyết hay đã được tiểu thuyết hóa mấy trăm năm về sau. Đối với quan điểm bây giờ, Khổng Tử là con người máy móc cứng ngắc. Nhưng đối với học thuyết gọi là của Khổng Tử được viết lại dưới triều Hán Vũ đế, thì con người Khổng Tử cũng được viết lại cho đúng với khuôn mẫu được nặn ra từ cái học thuyết được viết lại này. Chỉ cần đọc lại những huyền thoại về bác Mao, bác Hồ, những con người "cách mạng theo tiêu chuẩn Mác-Lênin" thì biết là cách đây 2 ngàn năm con người "thánh nhân" Khổng Tử cũng được uốn nắn lại như thế nào.


2) Học thuyết của Khổng Tử:

Sách của Khổng Tử gồm năm cuốn kinh (Ngũ Kinh): Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu (trong số đó, Khổng Tử tự công nhận chỉ sáng tác có mỗi một kinh là Xuân thu) và ba sách: Luận ngữ, Đại học, Trung dung (cả 3 cuốn sách này đều do học trò của Khổng Tử soạn thảo 80 năm sau khi Khổng Tử chết). Cuốn thứ 4 trong bộ Tứ thư là cuốn Mạnh Tử do các học trò của Mạnh Tử soạn thảo 200 năm sau khi Khổng Tử chết, chả ăn nhập gì với Khổng tử cả. Thật ra, tất cả những cuốn sách này đều đã bị Tần Thủy Hoàng đốt hết, học trò Khổng Tử bị chôn sống,thì thử hỏi ai còn biết tư tưởng Khổng Tử khi còn sinh tiền là gì? (Theo cụ Trần Trọng Kim thì chỉ còn sót lại 26 thiên của một cuốn Kinh Thư viết bằng cổ văn được một quan bác sĩ đời nhà Tần tên là Phục Sinh tìm thấy được trong vách nhà Khổng Tử. Ông này bắt con gái học thuộc lòng trước khi thủ tiêu cuốn sách, sợ bị Tần Thủy Hoàng chu di tam tộc, đã phải đợi đến đời nhà Hán mới dám kể lại. Như vậy Tứ thư, Ngũ kinh được viết lại dưới triều Hán Vũ đế chỉ là những cuốn sách giả mạo, mượn danh Khổng Tử, định lại những giáo điều được Hán Vũ đế đặt ra để phục vụ triều đại mình.

3)Tại sao Tàu lại muốn vực dậy Khổng Tử :

Tàu vực dậy (cái tên) Khổng Tử là theo ý Hồ Cẩm Đào: Phiên họp toàn thể lần thứ 6 tháng 11-2010, Trung Ương ĐCS Tàu ra nghị quyết nhà nước TQ sẽ lấy ý tưởng "hài hòa" trong kinh Dịch để xây dựng một hệ tư tưởng mới gọi là Xã hội hài hòa Xã hội chủ nghĩa để thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin-Tư tưởng Mao Trạch Đông và để đề cao mô hình Trung Quốc là Trật tự xã hội Khổng Tử trong nền kinh tế toàn cầu hóa đối lại với mô hình Tự do-Dân chủ Phương Tây trong cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị ở các nước đang phát triển. Đó là sứ mệnh chính của các viện Khổng Tử được thiết lập ở nhiều nước trên thế giới. Không có những hoạt động thuần túy văn hóa, kể cả việc dậy tiếng quan thoại mà ngay người Tàu cũng chả ai học nếu không bị bắt buộc, mà chỉ có những hoạt động giả danh văn hóa, như ăn cắp thông tin, làm gián điệp ở các nước phương Tây. Thành lập viện Khổng Tử ngay trong viện Đại học Hà Nội lại có một ý nghĩa khác là cố ý làm nhục văn hóa Việt Nam để biểu lộ sự thống trị của mình, không những về chính trị, mà còn về văn hóa, trí thức, tư tưởng.

4) Xin nói thêm là từ trước tới nay, để tự an ủi, ta cứ kéo Nhật vào cùng hội cùng thuyền với mình khi cho nước mình là cũng theo đạo Khổng như Nhật. Tôi xin nhắc lại một lần nữa: Nhật Bản không phải là một nước theo Khổng giáo :

1° Người Nhật chỉ chọn lọc một vài ý niệm của Khổng giáo để thực dụng:

Mới đầu các nhà nho Cao Ly dùng chữ Hán giúp Nhật làm văn khố, lập thư viện, giúp vua Nhật tổ chức hành chính phỏng theo Tàu. Bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII dưới triều đại nhà Đường, người Nhật mới thấy phải giao thiệp thẳng với Tàu để học thêm khi thành lập những trung tâm ở Tràng An. Cả thẩy có 5 trung tâm đầy ắp người vì luôn luôn có từng đội thuyền gồm 4 chiếc chở người qua Tàu học (Thành ngữ Nhật "Tứ thuyền" có nghĩa là đi du học).

2° Người Nhật không theo chế độ tôn quân quyền nên không tuyên người cai trị theo kiểu Khổng giáo:

Người Nhật học Khổng giáo không phải để bắt chước Tàu mở kỳ thi tuyển quan lại để cai trị dân mà là để mượn văn tự Hán và lấy văn hóa Khổng giáo bồi bổ cho nền văn hóa riêng biệt của mình là truyền thống Thần đạo.

3° Ý niệm 'Trung hiếu", nòng cốt của Khổng giáo (Hán), xa lạ với tâm thức người Nhật:

Thiên hoàng chỉ tượng trưng nước Nhật chứ không có quyền hành gì vì quyền hành nằm trong tay các shogun (Đại tướng quân). Một võ sĩ đạo Nhật thua trận rạch bụng tự tử vì cảm thấy nhục, không làm tròn nhiệm vụ được giao phó chứ không phải vì trung với vua "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" như cái chủ nghĩa quân thần của Khổng giáo. Tất nhiên là dù Đảng có thay vua, người Nhật cũng sẽ không bao giờ "trung với Đảng".

1 nhận xét: