Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Giải pháp nào cho người Việt lao động bất hợp pháp tại Malaysia?


Từ đầu mùa thu năm nay 2011, chính phủ Malaysia bắt đầu ban hành chính sách ân xá và hợp thức hóa cho khoảng 1,5 triệu người lao động nước ngoài đang ở trong tình trạng bất hợp pháp nói chung (gọi tắt là 6P), trong đó có hơn 13 nghìn người lao động Việt Nam. Những người lao động bất hợp pháp muốn được ở lại tiếp tục làm việc theo chương trình 6P gặp phải các trở ngại nào trong giai đoạn hiện nay của chương trình?

 Nhiều công nhân nước ngoài tại Malaysia tạm trú trong các container như thế này. 
Ảnh chụp ngày 25/6/2010, vùng Meru, ngoại vi Kuala Lumpur. REUTERS/Samsul Said


Cũng trong tạp chí này, chúng tôi sẽ tìm cách giải đáp hai câu hỏi sau đây : tại sao có nhiều người lao động Việt Nam rơi vào tình trạng bất hợp pháp (BHP) và trong hiện tại, có những biện pháp hỗ trợ nào đối với những lao động BHP người Việt tại Malaysia nói riêng và lao động Việt Nam ở trong những tình trạng đặc biệt khó khăn nói chung ? 

Khách mời của Tạp chí là tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Washington) – người chủ xướng Văn phòng giúp đỡ người lao động tại Á Châu và trên thế giới CAMSA, tham tán Nguyễn Tiến San – Trưởng ban Quản lý Lao động Việt Nam – Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, ông Đoàn Việt Trung (Úc) - thành viên một tổ chức giúp đỡ người lao động Việt Nam - và mục sư Nguyễn Thới Lai – đại diện Hội thánh Tin Lành tiểu bang Melaka (Malaysia). 

Còn ít người lao động BHP lên sứ quán làm thủ tục hợp thức hóa

Theo các nguồn tin báo chí, sau một giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài, trong thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Malaysia đã vượt qua suy thoái. Hàng trăm nghìn việc làm mới được tạo ra. Quốc hội Malaysia vừa thông qua Luật tiền lương tối thiểu, mức sống của người lao động, như vậy, về nguyên tắc sẽ được cải thiện. Thị trường lao động Malaysia lại bắt đầu trở thành điểm đến của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh việc khuyến khích các luồng nhân công nhập khẩu mới trong giai đoạn nền kinh tế đang có triển vọng chấn hưng mạnh mẽ, Malaysia cũng buộc phải giải quyết tình trạng lao động BHP rất đông đảo, tồn đọng từ nhiều năm nay. Số phận của những người lao động đang ở trong tình trạng BHP tại Malaysia sẽ mang lại cho công chúng một số dấu hiệu cho phép đánh giá, liệu Malaysia có thực sự là một điểm đến đáng tin cậy đối với người lao động hay không?

Để trả lời cho câu hỏi đầu tiên - Chương trình hợp thức hóa 6P có tác động như thế nào đến hàng nghìn người Việt lao động BHP, sau đây là ý kiến của ông Nguyễn Tiến San, Tham tán đại sứ quán – Trưởng ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia:

Ông Nguyễn Tiến San : Hiện nay, chính phủ Malaysia đang có chủ trương [6P], có sáu bước. Bước thứ hai là « hợp pháp hóa » cho những người cư trú BHP. Nếu có chủ nhận, [người lao động] có thể đăng ký để các cơ quan hữu quan của Malaysia làm thủ tục « hợp pháp hóa » cho người lao động. Chủ trương đó, sứ quán cũng tạo mọi điều kiện cho các công dân của chúng ta, nếu công dân nào trong diện đó, có đủ điều kiện, có chủ sử dụng tiếp nhận, đảm bảo các điều kiện tối thiểu, thì chúng ta tạo điều kiện cho công dân của chúng ta đăng ký, hợp pháp hóa để ở lại tiếp tục. 

RFI : Thưa anh, theo báo chí, khoảng hơn 13.000 lao động BHP, có khoảng 11.000 người đã đăng ký, nhưng cũng có thông tin cho biết con số này ít hơn, vậy thực tế ra sao, thưa anh?

Ông Nguyễn Tiến San : Theo thông tin của Bộ Nội vụ Malaysia, có 13.500 công dân của chúng ta ra trình diện lấy giấu vân tay, theo chương trình 6P của Malaysia, trong đó có 11.000 người có nguyện vọng ở lại làm việc. Hiện nay, 11.000 người này đang đăng ký để hợp pháp hóa. Về chính thức, chưa có nhiều công dân của chúng ta làm được. Có nhiều lý do, trong đó có lý do về thông tin, rồi có vấn đề là công dân ta có tâm lý chờ đợi. Số công dân lên [đại sứ quán] vẫn còn ít, so với số lượng đăng ký. 

RFI : Thưa anh, theo chính sách mới của chính phủ Malaysia, đối với những người lao động được ở lại trong tương lai, thì điều kiện làm việc và đời sống của họ có khả năng được cải thiện so với trước không?

Ông Nguyễn Tiến San : Cái đó, hoàn toàn là do người lao động chủ động, tự chọn các chủ sử dụng. Phía Việt Nam cũng yêu cầu người lao động chọn các công việc, tất nhiên là phải tốt hơn trước, thì người ta mới muốn ở lại. Anh biết, công dân của chúng ta cũng nhiều nhu cầu. Chúng tôi cũng khuyến khích là phải chọn những công việc không những phù hợp, mà còn phải đảm bảo được các điều kiện tối thiểu để tiếp tục ở lại, trừ một số lĩnh vực mà chính phủ Malaysia cấm, thì đừng có đăng ký vào đấy. 

Những trở ngại đối với người lao động BHP muốn ở lại 

Cũng về câu hỏi đầu tiên – chương trình 6P tác động ra sao đến người lao động BHP, đặc biệt là những khó khăn của những người lao động trong giai đoạn hiện nay của chương trình này, cùng những khả năng trợ giúp cho họ, sau đây là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng – thành viên của tổ chức hỗ trợ lao động nhập cư CAMSA (từ Washington):

Ông Nguyễn Đình Thắng: Chúng tôi được biết, có khá nhiều người lao động Việt Nam đã đăng ký làm thủ tục bước đầu. Chúng tôi cũng được biết, nhiều người đã nhận được hộ chiếu, và đã hồi hương. Số người chọn ở lại thì hiện nay chưa có thủ tục, chưa có bước kế tiếp để hợp thức hóa việc ở lại của họ. Chính phủ Malaysia chưa công bố thể thức, thành ra hiện nay chưa có bước kế tiếp. 

RFI : Có lẽ vì thế, mà trong một thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, cho biết, có ít người lên làm thủ tục bước tiếp theo, có phải họ ngần ngại vì lẽ đó, phải không anh?

Ông Nguyễn Đình Thắng : Vâng, có lẽ là vì vậy. Bởi vì, bước đầu tiên họ phải làm là phải đăng ký với chính phủ Malaysia, thứ hai là phải xin cái hộ chiếu của quốc gia gốc của họ. Thì hai cái đó họ có thể làm được, còn bước kế tiếp là xin « hợp thức hóa », thì hiện nay chưa có thủ tục, thành ra, họ muốn làm cũng không được. 

RFI : Như thế thì, tình hình có vẻ như là treo. Cả bên phía chính phủ, cũng như phía người lao động, bên Việt Nam, cũng như Malaysia, đều ở trong trạng thái chờ đợi quyết định mới của chính phủ Malaysia, có phải không ạ?

Ông Nguyễn Đình Thắng: Vâng, hiện nay, đang chờ công bố của chính phủ Malaysia về thủ tục trong bước kế tiếp. Nhưng còn có một trở ngại nữa, mà một số công nhân người Việt đang ở lậu, đang gặp phải, là các lệ phí rất cao. Có nhiều tầng lệ phí khác nhau, chẳng hạn như là, đóng tiền lệ phí cho hộ chiếu ở Đại sứ quán Việt Nam, rồi lệ phí để lăn tay với chính phủ Malaysia, khi đăng ký. Rồi chưa kể lệ phí của các công ty nhân dụng, được chính phủ Malaysia trao cho quyền và trách nhiệm để làm thủ tục hợp thức hóa. Có công ty thì tính tương đối rẻ hơn, nhưng mắc nhất, chúng tôi biết rằng, có công ty tính từ 3.000 đến 4.000 ringgit, tức là trên 1.000 đô la. Nếu không may mắn, họ phải làm với những công ty tính lệ phí quá cao, thì tôi e rằng, ít người Việt mình có đủ khả năng trả lệ phí đó. 

RFI : Anh có thể nói rõ hơn về những khó khăn của những người Việt lao động BHP, muốn đăng ký ở lại tiếp, trong giai đoạn hiện nay của chương trình 6P?

Ông Nguyễn Đình Thắng: Thưa, nó là như thế này. Thứ nhất là bước tiếp theo chưa biết. Bước kể tiếp đòi hỏi phải có công ăn việc làm thì mới được ở lại Malaysia. Đó có thể là một trở ngại lớn, vì nó đang ở vòng luẩn quẩn, vì chưa có giấy tờ hợp lệ, thì làm sao đi xin việc được ?! Thành ra, giỏi lắm là chỉ dạm trước mà thôi, và họ án binh bất động để chờ khi có giấy tờ. Mà, muốn có giấy tờ, lại phải có người đứng ra hứa hẹn, xem như là sẽ cho công ăn việc làm. Cái đó là một vòng luẩn quẩn, mà phần lớn công nhân người Việt mình, sống bất hợp pháp ở Malaysia đang gặp phải. Hiện nay, tôi nghĩ rằng đấy là cái ưu tư lớn của các công nhân đang cư trú BHP tại Malaysia. 

RFI : Thưa anh, trong hoàn cảnh có những khó khăn như anh nói, bên cạnh việc chờ đợi cái quy định mới, thì có những biện pháp nào, từ các phía khác nhau, có thể có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ người lao động BHP?

Ông Nguyễn Đình Thắng: Đối với những người muốn ở lại lao động hợp pháp, thì bước kế tiếp cần phải được theo dõi, khi thủ tục được công bố, thì cần thông báo rộng rãi, và hướng dẫn cho đồng hương của mình ở Malaysia, họ biết được, thủ tục như thế nào, ở các địa điểm nào thì nó có thể có lệ phí tương đối phải chăng, và những rủi ro ra làm sao, trong những trường hợp không được hợp thức hóa, thì phải chuẩn bị hồi hương chẳng hạn. 

Nguyên nhân lao động BHP: bị giữ hộ chiếu, bị đối xử tàn tệ, ... 

Malaysia là một trong các quốc gia thu hút nhiều lao động từ Việt Nam nhất. Từ năm 2002 cho đến nay, có trên 190.000 người Việt Nam sang Malaysia làm việc trong nhiều lĩnh vực: công nghiệp chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, giúp việc gia đình, … Tại sao trong số những người lao động sang Malaysia làm việc, nhiều người lại bị rơi vào tình trạng BHP ? Ông Đoàn Việt Trung – thành viên của một tổ chức bảo vệ người lao động Việt Nam ở ngoài nước - đưa ra hai lý do giải thích về tình trạng này:

Ông Đoàn Việt Trung: Lý do thứ nhất liên hệ đến chuyện buôn người, và lý do thứ nhì liên quan đến chuyện, cái hộ chiếu của họ bị công ty chủ giữ lại. Về lý do thứ nhì, thì đại đa số, có thể nói là đến 99% người lao động Việt Nam mình, vừa đáp xuống Malaysia, thì bị tịch thu cuốn hộ chiếu liền. Bởi vì công ty môi giới lấy và trao cuốn hộ chiếu cho chủ công ty. Nếu mình muốn lấy lại thì phải trả tiền. Mà, khi họ đã giữ hộ chiếu như vậy, thì khi mình ra ngoài đường, thì mình sẽ bị rơi vào tình trạng BHP. Có nhiều người, khi bị chủ giữ hộ chiếu, thì chủ tha hồ muốn cho hợp đồng lao động tốt, thì may mắn cho mình, còn nếu hợp đồng không tốt, thì vẫn phải dính với người chủ đó. Đại đa số thì cố gắng, ráng ở lại với chủ. Một số thì, sau một thời gian chán nản, và khi bỏ đi kiếm việc ở nơi khác, thì đương nhiên thành BHP, vì không có quyền lấy lại hộ chiếu của mình. 

Thành phần thứ nhì là nạn nhân của buôn người. Từ Việt Nam, có một số tổ chức buôn người, đưa người qua Malaysia, hoặc nói thẳng thừng, là khi qua bên đó là để làm những nghề, ví dụ như gái đêm, … hoặc đưa người qua, làm cho người ta tưởng qua bên này sẽ có công việc tốt, nhưng đến nơi, thì mới biết mình đã bị đưa vô nhà chứa. Ngoài ra, có một số người không phải là nạn nhân, mà là tự họ, vì quá nghèo đói, hoặc quá tham tiền, đã tự họ dấn thân vào con đường, từ Việt Nam qua Malaysia để bán thân. Một số người làm nghề này cho chúng tôi biết, có cả ngàn người giống như họ. 

Cũng về lý do vì sao nhiều người lao động nhập cư, trong đó có nhiều người Việt Nam bỏ trốn khỏi công ty, mục sư Nguyễn Thới Lai đưa ra hai nguyên nhận, ông đặc biệt nhấn mạnh đến các đối xử bất công, tàn tệ tại nhiều xí nghiệp khiến hàng loạt công nhân phải bỏ trốn:

Mục sư Nguyễn Thới Lai: Vì thứ nhất, các em thiếu sự hiểu biết. Thứ hai là các em bị chủ nhân đàn áp, bóc lột, đối xử với các em hết sức tàn tệ. Một số công ty sau này cũng đã đỡ rồi, nhưng trước đây, nếu các công nhân chỉ cần phạm một sai lầm gì đó, là đấm vào mặt, tát tai, đá các em, nghĩa là đối xử như là một người nô lệ. Bỏ đói, đủ thứ hết, … Thành thử ra, đối xử của chủ nhân là một trong các yếu tố khiến các em phải bỏ công ty.
Tôi cho thí dụ về một công ty, mướn đến cả ngàn người Việt Nam, Bangladesh, Miến Điện, … Vài tháng trước đây, các công nhân không được trả lương, nên họ đình công. […] Người chủ nhân này đã kêu cảnh sát đến, khóa tất cả các cửa, và đem tất cả gạo cùng thức ăn của công nhân ra khỏi chỗ ở. Suốt trong ba ngày, các em bị nhốt, không có gạo ăn, không có cơm ăn. Các em nhịn đói ba ngày, sau đó phải đồng ý đi làm trở lại. 

Trong tháng vừa qua, tôi được một số nhân công người Việt Nam thông báo, có một số địa điểm bị cháy, rồi họ lấy cớ là do công nhân đốt. (…) Công nhân không làm việc trong một thời gian, các em không có tiền ăn, các em đói. Chỉ trong một đêm thôi, có hơn 500 nhân công đủ các nước, bỏ trốn. 

Chủ nhân đối xử với công nhân rất bất công, nên nhiều người bỏ công ty mà đi. Chứ thực sự, nếu họ qua đây làm việc, trả lương đầy đủ, làm việc đàng hoàng, thì người công nhân mình rất vui vẻ, tiếp tục làm việc, chứ không ai bỏ trốn ra ngoài. 

Nhiều công ty môi giới xuất khẩu lao động chưa có "đại diện thường trực"  

Trở lại về vấn đề quản lý người lao động Việt Nam nói chung, sau đây là các đánh giá chung của ông Nguyễn Tiến San – Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia:

Ông Nguyễn Tiến San: Nói chung là, các doanh nghiệp [môi giới xuất khẩu lao động] cũng chủ động trong quản lý. Nhưng thực hiện đúng như yêu cầu của nhà nước, thì nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được, chưa có đại diện chính thức, thường trực ở Malaysia để xử lý các vụ việc phát sinh đối với người lao động. 

Hiện nay, chúng tôi – là cơ quan quản lý nhà nước, nhiều lúc cũng phải xử lý các vụ việc cụ thể. Công tác quản lý [người lao động xuất khẩu] chính là của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đưa người lao động sang đây, nói chung, đa số ý thức được trách nhiệm của mình, nhưng có một số, có thể có các thông tin, cách xử lý vụ việc không đến nơi, … Trong cái chung, trong những cái tốt, thì cũng có những cái không được tốt. Đó cũng là điều bình thường trong cuộc sống. 

RFI: Thưa anh, có bộ luật mà Việt Nam mới ra, về phòng và chống buôn người, không biết rằng, trong thời gian gần đây có những vụ buôn người sang Malaysia hay không?

Ông Nguyễn Tiến San: Tôi không làm trực tiếp về cái này. Nhưng do sự đi lại giữa các nước ASEAN không có visa, thì có nhiều cơ hội để cho tổ chức đưa người bất hợp pháp, họ đưa người sang, với danh nghĩa đi lao động, hoặc đi du lịch. Cái đó ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi, cái này là [thuộc phạm vi] của các cơ quan trong nước. 

Cải thiện môi trường pháp lý cho lao động, đặc biệt chú ý đến nghề giúp việc nhà

Tình hình chung của lao động xuất khẩu người Việt Nam tại đa số các doanh nghiệp có thể là ổn, theo như nhận định của tham tán Nguyễn Tiến San, nhưng bên cạnh đó, trên thực tế, có rất nhiều người trong bộ phận những người lao động BHP nói chung tại Malaysia, trong đó có nhiều người Việt Nam, là nạn nhân của nạn buôn người, hay lừa đảo. Trong những năm gần đây, các cơ quan an ninh Việt Nam đã phanh phui nhiều đường dây lừa đảo, buôn người từ Việt Nam, liên quan đến hàng nghìn người lao động. Trong khi đó, việc môi trường pháp lý đối với người lao động tại Malaysia không thực sự bảo đảm, cũng được nhiều nhà quản lý và chuyên gia ghi nhận. Đây là lý do khiến khá nhiều người lao động Việt Nam, trong thời gian gần đây, e ngại khi đến làm việc tại nước này.

Về tình trạng này, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh đến việc bổ túc hiểu biểu cho các nhân viên công lực Malaysia cho việc phòng, chống buôn người mà Văn phòng của ông đang tiến hành, ông cũng đặc biệt lưu ý hoàn cảnh rất nguy hiểm của những người lao động nói chung, trong đó có người lao động Việt Nam làm nghề giúp việc tại gia đình:

Ông Nguyễn Đình Thắng: Luật của Malaysia về phòng, chống buôn người, bảo vệ cho người lao động ngoại quốc sang làm việc tại Malaysia chưa được thực hiện một cách đúng đắn, bởi vì, những giới chức công lực, có trách nhiệm theo dõi thực thi các đạo luật, thì hiện nay họ chưa vững chãi lắm trong cái đạo luật mới. Mới tuần rồi, Văn phòng của chúng tôi ở Malaysia thực hiện cuộc hướng dẫn và huấn luyện đầu tiên cho những công tố viên của Malaysia. Thành ra, họ đang học việc thôi. 

Thứ hai, chúng tôi e rằng, có thể là thành phần bị rủi ro nhiều hơn nữa, mà ngày càng đông, đó là, những người Việt Nam sang Malaysia làm gia nhân, tứclà làm Ô sin giúp việc nhà. Họ bị bưng bít đằng sau bốn bức tường, không có cách nào để ra tiếp cận với những người khác, để cầu cứu, nếu cần. Trong thời gian gần đây, Indonesia và Cambodia đã ngưng gởi công dân của họ sang làm gia nhân, vì việc bị đánh đập, có người bị đánh chết, trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục gửi để trám chỗ. Thành ra, lượng người Việt Nam sang làm nghề này tại Malaysia gia tăng. Cái ngành đó, cái nghề nghiệp đó có rất nhiều rủi ro, hơn cả công nhân làm trong các xí nghiệp. 

RFI xin chân thành cảm ơn các ông Nguyễn Tiến San, Nguyễn Đình Thắng, Đoàn Việt Trung và Nguyễn Thới Lai đã tham gia vào chương trình Tạp chí hôm nay.

Tin giờ chót, ngày hôm nay 2/11/2011, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Datuk Seri Panglima Hishammuddin cho biết, cho đến ngày hôm qua 1/11, có tổng cộng 25.561 người lao động BHP đã rời nước này theo chương trình 6P, trong đó có 930 người Việt Nam. Bên cạnh đó, 27.514 người đã làm xong thủ tục hợp thức hóa, với 2.208 chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo nhận xét của một chuyên gia, trên thực tế, các thể thức hợp pháp hóa cho đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. 


Các tin, bài liên quan
(Thông tín viên Phạm Phan tường trình)
Lao động Việt Nam tại Malaysia đang chịu nhiều bất công (Phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng)
Tình cảnh của người lao động Việt Nam tại Malaysia (Tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự)


Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét