Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Trịnh Hội : Quyền làm người & tôi

Revolution fist.jpg
Chúng ta không thể để cho kẻ độc tài đè đầu cưỡi cổ nhân dân mình nhưng lại tự xưng là vinh quang, vĩ đại. Chúng ta không thể để kẻ độc tài cướp đi mọi giá trị về tinh thần và vật chất của người dân nhưng lại bắt họ phải ca ngợi chúng. Chúng ta không chấp nhận một nhà nước là kẻ thù không đội trời chung với nhân dân nhưng lại tự xưng là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Vì vậy, việc đấu tranh để xóa bỏ một chế độ nhà nước lừa đảo và cướp bóc là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam, là sự nghiệp của tất cả chúng ta.

Hôm nay là ngày 1 tháng 10 năm 2012. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 44 của Định, Lê Công Định, nên tôi muốn viết về đề tài này. Trước tiên là để nhớ về Định, nhớ về cuộc thi 'Quyền Làm Người & Tôi' của Phong Trào Con Đường Việt Nam mà Định là một trong ba người khởi xướng. Cùng với Anh Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long.

                                

Nhưng đây cũng là dịp để tôi tự suy ngẫm với chính mình. Để tự hỏi mình rằng hai chữ 'Human Rights' nó quan trọng như thế nào trong cuộc sống của tôi. Nó đã ảnh hưởng đến tôi ra sao để đến bây giờ tôi là một trong nhiều người đang ủng hộ hết lòng cho cuộc thi đã được bắt đầu vào ngày 09/09 đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 140 của Phan Chu Trinh. Và sẽ kết thúc vào ngày 12/12 sắp tới đây. Với giải thưởng hạng nhất là một cái Macbook Air tuyệt vời của Hãng Apple.

Thật lòng tôi thấy cũng hơi tiếc. Vì nếu như tôi không là một thành viên của Ban Giám Khảo cho cuộc thi này thì biết đâu tôi cũng có dịp thi thố tài năng, 'chó ngáp phải ruồi', thắng được giải nhất để thay cái Macbook Air đời 2008 cũ xì mà tôi đang sử dụng!

Lần đầu tiên tôi được tiếp cận trực tiếp với những lý thuyết về 'Quyền Làm Người' là khi tôi đã vào năm thứ tư ở Trường Đại Học Melbourne. Khi tôi quyết định chọn môn học 'Human Rights Law' sau 3 tháng hè làm việc thiện nguyện trong các trại cấm ở Hồng Kông. Lúc ấy đang giam giữ trên 100,000 ngàn thuyền nhân Việt Nam để thanh lọc, để quyết định cho ai đi, ai ở. Và ai sẽ bị cưỡng bức hồi hương bất kể điều đó có công bằng hay không.

Tôi chọn học môn này đơn giản vì tôi muốn hiểu rõ hơn tại sao có sự khác biệt giữa Luật & Đời. Giữa những gì được cho là căn bản mà ai trên cõi đời này cũng phải có, cũng được hưởng. Và thực tế khác ngược đến não lòng. Mà tôi đã thấy được tận mắt ở Hồng Kông. Nơi đồng bào tôi đã bị ngược đãi, đối xử một cách bất công từ năm này sang năm khác. Mặc cho những bộ luật về quyền làm người vẫn đang nằm lù lù ngay đó.

Sau một năm học, tôi đã nhận thức được điều này. Đó là bất kỳ ở đâu, trong xã hội nào, ở thời điểm nào cũng sẽ có những vi phạm nhân quyền. Sự khác biệt chỉ nằm ở mức độ. Và có hay không những cơ chế được lập nên để răn đe, ngăn chặn, xét xử sự vi phạm và nếu có thể, bồi thường cho các nạn nhân.

Nước nào càng có nhiều những cơ chế ấy - tòa án độc lập, tự do báo chí là hai thí dụ điển hình - thì càng có ít sự vi phạm. Ngược lại, nơi nào càng có nhiều dân nghèo, ít hiểu biết, thiếu thông tin thì sự vi phạm càng cao và càng sâu. Đặc biệt là ở những nơi chuyên quyền, độc đảng.

Vì xét cho cùng tất cả chúng ta ai cũng là một sự tập hợp giữa bản năng và lý trí. Giữa phần 'con' thuộc về các loài thú và phần 'người' hướng đến sự thánh thiện của tâm linh. Đúng như lời của một trong những bạn dự thi nhận xét.

Và nếu như không có sự hiện hữu của các cơ chế căn bản ấy, giả sử chỉ có tôi và bạn nắm trong tay mọi quyền sinh sát, thì chúng ta đều hoàn toàn có thể định nghĩ hai chữ 'human rights' theo ý muốn của riêng mình. Để sau đó buộc mọi người phải tuân theo. Nếu không sẽ bị trừng phạt.
Những vi phạm nhân quyền nhờ thế đã được thành hình.

                   


Đó là lý do tại sao câu nói 'absolute power corrupts absolutely' luôn được mọi người đồng ý.
Bởi ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người bảo vệ cho nhân quyền. Hoặc kẻ vi phạm nhân quyền. Tùy vào bản năng, trình độ nhận thức, hoàn cảnh xã hội và sự lựa chọn của mỗi nguời.
Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là quyền lực. Đặc biệt là quyền lực không có giới hạn.
Ở nơi nào nó bị giới hạn, ở đó quyền con người có cơ hội được phát triển tự nhiên, được chính nhà nước bảo vệ. Bằng ngược lại, chính nhà nước là thủ phạm đứng đầu. Vì nó là nơi tập trung nhiều quyền lực nhất.

                  

Câu nói 'Quyền Con Người & Tôi' vì vậy cũng sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Một người có tiền, có quyền sẽ không hiểu nó giống như một nhà trí thức bất đồng chính kiến. Và cũng chẳng giống một bác nông dân nghèo, ít học nên không biết rằng quyền con người của mình đã bị tước bỏ tự bao giờ.

Vì có ai nói cho bác nghe đó là quyền của bác đâu?

Riêng đối với tôi nó còn liên quan đến những trải nghiệm rất riêng tư.

Và cả tuổi tác.

Lúc tôi còn đi học cho đến khi vừa mới ra trường ở Úc, ở độ tuổi 'hai mươi mấy' chưa có nhiều kinh nghiệm ở đời, thật lòng mà nói nhận thức của tôi về 'Human Rights' vẫn còn rất mù mờ. Vì tôi chỉ được dạy đó là những quyền mà tôi có. Nhưng vì chưa bao giờ tôi cảm thấy bị ngược đãi, bị mất đi những quyền lợi đã và đang được tôn trọng trong xã hội mà tôi đang sống nên tôi cho đó là chuyện... đương nhiên. Đâu có chi đáng bàn, đáng để tâm, suy nghĩ.

Bước sang tuổi 'tam thập nhi lập', dần dần tôi hiểu được những quyền căn bản được luật pháp quốc tế và Liên Hiệp Quốc công nhận. Nhưng phần lớn đều nhờ vào việc làm của tôi khi phải lên tiếng, tranh đấu cho những thuyền nhân Việt Nam. Đó là những quyền con người dành cho tất cả những người tỵ nạn trên thế giới:

1. Quyền được lánh nạn (seeking asylum) và bảo vệ vì bị ngược đãi hoặc sợ bị ngược đãi ở quê hương mình.

2. Quyền được xét xử bởi một cơ quan độc lập.

3. Quyền được kháng cáo lên một cơ quan độc lập khác và ra tòa để tòa xét xử nếu không đồng ý với kết quả kháng cáo đó.

4. Quyền được tái định cư ở một quốc gia khác nơi bạn không còn phải lo sợ bị ngược đãi.
Và cuối cùng là:

5. Quyền được nói thật mà không bị bức hại đối với những gì mình nghĩ về 4 quá trình trên kể cả việc chỉ trích chính phủ sở tại nơi mình cho rằng đã không đối xử công bằng đối với mình.

Cũng xin nói rõ thêm, đây chỉ là những quyền con người được luật pháp xác nhận mà thôi. Để nó được tôn trọng hoàn toàn và đầy đủ lại là một vấn đề khác.

Nhưng đi càng nhiều tôi càng thấy ở đâu, lúc nào tôi cũng có thể lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi của đồng bào mình. Không phải lần nào tôi cũng thành công nhưng chắc chắn một điều, tôi sẽ không bao giờ bị ngược đãi vì sự lên tiếng đó.

Ngoại trừ một nơi duy nhất. Cũng là nơi mình hết lòng, hết sức với nó nhất. Mặc dù mình chưa kịp nói lên được một lời.

Chắc các bạn đã biết nơi đó ở đâu.

Việt nam là nơi đầu tiên và duy nhất những quyền con người căn bản của chính tôi bị vi phạm. Vi phạm một cách trầm trọng, từ tháng này sang tháng khác, mà một người như tôi, vừa là luật sư, có chút tiền, có ít tiếng cũng không thể làm gì được. Ngay tại thời điểm này. Chứ không phải là chuyện ngày xửa ngày xưa của thế kỷ trước.

Tôi bị hỏi cung trong suốt 6 tháng mà không hề có bất kỳ văn bản nào từ tòa án hay nhà cầm quyền.
Tôi bị cáo buộc một cách trơ trẽn, bị bắt nạt, bị hù dọa nhiều lần bởi những người nhân danh chính quyền mà không một ai hay có cơ chế nào có thể bảo vệ được những quyền con người của tôi.
Tôi bị cấm ra khỏi Việt Nam mà không hề có một lý do chính thức nào từ Bộ Công An là nơi đã cấm tôi.

Và cho đến nay tôi vẫn không được cho phép nhập cảnh. Mặc dù xét cho cùng chính tôi đây cũng thấy mình đâu là gì mà sao các bác sợ thế?

Rõ đúng như lời ông bà mình thường nói: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Về sống ở Việt Nam chỉ có một năm nhưng tôi đã đem về được cho mình những hơn 365 cái sàng. Mà cái nào cái nấy nó lớn to đùng, chẳng biết học chừng nào mới hết!

Nhưng bài học lớn nhất cho tôi vẫn là: nhờ có sự trải nghiệm đó nay tôi mới hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu 'Quyền Con Người' ở Việt Nam. Và nhờ bị trực tiếp ngược đãi nên từ đó tôi mới cảm nhận được sự liên hệ mật thiết giữa tôi và Quyền Con Người.

Hình như điều này cũng tương tự như tình yêu bạn ạ. Chỉ khi ta mất nó, ta mới thấy sự hiện hữu của nó quan trọng đến dường nào.

Đêm nay lẽ ra là một đêm vui đối với Định. Nếu Định ở một đất nước khác thì ngay bây giờ chắc chắn Định sẽ rất vui, rất hạnh phúc bên gia đình, người thân. Nhưng ở Việt Nam thì không. Định đang ngồi tù và rất có thể đang suy nghĩ về tương lai, số phận. Của những người ở độ tuổi 'tứ thập nhi bất hoặc'. Như Định và tôi.

Nếu có phép thần thông gặp được Định ngay trong lúc này, chắc chắn tôi sẽ nói: ở cái tuổi của tụi mình, chắc chắn là mình không cần phải mở party mừng sinh nhật, không cần quà cáp, và càng không cần những lời chúc 'happy birthday'.

Vì mình đã biết mình là ai, đang ở đâu và cần làm gì cho bản thân, cho dân tộc. Định tin mình đi. Sau lưng Định còn có vạn người. Và ở trong tù hay ở ngoài tù, xin Định nhớ rằng chúng tôi vẫn luôn nhớ về Định. Để tự nhắc nhở mình với câu nói năm nào của chính Định:

Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét