Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

ĐÒI HỎI CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN PHẢI GIẢI QUYẾT



Revolution fist.jpg

Giới Công Nhân Việt Nam cần gia tăng những vụ đình công có tổ chức để gây áp lực với nhà cầm quyền đòi quyền thành lập Nghiệp Đoàn Độc lập của riêng mình. Chỉ khi đó thì quyền lợi chính đáng của người lao động mới được bảo vệ, tiếng nói của Công nhân mới thực sự có sức mạnh. Khi tổ chức Công Đoàn Độc lập của giới Công Nhân Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận, thì nhà cầm quyền hiện nay không còn có thể bưng bít sự thật và đàn áp thô bạo những đòi hỏi chính đáng của người lao động được nữa.

Vấn đề đáng quan tâm trước hết là việc làm của công nhân. Hiện nay, số lao động thất nghiệp, phải hưởng trợ cấp thất nghiệp ngày càng tăng và đã lên tới hàng trăm ngàn người. Năm 2010, tổng số người đến đăng ký thất nghiệp là 189.611 người; số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 162.711 người; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 156.765 người (Báo cáo số 22/BC- CP ngày 08/3/2011 của Chính phủ về Tình hình quản lý và sử dụng quĩ bảo hiểm xã hội năm 2010). Hàng chục ngàn công nhân, lao động phải nghỉ việc, chờ việc vì các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc phá sản do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong các cơ quan, đơn vị khu vực nhà nước ổn định, được tăng lên theo lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu của Nhà nước với mức tăng bình quân 12,3%/năm. Năm 2009 mức lương tối thiểu là 640.000 đồng, năm 2010 là 730.000 đồng, năm 2011 là 830.000 đồng, đến tháng 5-2012 là 1.050.000 đồng. Các doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng từ 1,4 đến 2 triệu đồng.Vào thời điểm cuối năm 2011, lương bình quân của công nhân, lao động trong doanh nghiệp nhà nước là 3,8 triệu đồng; doanh nghiệp tư nhân là 2,7 triệu đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3,0 triệu đồng.
                              
 Bình quân thu nhập của người lao động trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp cũng được tăng lên nhưng cũng chỉ đạt bình quân khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng; tình trạng nợ lương người lao động ở các ngành xây dựng, giao thông vận tải vẫn chậm khắc phục… Do thu nhập thấp, giá cả hàng hoá tiêu dùng, các dịch vụ xã hội thiết yếu liên tục tăng cao nên nhìn chung đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức, lao động còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhà ở cho công nhân, lao động, nhà trẻ cho con công nhân, lao động ở các tỉnh, thành phố lớn, khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn là yêu cầu rất bức xúc. bất cập, chỉ đáp ứng được tỷ lệ rất nhỏ, nhu cầu của công nhân về nhà ở hàng chục vạn công nhân, lao động vẫn phải tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội.

                            

Nhìn chung điều kiện và môi trường làm việc trong nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn thấp kém. Tình trạng công nhân, lao động phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc với các máy móc, thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, trong môi trường không đảm bảo an toàn và điều kiện vệ sinh vẫn còn khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp.Môi trường lao động bị ô nhiễm về bụi, ồn, rung, nóng, hơi khí độc…; thiết bị, công nghệ lạc hậu so với thế giới từ 15- 30 năm; tỷ lệ cơ khí hoá, tự động hoá dưới 10%.

Số vụ tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động chết người xảy ra hàng năm vẫn còn nhiều. Năm 2009, cả nước xảy ra 6250 vụ tai nạn lao động, làm chết 507 người; năm 2010 xảy ra 5125 vụ, làm chết 601 người. Tai nạn lao động tăng trung bình hàng năm 8,9% về số vụ và 7,8% về số người chết. Riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng từ 26- 42,4%[1][1].

Tình trạng nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Tính đến 30/9/2011, nợ BHXH là hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hàng chục ngàn công nhân, lao động.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp, do tiền lương, thu nhập của công nhân, lao động quá thấp, chế độ đãi ngộ của chủ doanh nghiệp không tốt; nhiều chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng pháp luật lao động và những cam kết, thoả thuận với người lao động, nhất là các qui định về hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc… Đây là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát ngày càng tăng.

Lương cơ bản không đủ sống, giá cả leo thang do lạm phát, sự ngược đãi của giới chủ và Công Đoàn nhà nước, đó là những nguyên nhân chính dẫn tới việc bùng nổ các vụ đình công trong thời gian qua. Con số này đã không ngừng gia tăng theo các năm, đặc biệt là trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012. Tình hình đó cho thấy giới công nhân đã dần tự mình thoát ra khỏi sự kìm kẹp của Công Đoàn nhà nước tay sai. Họ đã thấy được những quyền lợi chính đáng của mình đang bị vi phạm nghiêm trọng, đang bị giới chủ cấu kết với tổ chức Công đoàn nhà nước để bóc lột sức lao động. Vấn đề hiện nay của giới Công Nhân là họ cần phải được tổ chức chặt chẽ để đoàn kết hơn, do đó mà tránh được sự đàn áp thô bạo từ phía nhà cầm quyền. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự xuất hiện của Công Đoàn Độc lập – một tổ chức thực sự đại diện và bảo vệ cho quyền lợi người lao động, do chính người Công Nhân lập nên.

Những vụ đình công không ngừng gia tăng trong thời gian qua cũng cho thấy thị trường lao động hiện nay ở Việt Nam đã đến hồi hỗn loạn. Đó là do tình trạng vô pháp luật trong các nhà máy, công xưởng, trong khi đó người Công Nhân không được nhà cầm quyền và Công Đoàn nhà nước bảo vệ. Tình trạng bất công đã không ngừng gia tăng do lòng tham vô đáy của giới chủ được một chế độ nhà nước Độc tài tiếp sức. Thực tế đó đã đẩy người Công Nhân vào một tình thế hết sức khó khăn, họ phải đơn thương độc mã trong việc chống lại sự liên minh bóc lột của nhà nước và giới chủ đầy quyền lực.

Giới Công Nhân Việt Nam cần gia tăng những vụ đình công có tổ chức để gây áp lực với nhà cầm quyền đòi quyền thành lập Nghiệp Đoàn Độc lập của riêng mình. Chỉ khi đó thì quyền lợi chính đáng của người lao động mới được bảo vệ, tiếng nói của Công nhân mới thực sự có sức mạnh. Khi tổ chức Công Đoàn Độc lập của giới Công Nhân Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận, thì nhà cầm quyền hiện nay không còn có thể bưng bít sự thật và đàn áp thô bạo những đòi hỏi chính đáng của người lao động được nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét