Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012
Cuộc sống làm thuê giữa đất Hà thành Kỳ 1: Nghề kéo xe nơi ngõ nhỏ
"Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình lại bán rẻ họ cho các chủ nhơn ông ngoại quốc làm ăn ở Việt Nam."
TP - Không có họ, những hộ dân trong ngõ nhỏ Hà Nội khó mà xây sửa nhà. Những người kéo xe bò cúi mặt cầm càng luồn lách ban ngày giữa tiếng phàn nàn của người dân trong ngõ, ngách, và hì hụi lặng lẽ thâu đêm ở những công trường hiểm.
Căn phòng xập xệ của những người làm nghề kéo xe bò. Ảnh: Trường Phong.
Mỗi ngày đi bộ vài chục cây số
Hoàng Anh Việt - 17 tuổi - đang học lớp 11, tranh thủ thời gian nghỉ hè, lên Hà Nội phụ bố kéo xe bò kiếm thêm. Cậu ở cùng hơn chục người khác trong một căn phòng ẩm thấp ngay gần cầu Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội), cạnh bãi vật liệu xây dựng - nguồn sống của những người làm nghề kéo xe bò nơi đây.
Những người kéo xe chưa quên được cái chết của anh Nguyễn Xuân Toán. Một buổi trưa, khi cả nhóm đang ăn cơm ngoài quán, thì một nam thanh niên đi vào hỏi to Còn cơm không.
Thấy tiếng nói to, mọi người quay lại nhìn, thì nam thanh niên cho rằng anh Toán nhìn đểu, liền lấy con dao của quán, xông vào đâm, khiến anh Toán chết trong bệnh viện sau đó. Anh Nguyễn Xuân Vĩnh nói, đến nay, vẫn chưa có kết quả cuối cùng của vụ việc.
Căn phòng của Việt gồm một chiếc giường xập xệ, hai chiếc quạt điện quá hạn sử dụng. Chúng không tự đứng được khi quay, phải buộc vào một chiếc ghế gãy bên giường...
Sàn nhà la liệt cát. Quần áo giăng mắc khắp nơi. Căn gác xép nhỏ hẹp được đóng thêm bằng những miếng gỗ nham nhở. Bể nước đặt ngầm dưới nền nhà, tiếp nối với phòng vệ sinh luôn nhơm nhớp nước.
“2,5 triệu đồng/tháng tiền nhà, 500 nghìn tiền điện, nước…Mỗi người mất khoảng 350 nghìn đồng/ tháng” - anh Nguyễn Xuân Vĩnh, một người làm nghề kéo xe bò đã chục năm, nói.
“Bọn nghiện ngập, trộm cắp nhiều, đã có lần chúng lấy trộm xe. Cẩn thận vẫn hơn” - anh Vĩnh giải thích về 4 chiếc xe bò dựng ngay bên cạnh giường ngủ và được khóa chéo với nhau bằng những chiếc khóa chữ U, dây xích to vật vã.
Mỗi chiếc xe kéo 2 - 3 triệu đồng. “Một đợt, nó lấy liền lúc 3 cái xe, rồi bán cho đồng nát. Chúng tôi lại phải hì hục góp tiền mua lại” - anh Đới Thế Tiến góp chuyện.
Hơn chục người trong phòng đều là đồng hương Nông Cống, Thanh Hóa. Làm nông nghiệp nhưng ruộng đất ít, không đủ sống, phải ra Hà Nội kiếm việc làm thêm. Cứ đến ngày tháng nông nhàn, anh Vĩnh, anh Toàn lại ra Hà Nội làm nghề kéo xe bò, chở vật liệu thuê cho chủ bãi.
“Chủ bãi nhập vật liệu xây dựng về, nếu có khách gọi điện mua hàng thì họ ới chúng tôi, đưa địa chỉ. Chúng tôi kéo xe chở vật liệu đến đó. Xong việc, chủ bãi trả tiền theo số chuyến. Trung bình, mỗi xe chỉ được 10 - 15 nghìn đồng, tùy quãng đường” - anh Vĩnh cho biết - “Xe cát còn nhẹ, chứ như gạch, xi măng, đá thì phải 5 - 6 tạ/xe. Mỗi ngày cũng cuốc bộ vài chục ki lô mét là thường”.
“Chúng tôi chủ yếu ăn cơm bụi, ít nấu cơm lắm. Ăn cơm quán nhanh hơn, nhưng nhiều khi phải bỏ bữa, về kéo hàng. Nhiều hôm kéo thâu đêm” - anh Nguyễn Xuân Vĩnh kể.
Vất vả, nhưng ai cũng mong chở được nhiều chuyến. Trừ chi phí, mỗi tháng các anh dành dụm gửi về cho vợ con 1,5 - 2,5 triệu đồng.
Chiếc xe Số phận
Việt chỉ chiếc xe bò dựng bên bờ kênh hôi nồng nặc, nói với tôi: “Anh chụp chữ số phận kia kìa”. Tấm gỗ chắn đằng trước của xe, hai chữ Số phận viết bằng mực đen đã phai màu theo mưa nắng, nhưng còn hằn rõ trên tấm gỗ đã nhẵn đi vì cọ xát cát, sỏi, xi măng.
Anh Sinh đi hàn càng chiếc xe Số phận. Ảnh: Trường Phong.
Theo lời Việt, chủ chiếc xe là anh Sinh, một đồng hương của cậu. Chính tay anh Sinh đã viết chữ Số phận lên trên đó.
"Tấm gỗ chắn đằng trước của xe, hai chữ Số phận viết bằng mực đen đã phai màu theo mưa nắng, nhưng còn hằn rõ trên tấm gỗ đã nhẵn đi vì cọ xát với cát, sỏi, xi măng. Theo lời Việt, chủ chiếc xe là anh Sinh, một đồng hương của cậu. Chính tay anh Sinh đã viết chữ Số phận lên trên đó ."
Việt kể, cách đó vài hôm, chiếc xe của anh Sinh bị nổ lốp ở cả hai bánh, phải sửa mất hơn 200 nghìn đồng. Sau đó, trong một chuyến chở hàng quá tải, càng xe lại bị gẫy, đang chờ đi sửa. Hôm nay, anh Sinh phải mượn xe để chở hàng.
Việt buồn buồn, bảo, trong những người làm cùng nghề trong phòng, anh Sinh vất vả nhất. Hai con anh mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi tháng phải tốn gần chục triệu tiền thuốc.
Mỗi ngày tiền thuốc cho hai đứa con ngốn gần 200 nghìn đồng. Số tiền kiếm được chẳng bù nổi tiền thuốc cho con. Vừa phải kiếm tiền ở Hà Nội, anh Sinh lại phải vay mượn thêm mới đủ.
Đang nói chuyện thì anh Sinh kéo xe bò về. Vẻ mặt khắc khổ võ vàng, vóc người nhỏ thó. Lau vội mồ hôi trên mặt, nhận được điện thoại của chủ bãi, anh Sinh lại tất bật cho xe vào kho xi măng, nhận phiếu đặt hàng từ bà chủ, vác ba bao xi măng cho vào thùng xe, rồi cố hết sức kéo qua con dốc, guồng chân thật nhanh. Chuyến này, kéo từ bãi đến số 8 phố Chùa Bộc hơn 1 ki lô mét, được 10 nghìn đồng.
Sau gần 30 phút, anh Sinh về. Lại không kịp nghỉ ngơi, anh kéo ngay chiếc xe Số phận gãy càng của mình đi sửa. Một mối hàn trên chiếc càng xe, tiền công 20 nghìn đồng.
Giấc mơ đại học
“Bố em bảo, không vì tương lai của hai chị em em, sẽ chẳng làm cái nghề này đâu” - Hoàng Anh Việt kể. Bố Việt đã làm nghề được 15 năm, và cũng từ những đồng tiền kiếm được từ đôi bàn tay chai sạn đó, chị gái Việt có cơ hội học Đại học Sao Đỏ ở Hải Dương. Việt cũng đang nuôi ước mơ tiếp bước chị.
Hoàng Anh Việt kéo xe chở 6 bao xi măng. Ảnh: Trường Phong.
“Mùa hè năm ngoái, em được bố dẫn ra Hà Nội tham quan. Ngồi trên phòng, thấy bố mệt quá, em xuống bảo để em kéo. Ban đầu, bố cũng không chịu, nhưng thấy em kéo thử được, nên cho em kéo luôn” - Việt kể về buổi nhập môn kéo xe.
Những ngày đầu, Việt rộp hai bàn tay, nhưng cố cắn răng gắng hơn. Bây giờ, tay Việt đã chai sạn. Nhưng như thế chưa là gì so với đôi tay của bố và những anh, chú làm cùng.
Qua hơn một tháng kéo xe, Việt kiếm được khoảng 3 triệu đồng về cho gia đình. Việt bảo, sẽ thi vào Đại học Sao Đỏ như chị gái. Nhà nghèo, nên để có thể biến giấc mơ đó thành sự thật, đôi tay Việt đang gồng lên, mạnh mẽ ghìm những càng xe nặng nề.
Hôm sau, tôi tình cờ đi qua phố Chùa Bộc, gặp Việt đang gò lưng kéo chiếc xe chở 6 bao xi măng vào một con ngõ nhỏ trong Học viện Ngân hàng. Việt bảo, sẽ cố thêm vài ngày nữa mới về quê. Mồ hôi đổ rần rần trên gương mặt non nớt, Việt nói, chuyến xe chở 6 bao xi măng có giá …15 nghìn đồng.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét