Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Ba - Tư đại chiến (phần 2)

Trềnh A Sáng

Người dân Việt Nam được gì?

Vào thời điểm xung quanh Đại hội, các nhà báo nắm vai trò chủ chốt ở các tòa soạn luôn phải thuộc nằm lòng một điều: không đụng gì tới chính sách kinh tế của chính phủ, khác rất xa với các màn đánh đấm mà báo chí được “tự do” thi triển trước đó không lâu.

Cũng phải kể đến một nguyên tắc mà dân làm báo phải thuộc nằm lòng ở Việt Nam, và Ba Dũng cũng hiểu rất rõ, đó là trước thềm mỗi Đại hội Đảng, báo chí không được đề cập quá nhiều đến chuyện tiêu cực của chính quyền. Cho nên, dù Tư Sang vẫn đích thân hoặc cho tay chân đi úy lạo các đầu mối báo chí, nhưng những mũi tên bọc chữ đã không thể phát huy tác dụng trong hoàn cảnh này.

Lép vế, nhưng phe Tư Sang vẫn cầm cự dai dẳng với những cú đâm ở hậu trường, chủ yếu nhằm vào chính sách kinh tế và phong độ tả tơi của các tập đoàn trong nhiệm kỳ vừa qua của Ba Dũng. Trong các cuộc họp kín của Bộ Chính trị, đã không ít lần Tư Sang và Nguyễn Văn Chi lật bài ngửa, quăng hồ sơ chống lại phe Ba Dũng lên bàn kèm theo những điều kiện thỏa hiệp. Cho nên rốt cuộc đã phải tiến hành thêm một cái hội nghị nữa: Hội nghị 15, trước khai mạc Đại hội XI chỉ có hai ngày!

Ai cũng biết cái hội nghị này, cũng như hai cái 13 và 14, có trọng tâm là nhân sự. Chính ông Mạnh cũng đã nói điều đó, rằng “tại Hội nghị Trung ương 15 lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét và quyết định các nội dung: giới thiệu bổ sung nhân sự Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XI…”

Nhìn về hai phía
Nguồn Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images


Đây là lúc chốt lại những thỏa hiệp cuối cùng. Và rốt cuộc thì mọi việc diễn ra như chúng ta đã biết. Ba Dũng cài cắm người vào hết các chức vụ quan trọng, rải đều từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, anh Ba Kiên Giang rốt cuộc cũng phải có một số nhượng bộ cho ông Chi và ông Sang. Đồng chí Trương Tấn Sang của chúng ta – tức Tư Sang – được trao một chiếc ghế mà theo truyền thống là có ít quyền lực nhất trong tứ trụ – chủ tịch nước.

Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Tôi nhớ ông giáo sư Carl Thayer người Úc từng nhận định, đại ý rằng trong chính trường Việt Nam hiện tại thì chỉ có Tư Sang mới may ra kiềm chế được Ba Dũng. Quả đúng như vậy. Như kiểu Tào Tháo nói với Lưu Bị thuở xưa, rằng trong gầm trời này chỉ có Lưu Huyền Đức huynh và Tào Mạnh Đức đệ là anh hùng.

Khi vừa ngồi yên trên chiếc ghế chủ tịch nước, ông Tư Sang lập tức biến vị trí chủ tịch nước vốn là nơi ngồi chơi xơi nước như thời Trần Đức Lương, hay là nơi tấu hài như thời Nguyễn Minh Triết, trở thành một chiếc ghế quyền lực như thời Lê Đức Anh. Vào tay cao thủ thì lá cỏ mong manh cũng có thể thành vũ khí, một thành trì nhỏ cùng dăm ngàn quân sĩ ở Tân Dã cũng được Lưu Bị biến thành nơi phát khởi của một đội quân hùng mạnh. Tư Sang chính là Lưu Bị thời nay. Một chính trị gia kỳ tài hay là một kẻ bụng dạ hiểm sâu, tùy góc nhìn của người phán xét.

Nhưng khác với đại tướng Lê Đức Anh, vốn chỉ giỏi đánh đấm nơi hậu trường, ông Sang tỏ ra là một chính khách giỏi cả đối nội (kể cả đối đầu) lẫn đối ngoại. Ông đã xây dựng cho mình hình ảnh một nguyên thủ năng động, lo cho dân cho nước, và đặc biệt là có hơi hướm “chống Tàu” (như đã nói ở phần đầu). Ông Sang đã bắt đầu củng cố uy tín bằng các chuyến công du trong và ngoài nước, bằng những phát biểu ồn ào ngay khi ngồi chưa ấm chỗ.

Khác hẳn với người tiền nhiệm Sáu Phong đầy chất “u-mua” bưng biền, Tư Sang mạnh mẽ hơn, chính trị hơn, nên dễ lấy lòng đám trí thức hơn. Một vài chuyến công du, một vài phát biểu về hợp tác với Ấn Độ, Philippines khiến đám trí thức “chống Tàu” nức dạ. Ồ, mạnh mẽ quá! Một lãnh đạo Việt Nam phải cương như thế chứ!

Trên mạng, đã thấy không ít nhân sĩ trí thức trầm trồ: “Anh Tư hay quá!”, “Hoan hô anh Tư!”. Dân trí thức Việt Nam, dù là hô hào dân chủ hay chống Tàu kịch liệt, thì rốt cuộc cũng chỉ là những kẻ mang nặng tư tưởng Nho giáo, tôn sùng lãnh đạo một cách ngu ngốc mà thôi.

Trên mặt trận công khai là vậy, còn phía sau cánh gà, Tư Sang bắt đầu sử dụng lại các chiêu thức cũ, một mặt chỉ đạo đám nhà báo tay chân viết bài tấn công phe Ba Dũng, một mặt rò rỉ thông tin cho những cây bút tự do trên mạng chửi ông Ba Rạch Giá và nội các của ông ta. Một số cây bút tự do gạo cội, sau thời gian dài núp bóng trùng với giai đoạn tả tơi của Tư Sang, giờ lại hồi sinh bằng các bài viết tấn công trực diện vào Ba Dũng và các đồng minh.

Cuộc chiến ở hiệp hai coi bộ gay cấn không kém ở hiệp một, khi Ba Dũng bắt chước được một vài chiêu thức của Tư Sang, mượn dăm tờ báo của người cao tuổi, cựu chiến binh tấn công một nữ dân biểu và là chủ một mạng lưới kinh tế sân sau của Tư Sang.

Nhưng khác với Tư Sang vốn là một Lưu Bị trong việc dùng người trí thức, Ba Dũng chỉ là một gã võ biền. Ngay cả khi sử dụng báo chí để đánh đối thủ, ông Dũng vẫn quen với cách đánh đấm vốn là đặc trưng của công an, quân đội. Nếu như khi Tư Sang đánh Ba Dũng, vụ Vinashin, vụ lạm phát…, báo chí có những bài phân tích có thể coi là khá sâu sắc; thì giờ đây, khi Ba Dũng đánh Tư Sang, những cây bút phường chợ búa đã được huy động, với những ngôn từ tương tự như báo Công An Nhân Dân đánh “bọn phản động”.

Nếu như ở nhiệm kỳ trước, người ta thấy Tư Sang luôn chú trọng đánh vào hậu phương của Ba Dũng – tức là những tập đoàn kinh tế do ông thủ tướng chống lưng, thì ở nhiệm kỳ mới, người ta thấy Ba Dũng dùng chính chiêu thức của Tư Sang để đánh Tư Sang. Mượn mấy tờ báo người già để đánh bà Đặng Thị Hoàng Yến chỉ là một trong rất nhiều đòn mà Ba Dũng đã học được từ Tư Sang trong chiến dịch đánh vào hậu phương của đối thủ chính trị.

Trong thời gian gần đây, một loạt dự án lớn của tập đoàn Tân Tạo đã bị rút giấy phép, chẳng hạn các dự án đảo nhân tạo Hải Âu, khu đô thị - công nghiệp chất lượng cao và dự án khai thác mỏ đá Hòn Sóc đều ở Kiên Giang, quê hương của anh Ba Dũng. Ai cũng biết Tân Tạo vốn là sân sau của Tư Sang, mỗi một thành công của tập đoàn này đều có dấu ấn của Tư Sang, mỗi một sự kiện của Tân Tạo thì Tư Sang cũng đều tham dự để “pi-a”. Trong chuyến thăm Đại học Tân Tạo hồi Tết Kỷ Sửu, ông Sang, khi đó là thường trực Ban Bí thư, nói rằng trường này sẽ sớm đạt chuẩn quốc tế, vào top ASEAN, sau đó là Châu Á và thế giới.

Tân Tạo là “hổ tướng” của Tư Sang. Nên chi việc Ba Dũng cho báo Cựu Chiến Binh và Người Cao Tuổi đánh thẳng vào Tân Tạo cũng giống như Tôn Quyền cử Lã Mông đi tiêu diệt Quan Vân Trường vậy.

Phong độ chói sáng của Tư Sang trên chính trường ở đầu hiệp hai là một bất ngờ lớn đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cho nên anh Ba Rạch Giá đã vội vã sử dụng chiêu thức cũ của Tư Sang để triệt hạ đối thủ: đó là đánh vào các tập đoàn sân sau.

Trận đấu mới tới phút 60, vẫn còn dài và sẽ còn nhiều gay cấn. Quý vị hãy bình tâm theo dõi.

Nhưng đến đây, có một câu hỏi cần được trả lời, đó là: những màn đấu đá thượng đỉnh nơi kinh kỳ sẽ ảnh hưởng gì tới vận mệnh đất nước, vận mệnh đảng Cộng sản, tới cuộc sống của người dân Việt?

Tất nhiên, trong các cuộc đấu ấy, bất luận Ba Dũng hay Tư Sang thắng thì chính trị Việt Nam vẫn không vì thế mà tốt lên. Tư Sang tốt hơn Ba Dũng và khi Tư Sang lãnh đạo thì đất nước sẽ tốt hơn, Việt Nam sẽ cứng hơn với Trung Quốc ư? Câu trả lời chắc chắn là không. Về mặt con người, Tư Sang không chắc tốt hay xấu hơn Ba Dũng. Nhưng cái cơ chế chính trị này buộc họ phải xấu như nhau.

Các vụ phanh phui Vinashin, Tân Tạo… được các đối thủ chính trị, ở đây là Tư Sang và Ba Dũng, tung ra để triệt hạ lẫn nhau, chứ không vì lợi ích quốc gia. Một khi cuộc chiến đến lúc cần phải thỏa hiệp, thì họ sẽ ngồi vào bàn. Chiếc bánh quyền lực sẽ lại được chia theo tỉ lệ mới.

Con nào chết dân vẫn khổ
Nguồn zimbio.com


Nhưng bất luận tỉ lệ nào, người dân luôn không có phần ở đó. “Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”, nhà thơ Nguyễn Duy từng nói thế khi nghĩ về chiến tranh với hình thức nguyên thủy là súng đạn trên chiến trường. Còn ở Việt Nam, cuộc chiến quyền lực đỉnh cao không cần đến súng đạn, nhưng hậu quả vẫn giáng xuống đầu người dân một cách trầm trọng.

Tuy thế, những cuộc đấu đá nội bộ này cũng có mặt tích cực cho đại cuộc. Trước mắt, nhờ Tư Sang đánh Ba Dũng mà chúng ta mới biết đến một Vinashin nợ đầm nợ đìa, mới thấy một dự án tàu lửa cao tốc bị dừng lại… Ở các nước dân chủ phương Tây, các đảng chính trị cạnh tranh với nhau để giành quyền lực. Ở Việt Nam, chỉ có một đảng, nhưng các ông ấy cũng đấu đá lẫn nhau. Đó là một dạng thức vận động để cân bằng quyền lực. Còn về lâu về dài, những cuộc đấu đá này sẽ khiến uy tín của đảng Cộng sản bị xói mòn.

Đảng Cộng sản Liên Xô sau khi Lenin mất đã liên tục chứng kiến những cuộc đụng độ sau cánh gà, những màn triệt hạ lẫn nhau giữa các nhân vật chóp bu. Stalin tống đuổi Trotsky và cuối cùng phang một nhát rìu vào đầu đối thủ. Cuối đời, Stalin cũng thất sủng cố vấn của mình là “Cocktail” Molotov. Đến lượt mình, Nikita Khrushchev đã làm tất cả để tiêu diệt tàn dư của Stalin, từ trùm mật vụ Lavrentiy Beria đến bộ ba Nikolai Bulganin, Vyacheslav Molotov và Lazar Kaganovich. Rồi cuộc chiến quyền lực tiếp diễn và Khrushchev trở thành nạn nhân của nhóm Leonid Brezhnev, Anastas Mikoyan, Vladimir Semichastny và Nikolai Podgorny.

Những cuộc chiến ấy cứ tiếp diễn, như những khối u không ngừng lớn lên, di căn tứ phía trong lòng một cơ thể của gã khổng lồ Liên Xô với vẻ ngoài rất cường tráng. Cho đến một ngày, khối u đó bùng phát ra bằng những tuyên bố của Mikhail Gorbachev cách nay hơn 20 năm.

Câu chuyện ở Việt Nam được dự báo cũng sẽ diễn tiến theo chiều hướng mà Liên Xô từng kinh qua. Nhưng trong kỷ nguyên mà thông tin chạy nhanh bằng tốc độ ánh sáng này, tiến trình di căn của khối u trong lòng Đảng được dự báo là sẽ rất nhanh.



Nguồn: DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét