Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Xã hội pháp quyền: Khi Từ Hải không ...chết đứng!

Nam Quốc

 
 Hiệp sĩ Nguyễn Văn Hùng và Trần Văn Hải (thứ hai và thứ ba từ trái sang) trong một buổi giao lưu trên truyền hình. Ảnh: CAND

Một khi những người ban hành, thi hành luật pháp biết sống và làm việc theo pháp luật, thì xã hội pháp quyền mới không bị miệt thị, công lý mới không bị đẩy vào góc khuất. Khi xã hội pháp quyền không bị miệt thị, nhân dân mới có thể an toàn để trở thành người giám sát, trở thành "hiệp sĩ nhân dân" đúng nghĩa được. 

Sau khi đọc bài viết Tôn vinh "Hiệp sĩ': Phản giá trị của xã hội pháp quyền, tôi thấy tác giả An Biên đã đưa ra lý do xác đáng về một số mâu thuẫn giá trị trong "xã hội pháp quyền". 

Hiệp sĩ không phải là những "diễn viên đóng thế" 

Dân tộc chúng ta thường phải đối diện nhiều với chiến tranh, áp bức bất công. Thế nên chẳng biết từ khi nào, trong dân gian, những nhân vật đứng về phía người nghèo, người cùng khổ luôn nhận được tình cảm đặc biệt. Mẫu người "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", "giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha" được dân chúng gọi là "anh hùng", "hiệp sĩ".

Thực tế, trong quá khứ lịch sử, không ít cuộc khởi nghĩa thành công là nhờ vào tinh thần hiệp sĩ: "Cướp của nhà giàu, chia cho dân nghèo". Ở xã hội ấy, người giàu được xem là gắn với giai tầng áp bức bóc lột, còn pháp luật thì hầu như bị tầng lớp trên thao túng.

Hiệp sĩ vốn được hiểu là những người có lòng nghĩa hiệp, dám đối đầu với cái ác, cái bất công, thậm chí dám xả thân để bảo vệ người lương thiện. Việc đối đầu với cái ác, cái bất công và bảo vệ người lương thiện, đòi hỏi người hiệp sĩ phải phân biệt được mình phải đối đầu với kẻ ác nào, bảo vệ cho ai, và ai mới là được gọi người lương thiện?

Sẽ rất uổng mạng, nếu trong tình huống giả định, hiệp sĩ kia giằng co với tên cướp và bị giết chết. Trong khi số tiền mà tên kia cướp là số tiền làm ăn bất chính của một "kẻ cướp" khác đang được núp danh "nhân dân", "doanh nghiệp"... Tuy nhiên, đối với pháp luật, việc nào ra việc đó, nếu truy ra nguồn gốc phạm tội, kẻ cướp nào cũng bị xử lý cả. Trong khi chờ pháp luật xử lý, người ta vẫn phải cổ võ tinh thần "lăn xả" của hiệp sĩ.

Ở một tình huống giả định khác, một người bị đuổi giết, đang ôm tài sản của mình bỏ chạy, thế nhưng kẻ truy đuổi lại hô "cướp cướp...". Theo quán tính, hiệp sĩ (tưởng thật) bèn đuổi theo, gây thương tích, hoặc làm tổn hại tính mạng của người đang bỏ chạy kia. Sau mới biết kẻ hô "cướp, cướp" mới chính là kẻ cướp thật, còn kẻ bỏ chạy là người bị hại. Lúc đó, trước pháp luật, chả lẽ hiệp sĩ chỉ cần nói "Xin lỗi, tôi đã vô tình bị nhầm lẫn" thì sẽ được giảm tội?

Thêm một tình huống giả định nữa, như tác giả An Biên đã nói, sau khi bắt được cướp, hiệp sĩ bị đồng bọn của kẻ cướp kia trả thù, nhẹ thì thương tật, nặng thì mất mạng.

Trong ba tình huống giả định này, "hiệp sĩ" rất cần tính "chuyên nghiệp" - một điều vô cùng khó khăn khi chính các lực lượng an ninh "chuyên nghiệp" cũng đang phải nâng cấp sự "chuyên nghiệp" của mình. Rõ ràng, hiệp sĩ không phải là những "diễn viên đóng thế". Việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân thuộc về một hệ thống công cụ quản lý Nhà nước như pháp luật, công an, nhà tù... 

Chống đỡ làm sao thói vô cảm thường trực? 

Nay chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, mẫu người anh hùng "cướp của nhà giàu, chia cho dân nghèo", dĩ nhiên không được khuyến khích. Thậm chí, để giữ vững trật tự kỷ cương, pháp luật vẫn phải nghiêm trị những ai muốn học theo mẫu "anh hùng" đó. Anh hùng, hiệp sĩ là những người luôn đứng về phía nhân dân bị áp bức, nhưng hiệp sĩ thời xưa thường mâu thuẫn với triều đình, còn "hiệp sĩ đường phố" bây giờ lại được chính quyền tôn vinh.

Tuy nhiên, dù là triều đình bất minh, hay ở chính thể công minh, thì tinh thần căn bản của người hiệp sĩ cũng đều phải đứng về phía nhân dân. Tôi thắc mắc, tại sao người ta không sử dụng cụm từ "hiệp sĩ nhân dân" (giống như "công an nhân dân") để thay cho cụm từ "hiệp sĩ săn bắt cướp" hay "hiệp sĩ đường phố"? Bởi cái từ "đường phố" này có khu biệt gì đối với những hành động nghĩa hiệp (chỉ được phép diễn ra trên đường phố), hay còn cách hiểu nào khác?

Biểu dương việc làm tốt của một cá nhân, tập thể nào đó là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa, nếu phản ánh đúng tinh thần nghĩa hiệp của thời đại. Tức trong xã hội đã xuất hiện những hình mẫu "hiệp sĩ" mới để nhân tin tin yêu. Mẫu hình nhân cách này cũng có "lý thuyết xã hội" của nó, chứ không phải là sự tự phát của lòng tốt. Bởi sự tự phát của lòng tốt thì chống đỡ làm sao được với thói vô cảm thường trực?
Rồi đây, xã hội rồi sẽ có một biểu tượng "hiệp sĩ đường phố" để tôn vinh. Nhưng trong thời đại kim tiền này, thì một hiện tượng đáng báo động là căn bệnh "vô cảm"- chuyện của ai người nấy lo, đèn nhà ai nhà nấy rạng... Để có một "thế trận toàn dân" về an ninh, trật tự, trước tiên phải bắt đầu từ việc chữa bệnh vô cảm của con người.

Vì thế, nếu qua việc tôn vinh "hiệp sĩ đường phố" mà chữa được căn bệnh vô cảm trong xã hội thì rất đáng hoan nghênh. Chứ nếu chúng ta có một "xã hội pháp quyền" mà người dân ngày càng vô cảm với nhau thì cũng chỉ cho ra bóng dáng của một sự thanh bình giả tạo.

Trong bản năng mỗi con người đều ít nhiều có một "tên trộm cướp". Xin lỗi vì cần phải hiểu từ "trộm cướp" này với đủ những mánh khoé, gian lận để kiếm lời, bất chấp lương tâm, đạo đức của nó. Ăn trộm của thiên nhiên, ăn trộm của nhân dân... 

Bao giờ có những "hiệp sĩ bắt sâu"? 

Loại "trộm cướp" này được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ví một cách rất sinh động, đó là những con sâu, không phải một con mà là cả bầy. Có nghĩa loại sâu này phải có thuốc đặc trị "chuyên nghiệp", phức tạp hơn rất nhiều bọn trộm cướp trên đường phố, vừa cò con, vừa hùng hục nhảy bổ vào cướp đường để chường mặt ra cho thiên hạ thấy. Đáng tiếc, quốc nạn của chúng ta lại do bọn sâu này gây ra, chứ không phải do bọn cướp vặt kia. Vì thế, "hiệp sĩ" để diệt bọn sâu này, chắc chắn không phải là "hiệp sĩ đường phố".

Xin đưa ra thêm một tình huống giả định. Có một ông chủ tịch huyện, xã (A, B, C) gì đó, bỗng dưng mượn chuyện "quy hoạch" để chiếm đất của dân, sau đó phân lô bán, chia chác để thủ lợi. Nhân dân phát hiện ra, bất bình hò nhau kéo đến vây bắt ông chủ tịch lạm quyền, tham ô ấy, trói mang lên cấp cao hơn xử lý. Khi ấy, nhân dân có được tôn vinh vì hành vi nhanh chóng bắt "cướp" của mình như mấy anh "hiệp sĩ" kia không?

Chắc chắn là không được rồi, vì pháp luật quy định, người dân nếu có bức xúc muốn khiếu kiện, khiếu nại chuyện đất đai thì phải theo trình tự pháp lý của từng cấp. Vì thế, trong xã hội người ta hiểu ngầm với nhau rằng, cướp nhỏ, cướp vặt thì các "hiệp sĩ" không cần trình tự gì, cũng không cần phải xin phép ai cả, cứ thế mà bắt. Còn loại "trộm cướp" nhiều như bầy sâu kia thì hãy... để yên đấy chờ các "cơ quan có chức năng" xử lý.

Pháp lý công minh, việc làm minh bạch, thì bọn cướp không thể đội lốt nhân dân, không thể đội lốt những người có khuôn hình từ thiện, doanh nhân, quan chức. Một khi những người ban hành, thi hành luật pháp biết sống và làm việc theo pháp luật, thì xã hội pháp quyền mới không bị miệt thị, công lý mới không bị đẩy vào góc khuất. Khi xã hội pháp quyền không bị miệt thị, nhân dân mới có thể an toàn để trở thành người giám sát, trở thành "hiệp sĩ nhân dân" đúng nghĩa được.

Thực tế cho thấy, những người mạnh dạn đứng ra tố cáo "bầy sâu" tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền thường phải gánh chịu sự trả thù, vùi dập rất tàn nhẫn. Thế nên khi xã hội pháp quyền chưa được minh bạch, công khai, thì xin đừng đem nhân dân ra để làm "vật tế" cho tội ác.

Một khi các loại tội ác đều để dân phải oằn mình tự đối phó, thì sẽ chỉ ra rất nhiều bất ổn trong hệ thống "nghe nhìn" của pháp luật. Không cần nói nhiều về xã hội pháp quyền, chỉ cần nghe tiếng nói của dân, nhìn hành vi của dân mà thấy ngay được chúng ta đang có một xã hội pháp quyền như thế nào.

Trong lúc, người ta nói nhiều về sự vô cảm, thì chuyện những "hiệp sĩ đường phố" được tôn vinh, dẫu sao cũng rất đáng mừng. Mong rằng một ngày nào đó sẽ xuất hiện nhiều những từ "hiệp sĩ" bắt sâu, để tạo nên thần nghĩa hiệp thực sự của thời đại. Lúc đó, không những các "hiệp sĩ" được tôn vinh mà "xã hội pháp quyền" cũng tôn trọng.

Các giá trị xã hội sẽ còn mâu thuẫn và xã hội pháp quyền sẽ tiếp tục bị miệt thị, nếu liên minh "Hồ Tôn Hiến" luôn tìm mọi cách gian tà để "Từ Hải" sớm phải chết đứng... 

Box: 

Trong lúc, người ta nói nhiều về sự vô cảm, thì chuyện những "hiệp sĩ đường phố" được tôn vinh, dẫu sao cũng rất đáng mừng. Mong rằng một ngày nào đó sẽ xuất hiện nhiều những từ "hiệp sĩ" bắt sâu, để tạo nên thần nghĩa hiệp thực sự của thời đại. Lúc đó, không những các "hiệp sĩ" được tôn vinh mà "xã hội pháp quyền" cũng tôn trọng. 

Các giá trị xã hội sẽ còn mâu thuẫn và xã hội pháp quyền sẽ tiếp tục bị miệt thị, nếu liên minh "Hồ Tôn Hiến" luôn tìm mọi cách gian tà để "Từ Hải" sớm phải chết đứng...

Nguồn: Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét