Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012
NGƯỜI EM
tạp ghi
Gửi Tuấn
Tháng bảy này mùa hè chết yểu tại Paris. Mưa dầm suốt ngày. Heo may kéo theo cơn ẩm. Trời chì. Thỉnh thoảng đôi ngày nắng, bức rất nhiệt đới làm quên gió mưa còn trùm phủ đâu đây. Nắng như bàn tay vắt giải lụa ướt, ngày trắng ra, khô ran, trời thót xanh không gợn như mặt thủy chiếu dọi một vùng mắt long lanh nào
Trưa tòa soạn hư ảo. Mấy phiến lá đung đưa trăm chiếc phất trần. Nắng vẫn cứ gay. Mùi hoa Lụa nồng hơi phả vào khứu giác, gợn từng tiền kiếp bồi hồi. Hoa Lụa chắc cùng loài với hoa thiên lý, chỉ khác ở màu. Từng chùm đơn trắng nõn, hé giữa vùng lá ngọc giây leo. Thoạt mới nhú là những thỏi màu hồng ngự, bỗng nở toe trắng sứ, nhẫn giữa lòng một hạt bạch ngọc tỏa hương ngát dịu. Bởi đó mới có tên hoa lụa. Không nồng ngợp dạ lý hương, không ngát trầm hoa lài, hoa bưởi, không đậm rực hoa phấn tím. Hoa Lụa thoang thoảng nhẹ nhàng mà quyến rũ, dành để cho những người lưu xứ ? Chẳng sặc sỡ ngỡ ngàng. Không nồng nàn bải hoải. Màu hoa Lụa lẳng trốn vào không gian lục mát, lôi tầm mắt ta yên ả tan dần vào kỷ niệm xưa, hương hoa Lụa không kêu mời vồn vã mà chỉ gợi lên nỗi nhớ.
Nắng gắt và hương cứ phả từng gợn kỷ niệm. Thêm tiếng guitare của Pen búng từng nốt nhỏ từ tầng thượng rơi xuống vũng sân đá. Trầm trầm từ cung Mi thứ chuyển sang La thứ, cứ thế những nốt dồn dập buồn tênh theo nhau xóay vào tim cơn đau nhức. Lạ thật, đàn guitare rất Tây phương mà sao âm vực nó lại vừa vặn với tâm hồn người Việt như thế. Tiếng nó dội lên, lòng riêng liền vợi xuống. Không khúc khích mà thủ thỉ thầm thì. Đánh lên hay nghe vào, lòng nát vụn, vữa ra tới cơn mơ hồ xao xuyến.
Tiếng đàn. Nắng. Hương hoa Lụa. Ba thứ quê hương trên vùng mây trôi nổi. Giờ này nơi xa đó còn tiếng đàn chăng ? Đành rằng nắng và hương hoa vẫn thế.
Mùa trưa xưa có ve sầu ca inh ỏi. Hoa phượng rực đỏ mối buồn trống không bên sông ướt âm thầm. Mùa hè xưa trên quê hương là mùa ly biệt, thứ ly biệt học trò, thứ ly biệt không chết chóc. Nỗi buồn pha len chút hương sen. Cuộc tình là bức tranh nơi cổ viện. Chúng ta đã sống vô tư, và đánh vào nỗi phẳng lặng như tờ một buổi trưa oi ả bằng tiếng cười bơi dội trên sông. Người lớn ngủ, trẻ nít rong chơi. Người lớn làm gì, và trẻ nít làm gì vào những buổi trưa nồng nhiệt đới ? Thời đó, chúng tôi làm vua trên sông Hương, ở bến Phu Văn Lâu, Thương Bạc, hay Cồn Hến. Chúng tôi làm vua trên cây đào với trùng trùng chùm hồng bạch ở chùa Tường Vân. Chúng tôi làm vua dưới rặng hoa thiên lý, trên chiếc xuồng con rạch lối bèo hồ Tịnh Tâm, hồ Tàng Thơ Lâu hay trên những đồi thông núi Ngự. Chúng tôi làm vua với đống truyện Tàu bên hiên vắng hay trên chiếc võng đưa. Tuổi trẻ làm vua khi thành phố ngủ. Thời đất nước chông chênh, tuổi trẻ thêm những buổi trưa khởi loạn – một thứ tụ tập kháng chiến, vất truyền đơn, chọn lựu đạn …
Thế rồi lớn lên, mọi người thoái vị, phát lưu về những vùng đất lạ xa xôi. Lưu vong là gì ? – Lưu lại sự vong tính vong bản cho kẻ khác, để mình có thể tự mình bảo tồn mình khỏi sự vong thân ? – Hay là lưu mình vào giữa hạch tâm vong tính, vong thân, vong bản ?
Phải lọt vào buổi trưa không ngủ giữa nắng oi, hương ngát và tiếng đàn mới có thể trả lời được. Và mỗi câu trả lời dường như chỉ giá trị cho riêng một người
Tuổi trẻ vừa lớn lên, đã phải thoái vị, để ru mình vào cơn mê ngủ, hoặc ngồi nói huyên thuyên. Ngủ hay nói huyên thuyên đều là trạng thái của sự vong thân. Con người thôi làm chủ những buổi trưa, thôi làm chủ cây đào, dòng sông, thôi làm chủ một rặng hương, đôi mắt hay một bàn tay. Đời đong đưa vô định. Đời lập đi lập lại những trưa mất, chiều xế, đêm phai. Khiến ngày mở ra xấp lại hoài hòai những cánh cửa bình minh bại trận.
Nửa trưa hay nửa khuya thì cũng thế. Nỗi mệt nhọc ngang nhau, cơn ngủ mời mọc. Cứ như tuyên lệnh: Người thức hay không thức ? Sau đó, người đi vào nỗi cô đơn của cơn thức, hay lặng câm nhọc nhằn theo thỏi chết trơ đầy mộng.
Riêng đêm giao thừa con người không ngủ. Điều lạ của năm. Phải chăng đó là giây phút vượt biên từ năm này sang năm khác ? Từ vừng sống này sang đỉnh sống khác ? Thời điểm chẳng ai muốn bị vứt lại nơi chốn cũ càng, qúa khứ, phai úa. Mọi người vượt lên trong đêm nắm lấy đêm lay hỏi về vận mệnh một Ngày.
Như thế thì giao thừa năm nay rất lạ. Bởi trong chặng vượt đơn côi của mỗi người, tôi được ngồi giữa bạn bè. Phạm Công Thiện từ Toulouse trở về say ngất ngưởng. Hoàng Oanh thiên thần của bao ẩn tích Việt Nam, từ bên kia bờ Đại Tây Dương sang chơi. Với vài người bạn nhỏ mới quen, đầy mình còn những lá me Long Xuyên, hay đước thơm mùi Rạch Giá.
Tiếng Hoàng Oanh ngâm thơ kỳ ảo xao xuyến trọn đêm. Tiếng thơ ấy làm tan biến những nốt đàn thô thiển, sôi động, quyếnh quáng, những giọng hát bon chen, héo mòn, thiếu máu chui rúc đâu đây nơi đêm Paris hang hẩm. Căn phòng vuông trầm lặng. Mười tám con mắt thắp đèn tiễn đưa đêm không nghi thức. Hay nghi thức đã nhịp nhàng theo tiếng đàn kìm vô âm trên khuôn tượng Bồ tát thời Đường dựng trên vách. Hoàng Oanh tạc Thơ qua tiếng ngâm. Hình tích nhất của nàng là đôi mắt long lanh cười hoang nhiên đầy mộng. Tiếng ngâm dẫn ta về sông nước cũ còn nguyên nắng gió. Con người đó có nhập tịch về đâu, thì ẩn tích Việt Nam vẫn vời vợi. Đêm vang thơ Hàn Mặc Tử, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Hoàng Cầm … rồi bài Mùa Xuân Xa của Thi Vũ ngâm lên theo bốn cách khác nhau. Đêm như một hội tụ. Người biến ra Lời. Và Quê hương đeo đẳng theo Tiếng Nước. Chín người trong chúng tôi đêm đó chắc chẳng bao giờ quên được đêm tết ly hương kỳ lạ chưa hề có trong đời. Đêm phá cách nhưng ngầm chứa những mối manh gì sắp hé.
Rồi đêm ấy qua đi, nếu không có tiếng chuông điện thoại ren vào chập sáng.
Tiếng điện thoại vào 5 giờ sáng bao giờ cũng khẩn cấp, kinh động. Tôi thuộc lớp người Việt, dù sống bao nhiêu ở nước ngoài vẫn mang tật sợ điện tín và điện thoại. Thuở nhược tiểu những thứ ấy chỉ mang lại hung tín.
Chuông ren, rồi mội tiếng nói rất lạ, rất xa: “Anh đó hả ? Em đây !” – “Dạ, ai đó ?” - “Em đây mà, Tuấn đây!”.
Thằng em. Đúng rồi. Tiếng nói chững lại, lơ lớ, giọng pha lẫn nhiều miền của kẻ sống lang bạc kỳ hồ. Nó bảo rằng Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm mới gặp nhau một lần, còn anh em mình đã ba mươi năm hơn, nay mới nói chuyện được với nhau. Tôi ngỡ ngàng. Nghẹn ngào. Tiếng nói càng rộn rã, thúc dục, lo lắng: - “Anh nghe em không! Anh còn giữ máy nói đó chứ ! Em mới vượt biển. Giao thừa từ Hoa Kỳ gọi thăm anh đây!” Muốn nói thật nhiều, nhưng cổ tôi đã tắt nghẽn. Nghẹn ngào bóp chết tiếng nói, như thân xác bị mộc đè. Trí tưởng tung lên trăm vạn ý, nhưng hơi giọng bại liệt sa rơi dưới đôi cánh gãy.
Ngày tôi ra đi, thằng em mới bốn năm tuổi. Nhỏ nhắn tựa con chim sơn ca. Tôi chỉ còn nhớ đôi mắt tinh anh và một nụ cười rực sáng. Ba mươi năm qua, tôi sống với mộng mị, với gió bụi, khổ lụy, với những thứ lý tưởng ngu xuẩn người ta trao cho. Ba mươi năm lo những chuyện trời biển không đâu. Tôi đánh mất đứa em! Chẳng hiểu trong lần gọi giây nói đầu tiên ấy nó cảm thông cho giây phút im lặng nghẹn ngào núi đổ kia chăng ?
Trong tôi, tiếng chuông ren và giọng nói của Tuấn vào buổi tinh mơ đầu năm là một tiếng sét kinh hồn: Tôi không còn nhận ra tiếng nói đứa em mình. Lỡ một ngày giữa trận tiền, tiếng nó vang lên lanh lảnh, làm sao tôi nhận ra ? Có thể tôi sẽ bắn vào nó không tiếc thương, như bắn vào một kẻ thù ? Nó cũng sẽ bắn vào tôi như hạ một tên địch ? Anh em giết nhau cho những ý tưởng vặt, hay mưu đồ dơ bẩn tồn tại ! Ba mươi năm qua rồi, Việt Nam vẫn cứ thế.
Tôi bỗng trầm ngâm tư lự: Ừ nhỉ, vào một đêm giao thừa nào đó, vào một trưa hè thương nhớ nào đó, tôi đến gọi cửa lòng tôi. Chẳng biết lòng tôi có còn nhận ra tiếng tôi vọng từ tuổi thơ dại hồn nhiên để mở toang cánh cửa đón mời ? Hay rồi tôi lại đuổi tôi đi ?
Nói chi tiếng gọi kêu của kẻ khác.
Thi Vũ
(trích từ Gọi Thầm Giữa Paris, tạp ghi, Quê Mẹ )
http://www.gio-o.com/ThiVu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét