Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012
Tình Sài Gòn
Sa Mạc Hoa
An Nhiên rít thêm hơi thuốc nữa, ngước nhìn bầu trời. Trăng đêm nay rất tròn và sáng. Song, dưới ánh trăng này, bao người được thảnh thơi thưởng thức như cô?... Thảnh thơi ư, cũng không hẳn. Cô đưa tay xem đồng hồ. Mười giờ ba mươi.
Còn nhớ, cũng ở nơi này, lần đầu An Nhiên gặp Khang. Đêm đó mưa to, trong lúc đứng chờ trời tạnh, cô lấy điếu thuốc định châm, nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm ra chiếc quẹt gaz thường mang bên người. Chưa kịp thở dài, thì đóm lửa nhỏ lóe lên, An Nhiên bắt gặp ánh mắt ấm áp của người đàn ông đứng cạnh tự lúc nào. Cô khẽ nghiêng người để đầu thuốc chạm vào đóm lửa. “Cảm ơn” và “không có chi” là hai câu nói duy nhất được thốt lên. Họ lặng đứng bên nhau rít thuốc và nhìn mưa rơi. Cô không chắc liệu anh có đến vào tất cả các ngày trong tuần, nhưng mỗi buổi diễn của cô gần 4 tháng nay đều thấy anh hiện diện. Vậy mà đêm nay không thấy anh...
An Nhiên ngã người tựa vào băng ghế, nhưng rồi cảm giác có người nhìn mình, cô mở mắt ra. Khang đang đứng tựa lưng ở gốc cột đối diện. Cả hai nhìn nhau lúc lâu.
- Nhiên không hỏi vì sao tôi đến trễ?
- Có hẹn hò gì mà tra hỏi.
Khang cười nhẹ. An Nhiên quăng tàn thuốc xuống đất và di giày lên cho đến khi những đóm lửa nhỏ tắt hẳn. Cô nhón tay lấy một điếu thuốc khác gắn lên môi.
- Hút nhiều không tốt.
- Không tốt cho ai?
An Nhiên nghênh mặt ra vẻ thách thức, nhưng cũng như bao lần trước, cô cụp mắt xuống thật nhanh để tránh tia lửa nồng nàn từ anh. Cô lúng túng hạ điếu thuốc, cất vào bao. Khang cố kiềm để không mỉm cười thú vị, thấy yêu cách biểu hiện của cô.
- Hôm nay hát có tốt không?
- Muốn biết sao không đến nghe?
- Có người bạn thân đến tìm đột ngột. Sắp tới chắc tôi đi xa một tháng.
Nhiên bóp mạnh gói thuốc trong bàn tay thon của mình.
- Đi đâu?
- Hà Nội.
- Sao phải ở ngoài đó lâu vậy?
- Tôi vừa nhận vụ kiện khó.
- Vụ gì? Tôi có biết không?
- Nhiên sẽ không thích nghe đâu.
- Anh chưa nói sao biết là tôi không thích. Lúc nào cũng vậy, làm ra vẻ bí ẩn.
- Tôi có bí ẩn gì đâu. Tên tuổi, công việc, gia đình, cả nhà của tôi, Nhiên đều biết cả mà.
- Không phải những điều đó... Tôi không chạm được vào hồn anh.
- Thế tâm hồn Nhiên dễ nắm bắt lắm sao?
- Có lẽ chúng ta chưa thân đến mức ấy.
- …Thôi khuya rồi, để tôi đưa em về.
- Anh mới gọi tôi là gì?
Lần này đến lượt anh quay mặt đi
- Em. Không được sao? Em nhỏ tuổi hơn tôi nhiều mà.
- Mối quan hệ giữa chúng ta là gì, Khang?
- Bạn bè.
- Thật sao?...
- Vậy theo em, mối quan hệ này là gì?
Nhiên bậm môi, ngăn tiếng thở dài.
- Chẳng là gì cả.
Cô để Khang đứng lặng một mình và bỏ đến bãi xe. Trong lòng cô tựa hồ có điều gì vừa đổ vỡ. Sau phút ngỡ ngàng, Khang bước nhanh hơn để dắt xe cho cô. Hai người đề máy và chạy song song nhau, chẳng ai nói thêm lời nào nữa. Đêm Sài Gòn như người thiếu phụ dịu dàng, trầm lắng và bí ẩn.
oOo
An Nhiên thả bộ về phía công viên 23 tháng 9, vài người bạn quen trên mạng đang chờ cô ở đó. Mặc dù không biết nhiều về họ, cô vẫn cảm thấy vô cùng thân thiết. Có lẽ khi đứng trước khó khăn, con người dễ gần nhau hơn. Đây là lần thứ 3 liên tiếp cô xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Mấy đứa bạn hỏi ai xúi giục cô. Những đứa thân hơn chút lại bảo có rảnh thì ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Còn những ai không thích lại vu lên rằng cô làm vậy để đánh bóng tên tuổi của mình. Với tất cả, cô đều lắc đầu và cười. Cô đi chỉ vì đó là việc NÊN làm, thế thôi. Có những nỗi đau ngoài đời quá thực, biển Đông ngoài kia đang nổi sóng, những người ngư dân đang bị bắt giết ngoài kia, cô có thể làm gì cho họ? Cô không thể cất tiếng hát mỗi đêm với tâm hồn khô cằn đợi chết.
Mọi người vẫy tay mừng cô như gặp lại người bạn thân thưở nào. Cô không hay khóc, nhưng lòng chợt dâng niềm xúc động khó tả. Ai cũng cho rằng hôm nay chính quyền sẽ đàn áp mạnh, vậy mà tất cả vẫn hiện diện đông đủ. Những mệnh lệnh ngăn cản trở nên lố bịch, họ không xứng đáng lên tiếng thay cho tổ quốc. Có người mẹ nào từ chối lời “tỏ tình” của đứa con ruột thịt dành cho mình?
Trong lúc mọi người lui hui lấy biểu ngữ ra khỏi ba lô thì xung quanh vang lên nhiều tiếng la hét. Liền sau đó, hai hay ba tên tiến sát đến kéo mạnh tay cô về phía họ. Chưa kịp phản ứng vì bất ngờ thì người bạn đứng cùng đã nhảy đến giải vây cho cô. Anh bị gạt phăng ra, té ngã xuống đất và bị đạp vào người nhiều cú không nương tình. Cô cảm thấy đau như chính mình đang hứng chịu những đòn ác ấy. Cô hét đến khản giọng “Các người làm gì vậy? Các người không có quyền. Yêu nước là có tội sao?”, nhưng một lần nữa hai tên trong đám lôi và nhấc cô lên quăng vào chiếc xe thùng chờ sẵn. Cô thậm chí chẳng thấy đau nữa, chỉ cố nhoài người nhìn về phía các bạn lần cuối, nguyện cầu bình an cho các bạn. Cô hít một hơi sâu, tự bảo không được yếu đuối trong lúc này, quay nhìn bọn người mà cô chỉ thấy khinh bỉ.
- Thả tôi xuống. Tôi phạm tội gì? Các anh có còn là người nữa không? Những người cần các anh bảo vệ thì các anh đối xử như súc vật? Kẻ thù ức hiếp đồng bào các anh ngoài biển khơi thì các anh lại khoanh tay đứng nhìn? Tại sao vậy?
- Im đi, đó không phải việc của cô. Mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo rồi!
- Đó là việc của tôi, vì tôi là người Việt Nam. Còn anh là ai?
Câu hỏi rơi vào khoảng không thinh lặng. Họ quay mặt đi giả như không nghe. Cô thấy bị xúc phạm và uất ức. Cùng là con người, đáng lý không nên đối xử với nhau thế, huống gì họ và cô có chung đất mẹ... Cô tựa người vào thành xe, mệt mỏi, những câu hỏi không lời đáp tiếp tục xoáy vào tim đau nhói.
oOo
Xe dừng trước đồn công an. Khi tên công an mặc thường phục toan tiến gần, An Nhiên trừng mắt nhìn anh ta. Cô không muốn bị bàn tay đó chạm vào người thêm lần nào nữa.
Ngồi sau bàn giấy là người đàn ông mập mạp mặc sắc phục chưa đến bốn mươi, sở hữu gương mặt dùng dọa trẻ nít. Cô buông người xuống chiếc ghế đối diện theo cái chỉ tay của ông ta.
- Cô có biết tự ý biểu tình là phạm pháp?
- Bạn tôi là luật sư, thiết nghĩ kiến thức về luật của anh ấy không tệ. Luật pháp không cấm người dân yêu nước biểu tình chống ngoại xâm.
- Cô tưởng hành động biểu tình là khôn ngoan lắm sao? Khai thật đi, do ai xúi giục cô?
- Khi anh thốt lên câu hỏi đó là anh xem thường tôi. Và ngược lại, tôi cũng xem thường anh lắm.
- Tôi không lý luận với cô.
- Các anh mời tôi đấy chứ. Nếu không muốn nói nữa thì tôi về.
- Cô ngồi đó, tôi vẫn chưa nói xong.
- Tôi giúp gì được cho anh?
- Cô khai vào đây lý lịch cá nhân và lập bản cam kết suốt đời không đi biểu tình nữa.
- SUỐT ĐỜI?
- Phải.
- Tôi không có thói quen hứa hẹn, thề thốt gì với ai về một tương lai quá xa vời.
- Cô nên ăn nói nghiêm túc.
- Tôi vẫn đang nghiêm túc đây!
- Óc đậu phụ!
- Anh nói gì?
- Tôi không nói cô.
- Vậy anh đang tự nói anh à? Thế thì cho tôi xin lỗi!
- Cô...
An Nhiên cho tay vào túi quần, lấy ra bao thuốc, đưa một điếu lên môi. Ông ta chồm lên như con thú dữ, giật điếu thuốc khỏi môi cô.
- Không được hút ở đây!
- Nhưng tôi buồn ngủ lắm, không có thuốc tôi sẽ không tỉnh táo để làm việc với anh đâu!
- Đằng kia có thùng nước đá, nếu cần cứ đến lấy mà tạt vào mặt cho tỉnh.
An Nhiên đứng thẳng dậy.
- Anh lấy mà tạt vào tôi!
Tên công an hậm hực đứng dậy, bước nhanh ra ngoài, dường như đang cố kềm để không đánh cô.
- Mọi người không có quyền nhốt tôi ở đây! Nếu không thả ra, tôi sẽ la toáng lên cho xem.
Vừa lúc đó, tên công an khác trẻ hơn bước vào. Anh ta nhìn An Nhiên, nở nụ cười thân thiện.
- Sao em lại làm thế, chúng tôi đã tiếp đãi em rất lịch sự mà, có phải không?
- Ồ, thế ra các anh định nghĩa như thế là lịch sự.
Anh ta vẫn cười.
- Em nên biết điều, nếu không chúng tôi có quyền giữ em lâu hơn để điều tra.
- Anh lấy cái quyền đó ở đâu?
- Tốt nhất em nên biết ở đây ai là người được đặt câu hỏi.
- Rõ rồi, vậy bây giờ tôi muốn đi toilet một chút có được không?
- Mãi vòng vo thế này chỉ bất lợi cho em. Chúng tôi làm việc cũng vì nhiệm vụ được giao phó.
- Vậy anh muốn tôi chứng minh thế nào thì mới tin là tôi có nhu cầu cần giải quyết?
- Em viết xong bản tự khai rồi muốn đi đâu thì đi.
An Nhiên miễn cưỡng ngồi lại, cầm bút lên. Hơn mười phút sau, cô đẩy tờ giấy về phía tên công an.
- Bây giờ tôi đi được chưa?
- Còn bản cam kết nữa.
An Nhiên nhếch môi bất mãn.
- Chúng tôi quá ngây thơ khi nghe lời các anh hứa hẹn. Nhưng không bịp người ta mãi được đâu, anh biết không?
- Bây giờ em viết hay không, đó là quyền của em.
An Nhiên ngã người ra sau. Cô thấy đói, khát và mệt mỏi. “Quyền của cô”, cũng biết cách nói lắm. Sự chọn lựa đó khác gì “cô muốn chết bằng thuốc độc hay dao găm”, cuối cùng thì vẫn chết thôi.
An Nhiên nhìn ra ngoài. Người thân ở xa có thể không hay biết, nhưng những người đã đứng cùng cô sáng nay, những người bạn thân thiết trên mạng hẳn sẽ trông tin.
- Tôi có thể lấy lại điện thoại gọi cho bạn không?
- Hiện giờ chưa được.
- Chắc anh cũng có người thân, phải không? Nếu bỗng dưng họ biến mất, anh có lo không?
- Em chịu hợp tác sẽ được về sớm thôi.
Nhìn vẻ mặt câng câng đó, An Nhiên bậm môi ngước nhìn lên trần nhà. Cô hiểu để bị giữ ở đây mãi cũng không phải cách.
- Được, tôi viết.
Khi viết đến cụm từ “Độc lập – tự do – hạnh phúc”, lòng cô không khỏi dấy lên nỗi cay đắng, kỳ quặc quá!
“Tôi cam kết VĨNH VIỄN không tham gia biểu tình trừ phi Trung Quốc từ bỏ ý định xâm chiếm đất nước tôi”.
An Nhiên ghi ngày tháng năm và ký tên. Xong đâu đấy, cô đẩy bản cam kết đến trước mặt tên công an. Anh ta nhìn cô với vẻ hài lòng, nhưng vẻ mặt thân thiện đó biến đi nhanh chóng.
- Em viết như vậy không được.
- Tại sao? Rõ ràng có hai chữ Vĩnh Viễn theo yêu cầu của các anh.
- Nhưng em lại thêm vế sau...
- Vế đó có gì sai? Anh muốn tôi ngồi im khi tổ quốc bị xâm chiếm sao? Anh là người Việt Nam như tôi, anh cũng sẽ không ngồi yên, đúng không?
- Anh không tranh luận. Yêu cầu em viết lại.
- Tôi sẽ không viết. Những gì các anh yêu cầu, tôi đã làm cả. Giờ đến phiên anh giữ lời hứa của mình.
- Em đừng giở trò!
An Nhiên ôm bụng, nhăn nhó. Tên công an nhìn cô thăm dò, nhưng đến khi thấy cô tỏ vẻ đau đớn quá, anh ta đâm bối rối.
- Em đi đi! Nhưng nhanh thôi!
An Nhiên nhíu mày nhìn những tia nắng gay gắt đang chiếu thẳng vào mình theo ô vuông nhỏ trên vách phòng vệ sinh, nhưng không tránh đi. Cô lôi từ trong túi ra bao thuốc lá và đứng hút liên tục. Mồ hôi vã khắp người như tắm, cuối cùng cô lả người đi.
Phía bên ngoài, tên công an thô bạo đập cửa.
- Em làm gì lâu vậy? Mở cửa ra!
Không có tiếng đáp. Anh ta bước đến vặn mạnh tay nắm cửa, không nhúc nhích. Anh ta hấp tấp tra chiếc chìa khóa đã chuẩn bị sẵn trong túi vào ổ khóa, cũng không có kết quả.
- Mẹ kiếp, cái cửa chết tiệt!
An Nhiên nhếch môi cười, cô nghe tiếng bước chân của tên khác tiến lại gần.
- Để tao lên xem sao.
Hắn bắt chiếc ghế ở cạnh đó đứng lên, và hoảng hốt khi thấy An Nhiên nằm bất động, xung quanh vương vãi nhiều tàn thuốc.
- Cô ta ngất rồi!
Nói xong, hắn nhấc người lên, nhảy vào trong, và xốc cô mang ra ngoài.
- Đủ rồi đấy, cô đừng giở trò nữa!
An Nhiên ngã người tựa lưng vào tường, thở khó nhọc.
- Có khi nào hút heroin quá liều?
- ...
- Bây giờ tính sao? Có cần gọi điện cho bên y tế?
Tên công an thứ hai chưa kịp trả lời thì An Nhiên cất tiếng thì thào. Hắn cúi thấp hơn để nghe cho rõ.
- Nước!
Hắn đi đến góc phòng, rót cho cô ly nước đầy. An Nhiên cầm lấy và tu liền một hơi đến cạn. Uống xong, cô lại tựa lưng vào tường. Hai tên công an đưa mắt nhìn nhau ái ngại.
- Cô ta xảy ra chuyện ở đây là tụi mình gánh trách nhiệm không nhỏ. “Gọi điện” lên cấp trên xin ý kiến xem sao.
Vừa lúc đó, cánh cửa bật mở, một trong hai tên nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu.
- Anh tìm ai?
- Xin lỗi, tôi là luật sư của cô An Nhiên.
Cả hai không hẹn mà cùng đưa mắt về góc phòng. Khang nhìn theo và gần như lao về phía cô.
- An Nhiên! Em có sao không?
An Nhiên hơi nhướng mắt lên nhìn, nở nụ cười mệt mỏi, nhẹ lắc đầu. Khang thở ra nhẹ nhõm. Từ lúc được tin cô bị bắt, lòng anh như lửa đốt. Chỉ tưởng tượng đến cảnh cô bị đẩy thô bạo lên xe, anh đã muốn lao vào đấm lên mặt những tên khốn đó. Anh nâng cô đứng dậy tựa vào mình.
- Cấp trên của các anh sẽ “gọi điện” và yêu cầu để cô An Nhiên ra về ngay lập tức, tôi đứng đây đợi. Nếu cô ấy có bất kì thương tích gì, tôi sẽ kiện các anh ra tòa.
- Chúng tôi chẳng làm gì cô ta cả.
Vừa lúc đó điện thoại trên bàn đổ chuông, một trong hai tên tiến đến nhấc ống nghe. Giọng điệu ngang tàng biến mất, vẻ mặt câng lên vừa mới đây thôi cũng trở nên co rúm lại. Khang nhếch môi cười khi nghe hắn lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi tiếng “dạ...dạ...”.
- Anh được phép dẫn cô ta về. - Hắn gác máy và nhìn Khang không mấy thiện cảm.
- Được phép?- Khang bật cười mỉa mai – Cảm ơn anh... Với một số người, lương tâm là vô giá, và với một số người khác, họ bán nó bằng cái giá rẻ mạt.
Khang dìu An Nhiên bước ra khỏi phòng, để lại phía sau hai gương mặt đang dần đỏ ké lên.
oOo
Khi cánh cửa nhà An Nhiên vừa khép, cô thở hắt ra một hơi, đứng thẳng người lại, nhìn Khang nhoẻn miệng cười tươi tắn.
- Anh ngồi chờ em chút, em đi rửa mặt cho tỉnh đã.
- Ơ... - Khang tròn mắt nhìn theo dáng cô nhanh nhẹn biến vào phía nhà sau. Vài giây sau đó anh bật cười thú vị - Em giỏi lắm, An Nhiên!
Khang huýt sáo một bản nhạc vui, xăn cao tay áo đi vào bếp, loay hoay tìm chỗ để gạo, vo một cách thuần thục và bắt lên nồi cơm điện. Anh mở tủ lạnh, khẽ gật gù, lấy ra ít rau củ.
- Khang, anh đang làm gì vậy?
Khang quay lại, mỉm cười.
- Nấu cơm cho em. Chắc cả ngày nay chưa ăn gì phải không?
Cô bặm môi, cố ngăn xúc động.
- Anh biết sao?
- Anh vẫn tự nấu ăn ở nhà mà! Để hôm nay anh trổ tài cho em xem.
- Em phụ anh.
An Nhiên bước đến gọt mớ rau củ trên bàn khi Khang bắt nồi nước lên bếp.
- Sao anh biết em bị bắt?
- Anh đọc tin trên mạng.
- Công việc của anh xong rồi hả?
- Chưa, sáng mai anh lại bay ra đó.
Khang dừng lại khi không nghe tiếng đáp trả của cô.
- Sao vậy Nhiên?
- Anh về đây vì em?
Khang hơi sững người khi nghe câu hỏi của cô, nhưng sau đó lại mỉm cười.
- Ừ em.
- Tại sao?
- Anh lo em lạc giữa bầy sói.
- Em không sợ họ đâu.
Lần này anh bật cười lớn.
- Anh biết! Ngược lại, em làm cho họ sợ cuống cả lên ấy chứ!
An Nhiên cũng cười.
- Anh lo cho em hả?
- Ừ.
An Nhiên mang rổ củ đến rửa ở vòi nước, cạnh chỗ Khang đứng. Cả hai giữ im lặng trong bầu không khí ấm áp, mặc dù ngoài trời đang mưa. An Nhiên đặt rổ cạnh bếp và đi về phía cửa sổ.
- Mưa lớn lắm Khang!
Khang bước đến cạnh cô.
- Coi chừng mưa tạt ướt áo em.
- Không sao, hôm nay em đã trải qua những điều tệ hơn thế.
- Em có sợ lắm không?
- Lúc bị nhấc lên xe, em có sợ. Nhưng sau đó chỉ là những cơn uất giận mà thôi. Anh biết họ hỏi em gì không?
Khang lắc đầu, im lặng lắng nghe cô.
- Họ hỏi em được cho bao nhiêu tiền khi đi biểu tình?
Khang bậm chặt môi như nén lại cơn giận chực trào ra. Anh bước lên một bước và nắm tay An Nhiên siết nhẹ.
- Lòng yêu nước có thể mua được sao? Một khi còn suy nghĩ tiền có thể mua được lòng yêu nước, thì họ đang đẩy người dân của mình đến đường cùng phải lựa chọn. Tiếc là, chúng ta tranh luận với họ bằng luật, bằng lẽ phải, trong khi họ dùng sự ích kỷ và lòng tham của họ để xét đoán chúng ta. Họ đã lừa mị chúng ta quá lâu... Em vẫn nhớ câu nói của ông Lincoln “Anh có thể lừa vài người trong mọi lúc, anh có thể lừa mọi người trong vài lúc, nhưng anh không thể lừa mọi người trong mọi lúc.” Sẽ có một ngày, họ phải cúi đầu khi sự dối trá của chính họ bị vạch trần.
- An Nhiên... cho đến hôm nay anh mới biết là chúng ta cùng đi một con đường.
- Cùng con đường?
- Phải, con đường đưa đất nước chúng ta đến nơi tốt đẹp mà đáng lý phải có được từ rất lâu. Anh biết sẽ lắm gian nan và nguy hiểm. Những người bạn đi trước anh, có người đang phải chịu đau đớn trong tù, có người đang bị rình rập và hăm dọa hàng ngày. Ngày tháng này có thể anh vẫn còn cất lên tiếng nói trước tòa để bảo vệ cho bạn mình, mà biết đâu mai đây thôi, người đứng nghe tuyên án lại là anh. Nhưng có hề gì, chúng ta tự hào vì có thể đi đứng thẳng như một con người, đúng không em?
Cô ngước nhìn anh, phần tâm hồn mà cô vẫn cho rằng quá bí ẩn đây rồi, nó đẹp hơn mức cô tưởng.
- Vì lý do này mà trước đây anh giữ khoảng cách với em?
Khang gật đầu thay cho câu trả lời.
- Em có lạnh không?
- Anh đâu có mặc áo khoác mà hỏi em câu đó?
Khang nghiêng nhìn cô âu yếm.
- Anh nghĩ là mình có cách khác hay hơn.
An Nhiên quay người đối diện với Khang, mỉm cười. Khang nhẹ ôm cô vào lòng.
Ngoài trời vẫn đang mưa. Mưa Sài Gòn bao giờ cũng dễ thương đến lạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét