Minh Văn
Ở thành phố thì người ta phân chia đơn vị hành chính thành Quận, thành Phường hoặc nhỏ hơn nữa là Khu Phố, chứ không ai gọi là Xóm như ở nông thôn cả. Cái tên “Xóm Trọ” là do cánh sinh viên chúng tôi nghĩ ra để gọi khu vực mà mình đang ở, vì rằng ở đây tập trung nhiều phòng trọ cho khách thuê. Nó không đủ lớn để gọi là Khu Phố, nhưng cũng đông đúc và tấp nập để có thể gọi là Xóm được. Xóm trọ dường như tập trung đủ mọi thành phần xã hội, từ bác đạp xích lô đến những người dân lao động, từ cánh sinh viên như chúng tôi đến giới công chức nghèo, còn có cả quan chức cấp cao của chế độ nữa.
Đám sinh viên thì ở quần tụ thành một dãy mà các chủ nhà xây và ngăn thành những phòng nhỏ. Vì vậy mà cũng gây nên một không khí sôi động vì sự quần cư. Nhóm bốn đứa trường Luật chúng tôi thì rủ nhau thuê được nguyên cả một tầng hai do nhà chủ để không. vì có cầu thang đi ngoài trời nên tuy rằng ở chung nhà nhưng chúng tôi cũng có được sự độc lập của riêng mình. Phòng ở tương đối rộng, lại có một khoảng sân thượng nên không gian cũng thoáng đãng và thoải mái. Nói chung, so với những phòng trọ chật chội của nhiều sinh viên khác thì như vậy cũng đã rất tốt rồi, và chúng tôi rất hài lòng, ngoại trừ vẻ mặt nghiêm trọng của bà chủ nhà mỗi khi đòi tiền nhà và tiền điện. Ban đêm rỗi rãi, chúng tôi thường mang ghế ra sân thượng ngồi tán gẫu, đôi khi bàn chuyện thế sự và chính trị. Những chậu cảnh xanh tốt đặt trên sân thượng điểm tô cho cái không khí họp bàn thêm phần trang trọng, bên cạnh những khuôn mặt đầy vẻ quan trọng của những trí thức tương lai.
Trung tâm của xóm trọ là quán nước chè của chị Tâm. Cũng có thể do địa thế và vị trí thuận tiện mà quán của chị trở thành nơi tụ họp của hầu hết thành viên trong xóm. Quán nằm ngay đường lớn và có chỗ ngồi rộng rãi cho khách. Vì thế lúc nào cũng có người ghé vào uống nước chè hoặc hút điếu thuốc, nhân tiện mà nói dăm ba câu chuyện. Mấy bác xích xô thì ghé vào tợp vài chén rượu cho giãn gân cốt, sau đó hút điếu thuốc lào rồi nhả khói mù mịt mà quên hết thế sự. Ngay cạnh quán là bãi tập kết xích lô. Có khoảng hơn chục cây Xà Cừ cổ thụ nổi u sần sùi, những chiếc xích lô được tấp dưới gốc cây, trên xe là chủ nhân đang tranh thủ nằm nghỉ trong khi chờ khách, chiếc mũ cối che hờ những khuôn mặt khắc khổ và ngái ngủ. Thường thì cuối buổi chiều là lúc tập trung đông khách nhất, lúc này thì cuộc tán gẫu trở nên rôm rả với đủ những câu chuyện được mang về từ mọi ngõ ngách của thành phố. Cánh sinh viên thì nói chuyện học đường, đôi khi khơi mào những câu chuyện thời sự chính trị. Các bác lao động, xích lô thì kể những câu chuyện mắt thấy tai nghe trong ngày, liên quan trực tiếp với cuộc sống lao động khổ cực của họ. Mấy anh công chức thì nói chuyện lương lậu, cơ quan. Nói chung, lúc này thì quán nước chè của chị Tâm đã trở thành Trung tâm Chính trị, Kinh tế và Văn hóa của cả xóm trọ.
Đối diện bên kia đường là ngôi nhà ba tầng, rộng lớn và khang trang, được xây hàng rào bảo vệ và cổng sắt kiên cố. Theo lời của bác Hồng xích lô thì đó là dinh cơ của một quan chức bộ giao thông. Mỗi khi có khách bấm chuông thì lại thấy người trông nhà ra mở cổng, tiếng chó sủa ông ổng vọng sang tận bên kia đường. Sau khi khách vào nhà thì cánh cổng sắt lại được đóng lại im lìm và lạnh lùng. Hai thế giới đối lập nhưng lại hiện diện trong cùng một khung cảnh, một bên là quán nước chè bình dân của xóm trọ và bên kia là dinh cơ của quan chức chế độ.
o0o
Với bộ dạng thất thểu, cậu Thái – sinh viên Đại học Dân lập Đông Đô – ngồi phịch xuống ghế và gọi như thường lệ:
- Chị cho em chén nước và điếu thuốc Vi Na.
Chị Tâm điềm tĩnh rót nước cho cậu ta, rồi hỏi:
- Sao hôm nay trông cậu buồn thế? Người yêu bỏ hả?
- Yêu đương gì đâu chị, đến kỳ đóng học phí mà nhà chưa gửi tiền ra đây. Không có tiền thì họ không cho thi, chắc lại phải về quê lấy tiền quá!
Nhà cậu Thái ở tận miền Trung, về nhà thì cũng xa và tốn kém, lại ảnh hưởng đến việc học ôn thi. Tuy bi đát thật, nhưng đó là tình cảnh chung của cánh sinh viên chúng tôi. Bác Hồng xích lô nghe thấy thế liền bảo:
- Các cậu là sinh viên, bây giờ khổ cực nhưng sau này làm quan lại sướng, chứ có đâu như cánh lao động chúng tôi, làm việc quần quật suốt ngày mà vẫn khổ.
Nghe nói vậy, Thái tỏ ra bức xúc:
- Sướng gì đâu bác, chỉ mấy ông quan chức tham nhũng thì sướng thôi, chứ công chức thì làm việc cả đời cũng cứ nghèo vậy. Còn lâu đất nước này mới phát triển được, quan chức cứ giàu, công chức và người dân lao động thì cứ nghèo thôi.
Chú Thắm rít điếu thuốc lào đánh sòng sọc một cái rồi nói chen vào:
- Cháu nó nói đúng đấy, tôi là minh chứng đây này, hiện tại đang thất nghiệp đây.
Chú thắm trước đây là cán bộ nhà nước, bây giờ chỉ mỗi vợ chú còn đi làm, còn chú thì thất nghiệp ở nhà đã lâu. Vì vậy chú chán nản mà lâm vào đánh lô đề, coi như là một nghề mới vậy. Khổ cho chú, cái nghề may rủi này có ai giàu được đâu, cha ông ta vẫn có câu “Cờ bạc là bác thằng bần” mà. Căn phòng cỡ hơn hai muơi mét vuông của chú chỉ để được vài ba thứ đồ đạc lặt vặt là đã chật chội rồi, nay lại bày bừa bộn giấy tờ ghi đầy những con số và lý giải giấc mơ. Có thể nói chú đã thực sự bị con ma số đề bắt mất linh hồn, chú vận dụng mọi kiến thức về âm dương bát quái, đến tất cả những cái ngẫu nhiên của sự vật hiện tượng để nghiên cứu những con số ma quái. Chính vì để hết tâm trí của mình vào số đề mà mọi hành động cử chỉ của chú Thắm đều bị nó điều khiển cả. Ngồi ở quán, chỉ cần nhìn thấy dáng đi của chú từ đàng xa là chúng tôi có thể biết được hôm nay chú được đề hay mất.
Hôm nào trúng đề thì dáng đi của chú hùng dũng và nhanh nhẹn hẳn, chắc hẳn Quan Vân Trường thời Tam Quốc cũng chỉ có dáng điệu oai phong được đến thế là cùng. Ngược lại, nếu nhìn thấy dáng đi thất thểu đến tội nghiệp của chú thì biết chắc là trượt đề rồi. Tạo hóa cũng thật trớ trêu, từ khi ở xóm trọ này thì gần như ngày nào chúng tôi cũng nhìn thấy dáng đi thất thểu của chú, chỉ thấy dáng điệu oai phong đôi ba lần, nhưng đó chỉ là những lần trúng nhỏ chỉ đủ mua mấy vé số mà thôi.
Bác Hồng cụng chén với chú Thắm rồi nói trêu:
- Thì cũng tại ông thôi, không làm ông cán bộ nhà nước mà lại về nhà núp váy vợ.
- Khà! cũng tại cái nhà nước này nó không ra gì, nếu có đủ việc làm cho mình đủ sống thì đâu phải nghỉ việc. Chứ trình độ của tôi thì chấp cả mấy thằng cha tiến sĩ này nọ, chỉ là bằng cấp giả thôi. (Chú Thắm thanh minh sau khi nhắp cạn chén rượu cuốc lủi).
Bác Hồng lại cười, đùa dai:
- Thì thấy người ta giàu sang cả, chỉ mình ông nghèo khổ thôi...
Lần này thì chú Thắm bực bội thật sự:
- Đó là những thằng tham nhũng, vơ vét của dân. Chứ viên chức quèn như chúng tôi lương không đủ sống thì lấy đâu mà giàu, họa có mà ăn cướp.
Vừa lúc đó thì có tiếng còi, rồi một chiếc ô tô màu đen sang trọng đỗ xịch trước cổng ngôi nhà bên cạnh, cánh cổng mở ra và chiếc xe nhanh chóng chui vào bên trong. Mọi người nhận ra đó là xe chở vị quan chức nọ, chủ nhân của ngôi nhà. Chú Thắm đặt mạnh chén rượu xuống bàn, nhìn theo chiếc ô tô, gằn giọng:
- Thật là kẻ ăn không hết, người lần không ra, chả còn công bằng gì nữa!
Anh xích lô đang nằm nghỉ trên xe, ghé chiếc mũ cối che mặt, chỉ vào ngôi nhà đối diện nói to:
- Đầy tớ của nhân dân đấy!
Rồi để bày tỏ thái độ của mình, anh duỗi thẳng đôi cẳng chân đen đúa gác lên thành xe chỉa về hướng ngôi nhà vẻ khinh bỉ.
Rồi mọi người lại quay sang bàn chủ đề khác, câu chuyện thế sự xoay quanh ngôi quán bình dị, với những thân phận mà xóm trọ đang ôm ấp trong lòng. Thành phố đã lên đèn, ánh đèn điện đỏ quạch của ngôi quán đã được bật lên, soi rõ những bóng người liêu xiêu, tội nghiệp. Bên kia đường, ngôi nhà tỏa ánh điện sáng choang với cả một hệ thống cảnh báo an ninh lúc nào cũng hoạt động, tiếng chó sủa lại vọng sang nghe oang oang.
o0o
Tối nay mấy đứa trong phòng chúng tôi lại ra sân thượng ngồi hóng mát. Mùa hè nóng nực, buổi tối khí hậu bắt đầu dịu mát bởi những cơn gió nhẹ thổi về. Cậu Chuyên người Thanh Hóa đằng hắng và bắt đầu cất giọng ồm ồm:
- Các Khanh có việc gì thì cứ tấu lên để Trẫm biết.
Chuyên là đứa tếu táo nhất trong bọn, cậu ta có lối nói nệ cổ, lại tự ví mình là vua nên lúc nào cũng xưng Trẫm với chúng tôi. Chuyên viết lên tường dòng chữ “Trẫm đã từng ở nơi đây” và ký tên bên dưới. Tưởng cũng cần nói đến nguyên nhân mà cậu ta thích lối nói nệ cổ này. Ấy là cách đây vài tháng, hôm ấy chúng tôi bàn về cấu trúc bộ máy nhà nước hiện nay (Chúng tôi học trường Luật mà). Sau khi phân tích kỹ lưỡng, mấy đứa cùng đi đến kết luận: Nhà nước hiện nay không khác nhà nước Phong kiến là mấy, về bản chất là như nhau. Cả hai chế độ đều độc quyền lãnh đạo đất nước, chỉ khác là chế độ Phong kiến chỉ có một ông vua, còn bây giờ là vua tập thể (Bộ Chính trị). Và điểm khác biệt nữa là tính Cộng sản chủ nghĩa, vì vậy mà thời bấy giờ còn tồi tệ hơn Phong kiến ngày xưa. Là người tếu táo nhất, nên cậu Chuyên thích thú với nhận định này của cả bọn lắm, vì thế mà từ đó cậu ta luôn xưng Trẫm trong khi nói chuyện để cho giống với thời Phong kiến.
Tiếp lời mở màn của Chuyên, cậu Thanh đưa ra mệnh đề:
- Hiến Pháp Việt Nam có quy định: “Đảng Cộng sản đại diện cho giai cấp nông dân, công nhân, tầng lớp trí thức và toàn thể dân tộc”. Đúng hay sai?
Tôi trả lời ngay:
- Sai quá đi chứ, đúng thế nào được!
Chuyên nói:
- Hãy chứng minh!
Tôi phân tích:
- Thứ nhất, một đảng phái chỉ có thể đại diện cho những tầng lớp nhất định, không thể đại diện cho toàn thể dân tộc được. Điều đó trái với quy luật tự nhiên và là điều không tưởng. Chưa kể ngày trước Đảng Cộng sản tuyên bố là đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, gạt bỏ vai trò của tầng lớp trí thức. Vì vậy mà mâu thuẫn với quá khứ. Trừ khi đảng Cộng sản từ bỏ vai trò lãnh đạo hoặc thừa nhận sai lầm của mình.
Chuyên vỗ đùi đánh đét một cái và phán:
- Khá, khá lắm! Trẫm cho 10 điểm.
Phong – thành viên còn lại của nhóm – từ tốn nói:
- Thì cứ nhìn các bác lao động trong xóm trọ mình thì biết, họ lao động quần quật cả ngày có đủ sống đâu. Thế thì việc nhà nước tuyên bố nhân dân lao động là lực lượng lãnh đạo đất nước là không thật lòng, nếu không muốn nói là mị dân và lừa dối.
Chuyên nói, giọng nghiêm trang:
- Trẫm đồng ý, Thanh có ý kiến gì nữa không?
- Từ xưa đến nay, thành phần trí thức vẫn lãnh đạo xã hội mà. Đó vốn là một quy luật tự nhiên. Điều quan trọng của một xã hội Dân chủ là người nào cũng được lựa chọn công việc phù hợp với khả năng của mình, mỗi người đều có một vai trò riêng và có giá trị tương hỗ. Chứ không phải làm cách mạng là cứ đảo ngược vai trò mọi thứ trong xã hội, điều mà đảng Cộng sản đã làm trước đây.
Tôi nói:
- Đúng vậy!
Như thường lệ, Chuyên lại là người kết luận:
- E hèm! Như vậy Trẫm sẽ kết luận: Mệnh đề mà Thanh nêu ra là sai. Điều đó đồng nghĩa với việc Điều 4 Hiến pháp năm 1992 là không đúng!
Cả bọn cùng vui vẻ với nhận định của mình. Chuyên cầm bao thuốc lá toan rút một điếu để hút, phát hiện ra không còn điếu nào, cậu ta liền nhìn Thanh và phán:
- Trẫm truyền cho Thanh đi ra quán chị Tâm mua bao thuốc lá, để cả bọn còn tiếp tục mạn đàm!
Thanh ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh, cậu ta lui cui bước xuống lầu sau khi đã nhận tiền từ tay vị Hoàng Đế tự phong.
Từ trên sân thượng, chúng tôi có thể nhìn thấy quán chị Tâm vẫn đang đỏ đèn. Vì từ nhà ra đến quán chị cũng chỉ mất mấy phút đi bộ. Vậy là một ngày như bao ngày cũng sắp trôi qua, rồi ngày mai chúng tôi lại tiếp tục đi học. Các thành viên của xóm trọ thì người nào lại làm công việc của người nấy như thường lệ, và những câu chuyện lại tiếp diễn như cuộc sống vốn vẫn vậy. Xóm trọ vẫn là nơi chở che và ôm ấp những mảnh đời và số phận con người giữa cái xã hội đầy bấp bênh và trắc trở này.
Minh Văn (Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét