Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012
pháp đình cộng sản nơi hợp thức hóa cho bọn lưu manh! : Nạn nhân của pháp đình. Hành trình nước mắt
"Xã hội Việt Nam tồn tại dựa trên những giá trị của tiền bạc. Mọi mục tiêu được biện minh bằng tiền bạc, đó là điều duy nhất mà con người Việt Nam hướng tới, những giá trị khác bị xoá bỏ và quên lãng. Và cái giá trị xã hội đó được guồng quay của một bộ máy nhà nước độc tài toàn trị đảm bảo và duy trì. họ duy trì những nghịch lý để kéo dài sự tồn tại của một thể chế chính trị ngược đời đang sắp đến hồi diệt vong."
Án dân sự liên quan đến tài sản của người dân, những phán quyết của tòa ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của người dân. Ấy vậy mà không ít những bản án xử sai, đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất.
Ông Liêm (trái) và luật sư - Ảnh: Lê Lâm
Vợ chết, cha và con cùng vào tù
Năm 1985, gia đình ông Vũ Đức Liêm gồm 8 người, sinh sống trong căn nhà cấp bốn ở H.Trảng Bom, Đồng Nai. Khi đó, ông Liêm làm nghề chạy xe lam nuôi cả gia đình. Năm 1995, do vỡ hụi, bà Phạm Thị Dung (vợ ông Liêm) thiếu nợ 17 người với số tiền 309 triệu đồng và 6,5 lượng vàng.
TAND H.Thống Nhất (cũ, nay là H.Trảng Bom) tiến hành hòa giải, công nhận sự thỏa thuận giữa bà Dung với các chủ nợ. Sau đó, bà Dung không thanh toán được nợ, Đội Thi hành án (THA) H.Thống Nhất kê biên và tổ chức đấu giá căn nhà là tài sản chung của vợ chồng. Trong thông báo bán đấu giá do chấp hành viên Phùng Văn San ký ngày 1.3.1997 ghi tài sản bị kê biên do bà Dung là chủ sở hữu (thiếu ông Liêm). Đến ngày 7.3.1997, Đội THA tổ chức bán đấu giá tài sản, người mua trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Dĩ.
Gia đình ông Liêm không tự nguyện giao nhà và đất. Ngày 8.5.1997, Đội THA huyện tổ chức cưỡng chế. Bức xúc vì bị kê biên, bán đấu giá và cưỡng chế tài sản sai, gia đình ông Liêm phản ứng tiêu cực. Kết quả là ông Liêm, Vũ Đức Độ (em ruột) và Vũ Thị Thủy (con gái ông Liêm, khi đó đang là sinh viên Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai) cùng bị bắt và truy tố về hành vi chống người thi hành công vụ.
Luật sư Trần Văn Hiếu, Văn phòng luật sư Người Nghèo (luật sư bảo vệ cho ông Liêm) bùi ngùi nhớ lại: “Ông Liêm bị tòa xử phạt 12 tháng tù giam, hai người còn lại cũng phải lãnh 6 tháng tù giam. Đau đớn hơn, sau cuộc cưỡng chế tài sản, gia đình ông Liêm tan nát do tù tội, không có nhà ở, chuyện học hành của các con ông cũng phải dang dở, vợ ông vì quá đau lòng cũng qua đời”.
Năm tháng gian nan
Đó mới chỉ là một phần của hành trình đầy gian nan và nước mắt về sau. Sau khi ra tù, năm 1998 ông Liêm khởi kiện Đội THA H.Thống Nhất, đòi lại phần tài sản của ông trong khối tài sản chung vợ chồng bị phát mãi sai và yêu cầu trả lại hơn 300 m2 đất (kê biên phát mãi chỉ có 750 m2, nhưng giao cho bên mua dư hơn 300 m2).
Ba năm sau, TAND H.Thống Nhất mới tổ chức phiên tòa sơ thẩm, tuyên hủy một phần hợp đồng bán đấu giá tài sản nhà, đất của bà Dung; buộc ông Dĩ phải có trách nhiệm trả lại cho ông Liêm một phần lô đất (trúng đấu giá) có kích thước 7 m x 62 m; buộc Đội THA H.Thống Nhất có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho ông Liêm hơn 22 triệu đồng.
Sau đó, phiên phúc thẩm ngày 26.6.2001 nhận định cơ quan tố tụng của cấp sơ thẩm đã phạm nhiều thiếu sót nên hủy án, giao hồ sơ về TAND H.Thống Nhất xử lại từ đầu trong khi cha, con ông lây lất mưu sinh, thuê nhà ở trọ.
Ấy vậy mà, gần 5 năm “ôm án”, TAND H.Thống Nhất không đưa vụ kiện ra xét xử mà ra quyết định “chuyển hồ sơ vụ án lên TAND tỉnh, vì có yếu tố nước ngoài”. Khởi đầu cho một hành trình gian nan khác.
Ngày 24.4.2008, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên sơ thẩm, bác đơn kiện của ông Liêm. Ông Liêm kháng cáo. Đến đây, TAND tối cao tại TP.HCM “kết”: “Yêu cầu khởi kiện của ông Liêm không thuộc quyền giải quyết của tòa án, nhưng TAND tỉnh Đồng Nai lại thụ lý và đưa vụ án ra xét xử là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết việc bồi thường thiệt hại nếu ông Liêm và THA dân sự H.Trảng Bom, Đồng Nai không thỏa thuận được về bồi thường thiệt hại và có đơn khởi kiện tại tòa theo Nghị định 47 ngày 3.5.1997 của Chính phủ”.
Bản án sơ thẩm bị hủy, vụ kiện ông Liêm đeo đuổi suốt 10 năm, nay lại quay lại vạch xuất phát. Đơn kiện của ông sau đó liên tục bị từ chối thụ lý.
Quyết tâm tìm công lý
Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố điều tra với ông Phùng Văn San và ông Đỗ Ngọc Chất (nguyên Đội trưởng Đội THA) vì những sai phạm trong việc cưỡng chế, THA liên quan đến mảnh đất của ông Liêm.
Sau nhiều lần xử đi, xử lại, không ít lần cha con ông Liêm lặn lội đến hết TAND tỉnh Đồng Nai rồi TP.HCM để tham dự phiên tòa. Không ít lần chúng tôi chứng kiến dáng hom hem, tất tả của ông ở hành lang phòng xử, thấy ánh mắt đỏ hoe của con gái ông khi có ai đó hỏi thăm câu chuyện cũ. “Bạn học của em, giờ tụi nó ra trường đi dạy ngon lắm. Đứa nào cũng gia đình ổn định, sung sướng chứ nào có ai đau khổ như em”, giọng Thủy buồn buồn.
Ngày 19.1.2010 Tòa phúc thẩm TAND tối cao ra phán quyết cuối cùng, tuyên hành vi của ông Chất, ông San phạm tội “thiếu trách nhiệm…” với hàng loạt sai phạm: không giải quyết khiếu nại của đương sự, không thông báo cho đương sự biết việc định giá, bán đấu giá, bán đấu giá lần 2 không định giá lại tài sản, không ký kết hợp đồng với tổ chức có thẩm quyền bán đấu giá, không niêm yết, kê biên nhà nhưng bán luôn cả đất…
Những tưởng ông Liêm sẽ mỏi gối chùn chân vì cứ mãi vác đơn đến tòa, nhưng ông và gia đình cùng sự tư vấn của luật sư vẫn quyết tâm đeo đuổi vụ kiện. Từ phán quyết chấp hành viên có vi phạm, ông Liêm quay lại kiện Chi cục THA dân sự H.Trảng Bom đòi bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với những thiệt hại mà ông phải gánh chịu. Cụ thể, ông Liêm yêu cầu THA phải bồi thường cho ông toàn bộ tài sản phát mãi sai, tiền thuê chỗ ở từ đó đến nay (15 năm), hoa lợi khai thác tài sản, tổng cộng là 18,6 tỉ đồng.
Gần 2 năm sau ngày thụ lý, TAND H.Trảng Bom xác định cán bộ của Chi cục THA dân sự H.Trảng Bom đã kê biên, bán đấu giá tài sản của ông Liêm không đúng quy định và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Liêm, bồi thường 1/2 giá trị tài sản theo định giá gần 2,4 tỉ đồng và tiền thuê nhà trong 15 năm.
Để có được số tiền bồi thường trên, ông Liêm và gia đình đã phải trả giá và mất mát quá nhiều. Nhưng ông vẫn chưa thể nở nụ cười vì nghe đâu Chi cục THA dân sự H.Trảng Bom kháng cáo bản án và ông Liêm sẽ phải tiếp tục theo đuổi vụ kiện.
Ngạn ngữ có câu "sợ nhất kẻ dốt làm thay thiên hạ". Điều đáng sợ hơn là kẻ ngu dốt nắm pháp luật. Chế độ có tồn tại lâu dài hay không là do người giữ luật. Do vậy, hãy xử lý ngay những kẻ làm sai luật để dân đỡ ai oán, chế độ được kéo dài thêm.
Lê Nga - Lê Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét