Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Chào năm mới, chào những tận cùng..


 Tuấn Khanh


                         
                              Gã thi thĩ Trần Tiến Dũng bên ly cà phê vỉa hè.

Những ngày cuối năm trên đất Việt, lần này, khác với mọi năm, người ta sống dồn dập với những điều tận cùng của đời mình. Lời đồn tận thế được các đám đông ngật ngưỡng trên bàn nhậu, đầy thách thức “tới đi”, như cái chết là điều sẽ mang lại đổi thay, mà ai cũng muốn một lần được thử, khi thấy hiện tại quá đỗi nhọc nhằn.



Chào một năm mới nhé, người công nhân gầy xanh xao đếm đi đếm lại đồng lương cuối năm, như chờ một phép lạ sẽ làm bật ra thêm ít tờ giấy bạc nữa. Miếng ăn còn chưa đủ cho mình, làm sao lo nỗi cho gia đình? Vét những dành dụm tận cùng, trước cửa chợ, đã có không biết bao nhiêu bước chân và ánh mắt phân vân, ngại ngùng cho khát khao năm mới.

Những ngày cuối năm, tận cùng khép lại. Năm mới đến trong day dứt của câu chuyện đất đai ruộng vườn biến thành đô thị, nền là xương máu, móng là nỗi oan khiên của người nông dân. Văn Giang, Hà Nội hay Kim Sơn, Quảng Ninh, người Việt đang thao thức đón những tận cùng trong cái ác và lòng tham ập đến trên đất nước này. Nhưng đã là tận cùng chưa?

Gió xuân mát lạnh tràn về, nhưng sao trong gió lại lắm bùi ngùi.

Oa oa… tiếnng trẻ con chào đời chen lẫn tiếng nấc của người già. Tổ quốc đang tận cùng với những niềm vui chói lọi, lẫn nỗi đau vô bờ của các số phận vô danh. Lắng nghe, trong tận cùng, có tiếng tim đập giận dữ của những người tù sau song sắt, có tiếng sóng sợ hãi dạt bờ vì quê hương đang bị ngoại bang chiếm dần, có tiếng vang vang của những lời nói dối vĩ đại, đủ ghi vào bia đá ô nhục của dân tộc.

                                                 
                                   
                   Có tất cả, và trong tận cùng, dường như là đã mất tất cả.

Trong những cái nhìn về một năm mới sẽ đến ở Việt Nam, người đàn ông đeo kính trắng ngồi trên chiếc xe ôm giữa phố chợ Saigon, có gương mặt âu lo và mệt mỏi, như tự giới thiệu rõ và đủ cho những đám đông đang chào năm mới, chào đón những tận cùng trong kiếp sống của mình.
                               
Miếng cơm hàng ngày của ông, đang bị chia, giành giật bởi các sắc lệnh tận thu, và có thể bởi kẻ bị gọi là cướp đường mang sắc phục. Im lặng và suy tư là điều an lành duy nhất của hạ dân Việt Nam hôm nay có thể làm, khi trên truyền hình và giấy báo tải đi những huênh hoang như sấm chớp. Và trước những báo hiệu cơn giông, ta bỗng chợt rùng mình.

Gã thi sĩ im lặng ngồi ở ngã tư đường và ngó ra ánh nắng. Năm mới lại đến rồi và những đường biên chịu đựng cái cõi nhân gian này cũng đã tận cùng. Có khi năm mới ập vào nhưng mùa xuân không đến. Có khi đã tận cùng vẫn không thấy niềm vui. Nỗi thống khổ của nhân gian, của người Việt chạy dài theo khoé mắt, đi vào giấc ngủ của hắn và đau đớn mơ đến mai sau.

Gã thi sĩ viết những bài thơ có chữ mà không thành văn. Những bài thơ câm như hàng triệu người có học trên đất nước. Hello Tổ quốc, sao không khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu? (T.K)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét