Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012
Ôi… lương y như từ mẫu!
Bác sỹ cộng đồng
Tôi có người nhà bị bệnh phải mổ, nói đến cái sự mổ người thì tôi dám chắc dù ở đâu trên thế giới này, người bệnh và gia đình cũng đều cho là 1 sự rất quan trọng không muốn nói là nghiêm trọng. Không ngoài tâm lý đó, tôi được gia đình ủy thác lo chuyện tìm bác sỹ nào, tìm bệnh viện nào ở Hà Nội để gửi gắm. Dò dẫm trên con đường tìm kiếm, tôi cũng đưa ra được 1 lựa chọn. Nhờ quen biêt của 1 chức sắc của 1 bệnh viện công lớn nhất nhì cả nước, tôi tiếp cận được 1 một bác sỹ trưởng khoa ngoại. Cuộc gặp gỡ với câu chuyện ngắn gọn giữa tôi và vị bác sĩ nọ, rằng, tình hình bệnh tật của người thân tôi như vậy cho nên gia đình mong bác sỹ quan tâm, giúp đỡ và nhờ bác sỹ trực tiếp mổ cho thân nhân. Đề nghị của tôi được bác sĩ vui vẻ nhận lời kèm theo đó là 1 cái phong bì quen thuộc có thể mua ở bất kỳ quán trà vỉa hè nào trên cái đất kinh kỳ được tôi đưa nhanh về phía bác sĩ, trong ruột cái phong bì rẻ tiền đó là những tờ 500,000 VND, số lượng tờ tiền hòm hòm cũng là 2 con số. Buổi gặp đầu tiên kết thúc trong lời chào hỏi xã giao và cái bắt tay không quá nồng ấm. Người thân tôi nhập viện thuận lợi sau đó, lịch mổ cũng được thu xếp chóng vánh.
Trước ngày mổ, vốn có tí chút hiểu biết về ngoại khoa, tôi lại đến gặp vị bác sĩ ấy hỏi về nhân sự cụ thể của ca mổ và được bác sỹ liệt kê đầy đủ bao gồm: 1 người cầm giao chính (chính là vị bác sĩ trưởng khoa), 2 người phụ mổ và 3 người gây mê, tôi lại đề đạt nguyện vọng, rằng, gia đình có chút gọi là “của ít lòng nhiều” bồi dưỡng cho cả kíp liên quan đến ca mổ thì phải đưa như thế nào? Vị bác sĩ bảo, kíp gây mê thì cứ đưa phong bì cho bệnh nhân mang luôn vào phòng mổ, vì để tiếp cận với họ bên ngoài cũng nhiêu khê, còn kíp bác sĩ cầm dao thì cứ để sau mổ đưa cũng không sao (có lẽ là do âm hưởng tốt đẹp của cái phong bì đầu tiên). Lần gặp thứ 2 kết thúc sau những thông tin tôi có được đó và kèm theo cũng là 1 cái bắt tay (độ nồng ấm đã kém hơn lần trước).
Ngày mổ, cả gia đình tụ tập đông đủ với gương mặt người nào cũng đượm âu lo, tôi ngồi đợi chờ, sau gần 3 tiếng từ lúc thân nhân vào phòng mổ, vị bác sỹ bước ra, tôi cố làm ra bộ mặt tươi tắn đón chào và vừa đi vừa hỏi han sơ bộ về tình hình bệnh tình của người thân ra sao sau khi bác sĩ đã mục sở thị nhờ dao, kéo (nói chính xác là dụng cụ mổ nội soi), tôi được bác sĩ cho biết, kết quả không xấu. Vì sợ làm phiền bác sĩ sau ca mổ đã mệt mỏi, tôi xin phép gặp lại bác sĩ sau đó vài giờ. Đến giờ hẹn, tôi trở lại phòng bác sĩ, câu chuyện cũng nhanh chóng kết thúc cùng 1 cái phong bì không quên để trong đó vài tờ 500k VND, bên cạnh tôi cũng lại có 1 bệnh nhân nữa đang xin lịch mổ. Tiếp sau, tôi được vị bác sĩ chỉ cho gặp 2 người phụ mổ, cuộc gặp cũng thật là chóng vánh đủ thời gian để tôi chuyển 2 cái phong bì cũng lại có đôi tờ 500 k trong đó cho mỗi người. Tiếp theo nữa, tôi lại tìm đến cô y tá trưởng, chẳng phải vòng vo, tôi đưa cho cô cũng lại là 1 chiếc phong bì có chứa 1 tờ 500k và không quên nhờ cô quan tâm người nhà tôi trong phòng hậu phẫu.
Những ngày hậu phẫu, gia đình phân nhau thường trực trong phòng bệnh, các vấn đề chuyên môn chăm sóc bệnh nhân sau mổ được cô y tá chuyển giao vội vã (cô nói nhanh như thể sợ người nghe hiểu rõ hết hay sao ấy) cho người nhà, ngẫm ra, nếu không có bác Google dạy bảo thì cái cách nói của cô có trời mới nắm được (có lẽ bà con nông dân sẽ khổ lắm vì đâu có vào Google để lĩnh hội được ý cô truyền đạt). Đêm đầu tiên sau mổ, sau tất cả các việc để cái dịch truyền chảy được vào huyết mạnh người bệnh cùng với việc tiêm cho bệnh nhân 1 liều giảm đau, còn lại là cái sự ngủ của cả kíp trực, ngủ đến tận sáng. Dường như, ở đất nước này, ngành y tế muốn biến tất cả con dân trở thành các điều dưỡng viên hay sao ấy. Ban ngày, mỗi khi các y tá đến giường bệnh thay băng, tiêm, truyền người nhà tôi dấm dúi nhét vào túi áo Bluse của họ tờ tiền 100k nhưng họ từ chối (có lẽ vì nhà tôi đã đặt quan hệ với bác sĩ trưởng khoa), chứ các bệnh nhân khác các cô đều nhận. Kể lại câu chuyện tại phòng mổ, trước khi gây mê, người nhà tôi nói với kíp gây mê là có cái phong bì để trong túi áo, ông không dám đưa tận tay vì nghe nói phòng mổ có gắn camera, kể ra người Việt cũng thông minh thật.
May mà người thân tôi đang tiến triển tốt. Bước tiếp theo của tôi là chờ đến ngày người thân ra viện, sẽ lại đi 1 vòng gặp gỡ bác sĩ trưởng khoa, y tá trưởng để tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của họ và cũng không quên chuyển đưa những chiếc phong bì rẻ tiền mà bên trong chứa những tờ 500k có in hình Bác Hồ vĩ đại và cũng chẳng quên hẹn ngày tái ngộ vì chắc chắn người thân tôi còn phải tái khám, tái điều trị.
Kể câu chuyện của tôi, thiết nghĩ chẳng phải riêng biệt mà nó là phổ quát trong mọi ngóc ngách của ngành y tế nước Việt. Cũng xin điểm qua 1 chút về tình hình cái khoa ngoại của bệnh viện ấy, hàng ngày họ mổ 4-5 ca, riêng bác sĩ trưởng khoa hầu như chỉ mổ những trường hợp có đặt lịch như người nhà tôi (trung bình 2 ca/ngày). Theo câu chuyện rì rầm rỉ tai tại các buồng bệnh, bệnh nhân nào cũng tìm cách đưa cho kíp mổ của khoa ít nhất là cái phong bì có chứa 5- 6 tờ 500k, khổ nhất là những bệnh nhân tứ cố, vô thân không quen biết bác sĩ, họ lo về bệnh đã quắt ruột, nhưng lo chưa đưa được phong bì còn quắt ruột hơn, tôi chứng kiến những thân nhân dáng người cần lao, héo hắt đi ra, đi vào, thậm thò, sợ sệt nơi phòng bác sĩ mà bỗng thấy chạnh lòng, nao nao. Tôi cũng mường tượng ra sự quắt ruột ấy nó thống khổ thế nào trong những đêm dài không ngủ của họ nơi phòng bệnh, nơi mà lẽ ra họ được những “mẹ hiền” chăm sóc, động viên và cứu chữa.
Chúng ta hãy cùng nghĩ suy, với thu nhập của bác sĩ trưởng khoa như trong câu chuyện này (bạn đọc có thể tính nhanh được), thử hỏi liệu có còn đường nào cho câu chuyện phát triển y tế tư nhân để cạnh tranh với y tế công? Theo tôi nghĩ, ngay cả cái bệnh viện quốc tế 5 sao của Vincom Group đang khuyếch trương ầm ĩ tại Hà Nội cũng đừng mơ mà tuyển được người như vị bác sĩ trưởng khoa kia, bởi, cho dù Vincom Group tiền có nhiều như quân Nguyên, bệnh viện có bóng loáng thì cũng khó mà đáp ứng nổi 2 đặc quyền của bác sĩ viện công: Thu nhập cả vài chục ngàn đô la/tháng và quyền được ban ơn cho người bệnh. Đấy là chưa kể đến đoạn trường xin đất xây bệnh viện, thuế má, chung chi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét