Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012
Khi Công Nông VN Bất Mãn
Công nhân và nông dân là hai thành phần chánh làm cho nước giàu dân mạnh. CS biết nên hô hào đó là liên minh công nông, là lực lượng nổng cốt do Đảng CS lãnh đạo thực hiện cái gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng từ khi Liên xô và các chế độ CS Đông Âu sụp đổ, để tự cứu Trung Cộng và Việt Cộng chuyển sang kinh tế thị trường. Công nhân và nông dân bị Đảng Nhà Nước CS bóc lột còn hơn thời tư bản hoang dã mà Marx đã than nghèo kể khổ để kích động lực lượng này làm cách mạng vô sản do Marx chủ trương. Gần một phần tư thế kỷ CS Hà nội gọi là “chuyển hệ tư duy, đổi mới kinh tế” sang “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, lương của người lao động Việt Nam gần đây còn quá thấp, chỉ gần $70 USD/tháng, trên Campuchia với $60.36 USD/tháng thôi.
Nông dân VN càng khổ hơn, có làm cho Việt Nam trở thành nước xuất cảng gạo hàng thứ nhì trên thế giới mà không có ăn vì nhà nước để cho quốc doanh kiếm lời vô cớ trên mồ hôi của nông dân. Quốc doanh độc quyền nâng giá “vật tư nông nghiệp” và kềm giá mua gạo xuất cảng. Công nhân và nông dân Việt Nam bất mãn và liên minh nông dân công nhân do CS đánh bóng bể. Khi người lao động bất mãn thì biểu tình, đình công, lãng công. Và phong trào này chỉ có tăng chớ không có giảm.
CS Hà Nội lo, có tăng lương theo thủ tục khẩn cấp. CS Hà Nội cũng đánh phủ đầu, trấn áp, lũng đoạn. Không ảnh hưởng gì vì đây là vấn đề cơ cấu chánh trị, lỗi của hệ thống, không thề giải quyết bằng biện pháp hành chánh được.
Còn nông dân khiếu kiện thì liên tục. Dân thành thị lẫn nông thôn, lương hay giáo, bất cứ lúc nào, tứ bắc chí nam cũng có người trở thành dân oan bị đảng nhà nước cướp nhà cướp đất dưới chiêu bài qui hoạch trả rẻ như giựt.
Từ năm 2005 công nhân VN bắt đầu chống đối các công ty người ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam cho đến bây giờ trở thành một phong trào. Phong trào như làn sóng lan tràn từ Saigon ra Hải Phòng, Hà nội và như vết dầu loang loang ra nhiều vùng phụ cận và các tỉnh nơi có các khu công nghiệp.
Mục tiêu đấu tranh của công nhân ban đầu gói gọn trong việc đòi tăng lương trả quá thấp, kế đó đòi thêm cải thiện điều kiện làm việc quá tồi. Nói chung hành động phản kháng còn hòa dịu, còn trong vòng tự chế và tương đối trật tự. Mục tiêu còn nằm trong vòng lao động, chưa lan ra chánh trị như mọi phong trào đấu tranh khác, đòi tự do tôn giáo, đòi bài trừ tham nhũng, v.v.
Nhưng có điều nhà nước CS và các nhà đầu tư ngoại quốc ở Việt Nam và các quan sát viên quốc tế cũng không dè. Đó là mức độ của phong trào nhân dân này. Về số lượng người, rất đông, đông nhứt từ trước đến giờ. Về không gian, qui mô lan rộng ra khắp các công ty của người ngoại quốc, lan rộng từ Saigon đến Bình Dương, ra Hải Phòng, Hà nội, rồi bung ra các tỉnh, thường là tại ngay những khu chế xuất người ngoại quốc tập trung đầu tư.
CS Hà Nội bối rối, thụ động và mất sáng kiến trong đối phó. Luật cấm đình công “tự phát” trở thành vô hiệu lực. Công an, cảnh sát phải huy động bọn du thủ du thực, hay lực lượng ngoài địa phương để bao vây. Công nhân không còn sợ cán bộ công đoàn cánh tay kiểm soát công nhân của Đảng nữa. Và công đoàn không đủ cán bộ để tung ra thuyết phục và hăm he, phải nhờ cả đoàn thanh niên đi làm việc này. ”Đặc tình” trong hàng ngũ công nhân biểu tình thiếu, không có hay không dám báo cáo sợ bị trả thù, nên chỉ có thể bắt nguội nhưng công nhân la ó rồi cũng phải thả.
CS Hà Nội có khi phải thỏa mãn yêu sách của công nhân theo thủ tục khẩn cấp, ít khi thấy trong tập tục thì hành pháp lịnh của CS. Thủ Tướng Khải ký nghị định cho tăng lương và ra lịnh thi hành ngay, không cần văn bản hướng dẫn thi hành thường phải có theo tập tục pháp chế của CS.
Nhưng phong trào biểu tình, đình công lãng công không dứt. Công nhân, nông dân cảm thấy bị CS phản bội như nhận định của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà đấu tranh chánh trị lâu đời trong nước. Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình lại bán rẻ họ cho các chủ nhơn ông ngoại quốc làm ăn ở Việt Nam. Công xá ở Việt Nam thuộc loại rẻ nhứt thế giới. Công nhân nhiều khi phải làm việc một ngày 10 tiếng, 12 tiếng, thậm chí 14 tiếng mà không được trả tiền phụ trội. Công nhân Miền Bắc vào ban đầu quá nghèo giá nào cũng làm, bây giờ tạm sống được, muốn “chế độ lao động tốt hơn” đúng qui luật cách mạng. Cách mạng không nổi lên thời khốn cùng, mà vào thời tương đối khá muốn tốt hơn.
Phong trào công nhân nông dân đấu tranh làm CS Hà nội mất cả ba ưu thế lôi cuốn đầu tư nước ngoài, là lương công nhân rẻ, môi trường sản xuất an ninh, mặt bằng sản xuất dễ kiếm.
Đảng CS từ Việt Nam đến Trung Quốc sợ nhứt là “quần chúng nhân dân” đang bất tuân hành dân sự, sắp nổi dậy bắt tay được với những nhà đấu tranh gốc tôn giáo, trí thức và những nhà hoạt động cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Những niềm tin và giá trị này tuy là quyền lực mềm nhưng đánh vào chế độ CS tuy êm nhưng thấm đau cả ngũ tạng lục phủ của Đảng Nhà Nước CS. Nên TC phải dành mỗi năm 514 tỷ nhân dân tệ (tương 55 tỷ euro), một số tiền ngang với kinh phí quốc phòng, để bộ máy công an nội chính trấn áp nhân dân. Chắc CS Hà nội cũng dành một kinh phí lớn để trấn áp vì ở VN công nhân biểu tình nhiều hơn, dân oan toạ kháng khiếu kiện nhiểu hơn ở TC. Thành phần lao động đấu tranh cho quyền lợi vật chất nổi lên trong khi những cuộc đấu tranh cho quyền lợi tinh thần, tự do tôn giáo, tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam trở thành phong trào. Cả hai phong trào đấu tranh có hay không có liên kết với nhau – không nghe nói ra – nhưng ắt cả hai đều tạo và khai thác tối đa thời cơ này vì người ta thấy nó tăng chớ không giảm.
Do đó có nhiều lý do vững chắc để tin biểu tình, đình công, lãng công lao động, khiếu kiện, cầu nguyện đòi đất, đòi công lý của dân oan lương và giáo và các cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam sẽ còn dài dài và phát triển với qui mô lớn, trên diện rộng hơn như vụ cầu nguyện đòi đất nhà chung ở Vinh năm rồi lên đến gần nửa triệu người.
Vi Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét