Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Điều 1 Luật Công Đoàn – Có vì Công Nhân?

          


                      
   
        3 người trẻ tuổi hoạt động cho quyền của người lao động tại Việt Nam. Hai trong ba người hiện đang bị cầm tù

Tinh thần của một bộ luật, cũng như đối tượng và phạm vi điều chỉnh, thường thì người đọc có thể hiểu được ngay từ phần đầu. Đó là những quy định chung, chứa đựng toàn bộ nội dung khái quát. Trên cơ sở đó, chúng ta hãy tìm hiểu điều 1 Luật Công Đoàn để làm sáng tỏ nội dung trên. Cùng nhau bàn luận, để rồi có một cái nhìn khách quan, đúng đắn về bộ luật này. Để có cái nhìn tổng quan, dưới đây là trích dẫn nguyên văn điều 1 Luật Công Đoàn Việt Nam:


“1 – Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động Việt Nam (gọi chung là người lao động) tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam; là thành viên trong hệ thống chính trị Việt Nam; là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động.

2 – Những người lao động Việt Nam làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị, tổ chức) đều có quyền thành lập và gia nhập công đoàn trong khuôn khổ điều lệ công đoàn Việt Nam. Các hội của những người lao động thành lập theo quy định của pháp luật có quyền gia nhập các liên đoàn lao động.

Khi thành lập, mỗi tổ chức công đoàn thông báo cho cơ quan chính quyền, tổ chức hữu quan để xây dựng quan hệ công tác.

Cấm mọi hành vi cản trở, vi phạm nguyên tắc tự nguyện tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với lý do người lao động gia nhập, hoạt động công đoàn.

3 – Công đoàn từ cấp cơ sở trở lên có tư cách pháp nhân.

4 – Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các công đoàn ngành Việt Nam có quyền gia nhập các tổ chức công đoàn quốc tế phù hợp với mục đích hoạt động của mình.”

Trước hết, chúng ta hãy tạm gác lại câu “là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động” không thì tức cười đến chết mất. Nếu có dịp thì chúng ta sẽ trở lại với chủ đề này sau. Còn bây giờ là nội dung chính mà điều 1 muốn đề cập tới.

                             
                                            
                   Mô Hình Luật Công Đoàn Việt Nam   

                              
Mục 1 điều 1 nêu lên định nghĩa về khái niệm Tổ chức Công Đoàn. Cũng như những bộ luật khác của nhà nước Cộng sản Việt Nam, tất cả đều sai và mâu thuẫn ngay từ định nghĩa ban đầu, vì vậy mà toàn bộ những nội dung còn lại chỉ là những quy định sai trái để biện minh. Tại sao Công đoàn là một tổ chức chính trị - xã hội của người lao động tự nguyện lập ra, nhưng lại dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam? Chúng tôi hiểu rằng, nếu tổ chức Công đoàn do người lao động tự nguyện lập ra thì những người lãnh đạo là phải do người lao động tín nhiệm bầu lên chứ? Đảng Cộng sản là một đảng phái chính trị, tại sao lại lãnh đạo một tổ chức xã hội, mà cụ thể ở đây là của những người lao động? Như thế thì liệu tính chính danh có được đảm bảo? Và rằng nếu tổ chức Công đoàn được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản thì việc những người Công nhân tự nguyện lập nên còn có ý nghĩa gì nữa? Điều này nghe na ná như câu nói cửa miệng mà những người Cộng sản vẫn ưa dùng khi nói về khái niệm tự do của người dân: “Tự do trong khuôn khổ”. Thật là nực cười phải không quý vị? Chúng ta chưa hề thấy ai định nghĩa tự do có khuôn khổ như người Cộng sản cả. Vì rằng ý nghĩa của bản thân hai từ Tự do là tuyệt đối và thiêng liêng. Loài người ngày càng đấu tranh để khái niệm của Tự do được mở rộng, và không có giới hạn nào cho tự do cả. 
                                     
Họ còn quy định tổ chức Công Đoàn là thành viên trong hệ thống chính trị Việt Nam. Điều này có nghĩa Công Đoàn là một bộ phận cấu thành của bộ máy quái dị do nhà nước Cộng sản lập nên. Một nhà nước mà họ gọi là Kiểu mới, để rồi thích nặn nó thành hình thù gì cũng được, cho dù đầy nghịch lý và mâu thuẫn. Cấu trúc bộ máy nhà nước là do đảng Cộng sản Việt Nam lập nên chứ không phải do người dân. Vì vậy muốn hiểu được bộ máy nhà nước Việt Nam thì phải hiểu đảng Cộng Sản Việt Nam là như thế nào đã. Tố Hữu, nhà thơ của chế độ Cộng sản định nghĩa rằng: 

“Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây xương sắt da đồng...”

Có nhiều người đọc xong thì đố mọi người đó là con gì? Và nhiều người đã có lý khi trả lời rằng: Là con quái vật. Vì rằng chỉ có quái vật mới có trăm tay ngàn mắt và chân sắt vai đồng, chứ người bình thường đâu có vậy? Đảng Cộng sản là con quái vật thì cái bộ máy nhà nước do họ nhào nặn nên cũng là một sản phẩm quái thai, điều đó thì không có gì là khó hiểu cả. Có thế thì tổ chức Công đoàn mới bị đặt vào cái hệ thống chính trị đó chứ.

Tại mục 2 có ghi: “Cấm mọi hành vi cản trở, vi phạm nguyên tắc tự nguyện tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn; phân biệt đối xử với lý do người lao động gia nhập, hoạt động công đoàn”. Oái ăm thay, chính nhà nước Cộng sản lại là người vi phạm quy định này khi họ ra tay đàn áp và bỏ tù những người Công nhân tham gia thành lập Công đoàn độc lập năm 2006. Đối với những người Cộng sản, quyền tự do thành lập Công đoàn của người Công nhân là phải do họ chỉ đạo và quản lý. Đó là thứ tự do hình thức, mọi thứ đều do Đảng Cộng sản sắp đặt và lập nên, còn người Công nhân chỉ việc tham gia để hợp thức hoá cho sự quản lý độc tài mà thôi.

Trên đây là những khái niệm cơ bản mà chúng ta phân tích để thấy rõ sự sai trái và phi lý của bộ Luật Công Đoàn Việt Nam. Những điều khoản còn lại cũng chỉ là hoa lá cành để tô điểm cho một cái cây độc tài phi nghĩa mà thôi. Cũng như tất cả những bộ luật khác của nhà nước Việt Nam, Luật Công Đoàn chỉ là để hợp thức hóa sự lãnh đạo toàn diện và độc tài của đảng Cộng sản lên mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vị vậy mà những người Công Nhân Việt Nam đã bị cướp đi các quyền lợi chính đáng của mình. Từ đó mà giới chủ có thể ngang nhiên cấu kết với nhà nước độc tài để bóc lột và đàn áp người Công Nhân. 

  Huỳnh Công Đoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét