Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012
TỘI ÁC CỘNG SẢN VỚI TUỔI TRẺ VIỆT NAM: Những bi kịch cuộc đời. Kỳ 2
"Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình thì chúng cướp đất ruộng, đẩy nông dân trôi vạt đến những thành phố lớn bán sức lao động rẻ mạt để kiếm cái ăn.
Ngày nào cộng sản còn cầm quyền, thì ngày đó quyền lợi của người lao động còn bị bốc lột, nông dân còn bị mất đất, và người dân sẽ không có tự do" ( THÀNH ĐÔ)
Câu chuyện sống thử của công nhân giờ đây đã trở nên bình thường. Tuy nhiên, đáng chú ý là đa số công nhân đều thiếu hiểu biết cần thiết khi sống thử nên dễ dẫn tới những hệ lụy không đáng có...
Những xóm trọ con không cha
Tại xóm trọ phường Phú Lợi, tỉnh Bình Dương, mọi người không còn xa lạ với hình ảnh những bà mẹ công nhân không chồng có con ở đây. Chị Nguyễn T.H., quê Hưng Yên vào Bình Dương làm việc được 2 năm thì yêu một nam công nhân cùng Cty. Do không có tiền tổ chức đám cưới, hai người sống chung với nhau. Khi chị H. có thai thì nam công nhân kia lấy cớ không phải là con của mình và bỏ đi. Chị H. phải một mình sinh nở và nuôi con. Cùng xóm trọ với chị H. còn có 3 bà mẹ khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không còn đường về quê khi mang tiếng không chồng có con, những bà mẹ công nhân ở đây co cụm lại giúp đỡ nhau sống và nuôi con.
“Tụi mình vất vả bao nhiêu cũng không lo, chỉ buồn vì con sinh ra mang tiếng không cha thôi” chị H. nói trong nước mắt. “Khi biết tin em có thai người yêu em đã bỏ của chạy lấy người. Tình công nhân là vậy đó...”, Linh, công nhân ngành thủy sản ở Bình Dương nói trong nỗi ân hận chưa nguôi. Bỏ lại sau lưng cây đa, giếng nước, mái đình và cha mẹ già nơi quê nhà, Linh hăm hở tiến về Bình Dương với hoài bão thoát khỏi số kiếp “một nắng hai sương”. Sống chung với tăng ca, lương thấp, vật giá tăng cao… làm việc quần quật nhưng đồng lương nhận được quá bèo đã khiến Linh nhiều lúc tưởng không trụ vững nổi, thế nhưng nhờ có tình yêu mà cô đã dần lấy lại được sự tự tin của mình. Cái kết đẹp trong tình yêu của Linh là quyết định dọn về sống thử với người yêu. Nhưng cuối cùng cũng từ đây mà bi kịch cuộc đời cô đã xảy ra…
Tình trạng quen nhanh, yêu vội trong giới công nhân hiện đang là vấn nạn. Trong cuộc chơi sống thử, thường người chịu thiệt là những nữ công nhân. Vì sống không hôn thú nên khi đối mặt với những cực khổ, nhọc nhằn, mấy anh chồng hờ xa bay, để lại người vợ không có giá trị về mặt pháp lý ngày một tàn tạ, héo hon khi phải vừa làm việc vừa nuôi con nhỏ. Phương, 23 tuổi, công nhân ngành thủy sản ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh), nói như khóc: “Quen nhanh yêu vội, tình cảm không sâu đậm nên góp gạo thổi cơm chung được một thời gian là những mối tình công nhân kiểu ‘nương tựa’ phần lớn đều tan vỡ”.
Biết là “khổ” như vậy nhưng việc tránh thai đối với những cặp vợ chồng hờ không phải muốn là được. “Em có biết gì đâu! Tiền không đủ ăn, có đâu mà mua bao cao su, thuốc ngừa thai… Vì tránh thai không khoa học nên tỉ lệ nữ công nhân lỡ đeo “balô” ngược ngày càng nhiều. Cũng từ đó các xóm trọ không chồng trong giới công nhân lại ngày một nhiều thêm. Đắng lòng hơn khi có nhiều nữ công nhân sinh con xong đành phải đem cho vì không chịu được điều tiếng nơi quê nhà. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều đứa trẻ vừa lọt lòng đã chịu cảnh mồ côi dù rằng mẹ cha nó vẫn còn sống.
Nữ công nhân gánh chịu thiệt thòi
Theo kết quả điều tra của nhiều tổ chức xã hội, tỷ lệ nam nữ công nhân tìm được tình yêu đích thực dẫn đến hôn nhân chiếm rất ít. Các mối tình công nhân phần lớn bắt nguồn từ việc xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện vui chơi, giải trí nên họ “cặp bồ” để nương tựa lẫn nhau. Một điểm đáng lưu tâm hơn nữa đó là những nữ công nhân nữ luôn là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi khi quyết định sống thử. Sau khoảng thời gian mặn nồng, những mâu thuẫn đã nảy sinh, nhiều cặp công nhân đóng mác “vợ chồng hờ” chọn giải pháp chia tay. Dung 25 tuổi, quê Nghệ An làm cho một Cty may trong khu chế xuất Tân Thuận đang khóc dở, mếu dở vì không hiểu người chồng chưa cưới của mình “tự dưng” biến mất trong khi cô đang mang bầu tháng thứ 2. Trong căn phòng vỏn vẹn có 10m2 nhưng ngổn ngang gạt tàn, áo quần, giày dép nam, Dung trần tình: “Mình ở với chồng chưa cưới khi mình báo có thai thì anh ấy bỏ đi mất tích…”.
Lúc mới yêu thì Dung cảm nhận được người mình gửi trọn trái tim là người đàn ông mẫu mực, mẫu người mà cô hằng mơ ước nhưng đến khi chuyển về sống cùng mái nhà thì mọi chuyện lại khác. “Ban đầu anh ấy bảo về sống với nhau để tiết kiệm chi phí, dành tiền làm đám cưới nhưng dành đâu chả thấy, chỉ thấy nợ thêm nợ. Về sống chung mới biết tính anh hay cáu gắt, lại chẳng biết nhường nhịn ai, em nói sai gì là bị đánh ngay. Về sống chung được vài tháng thì anh thất nghiệp, Cty em lại giảm ca.
Trước đây, mình em sống còn đỡ, giờ lương đã thấp lại nuôi hai người nên càng túng thiếu chưa kể em lại đang mang thai...”, Dung chia sẻ. Dung nói thêm, nếu đợi 10 ngày nữa mà “chồng chưa cưới” không về, cô sẽ chuyển đi chỗ khác, thay số điện thoại, không liên lạc nữa, xem như chia tay. Theo nhiều người có kinh nghiệm trong chuyện sống thử thì chia tay theo cách của Dung vẫn được coi là “kết thúc tạm chấp nhận được”. Còn có nhiều cặp sống với nhau một thời gian rồi quay ra chửi nhau, đánh nhau đùng đùng. Những nữ công nhân phá thai về người xanh như tàu lá, nhưng vẫn phải đi làm vì “chồng” thất nghiệp, chưa kể đến chuyện vợ đi làm chồng “hờ” ở nhà sinh hư “tòm tem” với người khác để rồi bỏ cả “vợ”...
Chị Hà và anh Long quyết định đến với nhau mà không tổ chức đám cưới từ nhiều năm nay. Hai đứa con chị Hà, đứa lên 5, đứa lên 3 giờ cũng đã chuẩn bị đi học. Những năm trước cuộc sống còn đỡ chật vật nhưng nay thì mọi chuyện lại khác. Nhìn gia cảnh chị Hà lúc này ai cũng thấy cám cảnh, hai đứa con thì đau ốm thường xuyên, một mình chị vừa chăm con, vừa trông quán tạp hóa để kiếm thêm. Còn chồng chị thất nghiệp cả năm nay, chiều nào cũng đi nhậu với bạn cho đến khuya.
Kể về câu chuyện tình của mình chị Hà cho biết: Chị và anh Long yêu nhau rồi về sống chung, đến lúc có thai khi nào chị cũng không biết, trong thời gian đó cứ uống thuốc tránh thai liên tục, đến khi phát hiện thì cái thai đã lớn không phá được. Vậy là chẳng cưới hỏi gì chị cứ thế tiếp tục đi làm và sinh con. Chị Hà bộc bạch: “Thằng lớn không biết có bị ảnh hưởng gì về việc uống thuốc tránh thai không mà cứ đau ốm liên tục, 5 tuổi rồi mà chẳng khôn lanh được như thằng em 3 tuổi…”. Khó có thể thống kê hết được những nỗi khổ mà các cặp đôi công nhân sống thử, tỷ lệ phần trăm hạnh phúc của những cặp đôi đến với nhau theo hình thức này quả là rất thấp…
Thái Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét