Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012
Tình hình thực tại của giới Công Nhân Việt Nam đã trở nên khẩn thiết: Thực trạng đời sống công nhân khu công nghiệp
"Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi, Quý Nhà Báo, Nhà Văn, Những Người Làm Luật, Những Tổ Chức Phi Chính Phủ, Những Người Tranh Đấu Cho Nhân Quyền ở trong nước cũng như ở hải ngoại lên tiếng cho chúng tôi, một thành phần thấp cổ bé miêng đang bị bóp chết từng ngày. Chúng tôi kêu gọi mọi người,mọi tầng lớp hãy bày tỏ sự đoàn kết bảo vệ chúng tôi, những người công nhân đang bị áp bức trong một chế độ nhà nước độc tài" - Diễn Đàn Công Nhân
6 giờ sáng, công nhân ở khắp nơi đồng loạt đổ về trước cổng công ty TOC Enterprise nằm tại Tân Uyên của tỉnh Bình Dương. Đây là một công ty Đài Loan nhưng lại mướn người Trung Quốc làm công việc quản lý. Trong tiếng pô xe, những âm thanh xì xào, vài người mua vội cái bánh, gói xôi ăn tạm bợ hoặc trao đổi vài câu chuyện, trước khi hối hả bước qua cánh cổng bảo vệ để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới.
Công nhân đang tìm mua quần áo rẻ tiền ngay trước cổng khu kỹ nghệ
Họ là những công nhân đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, với đa dạng các sắc tộc khác nhau. Nhiều nhất trong số họ vẫn là người Việt đến từ các tỉnh phía Bắc, các tỉnh miền Trung, miền Tây, kế đến là người Khmer đến từ Trà Vinh, người Mường, Thái đến từ các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn. Cuộc sống nơi quê nhà không thể cho họ một công việc ổn định để có thu nhập nên buộc lòng phải tha phương vào Nam để làm công nhân kiếm sống. Rất nhiều trong số họ đi cả gia đình vào Bình Dương để làm công nhân.
Lương bổng
Kim Ni, một công nhân người Khmer có quê ở Cầu Ngang, Trà Vinh năm nay 28 tuổi nhưng đã có thâm niên 9 năm làm công nhân, nói chuyện với tôi trong một quán café gần nơi anh làm: "Tôi làm ở đây đã 2 năm, trước đây làm công nhân cho công ty Áo Vàng ở dưới An Phú (tỉnh Bình Dương), còn 5 năm trước nữa là làm ở Khu Công Nghiệp Sóng Thần. Vì giá cả thức ăn, chi phí ở những nơi đó quá cao, lương công nhân không đủ chi tiêu nên phải lên tận trên xứ này mần, tuy xa xôi nhưng giá cả lại thấp, chi tiêu cũng còn đồng dư để gửi về gia đình".
Anh Ni hay như nhiều công nhân khác có lương căn bản là một triệu ba trăm năm mươi hai ngàn đồng (1.352.000 vnđ), cá biệt có những công ty ở vùng Tân Uyên này lương chỉ có 900 ngàn. Bởi vì mức lương thấp như thế nên tất cả công nhân ở đây đều mong muốn được tăng ca vì rõ ràng nếu không tăng ca thì với số tiền lương còm không đủ để trang trải cho cuộc sống. Và, hầu như công ty nào cũng tăng ca thêm 3-5 giờ đồng hồ/ngày, nghĩa là họ phải làm từ 7 giờ sáng cho đến 9g tối mới về đến nhà. Trung bình mỗi giờ làm việc của anh hay như nhiều công nhân khác là 6,500 vnđ tức khoảng 0.3 đô/giờ, còn nếu tăng ca thì tăng lên thành 9,900 vnđ cho mỗi giờ làm việc. Trung bình mỗi tháng tính cả làm bốn ngày Chủ Nhật anh nhận được khoảng 2.5 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí sinh hoạt anh còn dư được khoảng 1 triệu đồng để gởi về quê, chơi hụi dành dụm để tính chuyện làm ăn trong tương lai.
Làm việc cho các công ty nước ngoài thường hay bị chủ chèn ép. Cứ mỗi tháng công ty sẽ có một khoản tiền là 200 ngàn gọi là phí chuyên cần cho những ai đi làm đầy đủ. Còn nếu nghỉ việc dù chỉ một ngày mà không có lý do thì số tiền trên sẽ bị trừ hết. Sẽ bị trừ 20 ngàn một ngày nếu như nghỉ mà có giấy phép và 50 ngàn nếu không có giấy xin phép trong tiền lương hằng tháng.
Cũng làm công nhân như anh Ni là anh Hoàng, có quê ở Ninh Thuận. Anh than thở làm công nhân sống khó khăn hơn cả ở quê. Anh đang tính đường về quê kiếm việc làm vì lương mỗi tháng không đủ để chi trả cho những khoản chi tiêu, đó là chưa nói còn thiếu nợ hàng quán mà anh nợ để mua thức ăn lặt vặt. Mỗi ngày làm công của anh chỉ hơn 50 ngàn, nhưng nghỉ không phép là bị trừ mất 50 ngàn.
Chỉ những công nhân biết dè sẻn, hạn chế các khoản chi tiêu thì mới có tiền dư. Ở điểm này, công nhân có xuất thân từ miền Bắc làm tốt hơn nên mỗi tháng thường có tiền dư để gởi về cho gia đình. Nhưng nếu một tháng mà có đôi ba cái đám cưới thì việc dành dụm coi như mất hết, đó là chưa nói có khi còn thâm thụt và phải mượn bạn bè. Công nhân ở đây họ rất sợ mỗi khi nhận được thiệp mời đám cưới, vì đó coi như thâm thụt vào khoản tiền mà họ sẽ gởi về cho gia đình ở quê.
Cũng là công nhân nhưng lương không được cao như hai người nói trên, Khánh Ly sinh năm 1995 nhưng đã có hơn 1 năm làm việc. Để làm việc trong các công ty cũng không phải là điều đơn giản vì chưa đủ tuổi lao động, lương trung bình mỗi tháng là 1.2 triệu. Cô may mắn hơn những người khác là không phải trả các khoản chi phí ở trọ, ăn uống vì có gia đình gần công ty nơi làm việc. Ở những khu công nghiệp có cả dịch vụ làm hồ sơ giả, nâng tuổi, thay đổi giấy tờ để cho phù hợp với độ tuổi lao động.
Nơi ở
Hầu hết các công nhân đều ở trong những dãy phòng cho thuê, số rất ít trong số họ ở trong ký túc xá. Mỗi phòng thường rộng khoảng 16m² với giá trung bình 400 ngàn/phòng, đó là chưa kể những khoản tiền điện, nước. Họ thường họp nhau lại thành nhóm 4 người để ở chung một phòng nhằm giảm bớt tiền trọ. Việc làm này tuy giảm được một khoản tiền, nhưng bù lại việc ở chung thường hay xảy ra xung khắc vì tính cách mỗi người khác nhau, và công nhân thường ở độ tuổi thanh niên nên thường hay nóng nảy và thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc.
Phòng trọ ở đây tốt hơn so với những phòng trọ công nhân ở nơi khác vì trong phòng còn có toilet, có gác ở trong phòng nên diện tích sinh hoạt được rộng hơn. Có những dãy gồm 10 phòng nhưng chỉ có 2 toilet nên chuyện sinh hoạt vệ sinh hằng ngày rất khó khăn, đấy là chưa nói họ còn bị hạn chế trong việc sử dụng nước sinh hoạt.
Một dãy phòng trọ cho công nhân thuê. Giá trung bình của mỗi phòng từ 500,000-600,000 vnđ và sẽ còn cao hơn nếu trong phòng nhiều hơn 4 người ở.
Công nhân khi tụ tập nhau lại hay sinh ra rượu chè, mà rượu chè vào thường hay nảy sinh ra những mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Đã không ít trường hợp đau lòng đã xảy ra chỉ vì mâu thuẫn trong bàn nhậu giữa các công nhân với nhau.
Anh Trí, một người quản lý nhà trọ gồm 60 phòng cho biết: "Công nhân cứ sau mỗi lần đi làm về là họ lại nhậu. Ở khu tôi quản lý, phần lớn các phòng cứ chiều đến là có độ nhậu. Ở khu nhà trọ này công nhân họ còn hiền, ít khi xảy ra chuyện đánh nhau, vì mỗi lần có đánh nhau là tôi đuổi đi nơi khác không cho mướn nữa, chứ ở những nơi khác chuyện đánh nhau xảy ra thường xuyên".
Cũng theo anh Trí thì hằng tháng anh phải đóng một khoản tiền là 3,000 vnđ/phòng cho phía công an, nhưng bao giờ cũng thêm những khoản khác như lệ phí an ninh quốc phòng, lệ phí cứu trợ bão lụt... để công an còn hăng hái lại mỗi khi nhận được điện thoại báo có gây gổ, đánh nhau.
Giải trí
Công nhân ở các khu kỹ nghệ trên Bình Dương này hầu như không có thời gian giải trí, khi họ phải quần quật làm việc suốt cả 7 ngày trong một tuần. Thời gian rảnh chẳng có là bao để họ nghĩ đến việc giải trí. Làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối mới về đến nhà, chỉ trừ ngày Chủ Nhật họ làm việc đến 4 giờ 30 chiều nên còn chút thời gian để đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè...
Trong công ty thường có những sân banh, sân đánh bóng chuyền dành cho công nhân, nhưng số lượng công nhân tham gia chẳng đáng kể. Họ chỉ chơi những trò thể thao trên sau mỗi lần tan ca chiều, ăn vội miếng cơm, ra sân đá banh rồi lại vào xưởng cho kịp làm ca tối.
Cà phê chòi
Tuy thế không phải là công nhân không có giải trí. Xung quanh những khu kỹ nghệ vẫn mọc lên rất nhiều những quán café, những câu lạc bộ Billiard, đó là hình thức giải trí rất được ưa chuộng của công nhân. Song, nhiều nhất vẫn là những quán nhậu bình dân. Hầu hết công nhân chẳng biết làm gì ngoài việc bù đầu vào những cuộc nhậu, bù khú với bạn bè.
Gần những khu kỹ nghệ có đông công nhân, rất nhiều những quán café kích dục được ngụy trang bằng những quán café chòi được lợp bằng mái lá. Chính quyền dù biết đó là những tụ điểm mại dâm trá hình nhưng cũng không thẳng tay dẹp phá những quán café này, vì hoặc chúng được chính họ bảo kê, hoặc họ e ngại sẽ dẫn đến những hậu quả kích động đáng sợ hơn, khi công nhân lao động thường ở vào độ tuổi thanh niên, đang sung mãn về tính dục, cần có những nơi để thỏa mãn nhu cầu sinh lý.
Đình công
Anh Tân một bảo vệ kiêm chủ tịch Công Đoàn của một công ty được đặt tại Tân Uyên cho biết, chủ yếu công nhân đình công là vì lương và khẩu phần ăn. Anh đã làm ở đây từ ngày công ty thành lập và chứng kiến rất nhiều lần đình công của công nhân nổ ra.
Khi được hỏi Công Đoàn thường làm gì trước và sau mỗi cuộc đình công của công nhân thì anh nói, với những cuộc đình công mà công nhân xin phép Công Đoàn thì Công Đoàn sẽ dàn xếp để tìm rõ tâm tư, yêu sách của công nhân, sau đó sẽ chuyển yêu sách đó đến ban lãnh đạo công ty. Nhưng với những cuộc đình công mà công nhân tự phát, không xin phép hoặc chờ sự đồng ý của Công Đoàn thì những người đứng đầu của những cuộc đình công đó bằng nhiều lý do khác nhau sẽ bị cho nghỉ việc. Tôi lại hỏi, có bao giờ Công Đoàn đồng ý hay tổ chức cho công nhân đình công thì câu trả lời là chưa bao giờ. Điều này cũng thật dễ hiểu vì Công Đoàn trong mỗi công ty, đa phần là bảo vệ công ty hoặc họ ăn lương của chủ nên thật khó có chuyện Công Đoàn đứng về phía người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động mà hầu như là đứng về lợi ích của công ty.
Khi đi tìm hiểu về chuyện đình công của công nhân ở các công ty trên địa bàn huyện Tân Uyên, tôi được anh Tân và một số người khác cho biết, công nhân bây giờ họ đã khôn ngoan hơn rất nhiều, họ ít khi đứng ra tổ chức đình công mà thường cùng nhau bỏ tiền để mướn một số phần tử bên ngoài công ty để cầm đầu nhóm đình công, rồi từ đó lan rộng sang những công ty khác để đòi công ty phải đáp ứng những yêu sách mà họ đề ra. Họ được gọi với tên rất dân dã là những người "đình công mướn". Thường là một nhóm nhỏ khoảng 5-7 người, phần lớn là người Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa hoạt động ở nhiều khu kỹ nghệ Bình Dương. Hôm nay có thể thấy họ cầm đầu nhóm đình công ở công ty này, nhưng ngày mai có thể ở công ty khác.
Tuy thế, những nhóm hoạt động đình công mướn này đã bị phía công an và an ninh triệt phá cách đây hơn nửa năm và hiện nay những cuộc đình công của công nhân thường diễn ra nhỏ lẻ và không có tổ chức, cũng như không kêu gọi được sự đồng lòng giữa các công nhân trong công ty, cũng như không có sự liên kết giữa công nhân thuộc các công ty khác nhau.
Một cuộc đình công tại Bình Dương
Thanh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét