Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Ối giời, tiền tỉ

Nguyễn Thông

Sao dạo rày sợ tiền thế không biết. Khố rách áo ôm như mình lẽ ra phải mê tiền, đằng này sợ. Hiểu rồi, mình nhặt bạc cắc, còn thiên hạ toàn chơi tiền tỉ.
Dân giàu nước mạnh, nhiều tiền thì tốt chứ sao. Nước Mỹ lâu lâu lại làm phép tổng kết xem có bao nhiêu tỉ phú để vênh váo với thế giới. Forbes đã đưa anh nào vào danh sách chẳng khác gì đeo cho cái huân chương công trạng làm giàu. Xưa K.Marx coi đồng tiền là con đĩ nhân loại, nay con cháu Marx tôn tiền thành tiên thành phật. Ở xứ ta cũng chẳng ngoại lệ.
Bất cứ nơi đâu trên quả đất này, dân đều phải có nghĩa vụ đóng thuế, nộp vào ngân sách nhà nước. Ngân sách là tiền mồ hôi nước mắt của dân, thậm chí là máu, là sinh mạng. Chi một đồng ngân sách cũng phải cân nhắc, hợp tình hợp lý thì dân mới ủng hộ, chứ đâu có cái thói ném tiền qua cửa sổ. Vì vậy, thật chả ra sao khi người dân cứ ồn ào lên với vài vụ chi tiền, mất tiền tỉ gần đây.

Xa một chút là vụ Vinashin, không phải mất toi tiền tỉ bình thường mà gần trăm ngàn tỉ. Khiếp. Nháo nhác như nhà bị cả trung đoàn ồ vào cướp. Rồi người ta dàn xếp, cơ cấu lại, tính toán trừ chỗ này bớt chỗ kia, tóm vài lão tốt đỏ vào nhà đá để hạ hỏa, nay thì “tạm ổn” nhưng mình đoan chắc tiền tỉ tỉ ấy toi rồi.
Gần, thật gần là vài vụ điển hình.
Theo báo Dân Trí, tòa nhà Bảo tàng Hà Nội vừa được đưa vào hoạt động có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỉ đồng. Với số tiền ấy, mình cứ nghĩ nó phải to như quả núi, nguy nga lộng lẫy không kém gì cung điện Burmingham. Vậy mà chả phải, giới kiến trúc nhận xét ra sao chứ mình coi nó là khối xi măng thô kệch, xấu vào loại nhất Đông Dương từ xưa đến nay. Báo chí cũng phàn nàn, bảo tàng bảo tiếc gì mà lèo tèo vài ba món đồ, người thăm cũng lèo tèo. Hay là đặt lại cho nó cái tên bảo tàng Bà Đanh. Món tiền gần 3 ngàn tỉ nói trên mua được nỗi thất vọng.
Cách nay hơn tuần, người ta choáng khi biết chính quyền quận Ba Đình lập dự án tu bổ tôn tạo chùa Một Cột. Cái chùa cổ ấy (thực ra thì được phục dựng lại hoàn toàn năm 1955 sau khi bị Pháp giật mìn phá hủy) mình biết lắm, kiến trúc đẹp, vị trí đẹp, nhưng về quy mô, có lẽ to chưa bằng căn hộ loại thường của chúng sinh. Nó cũ thì làm cho mới hơn, hư thì sửa, xuống cấp thì nâng cấp. Nhưng những 31 tỉ tiền, lạy Phật, chả biết người ta đắp chừng ấy tiền vào cái gì. Hay họ định dát vàng, nạm kim cương. Có xây hẳn một cái chùa mới toanh to gấp 10 chùa cũ cũng không xài hết chỗ tiền mồ hôi nước mắt đó, các ông bà ạ.
Chùa Một Cột (ảnh chụp tháng 6.2008, Nguyễn Thông)
Cầu Long Biên bắc qua sông Cái nối Hà Nội tỏa đi khắp nơi. Hơn trăm năm nay nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giờ về hưu non bởi nhiều em con cháu nó đứng thay gánh vác. Mình thấy mừng khi bà kiến trúc sư Việt kiều Nguyễn Nga tuyên bố đang lập dự án biến nó thành công trình văn hóa-lịch sử, lưu lại cho đời sau ngắm nghía. Nhưng mừng hụt. Bà Nga bảo phải tốn những 5.000 tỉ đồng, không nhờ ngân sách nhà nước, tuy nhiên sẽ sử dụng hết số tiền 80 triệu euro mà chính phủ Pháp hứa tài trợ nhà nước ta. Tưởng giỏi giang gì, vẫn bấu vào nhà nước. Xin thưa với bà, nếu bà tự xin được tiền của người Pháp đi một nhẽ, còn đây nhà nước cho nhà nước thì nó là tiền của dân. Bà có biết để làm cây cầu Mỹ Thuận hoành tráng cực kỳ quan trọng với đồng bằng sông Cửu Long, hết bao nhiêu không, chỉ 67 triệu USD thôi đấy. Hay lại tính mạ vàng cầu qua sông Cái?
Vụ tiếp này thì hơi nhạy cảm, nói ra sợ bị mắng. Đó là tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ban đầu là ý tưởng, sáng kiến của đài Tiếng nói Việt Nam, chắc định làm nhỏ thôi. Có phát mà không có động (đậy) nên tiền thu được chả bao nhiêu, đài liền pát-xê qua cho tỉnh Quảng Nam. Sau bao nhiêu lận đận, tỉnh nghèo gắng sức nhưng đuối, mà chả dám kêu. Nay chốt lại, vừa địa phương vừa nhà nước trung ương cùng làm, bổ sung 330 tỉ đồng, thành tổng dự toán 410 tỉ đồng. Tiền đó nhiều ít thế nào so với công trình, mình không có chuyên môn nên không dám bàn, chỉ rụt rè ngỏ rằng giá cứ làm vừa vừa phai phải, đừng dựa vào oai linh mẹ anh hùng để thỏa bệnh thích hoành tráng thì hợp lý hợp tình biết bao nhiêu. Rất nhiều mẹ anh hùng trên cả nước này đã gần đất xa trời, chăm lo các mẹ chưa chu đáo, nhiều mẹ miếng ăn chả đủ, nhà tranh vách nát, sống buồn bã cô đơn. Dành phần lớn số tiền ấy nuôi chăm các mẹ có hơn không. Và nói liều thêm: xem ảnh chụp khối tượng phác thảo, lại vẫn đường nét gồ ghề, vuông thành sắc cạnh, mình thấy chả cảm tình tí nào. Xếp hạng, có lẽ cỡ Bảo tàng Hà Nội. Thế mà có vị dám so sánh sản phẩm chưa ra đời ấy với tượng bà mẹ Tổ quốc trên đồi Mamaiev ở Liên Xô. Nhà cháu xin bái phục.
Dành tiền tỉ để chăm sóc các mẹ còn sống, bớt chút ít cho các cháu đến trường, có lẽ hợp lý hơn
Nhắc đến tiền tỉ, nhớ thêm vụ 42 tỉ bay hơi ở cục Điện ảnh. Hai ông cục trưởng, cục phó mất chức chưa đủ đâu nhé. Tiền dân đóng thuế, đưa cho các ông làm phim phục vụ nhân dân. Phim chửa thấy đâu, tiền bay vụt mất. Liệu tay kế toán kiêm thủ quỹ ấy có ăn một mình, kệ, các ông cứ phải đền. Không đền là dân đốt phim.
Kể từ 1.10 tới, người lao động sẽ được tăng lương tối thiểu lên đến 1,4 triệu đồng/tháng (mức thấp nhất). Sau khi trừ thuế thu nhập 5%, còn lại hơn triệu bạc. Một tháng 30 ngày, sống ra sao với số tiền ấy, nghĩ nát cả óc. Bình quân hơn 30 ngàn đồng gánh đủ thứ bà rằn trong ngày, ối giời, không dám nghĩ nữa.
Tiền tỉ vẫn cứ đi đằng tỉ, bạc cắc vẫn hoàn bạc cắc. Giá mà hoán đổi được để xứ này thêm nhiều nhiều tỉ phú. Bằng không thì phải dùng biện pháp của Zimbabwe thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét