Thanh Phương
Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một nhà trí thức đã từng trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc Việt Nam. Tốt nghiệp tiến sĩ Luật và thạc sĩ đại học Kinh tế Pháp, ngoài việc giảng dạy ở đại học suốt từ những năm 1950, ông cũng đã từng giữ những chức vụ quan trọng dưới hai nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa: Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Cố vấn Phủ Tổng thống, Quốc vụ khanh phụ trách tái thiết và phát triển... Tên tuổi của giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng gắn liền với Kế hoạch Hậu chiến Lilienthal-Vũ Quốc Thúc (1968).
Sang Pháp tỵ nạn từ cuối thập niên 1970 và hiện vẫn sống ở ngoại ô Paris, giáo sư Vũ Quốc Thúc, năm nay dù đã sang tuổi 92, vẫn theo dõi rất sát thời sự quốc tế và trong nước, cũng như vẫn không ngớt trăn trở về tiền đồ của dân tộc, nhất là trong bối cảnh mà hiểm họa Trung Quốc ngày càng đè nặng lên Việt Nam.
Chính mối ưu tư của một học giả yêu nước thương dân đã thúc đẩy giáo sư Vũ Quốc Thúc tham gia ký tên cùng với 35 nhà trí thức hải ngoại vào bức Thư ngỏ gởi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc. Do việc tham gia ký tên bức thư ngỏ này mà ông đã bị một số người ở hải ngoại chỉ trích, nhưng đối với giáo sư Vũ Quốc Thúc, đó là cái giá mà một nhà trí thức dấn thân sẳn sàng trả, vì sự tồn vong của đất nước.
Qua sự sắp xếp của giáo sư Nguyễn Thái Sơn ở Paris, chúng tôi đã có dịp thực hiện một cuộc phỏng vấn rất dài với giáo sư Vũ Quốc Thúc vào ngày 8/3 vừa qua tại nhà riêng của giáo sư Thái Sơn.
Tuổi đã quá cửu tuần, nhưng giáo sư Vũ Quốc Thúc vẫn còn khoẻ, thậm chí tự mình đi xe lửa và métro đến chỗ hẹn, không cần ai chở đến! Giống như vào những năm tháng còn đứng trên bục giảng đại học, càng nói, giọng của ông càng hùng hồn, khi thế của ông càng hăng say, như thể là bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân vẫn còn nguyên vẹn trong con người của bậc trưởng lão này.
Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị một phần của cuộc phỏng vấn với giáo sư Vũ Quốc Thúc, chủ yếu nói về những suy nghĩ của một nhà trí thức hải ngoại về quan hệ Việt- Trung xưa và nay:
RFI: Xin kính chào giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trưóc hết, ông có nhận định thế nào về nguy cơ bành trướng của Trung Quốc đối với Việt Nam?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Chúng ta không thể không lo ngại trước những mưu toan bành trướng của người bạn láng giềng phương Bắc. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng trong bao nhiêu thế kỹ nay, chính quyền ở Trung Quốc luôn tìm cách bành trướng lãnh thổ về phương Nam. Vì điều kiện địa lý chính trị, Việt Nam chúng ta ngay từ đầu, khi thì là tiền đồn để người bạn phương Bắc tiến về phương Nam, nhưng cũng có lúc là cái nút chặn con đường bành trướng thế lực của họ về phương Nam.
Qua lịch sử, tôi rất lấy làm hãnh diện là tổ tiên chúng ta đã không ngần ngại chống lại những mưu toan xâm lăng của láng giềng phương Bắc, mặc dù biết rõ tương quan lực lượng vô cùng bất lợi cho chúng ta, đã khéo léo lợi dụng những ưu điểm về địa thế để luôn luôn đánh bại được họ.
Nên nhớ rằng hồi đó trên trường quốc tế, chúng ta chỉ là một nước nhỏ yếu, đâu biết trông cậy vào ai, mà phải luôn đối phó với một láng giềng mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Đọc lại lịch sử, chúng tôi thấy tổ tiên chúng ta đã khéo léo, biết lúc cương, lúc nhu, làm như là chịu cái quyền của láng giềng phương Bắc về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế không bao giờ để cho họ trực tiếp đô hộ chúng ta.
RFI: So sánh cách chính sách ngày nay của các lãnh đạo Việt Nam với cách đối phó của ông cha ta trước đây?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Mỗi thời đại, chúng ta phải dựa vào những cái gì là ước lệ chung trên trường ngoại giao. Ngày xưa, chỉ có Trung Quốc lớn mạnh và chúng ta, với một số nước nhỏ yếu khác ở vùng Nam Á. Lúc đó, chúng ta phải viện vào cái gì đễ giữ không cho Trung Quốc xâm lăng? Chúng ta đã dựa ngay vào cái văn hóa của Trung Quốc, vào cái lễ nghi của Trung Quốc, vào thể chế dựa trên nguyên tắc phong kiến của Trung Quốc.
Ngày nay, trái lại, đã có luật quốc tế và hơn nữa, chúng ta đã có một vị thế ngoại giao có thể nói là khá mạnh. Tôi nhớ là vào năm 2007, Việt Nam được bầu làm hội viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với một đa số gần như là 80-90% hội viên LHQ. Như vậy về mặt ngoại giao đã có hai thắng điểm so với ngày xưa: các công ước quốc tế và cảm tình của các nước LHQ đối với ta.
Nhưng lịch sử cũng cho ta thấy là khi một nước nào có ý đồ bành trướng thì lắm khi họ bất chấp luật lệ quốc tế, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, muốn đặt quốc tế trước sự đã rồi. Chính vì thế chúng ta bao giờ cũng phải cảnh giác. Tôi vẫn nhớ câu ngạn ngữ La Tinh “ Nếu anh muốn hòa bình thì anh phải chuẩn bị chiến tranh”. Chính vì thế phải bồi dưỡng nội lực của mình, để có thể chống lại họ nếu cần.
Tôi không phải là một nhà quân sự, nhưng tôi thấy rằng với những phương tiện hiện đại sát thương hàng loạt, chúng ta có thể bị áp đảo trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng không một cường quốc nào có thể chiếm đóng lãnh thổ một nước khác, khi mà nhân dân nước đó không cam chịu. Bởi vì khi nhân dân kết đoàn thành một khối, thì bằng cách này hay cách khác, ta có thể tiêu diệt dần dần, làm hao mòn lực lượng của kẻ chiếm đóng và rốt cuộc thì kẻ chiếm đóng phải ra đi và lắm khi phải ra đi trong tuổi nhục.
RFI: Nhưng kịch bản có thể dễ xảy ra hơn là Trung Quốc sẽ chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa? Làm cách nào để ngăn chận?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Chính vì thế mà tôi rất mừng là có sự trở lại ở Á châu, nhất là ở vùng Đông Nam Á, của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy là Hoa Kỳ đang có tham vọng ( tham vọng đó là chính đáng, chứ không vô lý ), đó là thiết lập một trật tự mới cho toàn cầu và trong trật tự mới đó, Hoa Kỳ sẽ chú tâm đặc biệt hơn đến vùng Thái Bình Dương và cả Đông Nam Á, cho rằng đó là vùng sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai.
Cho nên, trong giai đoạn khó khăn này, tôi rất mừng là giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sự bang giao càng ngày càng thắm thiết hơn. Nhờ bang giao thân hữu với Hoa Kỳ, nhờ sự trở lại của Hoa Kỳ, nhờ ý thức quyền lợi chung là phải cộng tác với nhau để khai thác tài nguyên biển và nhất là để bảo đảm tự do lưu thông hàng hải, nên tôi không e ngại chuyện Trung Quốc lấn át chúng ta.
Nhưng năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng quốc tế lúc ấy chưa rõ ràng, cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ đi, không nước nào ở Tây phương can thiệp vào Đông Nam Á nữa, đặt thế giới trước sự đã rồi, chiếm đóng Hoàng Sa. Chuyện đó rồi đây sẽ phải giải quyết bằng thương lượng và nếu cần, đưa ra trước một cơ quan quốc tế nào đó.
Ta đừng nghĩ là Trung Quốc mạnh. Nếu đem hải quân của họ chống Hải quân Hoa Kỳ thì chẳng khác gì đem một cái gì mong manh chọi với một tảng đá lớn. Tôi tin rằng những người cầm đầu ở Trung Quốc, nhất là những người chỉ huy hải quân không dại gì đi vào con đường nguy hiểm đó. Cho nên, tôi tin rằng nếu Hoa Kỳ trở lại và bắt tay với Việt Nam thì ta không ngại gì.
RFI: Phải chăng do sự ràng buộc giữa hai đảng Cộng sản, giới lãnh đạo Việt Nam bị bó tay trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Tôi cũng đã nhìn thấy từ lâu hiểm hoạ Bắc thuộc. Họ không cần chiếm đóng mình, mà họ lợi dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, bổ túc thêm tư tưởng Mao Trạch Đông, họ viện lý do liên đới giữa các Đảng Cộng sản, để tự coi họ là Cộng sản đàn anh và Việt Nam là Cộng sản đàn em. Bất lợi cho chúng ta là vào năm 1990, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, chế độ Cộng sản Âu châu trên đường tan rã, những người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đã sang Thành Đô, chấp nhận khuất phục Đảng CS Trung Hoa. Tôi không rõ về chi tiết của những cam kết, nhưng tôi được biết rằng Đảng CS Việt Nam đã chấp nhận theo đúng đường lối của Đảng CS Trung Hoa
Đến bây giờ, vì sợ hãi đàn Đảng Cs đàn anh như thế cho nên giới lãnh đạo Việt Nam luôn luôn cứ ngoài mặt thì phản đối dựa trên những nguyên tắc luật lệ quốc tế, nhưng bên trong chẳng qua chỉ phản ứng lấy lệ và luôn luôn phục tùng Đảng CS Trung Quốc.
Chính vì thế mà tôi đã từng đề nghị là phải cắt đứt dây xích ràng buộc Đảng CS Việt Nam vào Đảng CS Trung Quốc. Tại sao họ lại dựa vào Đảng CS Việt Nam để nắm toàn dân Việt Nam? Là vì thể chế chung của các nước CS là Đảng CS nắm độc quyền toàn trị trên đất Việt Nam. Dân chủ chỉ là hình thức.
Đảng CS Việt Nam trước tiên phải trả lại quyền làm chủ thật sự cho nhân dân, chứ không phải chỉ thay đổi một số luật lệ. Họ có thể sửa đổi Hiến pháp, đưa ra một số luật về bầu cử, về chính đảng, nhưng sẽ chỉ là hình thức. Dân chủ phải là trong tinh thần, trong tác phong. Từ những người cầm đầu cho đến nhân dân, ai cũng phải có tinh thần dân chủ. Phải có ý chí dân chủ, thì lúc bầy giờ mới thực hiện được chế độ dân chủ thật sự.
Bây giờ không phải là thời buổi mà nhân dân xem những người cầm đầu là phụ mẫu của mình nữa. Những người cầm đầu là do dân bầu ra, đại diện cho nhân dân, được giao nhiệm vụ quản trị đất nước. Nhưng họ phải chịu trách nhiệm của họ. Nhân dân vẫn là làm chủ và làm chủ thật sự.
Mà khi tôi nói nhân dân là nói toàn thể nhân dân, không chỉ người sống ở quốc nội. Đừng quên rằng có đến 3 triệu người hiện đang sống ở hải ngoại. Họ là dân Việt Nam, thì trước hết họ có bổn phận và có quyền yêu nước. Tại sao lại có những người coi rằng yêu nước là độc quyền dành cho một phe đảng? Đừng quên rẳng chính nhờ tinh thần dân tộc, mà đất nước ta mới tồn tại cho đến ngày hôm nay. Tình thần dân tộc ấy dựa trên ý chí sống chung, dựa trên ý thức trách nhiệm, dựa trên cái ký ức cả một quá trình tranh đấu qua bao thế kỹ.
Tôi cũng là một người sống ở hải ngoại, cho nên tôi vẫn coi tôi như là dân Việt. Đừng tưởng rằng tôi sống ở hải ngoại thì tôi không có cách gì để tham gia vào sinh hoạt chính trị trong nước. Không! Chúng ta sống vào một thời đại có những tiến bộ rất ngoạn mục về kỹ thuật truyền thông. Ở đâu tôi cũng vẫn theo dõi được tình hình chính trị trong nước, góp ý kiến và nếu cần, đưa những ý kiến ấy về nước để gây nên những phong trào trong nước.
RFI: Vì sao ông đã tham gia ký tên vào bức thư ngỏ của các trí thức hải ngoại gởi các lãnh đạo Việt Nam, cho dù bị chỉ trích là công nhận chế độ hiện nay?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc: Tranh đấu không phải lúc nào cũng bằng võ lực, mà ngày nay ta phải sử dụng những võ khí mới mà tiến bộ kỹ thuật mang lại cho chúng ta. Cũng chính vì thế mà sau khi xảy ra các cuộc cách mạng màu ở Đông Âu, tôi đã có bài phân tích liệu cách mạng nhung có thể xảy ra ở Việt Nam hay không.
Những người đối lập có thể tấn công trước hết là với lợi khí thông tin và nhất là phải đưa những ý kiến của mình về truyền bá trong nước, làm biến chuyển tâm lý của nhân dân trong nước và kể cả tâm lý của những người đang nắm quyền. Họ cũng là người Việt Nam. Dù muốn dù không, họ không thể nào gạt bỏ tinh thần dân tộc, mà trong đó lòng yêu nước là chuyện tự nhiên.
Những người ở hải ngoại có thể có những hành động đi thẳng vào tâm lý của những người trong nước, khích động tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, khiến cho họ thức tỉnh. Chính vì lý do mà tôi đã không ngần ngại ký tên vào bức thư ngỏ. Mà khi gởi bức thư ngỏ đó đi thì nhiều người nghĩ rằng đó là công nhận thế chế hiện thời với sự lãnh đạo của Đảng CS, thì tôi xin nói ngay: Ta không thể quay lưng vào thực tế. Hành động thì phải dựa trên hoàn cảnh thực tế. Nếu hành động mà cứ nhìn vào quá khứ, tưởng như là quá khứ đó vẫn còn cho đến ngày hôm nay, thì làm sao tranh đấu được?
Tôi không bao giờ phân biệt trí thức với nhân dân, mà chúng ta là những công dân giống nhau. Những người được gán cho là “trí thức” ấy, chẳng qua có thể là họ am hiểu tình hình hơn. Ở ngoại quốc này, nếu theo dõi thông tin thì có thể biết rõ tình hình thế giới, còn trái lại những người trong nước, dù có bằng cấp đến đâu đi nữa, mà không được thông tin đều đặn thì, vẫn không am hiểu tình hình thế giới, mà ngay cả tình hình trong nước cũng chưa chắc là nắm rõ. Một khi không hiểu như thế thì có đáng gọi là trí thức hay không?
Chính vì thế mà những người ở hải ngoại, dù có bằng cấp hay không bằng cấp, nhưng một khi đã am hiểu tình hình thì phải dám dấn thân. Nói rằng đi bước trước như thế có nghĩa là khuất phục Đảng CS Việt Nam, thì chẳng qua đó chỉ là đạo đức giả, để biện minh cho việc không dám dấn thân. Một khi đã hiểu rõ tình hình, thì phải ý thức cái trách nhiệm của mình, mà trách nhiệm của mình là lắm khi phải xung phong đi, phải dấn thân đi, phải nhảy xuống vũng bùn đi. Người ta còn có thể hy sinh được tính mạng, còn mình chỉ sợ những lời chỉ trích mà không dám làm, thì có phải là có lỗi với dân tộc hay không?
RFI: Xin cám ơn giáo sư Vũ Quốc Thúc.
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét