Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Ở hai đầu nỗi chết Vụ Bản, Văn Giang



Lê Hải Lăng

Cô giáo Trường đọc xong tờ giấy ép nghỉ dạy của Ủy Ban Nhân Dân xã, rồi thưa chuyện với bố và mẹ:

- Họ đòi thuyết phục gia đình tự nguyện giao đất, hoặc con bị mất việc.

Ông đội Hóp vuốt cái chùm râu bạc rồi mở miệng run run trả lời:

- Người ta muốn gì là chả được. Bao nhiêu đơn từ khiếu nại của mấy xã trong cái huyện nầy nằm trong sọt rác chính quyền nhân dân kia mà.

Bà vợ đội Hóp nhai một miếng trầu rồi nghiến hai hàng răng đen:

- Tiên sư cái quân bất lương đưa nông dân vào đường cùng không lối thoát. Đến chừng nầy rồi còn chơi cái màn như dâng đất cho tập thể đội đoàn làm chung. Chỉ khác một đằng là “lao động vinh quang cho đảng muôn năm bóc lột”, một đằng là làm giàu cho tập đoàn đỏ búa Mác liềm Lê.

Cô giáo Trường xen vào:

- Mẹ kể cho con nghe chuyện thôn xã họp hành bồi thường đất đai được không mẹ.

- Thôi đừng nhắc tới chuyện bồi với thường. Hàng ngàn, hàng vạn dân kêu oan khắp nước về nằm chật trên Cầu Giấy Hà Nội cho tới chết có Trung Ương nào đếm xỉa tới đâu. Mẹ tham dự bao nhiêu cuộc họp. Cái nào cũng như cái đó quanh đi quẩn lại yêu cầu tự nguyện, không đạt thì hăm doạ, xong tới màn kết tội vu vơ “tay sai phản động”. Họ ép buộc dân đen khố rách hơn cả ép dầu ép mỡ. Tức nước có ngày vỡ bờ…

- Thế gia đình mình có tham dự đeo khăn tang trắng cùng bà con để quyết tâm giữ đất không hở mẹ.

- Chết cũng phải làm cho thiên hạ biết mặt trái mặt phải cuộc đời. Họ mang cái ác cày sập nhà Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, nhưng đâu có cướp đi được trái tim yêu thương đùm bọc của mẹ con chị Thương trong cái căn lều lạnh lẽo ngày Tết.

oOo
Đêm Vụ Bản mây mù giăng kín không gian. Đâu đây tiếng chó sủa. Tiếng chân người chạy lật đật tìm về gặp nhau giữa đồng để cắm cọc dựng lều. Những người cùng chung số phận hoàn cảnh dễ thông cảm nhau. Bà đội Hóp khom lưng cầm cuốc đào cái lỗ. Chị nầy, chị kia cầm hai đầu cái bạt. Bà cụ già nhất trong đám chít cái khăn trắng lên đầu rồi nói bông đùa:

- Phen nầy ta quyết đi buôn vải để hảng dệt may dệt áo tang.

Một chị phụ nữ bỏ chiếc nón lá xuống đất rồi chỉ tay về hướng tây bắc:

- Chúng ta phải học bài học Văn Giang. Đừng để họ chia năm xẻ bảy ra cái thì bắt tù cái thì đánh đạp kể cả hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long.

Một ông già mở cái băng ra khỏi miệng lên tiếng:

- Phải chết sống bênh vực nhau. Đừng mạnh ai người đó sợ súng ống dùi cui mà bỏ chạy để bị đánh hội đồng như chuyện Ngô Thị Ánh xã Xuân Quang có hai người cầm tay giữ một người đá song phi vào bụng. Phải chi quyền cước nầy mà dùng đá vào mặt thằng Tàu khi nó trói tay người ngư dân Lý Sơn bắt đòi tiền chuộc thì dân đóng thuế nuôi đỡ nhục biết mấy.

Một người con trai căng cái lều vải xong rồi góp chuyện:

- Công an nhân dân, quân đội nhân dân, cái chi cũng mang danh nhân dân nhưng nhìn vô sự cố Tiên Lãng, Văn Giang ủi sập nhà không cho có chỗ ở, đá vào bụng đàn bà có thai, bắn súng đánh đập ông bà già phụ nữ tay không... trong lúc lãnh thổ biển đảo bị ngoại xâm thì quân đội, hải quân khoanh tay đứng ngó.

Một chị phụ nữ kéo cái ống quần đen lên mở lời:

- Thấy mà xấu hổ. Chỉ được cái tài bảo vệ tài sản cho tập đoàn ác độc. Hèn với giặc mà tàn bạo với dân. Cỡ như bà cụ nổi tiếng bênh vực dân oan Lê Hiền Đức cũng phải cải trang mượn cái nón rách, cái áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào nhân dân Văn Giang để qua mặt lũ chó săn thì biết rõ lối đi nhỏ con đường lớn nào mà không có bóng dáng ma cơ động, cầy áo xanh lá mạ sẵn sàng dàn trận giết dân.

Một ngọn gió đêm lành lạnh lùa vào chiếc lều. Bà cụ già tên Đạt dụi mắt nói trong gió:

- Thôi khuya lắm rồi. Dựa lưng vào đất mà ngủ một tí lấy hơi cho xong một đêm dài 82 năm người làm kiếp trâu ngựa.

oOo

Trời tờ mờ sáng. Ngôi sao lẻ loi chiếu ánh lung linh một góc trời. Bà Hóp kéo người thanh niên rồi chỉ tay xa xa:

- Cháu rõ mắt xem có phải trâu bò lúc nhúc đằng kia cánh đồng không?

- Chết rồi! Cả một rừng lực lượng công an, dân phòng đang dàn trận hàng ngang đi tới. Úi chà có cả bầy chó nghiệp vụ nữa đấy.

- Bà con mình ơi! Hãy đồng tâm hiệp lực bắt tay nhau giữ đất!

Bà Hóp nói chưa dứt câu, ba người công an từ đâu đã sấn tới kéo giật tay bà. Bà ngã xuống rên la. Bốn tên dân phòng phá sập cái lều trong nháy mắt.

Một nhóm phụ nữ ngồi bệt xuống đất kêu trời:

- Người là ai? Sao đánh chúng tôi? Chúng tôi tay trắng có tội gì?

Người mặc áo xanh nhổ cái cọc sắt dí vào đầu người thanh niên:

- Mầy đem cái nầy ra đây đóng lều phá rối trật tự, tau cho mầy biết tay.

Hắn vừa nói vừa nện túi bụi vào những cái đầu nông dân đang tranh nhau chạy hoảng loạn.

Một số công an khác quay bên trái quay bên phải vừa đánh vừa đuổi bắt người như người thợ săn vào rừng bắt nai vàng ngơ ngác.

Những giọt máu từ miệng từ mũi từ đầu thi nhau thấm giọt mồ hôi chảy xuống cánh đồng. Tiếng ông già khóc. Tiếng bà già rên siết. Tiếng nổ của súng. Tiếng cười man rợ của đoàn thợ săn. Tiếng chó tru. Tiếng côn đồ tru theo. Tất cả đã vẽ lên bức tranh Vụ Bản về sáng.

Người đàn bà mặc áo tím bị dùi cui nện ở lưng, cố hết sức bò dậy níu tay chị phụ nữ áo màu lá rừng, rồi nói nhỏ:

- Tôi thấy năm, sáu người đàn ông bị còng tay bắt đi. Bà có biết ai vậy không?

- Nguy khốn rồi. Vô đồn công an có mấy ai mà được trở về. May phước bị đui què, không thì gia đình mang về cái giấy tự tử công an sắp đặt.

Người đàn ông bận áo lam ôm đầu máu lồm cồm ngồi dậy, rồi thở dài:

- Thôi thế là thôi là hết sạch. Hết ruộng hết lúa hết gạo hết cả tình người… Rồi ông nghĩ ra thơ:

“Mẹ Vụ Bản nhìn về Văn Giang ứa khóc
 Gót chân nào đạp đầu tóc nông dân
 Nước mắt bi thương chảy xuống ruộng đồng
 Ai đổ máu chan hòa sông tội lỗi
 Hi những cái đầu Trung ương chưa một lần sám hối
 Hỡi những tay súng công an quân đội
 Có nghe Tàu chệt tới giết người
 Có nghe sông khóc núi ngậm ngùi
 Có hiểu nghĩa con người khác với khỉ vượn đười ươi?...

oOo

Ông trưởng đồn công an đan mười ngón tay vào nhau, đằng hắng một tiếng rồi hỏi:

- Các đồng chí bắt được ai. Có thu lượm được tài liệu chống phá nhà nước không?

- Một số tẩu thoát. Bắt được năm tên đem về đây. Ta lục soát nắm được một số đơn khiếu kiện chúng giày vò dấu trong túi.

- Có chụp hình chiến trận để tôi bắt chước Đại tá Ca Hải Phòng làm tài liệu viết sách không?

- Có chứ! Tổng Bí Thư đã nói dùng thanh kiếm, lá chắn bảo vệ đảng kia mà. Còn đảng còn mình thì nhân dân mặc kệ nhân dân chứ!

- Thế thì đem tụi chống người thi hành công vụ vào đây.

Ông già nông dân rút cái khăn tang trắng ra khỏi đầu định bụng cất vào túi làm vật kỷ niệm ngày để tang cho đất. Người công an tát một cái vào thái dương:

- Mầy định dùng khăn nầy mà treo cổ tự tử à!

- Tại sao tôi phải làm thế. Đây là Vụ Bản chứ không phải Bình Dương mà dàn cảnh giết chồng rồi dụ vợ người ta.

- Mầy giỏi lý sự. Được. Thế lực thù địch nào xúi dục chống lại cưỡng chế? Mầy khai rõ tao sẽ khoan hồng.

- Thế lực của chúng tôi là đôi bàn tay không Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái… làm gì đủ sức trước súng đạn, bạo lực, côn đồ…

- Mầy dám gọi công an nhân dân đi cưỡng chế là côn đồ?

Người hỏi cung nói chưa dứt câu. Gã đứng dậy dùng chiếc giày đinh giáng một cái đạp nẩy lửa vào mặt ông già nông dân.

Để cho nạn nhân ngã xuống nằm co quắp giữa sàn, gã say máu cầm tóc một người nông dân khác:

- Mầy bị bọn phản động nào móc nối, mua chuộc?

- Tôi suốt đời chân bùn tay lấm đói rách lầm than, như con gà ăn quẩn cối xay làm sao quen kẻ lạ, chỉ có nhà nước mới biết tàu “lạ” mà tránh kêu tên kêu tuổi.

- Phó Chủ tịch Hưng Yên, Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo với Thủ Tướng “là có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước”, mầy khôn hồn thì khai ra!
- Ai móc nối cấu kết tư bản đỏ hà hiếp đánh đuổi dân ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn!? Ai dùng luật rừng để cướp tài sản nhân dân!?.

- Mầy cả gan nói xấu ư! Tau cho mầy biết thế nào là rừng với biển!

Gã công an kê cái đầu gối vào bụng người nông dân. Rồi dùng hết sức lực đạp dồn dập…

Bên ngoài. Trời Vụ Bản đổ mưa nặng hạt. Tiếng cóc tiếng nhái hòa cùng tiếng thú vật lúc nhúc trong sở thú. Những con chó ăn đêm còn chủ còn mình say sưa đi tìm máu nóng…

Ở một tửu lầu nào đó người ta khui rượu mừng chiến thắng vẻ vang…

Tháng 5 năm 2012

Lê Hải Lăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét