Theo Blog Minh Trí
Quãng nửa nghìn ngày trước, tụi học trò quen chẻ mây, chém gió như bọn tôi há hốc mồm khi nghe tin Việt Nam làm nảy mầm được hạt lúa Thành Dền có tuổi đời cỡ 3.000 năm.
Há hốc mồm vì tai chưa từng nghe, mắt chưa từng ngó một sự việc tương tự như vậy xảy ra ở bất kỳ đâu trên cái “thế giới phẳng” này. Hẳn các nhà khoa học và công nghệ toàn cầu phen này phải “tâm phục, khẩu phục” trước thành tựu tuyệt kỷ của người Việt Nam. Từ trước đến nay, hạt giống cỡ trăm năm còn nảy mầm phát triển đã là chuyện khó mà ở đây, thời gian gấp đến 30 lần con số đó. Thật thần kỳ!
Các nhà khoa học ghen tị, còn xôn xao thuộc về giới truyền thông. Biết bao giấy mực đã tốn vào “đại sự kiện” này; thậm chí đã gửi cả tiêu bản sang Nhật để nhờ… trợ giúp từ xa, hầu khẳng định câu chuyện “hạt lúa Thành Dền” là sự thực.
Đùng một cái, thôi rồi! Cây lúa trỗ bông dần hiện nguyên hình là giống Khang Dân 18, là loại lúa mới du nhập vào Việt Nam hơn chục năm gần đây. Sự thật nghiệt ngã ấy làm tụi tôi lại một lần mồm há hốc vì sự tài giỏi của các cao nhân nước Việt. Giấc mơ về giải Nobel có lẽ quá xa vời…
Ngờ đâu, lần này câu chuyện còn ly kỳ hơn thế nữa. Không phải một mà có tới 2 ông, một ở phía Nam và một nơi phương Bắc, cùng tiếp cận một vấn đề.
Ông thứ nhất tạm gọi là “Xì Cây” (CK) nghiên cứu ra một chất liệu mới mà theo như chính lời ông nói, thế giới vật vã lắm cũng chỉ làm được quãng miligam còn nhóm của ông chế ra cả lạng. Chất gì mà kỳ bí vậy? Cũng theo lời ông “Xì Cây”, gọi là chất xúc tác cũng đúng, mà gọi là chất khử cũng chẳng sai. Chất này khi cho vào nước lã sẽ tạo ra vô vàn khí hydro tự do làm nguyên liệu cho pin nhiên liệu và từ đó chúng ta có máy phát điện, cho dù công suất mới dừng lại ở cỡ vài kW nhưng giá thật rẻ và làm kinh hồn táng đởm giới nghiên cứu và sản xuất toàn cầu. Ông còn tiết lộ ngoài mấy chiếc nhóm của ông đã có và đang chế tạo, còn một trăm chiếc nữa sản xuất cho Nhật Bản trong thời gian tới đây.
Phen này ắt hẳn ông “Xì Cây” và nhóm cộng tác phất lên như diều gặp gió. Trước hết về tiếng tăm khoa học, và sau nữa là rủng rỉnh hầu bao. Các đại gia dầu mỏ nhìn ông phải ngả mũ kính chào vì từ đây vĩnh viễn chấm dứt vai trò độc tôn của nguồn nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến nhất khắp thế giới hiện đại là dầu mỏ. Việt Nam ta cũng sẽ thơm lây và có quyền mơ về một giải Nobel vật lý nhãn tiền.
Nhưng có lẽ ông “Xì Cây” vẫn còn thua kém một bậc khi so sánh với ông “Hờ Cây” (HK) đất Bắc. Thua là bởi nhẽ cũng vẫn đề tài hóc búa như thế, nhưng xem ra kết quả của ông “Hờ Cây” tỉ mỉ hơn nhiều.
Sau đây là trích đoạn tin của nhà báo “Hát Ca” trên laodong.com.vn ngày 14 tháng 1 năm 2012: “Trên cơ sở phân tích những ưu điểm nổi bật của Hidro làm khí đốt phổ dụng, sau nhiều ngày nghiên cứu thử nghiệm, ông (… “Hờ Cây”…) đã cho ra đời chiếc máy điều chế hydro từ nước. Với chiếc máy điện phân này, hydro và oxy đồng thời được sinh ra trong quá trình điện phân nước, có tốc độ cháy nhanh và nhiệt độ cao.Theo tính toán của các nhà khoa học sau khi thử nghiệm, để điện phân 1 lít nước chỉ mất khoảng 7 kW điện, tương đương với khoảng 1,6 tạ than. Với chiếc máy này, chi phí cho việc điều chế 1 lít nước chỉ mất: 1 lít nước sạch giá 5.000 đồng, 7kW điện (tương đương với 14.000 đồng, tính theo giá cao nhất), 15.000 đồng dung dịch điện phân và hóa chất. Như vậy, để điều chế 1 lít nước, lượng tiền tốn cao nhất là 34.000 đồng mà có thể thu được 1.680 lít hydro và oxy, có giá trị tương đương với 160 kg than đá. 1 kg than đá có giá 3.500 đồng, 160 kg than đá là 560.000 đồng. Với chi phí 34.000 đồng điện phân 1 lít nước, sẽ tạo ra nguồn nhiệt lượng có giá 560.000 đồng so với than đá…
… Với 1 lít nước lã, chiếc máy đã điều chế ra lượng hydro đủ để cho xe chạy từ Hải Phòng lên Hà Nội”.
Nghe đâu, ông “Hờ Cây” còn nói chẳng cứ gì nước sạch, mà nước lung tung ở ao hồ cũng được tuốt luốt cho vào máy mà điều chế hydro.
Quả là “kỳ phùng địch thủ”, kẻ tám lạng, người nửa cân.
Không biết rồi đây giải Nobel vật lý sẽ thuộc về ai. Còn bọn bé tí như tụi tôi chắc hẳn lần này được vỗ tay (và vỗ nhiều thứ nữa) thần phục.
Chuyện của hai ông Cây thế nào, xem hồi sau sẽ rõ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét