Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012
ĐỌC LẠI TRUYỆN LỜI NGUYỀN CỦA DÒNG SÔNG NHÂN SỰ KIỆN ÁI NỮ ÔNG TÔ HUY RỨA LÊN CHỨC TO
Dư luận mạng đang bàn tán rôm rả việc ái nữ của ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức trung ương: Tô Linh Hương, một "Bà trẻ" tốt nghiệp ngành báo chí, năm nay 24 tuổi, một nhân tài Đất Việt vừa được bầu vào chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (PVV) nhiệm kỳ 2012-2016...
Như mọi người đều biết, " Bà trẻ " Tô Linh Hương quê ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương Thanh Hóa, một cái làng nổi tiếng với nghề bị gậy, tức nghề ăn mày; nghề này phát tích từ rất lâu đời do bởi vị Thành hoàng làng này truyền cho...
Từ chuyện phát tài của "Bà trẻ" Tô Linh Hương, được bầu vào chiếc ghế CT HĐQT một tập đoàn kinh tế lớn, chủ blog chợt nhớ tới một truyện ngắn của Trần Ngọc Tuấn: Lời nguyền của dòng sông...truyện này Trần Ngọc Tuấn gửi cho blog Phạm Viết Đào đăng, sau đó chủ blog đã giới thiệu cho báo Nông Nghiệp Việt Nam in tiếp vào số Tết Tân Mão năm 2011; Câu chuyện Lời nguyền của dòng sông có nguồn cảm hứng và cấu tứ từ câu chuyện Thành hoàng làng Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa,quê hương của ông Tô Huy Rứa và " Bà trẻ " Tô Linh Hương, một ông Thành Hoàng truyền nghề bị gậy ..
"Bà trẻ" Tô Linh Hương
LỜI NGUYỀN CỦA DÒNG SÔNG
Truyện ngắn của TRẦN NGỌC TUẤN
Lời bình của nhà văn Phạm Viết Đào:
Đọc 3 mẩu chuyện viết về 3 số phận trong Lời nguyền của dòng sông của Trần Ngọc Tuấn thấy ghê…ghê: Đó là số phận bà Bần, một người phụ nữ nhỡ xuống sông tắm trong ngày hành kinh của mình; chẳng may đúng lúc đó các thủy thần đang mở yến tiệc; bà Bần đã phạm tội báng bổ thánh thần một cách không cố ý…Thế là bà Bần bị thủy thần trừng phạt một cách thảm khốc, đau thương, gia đình bà bị thủy thần hủy diệt đến mấy đời, mấy thế hệ; Thoan một cô gái đồng trinh vô tội chết thảm trong dòng sông, và lão Quắn, một kẻ giang hồ đã rửa tay gác kiếm, võ công sung mãn thế mà cuối cùng lại cũng bị nước lụt sông Lương nhấn chìm…
Truyện của Trần Ngọc Tuấn có màu sắc huyền thoại hư ảo của phương Đông, nó hoàn toàn khác chất duy lý của huyền thoại châu Mỹ Latinh. Muốn giải được lời nguyền ác độc của thủy thần, chỉ có cách dùng máu của kẻ không sân si; đó là điều tác giả sắm vai người kể chuyện ở ngôi thứ nhất không biết cách; do không nghĩ ra cách, hay không muốn dùng cái ác để giải cái ác…
Lời nguyền độc ác của Thần Sông đã đẩy thế hệ này đến thế hệ khác của cái làng Vĩnh bị chết dần chết mòn một cách oan nghiệt, đau đớn, tức tưởi...Bởi đấng tối cao coi phần linh của làng lại cũng chỉ là một kẻ xuất thân làm nghề bị gậy ? Một ông thần vô tích sự, "ốc còn chẳng măng nổi mình ốc "...
Và cả tác giả nữa, trong giấc mơ, dù được Thần Sông báo mộng: muốn giải được lời nguyền ác độc của Thấn Sông thì phải lấy máu của những người không sân si, những người lương thiện (điều này may ra chỉ có ở các bậc tu hành). „Nhưng xin máu của họ bằng cách nào? Tôi không muốn làm kẻ sát nhân“ ?!
Truyện kết bằng lời thảng thốt của chính tác giả:“ Tôi nấc lên khi ý thức được mình giống bèo bọt trôi trên sông không thắng nổi dòng chảy định mệnh...“
Đất nước còn biết bao cái làng quê như cái làng Vĩnh, đời này qua đời khác bị những lời nguyền ác độc dày vò, dìm diệt sức sống ? Bởi cai quản phần linh của làng, những ông Thành hoàng làng lại xuất thân làm nghề bị gậy !
Đọc Trần Ngọc Tuấn thấy bút lực của nhà văn này quả là thâm hậu !
Thành hoàng làng tôi làm nghề bị gậy
Cứ ra giêng, con cháu trong làng bất kể giàu nghèo đều đi xin ăn khắp xứ trong khoảng một tháng trời, đó cũng là cách nhớ ơn ông tổ.
Năm nào tôi cũng về quê.
Ở đây, tôi được sống lại những năm tháng ấu thơ, và hít thở không khí trong lành, lá phổi khử sạch mùi xú uế chốn thành thị rác rưởi.
Cha tôi bảo: Nghề chữ của con không bằng nghề ăn mày.
Mẹ nói: Khi đi khất thực mới hiểu được lòng nhân. (Đó là lý của người quê, ngay các bậc thánh chữ cũng khó giải thích).
Quê tôi có sông Lương, dòng sông thật hiền chảy lờ đờ như người mới ngủ dậy. Không hiểu từ đời nào, làng hai bên bờ thù nhau truyền kiếp. Làng Vĩnh (tên làng tôi), và làng Quảng ( tên làng bên), từ trẻ con tới người lớn luôn xảy ra các cuộc xung đột (cứ như thời Trịnh Nguyễn phân tranh).
Làng tôi có gia đình may mắn, và có những gia đình bất hạnh, những người ăn nên làm ra, đỗ đạt ông nghè, ông tổng, đem lại sự vinh hiển cho cả làng. Cũng có kẻ cả đời “bán mặt cho đất, bán mông cho trời”, lam lũ.
Chuyện này thôi không kể nữa, bởi lẽ, chẳng riêng chuyện cộng đồng làng xã, mà nhìn ra bên ngoài đều có chuyện bi hải của mỗi số phận ( phần này xin nhường chỗ cho các nhà xã hội học, mấy ông thày xem tử vi, bói chân gà, xem quẻ, rút xăm).
1. Bà Bần – Cái Thoan
Làng sẽ là một địa danh trừu tượng, nếu không có những con người cụ thể.
Bà Bần, không phải là dân ngụ cư. Chồng đi lính thợ sang Pháp, một nách ba con, mười hai đứa cháu. Cái Thoan, cháu bà, bạn với tôi từ thuở còn cởi truồng tắm chung chưa biết ngượng là gì.
Theo mấy người đa sự trong làng, bà Bần bị thần sông phạt, khi trẻ bà tắm sông trong lúc có kinh, những giọt máu tanh tưởi ở cửa mình nhỏ xuống đúng lúc thần sông mở tiệc. Bẽ mặt với khách, các khanh hầu, chư tướng và thần dân nơi thủy cung, thần sông buông ra một lời nguyền: “Sẽ trừng phạt cả dòng họ bà, chỉ mình bà được sống để khóc người thân. Sự trừng phạt này thật khủng khiếp (phải có đầy quyền uy mới thực hiện nổi). Chưa hả giận, thần sông còn đem lại sự thâm thù cho hai làng bên sông (như tôi đã nói ở trên).
Ba đứa con bà Bần (và cả con dâu) đều lần lượt chết đuối trên dòng sông Lương hiền lành, nước chảy lờ đờ như người mới ngủ dậy. Tối nào bà Bần cũng ra bờ sông khấn vái xin thần sông rút lại sự trừng phạt. Trong đêm tối, bà xõa tóc, những đốm hương đỏ bỏng như mắt chó sói, nhập nhòe, ma quái, huyền bí.
Lời cầu xin của bà như sau:
Thần sông ơi!
Xin hãy đem lời nguyền ra biển
Để người bao dung hơn
Tôi phải khóc ba đứa con đứt ruột đẻ ra
Lại phải khóc cho bao đứa cháu
Tất cả chết trên dòng sông của người
Thần sông ơi!
Chẳng lẽ vô tình làm hoen ố cuộc vui
Người giận lâu đến thế
Mẹ của người cũng sinh người từ máu
Mẹ của người cũng có kinh
Nhỏ xuống dòng sông
Để cho tôi uống
Hãy nghe và nhìn
Hay là tôi một phút
Người sẽ thương tôi
Thần sông ơi!
Đừng bắt lũ cháu tôi phải chết
Xin hãy dìm tôi
Thế mạng cho người vô tội.
Tôi và cái Thoan hay thả trâu ngoài đồng, ngoài bãi, đầu nó khét nắng và chấy thì nhiều vô kể. Chọi cỏ gà, khi thua nó ra điều kiện: Phải bắt hai mươi con chấy, bắt được con nào tôi đều cắn tách một cái, máu của những con chấy hay máu của cái Thoan đều ngọt, ngon, hơi mằn mặn một chút.
Mẹ tôi nhìn cái Thoan chép miệng: Tội nghiệp! Bé thế đã mồ côi để bác chữa chấy cho cháu.
Hôm sau, mẹ lấy hạt na giã ra trộn với rượu ủ lên đầu nó, trùm khăn kín lại:
Cháu để một ngày, một đêm mới được cởi…
(Tài thật, đầu nó chẳng còn con chấy nào, kể cả trứng).
Và cũng từ đấy, khi chơi chọi cỏ gà, nó ra một điều kiện khác. Nếu tôi thua, nó bắt tụt quần để búng vào chim, thua nhiều, có lần chim sưng tấy. Tôi tức lắm, cố tìm cách trả thù, khi nào thắng (thường rất hiếm), tôi kéo quần cái Thoan véo và bẹn chỗ đùi non, khiến con bé thét lên đau đớn. Tôi hả hê như viên tướng thắng trận, sung sướng gào như một kẻ khốn cùng trúng sổ xố độc đắc.
Tôi hay kể chuyện đời xưa cho nó nghe (đa số là bịa). Các câu chuyện thường kết thúc giống nhau, ví dụ như: “Cô con gái nghèo khổ lấy được hoàng tử con vua, nàng đem vàng bạc phân phát cho người nghèo”, hoặc: “Con hổ gầm lên một tiếng, rồi chạy thẳng vào rừng”. Nghe kể xong, cái Thoan nói: Ngày xưa có tiên, có phật, cầu được, ước thấy, bây giờ tớ cầu khấn mãi mà chẳng được gì.
Tôi đã nhìn, đã nghe cái Thoan cầu nguyện. Não nùng, bi thiết, thương cảm lắm! Nó cầu nguyện thế này:
Sông ơi!
Đừng bắt bà cháu đêm nào cũng phải quỳ
Dòng họ cháu là người
Như cá như tôm con cái của sông bơi lội
Làm cho thần nguôi giận
Nhà cháu đã cúng về thủy cung từng ấy con người
Bà mỏi tay chít khăn tang cho bầy cháu
Lá vàng khóc lá xanh
Thần đừng bắt những người thân lần lượt ra đi
Trở về bằng cái chết
Dù lập miếu để thờ
Ê chề xôi thịt
Người đã chết làm sao ăn được
Chết vì thần sông
Chẳng ai gọi là anh hùng cả
Hỡi thần sông!
Thần hãy rộng lòng như mẹ người là biển
Hỡi thần sông!
Mong hãy cười quên giận
Đừng làm ngôi nhà cháu
Không còn một ai
Ơi hỡi thần sông!
Rủ lòng thương yêu
Đừng nuôi thù hận
Đập đầu xuống đất
Rộng cõi từ bi.
Học hết cấp hai, tôi lên huyện học, Thoan ở nhà không học nữa. Thỉnh thoảng về quê gặp lại, hai đứa không còn được tự nhiên như trước.
Có lần tôi rủ Thoan lên xã xem biểu diễn văn nghệ. Thoan mặc áo trắng, quần lụa đen, bím tóc dài buộc khăn mùi xoa Trung Quốc. Thoan rang ngô mang theo, bắt tôi ăn, Thoan nói: Ngô làng mình ngọt vì có nước sông Lương.
Xem chèo, tới đoạn một chị dân quân cả nhà bị chết vì bom Mỹ, dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực. Tên phi công nhảy dù, đứng hát chèo (theo điệu sắp qua cầu) giữa sân khấu:
Tên tôi là phi công Mỹ
Là Mỹ i…i…i lái thần sấm con ma
Bị bắn rụng bắn rơi i…i…i
Tôi xin mọi người tha tội cho tôi…
Thoan bảo: Xem ra, chèo nhà mình hay thật, phi công Mỹ cũng biết hát.
Kết thúc vở chèo, chị dân quân nén đau thương trói tên phi công trao cho tỉnh đội.
Thoan nói: Người Việt Nam rộng lượng với kẻ ngoại tộc, nhưng hẹp hòi với đồng tộc. Làng Vĩnh nhà mình, và làng Quảng tới giờ vẫn thù nhau.
Tôi hầu như không chú ý xung quanh, chỉ mải nhau ngô, lục cục như cọp nhai sỏi…
Thoan chết khi tròn mười tám tuổi.
Mẹ kể: trâu nhà Thoan đứt dây nhảy xuống sông. Thoan bơi theo, vượt qua địa phận Cồn Nổi (Ranh giới chia đôi dòng sông với làng Vĩnh và làng Quảng). Lũ trẻ làng Quảng thi nhau ném, chắc một viên đá nào đấy trúng đầu Thoan.
Dòng sông Lương cuốn Thoan đi, phải ba ngày mới tìm được xác.
Bà Bần khóc ngất bên xác cháu…
Dòng sông vẫn chưa xóa lời nguyền.
Đêm ấy, không trăng. Tôi lang thang dọc bờ sông dưới ánh sáng mập mờ của ngàn con đom đóm. Tôi nhìn mặt sông và tưởng tượng đó là một lão già gớm ghiếp, hể hả cười độc ác. Gió từ mặt nước hắt lên lạnh buốt nổi da gà.
Như kẻ mộng du, tôi lấy bùn trát vào mặt. Mờ sáng, trở về nhà, mẹ hỏi: “Con đi đâu suốt đêm mà mặt mày đờ đẫn thế kia?”.
Tôi trả lời: “Con đi tìm cái đã mất, ngọt ngào chẳng có đâu mẹ ạ!”.
Cha bảo: “Kẻ đê tiện thì được sự ngọt ngào, bậc quân tử thì suốt đời ăn cứt”. Cứ như lão Quắn mà hay, chẳng màng tới thế sự.
2/ Lão Quắn.
Lão Quắn là dân ngụ cư. Gốc gác, lai lịch của lão chẳng ai biết.
Có người bảo: “Ngày xưa lão từng làm quan, lên xe, xuống ngựa, kẻ hầu người hạ”. Cũng có lý, lão hiểu biết chữ nghĩa thánh hiền, thông làu kinh sử, biết cả tiếng Tây.
Lại có người nói: “Lão là một tên tướng cướp khét tiếng, mai danh ẩn tích, gác kiếm giang hồ”, xem ra cũng đúng.
Tôi từng thấy lão tay không đánh gục cả đám trai làng Quảng có vũ khí. Đó là lần đầu tiên lão ra tay vì đám trai làng Quảng vượt sông sang trộm khoai hợp tác và đánh anh dân quân chảy máu đầu.
Lão Quắn sống một mình, nuôi thân bẳng nghề câu cá, trồng rau. Nhà lão nằm cuối xóm, sát chân núi Chúa, âm u lạnh lẽo như miếu cô hồn.
Lão hay nhờ tôi đổ cháo vào lá đa cúng vong linh chết vất vưởng, không người thân thích, đầu đường xó chợ, vào rằm tháng bảy.
Lão thủ thỉ: “Có hồn đấy! Tôi vẫn hay nói chuyện với họ, chẳng phải giữ gìn ý tứ gì cả, người chết chẳng hại ai bào giờ, ho biết hết mọi việc tốt xấu của người đang sống”.
Lão khuyên tôi: “Người đời xưa học vì mình, có nghĩa để tu thân giúp đời. Người đời nay học cốt mua danh, ít kẻ thực tài, cậu nên học theo lối người xưa”.
Tôi hỏi: “Thế nào là giúp đời, và thế nào là không giúp đời?”.
Lão bảo: “Nếu vua là bậc đấng minh quân, hoc rồi nên ra làm quan. Nếu vua là bậc vô ân thì nên ở ẩn. Thiên hạ tốt mà mình nghèo thì đáng xấu, thiên hạ hắc ám mà mình phú quý thì nhục!”.
Tôi nhe răng: “Quan nổi tiếng khắp cõi cần gì đến vua”.
Lão bảo: “Làm quan mà nổi tiếng có thể là giả dối, ra bộ nhân từ, song xét ra là mưu lược kẻ “Đào tường khoét vách” “.
Tôi nói: “Khó phân biệt lắm, cháu thấy các ông quan đều oai”.
Lão cười: ” Tự mình biết, cứt trong ruột sẽ lòi ra, khó dấu”
Tôi hỏi lão: “Bác ngày xưa đã từng làm quan phải không, hay làm tướng cướp?”.
Lão lại cười (hiền như nghé): “Quan với tướng cướp nào có khác nhau, có khác thì ở chỗ phương tiện và cái tên gọi mà thôi”.
Tôi bảo: “Làm tướng cướp oai hơn nhiều, xênh xang một cõi”.
Lão gắt: “Bậy! Khối kẻ tự giết mình, hảo hán chốn Lương Sơn thì thiên hạ vẫn cho là giặc cỏ”.
Lão hay làm thịt chuột cho tôi ăn, cầu kỳ, công phu cả buổi. Chuột lão bắt về là chuột đồng, béo núc. Nhìn lão đun nước làm lông, sốt cả ruột. Nước đun không quá sôi, tăm sủi lăn tăn, lão nói: “Con chuột ngon nhất là bộ da, nước nóng sẽ làm hỏng, không được nôn nóng. Nhúng chuột vào, làm sạch lông, nhớ cắt bốn quả hoi, không thì hôi, chó cũng không dám ăn. Chuột vớt ra phải xát muối, bỏ đầu, ruột, gan, chân. Đun nước lần nữa, bỏ ra trần, nước trong vớt chuột ra, để cho ráo, sau mới luộc, thái lá chanh, chấm với mắm, tỏi, ớt, còn món nướng và rang nữa, tôi sẽ lần lượt cho cậu thưởng thức.
Có thịt chuột, có rượu, lão khề khà gõ đũa và hát, lời bài hát nghe như khóc, nhưng quá ngang tàng:
Trời cũng chẳng là gì
Đất cũng vậy
Ta là người ngủ trọ
Thấy vinh hoa là mơ
Ta cô độc
Đàn bà giống hoa hồng
Hoa có gai
Kẻ hèn sợ gai đâm
Ta rút kiếm chém phăng
Làm người sở hữu xác hoa khô
Nôn tình yêu ra chiếu
Không tiêu nổi một con đàn bà
Ta ỉa vào thánh thần
Vào lăng tẩm của những tên bạo chúa
Chỉ mình ta là người
Thiên hạ mang mặt nạ
Nhưng tất cả đều là chó sói
Ta nguyền rủa kẻ sinh ra ta
Cái thân hình méo mó
Được tạo bằng sự dâm ô của bố mẹ ta
Lá … là … la…
Trong hồn ta
Có lời nguyền của dòng sông
Trừng phạt một bộ lạc da vàng man rợ
Da ta cũng vàng
Sự trừng phạt sống suốt đời cô độc
Nhưng ta không cô đơn
Ta có bạn là ma
Có người yêu là quỷ
Ta sẽ hiếp mặt trời
Sẽ bắt cóc mặt trăng để đòi tiền chuộc
Sẽ lấy sao làm gia vị
Tẩm vào thịt chuột
Ta vẫn là ta
Nghèo tiền mà tâm hồn xa hoa
Ta chỉ một mình
Không vợ con gia tài chẳng có
Dòng sông ơi!
Lời nguyền của người
Gây ra cuộc chiến
Hận thù chỉ xóa được bằng thơ
Tiếc ta không là thi sĩ
Hoa giải lời của con sông
Đừng bắt dân đen
Phải chết vì sợ mất lòng kẻ khác
Người không biết ca dao
Cả tiếng Việt người còn nói ngọng
Đừng bắt lũ ta
Phải nói bằng ngôn ngữ
Kẻ da trắng tóc vàng
Da đỏ mắt đen
Tất cả bộ lạc này sinh ra từ bọc trứng
Bầu, Bí…Lá…Là…La…
Ta vẫn là ta.
Hát xong, lão nổi hứng nhảy ra sân múa võ.
Chập chờn, chân lão cày trên đất tạo ra những đường rãnh, loang loáng chỉ nghe tiếng gió khi lão đi quyền. Hết bộ xà, tới hầu quyền, môn phải của lão khó tìm được căn nguyên. Chắp vá, đểu, đòn độc, rõ phường lục lâm thảo khấu. Lão xỉa tay vào cây chuối hột, xoay chân tung cước vỡ cái chum Bát Tràng, húc đầu làm sạt cả bức tường đất.
Lão hỏi tôi: “Có thích học võ không?”.
Tôi trả lời: “Người cháu nhỏ, chẳng dám”.
Lão bảo: “Người nhỏ có sao đâu, nhu thắng cương, dây lụa trói được voi”.
Tôi nói: “Phải dùng đến võ là hèn”.
Lão bảo: ” Đúng vậy, hữu dũng thường vô mưu, cố mà học chữ”.
Lão Quắn tự tìm đến cái chết, hay cái chết tìm đến lão, khó biết.
Bố tôi kể: “Sông Lương năm ấy dâng nước (hơn năm mươi năm mới có một lần). Lão Quắn uống rượu say, chết đuối ngay ở nhà mình.
Lời nguyền của dòng sông không tha cho kẻ ngụ cư.
3/ Kết
Đọc xong chuyện ngắn này, vợ tôi hỏi (thị có kiến thức về văn học, hiện đang làm việc cho một tạp chí trung ương): – chuyện này theo anh có mấy nhân vật?
Tôi nói: “Ba!”.
Thị bảo: “Không phải, bốn, cả dòng sông nữa. Anh nên sửa lại những đoạn thơ, lời khấn, lời hát của các nhân vật. Bỏ cái đoạn Thoan nói khi nghe hát chèo, đại ý: …”Dễ tha thứ cho kẻ ngoại tộc…”.
Góp ý tới đấy, thị ngừng, gã trợ lý cho tổng biên tập tới đón thị như mọi khi. Gã toe toét cười chào tôi.
… Đêm. Trong giấc mơ, tôi thấy Thoan hiện rõ. Thoan đi trên mặt nước, mặc bộ đồ trắng trinh nguyên, Thoan nói với tôi: “Anh hãy đem lời khấn của em đốt, trộn vào máu của ai không có sân, si, như vậy sẽ giải được lời nguyền của dòng sông…
Tôi sực tỉnh. Khi nghe Thị gọi điện: “Anh Q. Em chỉ yêu anh thôi, em chán thằng chồng em lắm rồi, nó đần độn hơn những gì nó viết ra…” (té ra tôi đã bị cắm sừng) – Q là tên gã trợ lý tổng biên tập nơi tòa soạn thị đang làm việc.
Hôm sau, tôi về quê. Đêm ấy ra bờ sông ngồi khóc khi nghĩ tới lời Thoan trong giấc mơ. Lấy đâu ra máu của những người không có sân si (điều này may ra chỉ có ở các bậc tu hành). Nhưng xin máu của họ bằng cách nào? Tôi không muốn làm kẻ sát nhân. Hãy tha thứ cho anh, Thoan ơi! Lời nguyền của dòng sông quả là khắc nghiệt.
Tôi nấc lên khi ý thức được mình giống bèo bọt trôi trên sông không thắng nổi dòng chảy định mệnh.
Sông Lương vẫn trôi, nó nhìn tôi như chế nhạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét