Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012
Triệu con tim, còn triệu khối kiêu hùng
Ngô Nhân Dụng
Theo dõi các bloggers ở Việt Nam thì chúng thấy rất nhiều người trẻ đang mang những ước vọng như nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang: “Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người. Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam.” Những ước nguyện viết trước đây gần nửa thế kỷ, cũng không khác những lời thiết tha của Việt Khang bây giờ.
Nguyễn Ðức Quang khác hẳn các nhạc sĩ cùng thời, những năm tang thương nhất trong cuộc chiến tranh Nam Bắc. Phản ứng của Nguyễn Ðức Quang không phải là đau khổ, thở than, tuyệt vọng. Các bài hát của anh toát ra tính chất khỏe mạnh, lạc quan, xây dựng, hướng về tương lai; trong khi anh vẫn ý thức thân phận khốn khổ, nhục nhằn của quê hương mình. Trong thời gian đó nhiều nhà đặt ca khúc khác nổi tiếng từ những phòng trà, những quán cà phê trong thành phố, kéo bao nhiêu người vào cơn mộng mị của họ. Nguyễn Ðức Quang hát cho các thanh niên, sinh viên, học sinh đi làm trại công tác, vì tâm nguyện giúp ích xã hội.
Sống trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt này, ai sống ở miền Nam Việt Nam cũng ý thức thân phận làm dân một nước nhỏ bị đẩy vào một cuộc tranh chấp quốc tế giữa các cường quốc. Năm 1970 Nguyễn Ðức Quang nhìn thấy: “Dân chúng ta đã mềm nhũn... Người ơi này tấm thân gầy, một sông núi hai vai lửa cháy!” (Xương Sống Ta Ðã Oằn Xuống). Trong cuộc chiến tranh, những người lính miền Bắc bị tuyên truyền không hề ý thức mình đang gây ra một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, như Trịnh Công Sơn than thở “Hai mươi năm nội chiến từng ngày;” còn những người miền Nam phải cầm súng chống cự cũng biết rằng đây là một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ. Như khi nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, một người lính, nói với người lính bên kia: “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước - Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.” Nguyễn Ðức Quang nhìn xa hơn, thấy một sự thật là dân mình bị “bọn lái buôn” lường gạt: “Anh ơi anh, chung quanh ta còn có bao nhiêu đứa nhân danh mang đời ta đem bán cho muôn người nơi xa vời; từ Sài Gòn kia ra Hà Nội ấy!” (Bọn Lái Buôn ở Khắp Nơi). Nguyễn Ðức Quang nhìn thấy “Người dân mình bị dầm nát như loài giun thôi.” Vì cùng là nạn nhân phải trả món nợ cho cả hai khối tư bản và cộng sản, bằng xương máu dân mình, “Việt Nam chịu ân oán cho cuộc tranh đua... Bao nước vây chung quanh đòi nợ - Một dân tộc trả bằng máu hai chục năm qua.” (Im Lặng Là Ðồng Lõa). Người nhạc sĩ đã lên tiếng nói lên một sự thật.
Khác với những nhạc sĩ chỉ than thở và tìm quên trong các tình tự cá nhân hay tự che giấu đời sống thật sau những tư tưởng mộng mị hay siêu hình, Nguyễn Ðức Quang là một nhạc sĩ “nhập thế.” Anh kêu gọi, “Một người đi một bước, ngàn người cùng đi muôn bước. Ði làm đuốc soi quê hương ta đập tan bóng tối.” (Ðuốc Hồng Tuổi Trẻ). Anh viết những ca khúc cho các thanh niên đi xây dựng nhà cửa cho đồng bào tị nạn, “Rồi ngày mai này nhà sẽ cao - Anh em ơi tô nhanh lên nào!” (Làm Nhà). Anh đặt những ca khúc cho các học sinh, sinh viên đi làm công tác giúp ích: “Những nhát cuốc hôm qua hay bây giờ, làm Việt Nam thành một kho ấm no!” Và “Những nhát cuốc chôn sâu lời thở dài - Những nhát cuốc đưa ta về ngày mai... Những nhát cuốc reo vui mùa Tự Do.” (Những Nhát Cuốc)
Tâm hồn Nguyễn Ðức Quang lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, anh muốn khơi dậy niềm tin tưởng, hy vọng cho các thanh niên chung quanh mình. Trong các cuộc lửa trại, các lúc họp đoàn, một thế hệ sinh viên học sinh khắp miền Nam đã hát với anh những câu ca đầy tin tưởng: “Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền - Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến - Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt - Hy vọng đã vươn dậy...” Rồi anh nhắc lại nhiều lần, nghe như lời cầu nguyện: “Hy vọng đã vươn dậy trong lòng anh, trong lòng tôi, trong lòng ai... Hy vọng đã vươn dậy trong ngày qua, sang ngày nay, cho ngày mai!”
Nguyễn Ðức Quang là người nhạc sĩ đi gieo rắc ý thức lạc quan và xây dựng cho một thế hệ các thanh niên miền Nam, những người không theo cộng sản. Trong lúc một chế độ dân chủ đang bắt đầu thành hình, nhiều người bắt đầu chán nản vì các cuộc tranh luận trong xã hội, một hiện tượng không thể nào tránh được trong các xã hội muốn sống tự do dân chủ. Một biến chứng của cuộc sống tương đối tự do là tinh thần phê phán đưa tới cãi cọ gay go và cay đắng quá đáng. Nguyễn Ðức Quang hát lên: “Không phải là lúc cứ ngồi đặt vấn đề nữa rồi - Phải dùng bàn tay mà làm nên tươi mới. Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau, nghi ngờ nhau, khích bác nhau cho cay, cho sâu, cho thật đau.”
Nguyễn Ðức Quang cố gắng thuyết phục đồng bào, nhất là giới trẻ: “Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông. Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai bắt đầu? Thế giới ngày nay không còn ma quái; Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi; Chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi!” Ðể “bắt đầu,” Nguyễn Ðức Quang hô hào: “Làm việc đi không lo khen chê! Làm việc đi hãy say và mê!” Và báo động: “Mình chậm chân đi sau người ta, còn ngồi đây nghĩ lo viển vông, thắc mắc, ngại ngùng, đến lúc nào mới là xong?” Bài ca Không Phải Là Lúc Cứ Ngồi Ðặt Vấn Ðề tuy viết từ năm 1966 nhưng nếu được cất tiếng hát lên bây giờ vẫn còn thích hợp.
Một năm sau khi Nguyễn Ðức Quang qua đời, hát lại các bài ca của anh viết từ những năm chinh chiến cũ, chúng ta vẫn thấy những lời ca tha thiết của anh còn rất cần thiết cho các bạn trẻ hiện nay. Trong lúc nền văn hóa kim tiền đang tràn ngập, trong lúc bao thanh niên mất kim chỉ nam đạo đức, còn bị sa vào vòng ma túy, trộm cướp; nước Việt Nam cần một cuộc phục hưng tinh thần, trước hết là cho giới trẻ, ngay trong trường học.
Nước Việt Nam đang cần nhiều nhạc sĩ nối tiếp Dòng Nhạc Nguyễn Ðức Quang, đem gieo rắc niềm tin tưởng, hy vọng, ý chí xây dựng quê hương. Một nét đẹp trong các sáng tác của Nguyễn Ðức Quang là lời và nhạc khỏe mạnh, vui tươi, hùng tráng nhưng không thuộc loại bài ca dành cho quân đội. Ðây là những bài hát của người dân yêu nước bình thường. Những biểu lộ của tình yêu nước nồng nhiệt cũng không rơi xuống tinh thần bài ngoại mù quáng, không hề kêu gọi đi giết người. Tính chất nhân bản này vắng mặt ở phần lớn các bài hát thường gọi là “cách mạng.” Chỉ khi người ta tự tin ở chính dân tộc mình, tin ở lý tưởng yêu thương đất nước của mình, thì mới lộ rõ thái độ nhân bản đó.
Trong khi cả nước lo lắng về nạn ngoại xâm, những ca khúc sôi sục lòng yêu nước như: “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại - Xương da thịt này cha ông miệt mài” phải được tiếp tục sáng tác để các thanh thiếu niên Việt Nam bây giờ họp nhau cùng ca hát. Ðể một lần nữa, chúng ta xác định “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ!” Với “Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng!” Những khúc hát Nguyễn Ðức Quang đã viết tặng cho tuổi trẻ có thể gây cảm hứng cho các nhạc sĩ thời nay, để các bài hát yêu nước, yêu đời, yêu người lại được ca vang khắp các nẻo “Ðường Việt Nam.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét