Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

LUẬT VÀ LỆ

 ĐẠI NGÀN


                              

Luật là quy định chính thức, bao quát, căn bản dưới dạng văn bản của một nhà nước, một chế độ. Lệ là thông lệ vẫn có trong xã hội, không trái với luật và thường vẫn được cho phép, cho nên thông thường luật và lệ vẫn hay đi với nhau trong một xã hội nhất định. Thời quân chủ xa xưa, xã hội Việt Nam vẫn có thực tế phép vua thua lệ làng, càng nói lên ý nghĩa thực tế của lệ, nó còn mang một tính cách bổ sung cho luật. Ý nghĩa tiềm ẩn phần nào tính cách dân chủ tự do trong xã hội phong kiến cổ xưa là như vậy.


Ngày nay, nếu trong hiến pháp có quy định quyền biểu tình mà rất từ lâu chưa hề có luật biểu tình, đó chính là sự vi hiến của nhà nước. Bởi mọi điều gì hiến pháp đã quy định mà chưa áp dụng cụ thể được đều cần nên gấp rút ra luật thực hiện theo điều quy định cơ bản đó ở trong hiến pháp. Điều quy định trong hiến pháp đã có từ lâu mà vẫn không chế định ra luật biểu tình, có nghĩa người cầm quyền chỉ chễnh mãng, coi thường dân, coi thường xã hội, bởi vì quyền biểu tình, quyền phát biểu chính kiến hay ý kiến chính là nghĩa vụ, quyền hạn của mọi công dân trong một quốc gia dân chủ tự do đúng nghĩa.

Như vậy có nghĩa cơ chế nhà nước từ lâu nay chưa có cái “lệ” suy nghĩ, thực hành theo dân chủ. Bởi chưa có cái thói quen đó, chưa có tập quán đó, tức chưa có cái “lệ” quan trọng và thiết yếu đó nên xã hội thành ra mâu thuẫn, chỉ cho thấy tính cách ù trệ và vô trách nhiệm của những người đáng ra phải có trách nhiệm. Hiện tại, ý thức của nhân dân là yêu cầu dân chủ và chống xâm lăng, tức cần phải thể hiện ý chí đó ra trong vòng trật tự, có nguyên tắc vì chính đáng. Nhưng bởi vì không có luật quy định biểu tình nên công an ra sức dẹp, ra sức bạo lực đối với những người muốn thể hiện quyền dân chủ của mình là một nghịch lý quá lớn. Có nghĩa ở đây có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, ông nói gà bà nói vịt giữa thái độ, ước vọng của nhân dân và tâm lý tiêu cực của nhà cầm quyền. Sự nghịch lý này càng kéo dài, mâu thuẫn giữa hai bên càng mạnh mẽ, sâu sắc thêm, không thể khắc phục được. Có nghĩa nhà nước chưa có cái lệ thiết yếu như đã nói. Bởi vì nếu đã có ý thức về cái lệ thiết yếu đó thì đã nhanh chóng làm luật. Điều này cho thấy đôi khi chính cái lệ còn quan trọng hơn cái luật. Vì lệ là thói quen, là cái gì người ta thường suy nghĩa phổ biến trong đầu, còn luật thực chất chỉ là sản phẩm, là sự cụ thể hóa những điều mà lệ đòi hỏi, bó buộc. Đó là ý nghĩa tại sao lâu nay dân và chính quyền cơ bản vẫn chưa gặp được nhau là như thế. Tức là kẻ trông đàng nọ người nhìn đàng kia, tạo ra tình trạng lệ không giống nhau, như vậy còn làm gì có luật nào gắn bó trong thực tế được. Có nghĩa chính cái định hướng của một nhà nước mới là điều quan trọng. Bởi có định hướng thì chính quyền mới có quan tâm tới luật, hăng hái, tích cực soạn luật. Còn bèn không, không có định hướng thì chờ tới khi nào con khóc mẹ mới cho bú. Nhưng con khóc mẹ không cho bú mà còn đánh đòn nặng, thậm chí có sữa đâu mà cho con bú. Tính cách vô trách nhiệm và bất xứng của bà mẹ trong những trường hợp như thế chính là như thế đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét