Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012
Tuổi thơ bị đảng đánh cắp Bài 4: Tha phương vào làng nghề
Đảng Cộng sản luôn tự xưng là người đại diện cho giai cấp Công nhân nhưng lại thờ ơ, vô trách nhiệm với người lao động. Thậm chí họ còn siết chặt sự kiểm soát đối với người công nhân bằng tổ chức Công Đoàn quốc doanh. Điều đó chứng tỏ rằng, đảng Cộng sản chỉ lo cho lợi ích của bản thân và đồng đảng của họ. Và đó là thực trạng về giới công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tuổi thơ bị đánh cắp bởi lòng tham và cả sự tàn nhẫn của giới chủ và nhà nước cộng sản độc tài.
Bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Doan về thăm trường và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho trường Nguyễn Siêu năm 2010 : "....Chúng ta đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Đất nước chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, hiện nay, lực lượng lao động của chúng ta có trí tuệ rất thông minh và rất dũng cảm".... Thì đây, xin mời " đồng chí" phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan đọc loạt phóng sự nầy về tuổi thơ mà cộng sản đã "trồng" trên đất nuớc Việt Nam
TP - Nhờ nghề kim khí, mộc, tái chế nhựa..., hai xã Thanh Thùy, Khánh Hà nằm ven sông Nhuệ thay da đổi thịt với nhà tầng san sát, ô tô nườm nượp. Nhưng đằng sau sự phất lên ấy là những mảnh đời tuổi thơ đang lầm lụi, vất vả từng ngày chắt chiu kiếm sống.
Làng nghề, điểm đến
Làng Rùa là một biểu tượng thịnh vượng của xã Thanh Thùy (Thanh Oai, Hà Nội). Xã có thu nhập đầu người cao nhất huyện với 12 triệu đồng/người/năm nhờ làm nghề truyền thống cơ khí, thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi tới xưởng nghề của anh Minh, một trong những cơ sở sản xuất hàng tiện kim khí lớn nhất ở thôn Rùa Thượng vào một chiều nắng oi. Xưởng có 30 công nhân với hàng chục máy đột dập kim loại đủ kích cỡ.
Bên trong, một nhóm công nhân trẻ đang cặm cụi làm việc trong tiếng máy rền và nóng rang. Hai chiếc quạt công nghiệp chạy vù vù không xua nổi không khí ngột ngạt trong xưởng. Hoàng Thị Dung, 17 tuổi, quê Phú Thọ đang chăm chú làm một chi tiết của chiếc bếp ga ngay cạnh chiếc máy dập. Dung cho biết, cô nghe bạn bè mách xuống đây làm việc. Người nọ bảo người kia, dần dần nhiều bạn quê Dung xuống đây làm công nhân. Làm nhiều rồi quen, không phải qua đào tạo.
Dung tâm sự, làm nghề nông ở quê thu nhập chẳng được bao. Mỗi tháng, bố mẹ cho 20.000 đồng nạp thẻ điện thoại, còn lại chưa bao giờ có tiền tiêu vặt. Xuống xưởng anh Minh làm, ngoài tiền ăn ở không phải đóng, mỗi tháng cô còn có 1,2 triệu tiền lương.
Dung tâm sự: Em để dành chút vốn sau này lấy chồng. Không phải gửi tiền về nhà cho bố mẹ nên cứ đà này, làm khoảng bốn năm nữa là em về quê lấy chồng. Hỏi chuyện hợp đồng lao động, Dung im lặng giây lát nói: Em với nhà chủ cam kết miệng thôi, còn hợp đồng không có. Nghe bạn bè trong xưởng nói chúng em chưa tới tuổi đi làm nên không phải ký hợp đồng.
Quần quật làm việc trong xưởng nghề để kiếm tiền gửi về cho gia đình.
Ngồi kế bên Dung là Lan, 15 tuổi, người nhỏ thó. Mặt lấm lem đầy mệt mỏi, mồ hôi và bụi sắt bết lại trên gương mặt gầy xanh. Lan cũng ở Phú Thọ, vừa học hết lớp 9, nhà nghèo không có điều kiện học nên theo bạn xuống đây làm thêm. Lan mới xuống làm việc được một tuần. Lương thỏa thuận miệng với chủ là 1,2 triệu/tháng. Ăn nghỉ tại nơi làm việc.
Người bạn cùng làng rủ Lan xuống đây làm là Hoa, mới 16 tuổi. Hoa đã làm ở xưởng được một năm. Hai cô bé ở với nhau trên gác xép chật chội cheo leo ngay nóc xưởng. Phía dưới la liệt sắt thép, máy móc. Mái gác xép cũng chính là lớp tôn mái của nhà xưởng được chắn tạm bợ bằng vài mảnh xốp bám đầy bụi. Bếp ăn tập thể bên hông nhà xưởng sơ sài và tạm bợ với ba chiếc bàn ăn mốc meo và hàng chục chiếc ghế nhựa ọp ẹp, vài cái đã gẫy chân. 30 công nhân làm cùng với Dung, Lan, Hoa đa phần trong độ tuổi 15-17, đều ăn ở làm việc cùng nhau trong không gian nhà xưởng thủ công này. Tuy nhiên, đối với họ thế là đã tốt lắm rồi.
Ra khỏi làng Rùa, nơi có hàng chục công xưởng với nhiều công nhân nhí đang quần quật làm việc, chúng tôi gặp hai đứa trẻ đang hùng hục bê những bó sắt nặng hàng chục cân từ chiếc xe tải nhỏ đang sa xuống hố. Chúng làm việc ở xưởng của ông V thôn Am (Thanh Thùy), nơi chuyên sản xuất giàn giáo để cung cấp cho các công trường xây dựng tại Hà Nội.
Xe chở hàng của xưởng ông V vừa ra khỏi xưởng 2km thì bị sa xuống hố. Hai đứa trẻ hùng hục bê sắt xuống để kéo xe lên. Đứa nhỏ tên là Nguyễn Minh Khang, 15 tuổi, quê Hòa Bình. Nhìn dáng người đen trũi, thuần thục kéo những bó sắt nặng trịch, ít ai nghĩ Khang ở lứa tuổi đó. Dáng người nhỏ thó, làn da sạm nắng với “kinh nghiệm” hơn một năm trong nghề, cậu bé sớm trở thành trụ cột kinh tế của gia đình khi chúng bạn cùng lứa đang tung tăng cắp sách tới trường.
Mỗi tháng, với thù lao 1,4 triệu gửi về gia đình, Khang giúp hai đứa em có cơ hội ăn học. Bằng ánh mắt già dặn hơn tuổi, Khang trầm giọng kể: “Nghề làm kim khí cũng lắm rủi ro, bạn em nhiều người mất ngón tay, bàn tay, hay thậm chí dập nát cả cánh tay. Nghĩ lại, em vẫn còn may mắn là chưa thương tật, vẫn còn đủ sức đi làm giúp bố mẹ nuôi hai em”.
Lúc chiếc xe đã được kéo lên khỏi hố, Khang và đồng nghiệp nhỏ tuổi của mình lại tiếp tục bê đống sắt chất lên xe. Bên cạnh những đứa trẻ làng Rùa đang í ới tụ tập nhau lại chuẩn bị chơi đá bóng. Thi thoảng Khang ngừng tay, ánh mắt hướng ra phía sân bóng với vẻ khát khao.
Trong khi những đứa trẻ khác đang vui chơi hồn nhiên thì những công nhân nhí phải nai lưng làm việc.
Có đường dây săn lao động nhí?
Muốn đi từ Liễu Ngoại (Khánh Hà, Thường Tín) sang làng Rùa (Thanh Thùy, Thanh Oai) phải qua chiếc cầu treo bắc qua sông Nhuệ. Dân quanh vùng gọi đây là Cầu Đen. Đầu cầu phía làng Liễu Ngoại là quán nước của bà Nghi. Quán bà Nghi gần như trở thành trung tâm của các làng nghề quanh vùng như: làng Giã Cầu làm giẻ rách để chế chăn ga, gối đệm; làng Liễu Nội làm đồ nhựa; làng Rùa làm nghề cơ khí…
Làng Liễu Ngoại của bà Nghi cũng chuyên làm sắt xây dựng phế liệu. Làng không có xưởng sản xuất lớn, nhưng nhà nào cũng phải thuê từ 2-3 lao động, đa phần là trẻ em dưới 18 tuổi. Theo bà Nghi thì do thuê người lao động trưởng thành ở làng giá tương đối cao, khoảng 90 nghìn đồng/ngày nên các chủ xưởng sản xuất trong làng thường sử dụng lao động nông thôn từ địa bàn khác đến với giá rẻ hơn rất nhiều, từ 1 - 1,2 triệu đồng/ tháng. Tức một lao động có tay nghề ở làng tương đương hai lao động nhỏ đến từ vùng khác. Lao động nhí, tuy tay nghề không cao nhưng giá rẻ, dễ sai bảo, không hay cãi chủ nên từ nhiều năm nay được các xưởng nghề quanh vùng ưa sử dụng.
Buổi tối, cách đây hơn 2 tháng, khi bà Nghi đang chuẩn bị dọn quán thì gặp một đứa trẻ chừng 15-16 tuổi mặc quần áo cộc, vừa đi qua cầu vừa khóc. “Hỏi ra mới biết nó quê ở Lương Sơn, Hòa Bình, mới xuống làm thuê bên làng Rùa. Do làm việc không quen, bị chủ mắng nên nó bỏ trốn tìm đường về quê. Bỏ đi lúc trời tối, không biết đường, không có tiền. Tôi phải chỉ đường và cho tiền đi xe ôm ra ngoài khu thị trấn Văn Điển”- bà Nghi kể.
“Thương thế đấy, chúng phải xa nhà, bươn chải từ nhỏ đều do nghèo cả”, bà Nghi ngậm ngùi. Bán hàng nước ở Cầu Đen hơn ba chục năm nay bà Nghi thường phải chứng kiến những mảnh đời của những đứa trẻ từ các vùng nông thôn nghèo khác đến. Nhiều đứa bỏ làm, trốn chủ về quê. Có đứa bị chủ phát hiện tìm về, qua quán khóc lóc, xin xỏ…
Theo người đàn ông tên M, thôn Liễu Nội, hầu hết những trường hợp chủ phải đi tìm là do họ phải mất phí môi giới cho các trung tâm giới thiệu lao động ngoài phố để thuê. Nhiều đứa làm việc được 2 - 3 ngày thì bỏ. Vì thế nhiều người chủ rất bực tức khi phát hiện các lao động mình mất tiền thuê, chưa đóng góp được nhiều đã bỏ đi.
M. làm nghề xe ôm ngoài Hà Đông kiêm môi giới lao động khu vực các xã ven sông Nhuệ của hai huyện Thường Tín và Thanh Oai. Quãng 5-6 năm nay kinh tế làng nghề quanh vùng phát triển, lượng lao động trong làng không đáp ứng đủ, bởi vậy lao động nông thôn từ các tỉnh khác (như Hòa Bình, Phú Thọ...) đổ về tìm việc khá nhiều. Chính vì thế mà nghề môi giới của M. có cơ hội phất.
Thông thường M. hay liên hệ với một số trung tâm tại Ba La (Hà Đông) giới thiệu lao động nhí để kiếm lợi. Mỗi lao động được giới thiệu chủ cơ sở sản xuất phải trả 500 nghìn đồng, trong đó trung tâm được 300 còn M. được 200 nghìn. Thời gian cao điểm có lần M. đèo một lúc cả ba đứa trẻ về các xưởng nghề ở vùng này. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì việc làm ăn của M. ngày một khó khăn do trẻ từ các trung tâm môi giới ngoài Ba La giới thiệu về hay bỏ làm. Vì thế các chủ sản xuất ở làng nghề không thích thuê chúng qua trung tâm nữa mà thông qua những đứa đang làm tại cơ sở mình, tìm bạn bè, họ hàng ở quê giới thiệu về làm.
Ông Lương Văn Giá - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thùy (Thanh Oai) cho biết: “Hiện ở xã có khoảng 1.400 hộ làm kim khí, mộc; trong đó có 32 doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn. Mỗi doanh nghiệp này đều thuê 20 - 30 công nhân, chưa kể các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Khi được hỏi về những trường hợp trẻ em đang làm việc tại các xưởng sản xuất trong xã, chỉ với hợp đồng miệng, thì ông Giá lý giải: “Do đây là làng nghề truyền thống nên chủ doanh nghiệp có xu hướng cho trẻ em trong gia đình học nghề từ nhỏ. Nhiều trẻ em ở đây mới 7 tuổi đã cầm đục cầm búa làm nhoay nhoáy”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc từ trước tới nay chính quyền địa phương có nắm được số lượng lao động cụ thể từ các vùng khác đến và có biện pháp nào để bảo vệ trẻ em đang phải lao động sớm hay không thì ông Giá trả lời: Địa phương không nắm được.
Phú - Văn - Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét