Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Nạn Sa thải Công Nhân bừa bãi

Revolution fist.jpg
Không thể để đất nước điêu tàn và cuộc sống của anh chị em ta mãi mãi tăm tối. Anh chị em ta hãy đoàn kết một lòng, rầm rộ xuống đường để phản đối chính sách bóc lột thậm tệ của chế độ tư bản đỏ. Kiên quyết đấu tranh đòi cho bằng được quyền lợi chinh đáng như tiền lương đúng với sức lao động và các tiêu chuẩn an sinh khác…Kiên quyết đòi cho được quyền thành lập công đoàn độc lập để đứng ra bảo vệ mọi người khi quyền lợi của anh chị em bị giới chủ xâm phạm.

 Điều cấp bách nhất hiện nay là anh chị em chúng ta xuống đường đòi cải thiện đời sống. Nếu cứ cam chịu thì tương lai của anh chị em ta càng mờ mịt hơn. Ở đâu có áp bức ở đấy có đấu tranh, đó là lẽ đương nhiên. Vì quyển lợi thiết thực của bản thân; vì tương lai tươi sáng của đất nước. Chúng tôi kêu gọi anh chị em công nhân Việt nam hăng hái xuống đường;biểu tình; đình công…Đòi hỏi nhà cầm quyền phải đáp ứng những nguyện vọng chính đáng. Chúng tôi luôn luôn sát cánh bên anh chị em.

Tại Việt Nam, người Công nhân không có tổ chức Công đoàn đại diện đúng nghĩa, vì vậy mà họ thường xuyên gánh chịu những hành xử bất công từ phía giới chủ. Không những vậy, với một bộ máy nhà nước độc tài quan liêu thì tình cảnh người Công nhân càng như chìm trong bể khổ. Không có tổ chức Công đoàn đại diện, không được toà án bênh vực, người Công Nhân thực sự đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Dựa vào điều đó, một số doanh nghiệp đã sa thải người lao động một cách tuỳ tiện và trái pháp luật, đẩy họ đến giới hạn cuối cùng của sự khổ đau.

Thường nhật, những người lao động phải chật vật lo toan cho cuộc sống của mình. Với đồng lương ít ỏi, việc đảm bảo mức sống là một bài toán nan giải đối với họ. Không những thế, họ thường xuyên phải đối mặt với thực tế an toàn lao động kém cỏi, môi trường sống tồi tệ. Khổ sở là vậy nhưng nào đã được yên, những người lao động thường xuyên canh cánh nổi lo thất nghiệp do nạn sa thải trái pháp luật của giới chủ.

Nạn sa thải Công nhân bừa bãi là một thực tế diễn ra thường xuyên tại các khu Công Nghiệp. Thời gian qua, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Công nhân. Trong những vụ việc này, người ta không thấy vai trò của tổ chức Công đoàn nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Chúng tôi xin đơn cử ra đây một số ví dụ để thấy rõ nổi oan ức của người lao động khi bị chủ doanh nghiệp sa thải một cách trái pháp luật:

Ngày 18/10/2007, tại Công ty TNHH Hải Minh (Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã tổ chức đình công. Nguyên nhân là trước đó Công nhân công ty làm đơn kiến nghị gửi ban giám đốc xin được tăng lương vì mức lương quá thấp (900.000 đồng/tháng). Có 5 Công nhân đứng ra nộp đơn đại diện cho toàn thể. Chiều cùng ngày, sau khi nhận được đơn kiến nghị, ban Giám đốc đã mời 5 Công nhân này đến và ép họ nhận quyết định sa thải. Vì rằng lãnh đạo Công ty đã nghi ngờ 5 Công nhân này đã kêu gọi người lao động làm đơn kiến nghị tăng lương.

Tháng 10/2011, chị Dương Mộng Quỳnh (Công nhân Công ty Copal Yamada Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận – TP.HCM) đã làm đơn khiếu nại về việc Công ty ra quyết định sa thải trái pháp luật đối với cá nhân chị. Nguyên do là vì Công ty này không thực hiện đúng thoả thuận, làm thiệt hại đến quyền lợi của người Công nhân. Chị Quỳnh đã đứng ra đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và đồng nghiệp. Vì lý do trên mà chị đã bị Công ty sa thải. Đây là thời gian cận tết Nguyên Đán, vì vậy mà chị và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Không thấy tổ chức Công đoàn nhà nước đứng ra bảo vệ trường hợp này.

Một trường hợp sa thải người lao động nữa cũng ly kỳ và kỳ quặc không kém. Đó là việc chị Đoàn Hải Yến bị Công ty V.Flame & Glanz (Khu chế xuất Tân Thuận – TP.HCM) sa thải vì...đánh ghen. Vì chồng mình lén lút đi lại với người yêu cũ, vì thế mà chị Yến đã chặn đường để đánh ghen. Trong cơn tức giận, chị Yến đã cắt đi mái tóc cô người yêu cũ của chồng mình. Và sau đó chị Yến đã nhận được quyết định của Công ty với lý do chị đã...đánh ghen mà không chịu hối cải.

Có ngàn vạn lý do không đâu để người ta sai thải Công nhân một cách vô tội vạ. Tổ chức Công đoàn nhà nước chỉ lo làm theo sự chỉ đạo của Đảng, đó là giữ vững an ninh trật tự tại các khu Công nghiệp để...bóc lột người lao động. Một vài vụ cũng được giải quyết chiếu lệ với sự tham gia của tổ chức Công đoàn. Kết quả thì người lao động cũng phải chịu thiệt đến hơn 80% những yêu cầu đòi hỏi chính đáng của mình.

Trước thực trạng bất công nói trên, người lao động phải dựa vào đâu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Làm sao để không bị đuổi việc vô cớ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bản thân và gia đình? Nhà nước thờ ơ lãnh đạm, pháp luật thì chỉ bảo vệ kẻ có tiền (Chủ doanh nghiệp), vậy chân lý ở đâu? Làm sao có thể chấm dứt được nạn sa thải Công nhân một cách bừa bãi? Câu hỏi này sẽ không được trả lời chừng nào người Công Nhân còn chưa có tổ chức Công Đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trong một xã hội độc tài vô pháp luật, nhiều doanh nghiệp chỉ tồn tại bằng cách bóc lột sức lao động của người Công Nhân. Quyền lợi và sự an toàn của người lao động chỉ là thứ yếu trước lòng tham vô đáy của một bộ máy chính quyền tham nhũng và những kẻ sử dụng lao động vô trách nhiệm. Chúng ta không thể chỉ kêu gọi để các chủ doanh nghiệp có trách nhiệm, không van nài nhà nước độc tài rủ lòng thương đối với người Công Nhân. Chúng ta kêu gọi người Công nhân hãy đoàn kết mạnh mẽ để đấu tranh cho bản thân và dân tộc. Hãy phủ nhận vai trò của tổ chức Công Đoàn quốc doanh, vạch mặt bản chất lừa đảo và bóc lột của một nhà nước độc tài toàn trị.

Vận mệnh của giai cấp Công Nhân gắn liền với vận mệnh toàn dân tộc. Chỉ khi nào chúng ta đấu tranh lật đổ được chế độ độc tài đảng trị thì người lao động mới thực sự được giải thoát, dân tộc mới có được tự do.

Huỳnh Công Đoàn

13.11.2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét