Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012
Nhà thơ Bùi Chát - nhà xuất bản Giấy Vụn
Nhà thơ Bùi Chát
Nhà thơ Bùi Chát lúc lên nhận giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản, do Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) trao tặng, tại Buenos Aires, Argentina, hôm 25 tháng 4. Về tới Việt Nam, Bùi Chát bị bắt giữ ngay ở Tân Sơn Nhất)
SÀI GÒN - Từ Argentina về lại Việt Nam sau khi nhận giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản, nhà thơ Bùi Chát bị giữ lại ở phi trường Tân Sơn Nhất và bị đưa về đồn công an, theo tin từ bạn bè của nhà thơ.
Với danh hiệu “nhà xuất bản Giấy Vụn,” Bùi Chát và các nhà thơ “chui” tự in các tác phẩm bị cấm, tránh né sự kiểm duyệt của chính quyền.
Bùi Chát khi nhận giải ở Argentina
Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA), nhân Hội Chợ Sách Quốc Tế lần thứ 37, tổ chức tại Buenos Aires, trao giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản cho Bùi Chát hôm 25 tháng 4.
Bùi Chát về đến Tân Sơn Nhất khoảng 7 giờ chiều 30 tháng 4 thì bị công an cửa khẩu giữ lại và lập biên bản. Lý do được đưa ra là vì trong hành lý của Bùi Chát có một số sách của Bùi Chát và Lý Ðợi cũng như một tự điển điện tử Kim từ điển. Lý Ðợi cũng là một nhà thơ ngoài luồng với tác phẩm xuất bản qua nhà xuất bản Giấy Vụn.
Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viên, sinh năm 1979 ở Biên Hòa và cư ngụ ở Sài Gòn. Ðây không phải là lần đầu tiên Bùi Chát bị bắt. Là một thành viên của nhóm Mở Miệng, gồm những nhà thơ “ngoài luồng,” Bùi Chát và nhà thơ Lý Ðợi bị bắt giam hai ngày về tội phát tờ rơi tại một buổi đọc thơ bị công an bắt giải tán.
Ngoài Bùi Chát và Lý Ðợi, nhiều nhà thơ “chui” khác vẫn liên tiếp bị công an sách nhiễu, bị mất việc, bị thường xuyên gọi lên làm việc, như Nguyễn Quốc Chánh, Uyên Vũ.
Nhà thơ Bùi Chát và ‘Bài Thơ Một Vần’
Nhà thơ Bùi Chát được Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) trao giải Quyền Tự Do Xuất Bản, nhân dịp Hội Sách Quốc Tế lần thứ 37, năm nay tổ chức tại Buenos Aires. Nhà thơ Bùi Chát, 32 tuổi, là người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn để đăng thơ ngoài luồng, thơ không qua kiểm duyệt, tại Việt Nam. Nhân dịp này, báo Người Việt giới thiệu bài viết của phóng viên Mặc Lâm đài RFA về nhà thơ Bùi Chát, đăng ngày 17 tháng 10 năm 2009
Bìa cuốn “Bài thơ một vần” của Bùi Chát, được in bằng photocopy tại Việt Nam không qua kiểm duyệt
Nhà thơ Bùi Chát sau nhiều tháng vắng mặt trên các diễn đàn văn nghệ trong và ngoài nước, nay đã xuất hiện trở lại với tác phẩm mới mang tựa “Bài Thơ Một Vần.”
Tác phẩm này được photocopy và thông tin trên trang đầu tiên của tác phẩm cho biết thì “Bài Thơ Một Vần” được in xong vào quý 3 năm 2009. “Bài Thơ Một Vần” được nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản, tập hợp 26 bài thơ tự do. Ngoài phần Việt ngữ, những bài thơ này được Lê Ðình Nhất Lang dịch sang Anh ngữ.
Nhà thơ trẻ Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa trong một gia đình Công Giáo gốc di cư. Anh tốt nghiệp ngành Văn Học, khoa Ngữ Văn-Báo Chí, Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP HCM năm 2001. Từ đó sống ở Sài Gòn.
Năm 2001 anh cùng với Lý Ðợi thành lập nhóm Mở Miệng. Anh cũng là người đề xướng các khái niệm “thơ rác,” “thơ nghĩa địa,” và là người sáng lập Giấy Vụn - nhà xuất bản chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.
Những tác phẩm của hai tác giả trẻ Lý Ðợi và Bùi Chát qua nhà xuất bản Giấy Vụn thường là những thử nghiệm mới, những bức phá cũng như các phản kháng về nhiều vấn đề khiến không một nhà xuất bản bình thường nào có thể đảm đương cho việc in ấn và phát hành. Phương tiện loan truyền tác phẩm của Giấy Vụn là Internet và được rất nhiều trang mạng văn học chú ý đến hoạt động của nó như một loại hình vừa có thể chuyển tải các tác phẩm đến người đọc có chọn lọc, vừa gợi lên được ý tưởng độc lập, không thỏa hiệp cần có của nhà văn.
Những câu thơ ám ảnh
“Bài Thơ Một Vần” là tác phẩm mới nhất của Bùi Chát, nó xuất hiện trong bối cảnh khá khó khăn hiện nay đối với những văn nghệ sĩ từng có vấn đề nhạy cảm với nhà cầm quyền. Bùi Chát tung tập thơ này ra như tuyên ngôn của một người trẻ cầm bút. Trực tiếp đặt vấn đề đến những va vấp của hệ thống. Và trong bước đi chập choạng của lịch sử, Bùi Chát ghi nhận những ám ảnh của anh về một câu thơ mà cả dân tộc không ai không biết:
Rồi, tôi
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người Tổ quốc!
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên bằng bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con sắp lọt lòng của tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo [1]
Tiếng chào đời con gọi meo meo [2]
Gợi nhớ:
[1] Tổ quốc ta như một con tàu (Xuân Diệu)
[2] Tiếng chào đời con gọi Xít-ta-lin (Tố Hữu)
Trong bài thơ mang tựa “Rồi, tôi” có một điều gì đấy khiến ký ức của không ít người trong chúng ta quặn đau. Cúi gập người xuống trước một ám ảnh khó giải thích, câu thơ của Tố Hữu vẫn dai dẳng đè nặng trái tim những người trẻ làm văn nghệ hôm nay và Bùi Chát cay đắng nhận ra rằng cả một thế hệ của anh đang chiêm bao những điều kỳ quặc nhất.
Những chiêm bao mang dáng dấp Dali trong hội họa làm thời gian nhũn ra và lời thơ Bùi Chát vang đập trong con hẻm ký ức trở thành câu hỏi cho nhiều năm tháng về sau.
Những người anh em cộng sản
Bùi Chát đưa một giả định mình đang sống ở vòng ngoài của sinh hoạt đời sống để tự sự với những người cộng sản mà anh gọi là anh em. Những người anh em này phân phát những vật phẩm đặc biệt cho mọi người mà một trong những tặng vật không ai muốn nhận ấy là nỗi sợ. Sợ hãi trở thành vật sở hữu khi nó hòa vào cuộc sống hàng ngày không ngăn chận được. Sợ hãi như không khí, vô hình nhưng đầy quyền năng.
Ai?
Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều
Nỗi sợ
Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn
Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngôi nhà đen đủi này
Ai muốn thừa kế di sản của họ?
Những ngã tư tất bật cùng những tranh giành không sòng phẳng ám ảnh người trẻ hôm nay qua màu đỏ đặc trưng cũng là nỗi đau của Bùi Chát. Nhà thơ cay đắng chạm tay vào màu đỏ thay vì nồng nàn, đã trở thành thê thiết vì những độc đoán kỳ lạ mà anh và thế hệ anh đang gánh chịu,
Ðèn đỏ
Tôi đứng trước một ngã tư
Ðèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi, nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Chúng tôi không bay lên được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua màu đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mắt
Chừng như vẫn bị ám bởi cái màu đỏ thê lương này, Bùi Chát viết tiếp, lần này với thứ ngôn ngữ của các blogger, nghịch ngợm nhưng cay chua và nhất là rất thật. Thật như đời đang tung tăng ngoài kia.
Bài thơ một vần
Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm thế nào!?
Ðành bỏ ngỏ..!!!
Mọi thứ đều phải xin phép
Bùi Chát đùa nghịch với chữ nghĩa trong tâm thế của người mộng du. Anh cào cấu từng thớ thịt của thơ mình để chảy ra tiếng thơ sống sượng và nhức nhối của hiện trạng hôm nay khi mọi sự đều phải xin phép. Các thứ giấy phép vô hình này đè nặng tâm trí mọi người, mỗi người cần một thứ và Bùi Chát thì cần quá nhiều trong tất cả các loại giấy phép này, do đó những câu hỏi của anh chắc chắn sẽ rơi vào bóng đêm, vào dĩ vãng.
Thói
- Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/ chồng chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bình đẳng trước pháp luật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được suy nghĩ khác với các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
- Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!
- Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ghét các ông chống đối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do biểu tình nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
- Các ông cho chúng tôi được học ngoại ngữ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa nhé!
Cứ như thế, những câu thơ như kinh nhật tụng, rơi vào đêm tối vô tận nhưng dư âm thì rất sâu và rất xa. Tiếng vọng của thơ hay của sự thật không thể rạch ròi nhưng âm sắc của lời kinh thì không thể nào chìm khuất.
- Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi chùa đi nhà thờ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đọc bản Tuyên ngôn nhân quyền nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sở hữu mảnh đất tổ tiên chúng tôi để lại nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tố cáo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được là người Việt Nam nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giữ gìn truyền thống nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu thêm gia đình bạn bè ngoài các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xây dựng đất nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết diện tích mặt đất và biển đảo của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết tên của đất nước chúng tôi 20 năm nữa nhé!
- Các ông cho chúng tôi được không theo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đá đít các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi bằng đôi chân của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xuất bản bài thơ này sau khi viết xong nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!
- Các ông cho chúng tôi được từ chối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ước gì chúng tôi chẳng ước điều gì nhé!
- Các ông cho chúng tôi được mưu cầu hạnh phúc và mưu cầu không hạnh phúc nhé!
Niềm đau bất lực
Và rồi trong cuối cùng của những suy tưởng văn nghệ, Bùi Chát tự nhận rằng cùng với bằng hữu của anh, tất cả chia sẻ sự cay đắng một cách cam chịu. Những khuôn mặt nghệ sĩ ngơ ngác ngồi bên nhau, cạnh các vỉa hè đen đủi, nhìn lại mình và phát hiện ra rằng sự bất lực không tên gọi vẫn tiếp tục đè nặng trên mỗi trái tim, trí não của họ. Bùi Chát đập ngực tự thú nhận nỗi bất lực không cần che dấu này của trí thức, và anh lái sang một nơi khu trú khác mang nhãn hiệu bạn bè văn nghệ. Có phải những trí thức văn nghệ này cùng chia sẻ niềm đau với anh như chia sẻ từng ly cà phê dưới những quán cà phê cùng mang tên vỉa hè?
Khó thấy
Sự phát triển của nghệ thuật
Có thể kết liễu một chế độ độc tài
Bao nhiêu người đã nói
Những điều tương tự như vậy
Các nghệ sĩ nhậu ở vỉa hè
Kể về tính nước đôi
Cây kim giấu trong bọc vải
Lâu ngày cũng thành thơ
Chúng ta
Những cư dân không được đón chào
Gió chiều nào
Ta tào lao chiều ấy
Ðộc giả yêu quí
Ðọc những dòng này
Xin quí vị nhớ một điều
Tất cả những gì tôi viết là của quí vị
Của người thân, tổ chức, và bạn bè quí vị...
Bằng chứng là. Lúc này
Khi quí vị bỏ thời gian, công sức, và nhiều thứ nữa... Ðể đọc
Tôi đâu ở cạnh mà thực sự biết
Chúng nhạt nhẽo và ngớ ngẩn đến nhường nào
Nhà thơ Bùi Chát vẫn đang sống tại Việt Nam. Không biết sau khi tác phẩm “Bài Thơ Một Vần” chính thức phát hành trên mạng thì số phận của nhà thơ ra sao, nhưng chắc một điều là anh thỏa nguyện lắm. Hai mươi sáu bài thơ cùng với quá nhiều tâm trạng dù sao cũng đã được dàn trải và trong những ngữ nghĩa được gọi là thơ ấy đã tròn trịa những suy nghĩ của anh trong những ngày tháng bước qua lứa tuổi 30, lứa tuổi của khát sống và thèm tự do mãnh liệt nhất của cả một đời người.
Mặc Lâm/RFA Phỏng vấn nhà thơ Bùi Chát về giải thưởng quốc tế IPA
Ngày Tự do báo chí Thế giới 3/5 năm nay, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế nhắc đến Việt Nam với tin nhà thơ trẻ Bùi Chát bị câu lưu ngay lúc về tới phi trường Tân Sơn Nhất sau khi sang Argentina nhận giải thưởng quốc tế mang tên “Quyền tự do xuất bản” do Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế IPA trao tặng, để vinh danh người đã can đảm đấu tranh bảo vệ quyền tự do thể hiện quan điểm. Bùi Chát, sinh năm 1979, là một nhà thơ chui và là người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn không đi theo lề phải của nhà nước. Anh đã dành cho Tạp chí Thanh Niên buổi trò chuyện khi được tạm thả sau hơn 3 ngày bị giam.
Trà Mi-VOA | Washington DC Thứ Hai, 09 tháng 5 2011
Bùi Chát và Nhóm Mở Miệng chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn
Nhà thơ Bùi Chát: "Việc tôi được nhận giải này chứng tỏ rằng chúng ta vẫn đang ở một nơi thiếu tự do trầm trọng. Nếu vì những mục đích tốt đẹp mà tôi phải chịu một điều tệ hại cho chính bản thân, chuyện đó là một sự trả giá quá nhỏ, không có gì phải quá bận tâm."
Bùi Chát: Tôi về tới sân bay 6h tối ngày 30/4, họ giữ tôi lại cho tới khoảng 4h chiều ngày 1/5. Sau khi làm một số biên bản, thu giữ một số quyển sách và Giải thưởng của IPA, họ ký lệnh tạm giam tôi và đưa tôi về công an phường làm tiếp một số thủ tục để khám nhà.
Trà Mi: Nội dung chính của những buổi làm việc và những yêu cầu họ đặt ra là gì, thưa anh?
Bùi Chát: Họ hỏi tôi về chuyến xuất cảnh, tôi đã gặp gỡ những ai, có gặp người Việt nào không. Họ cũng hỏi thêm về các hoạt động của Nhà xuất bản Giấy Vụn.
Trà Mi: Sau khi về công an phường, các buổi làm việc tiếp theo ra sao?
Bùi Chát: Từ lúc về tới Việt Nam, tổng cộng tôi bị giữ 47 tiếng đồng hồ.
Trà Mi: Trên văn bản lệnh tạm giam chính quyền có giải thích lý do của các buổi làm việc này là gì không?
Bùi Chát: Họ nói tạm giữ hành chính tôi vì tôi đã vi phạm nghị định 202 về việc nhập khẩu văn hóa phẩm không được xin phép.
Trà Mi: Việc này liên quan tới những cuốn sách anh mang về nước?
Bùi Chát: Vâng, nhưng thực tế trong quá trình làm việc họ không hề hỏi về các quyển sách đó.
Trà Mi: Trong buổi làm việc cuối cùng, họ thông báo với anh thế nào? Đã có một quyết định chính thức ra sao?
Bùi Chát: Họ in ra những văn bản trong máy tính xách tay của tôi, đề nghị tôi ký tên. Họ bảo sẽ chuyển các tài liệu đó lên cơ quan chức năng để giám định và sẽ trả lời với tôi khi có kết quả.
Trà Mi: Lý do giam giữ anh trong mấy ngày qua xuất phát từ việc anh mang về nước văn hóa phẩm chưa xin phép, nhưng nội dung làm việc thì hoàn toàn khác và việc họ khám nhà cũng không hoàn toàn liên quan tới các quyển sách mà anh mang về?
Bùi Chát: Đúng vậy.
Trà Mi: Anh có nêu lên thắc mắc không và có nhận được câu trả lời thỏa đáng chăng?
Bùi Chát: Tôi cũng biết là khi trở về sẽ bị chặn và sẽ bị tạm giữ. Cho dù không có các quyển sách thì họ cũng sẽ giữ tôi thôi. Trước đây, nhà xuất bản Giấy Vụn vẫn thỉnh thoảng phải lên làm việc với an ninh, cũng gặp khó khăn. Đôi lúc tôi cũng bị đi theo cả tháng trời, nhưng chưa tới mức như đợt này. Rõ ràng sau khi tôi nhận Giải thưởng IPA, về tới nơi, họ đón ngay tôi ở hải quan phi trường. Thậm chí họ lấy luôn cả bằng khen của IPA, chứng tỏ việc tạm giữ này chắc chắn có liên quan tới Giải thưởng đó.
Trà Mi: Nếu đúng có mối liên quan đó thì ngay từ đầu họ đã không để cho anh đi nhận giải thưởng?
Bùi Chát: Khi tôi chuẩn bị đi, họ không biết. IPA cũng không thông báo người được giải năm nay trước khi tôi có mặt tại Buenos Aires. Tôi nghĩ do nhà cầm quyền không biết nên đã không có những biện pháp ngăn chặn không cho tôi đi.
Trà Mi: Cảm tưởng của anh thế nào sau khi nhận giải thưởng của IPA, đặc biệt sau những gì đang diễn ra khi anh về nước với giải thưởng này?
Bùi Chát: Khi được thông báo mình là người nhận giải, tâm trạng của tôi rất khó tả, vừa vui, vừa buồn. Buồn nhiều hơn vui. Sau những sự kiện này, đúng là tôi càng cảm thấy buồn vì cảm giác của một công dân của một nước thiếu rất nhiều quyền tự do, trong đó có quyền tự do xuất bản, tự do phát biểu. Việc tôi được nhận giải này chứng tỏ rằng chúng ta vẫn đang ở một nơi thiếu tự do trầm trọng.
Trà Mi: Giải thưởng này có ý nghĩa thế nào đối với anh?
Bùi Chát: Những cố gắng, nỗ lực của nhiều anh em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và làm rõ một hiện tượng trong việc nói lên tiếng nói tự do của chính mình. Họ nhìn rõ một vấn đề về quyền tự do phát biểu ở Việt Nam.
Trà Mi: Anh ghi nhận được những gì từ chuyến đi nhận giải? Có điều gì anh cảm thấy ấn tượng muốn chia sẻ với những người quan tâm?
Bùi Chát: Tôi được đến một hội chợ sách quá lớn, tổ chức rất quy mô, thể hiện sự tôn trọng sách.
Trà Mi: Vâng, hội chợ sách nói lên sự tôn trọng đối với sách. Buổi lễ trao giải thưởng cho anh cũng nói lên sự tôn trọng đối với quyền tự do viết và xuất bản. Về hoạt động của anh và nhà xuất bản Giấy Vụn, một chút thắc mắc đầu tiên về bút hiệu Bùi Chát. Nó thể hiện sự tương phản giữa hai hương vị khác nhau. Anh có thể giải thích một chút về ý nghĩa và nguyên nhân của bút danh này?
Bùi Chát: Tôi họ Bùi. Bùi và chát là hai mùi vị khác nhau nói lên con người có nhiều mặt đối lập bên trong. Ngoài ra, Bùi Chát đọc ngược lại là chùi bát, tức làm sạch sẽ. Tôi là người sẵn sàng lau sạch để chuẩn bị món ăn ngon cho mọi người.
Trà Mi: Với nguyện vọng lau sạch những gì chưa được sạch sẽ, anh có thể giới thiệu đôi chút về hoạt động của nhà xuất bản Giấy Vụn và phong trào thơ chui trong nước mà anh là một trong những người đi tiên phong?
Bùi Chát: Phong trào xuất bản độc lập rải rác xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000. Sau khi có internet, một sự hỗ trợ kết hợp, phong trào xuất bản độc lập và những cây bút tạm gọi là phi chính thống, ngoài luồng, thể hiện tác phẩm của mình một cách trung thực thông qua các nhà xuất bản độc lập này và internet. Chính vì vậy, tiếng nói của họ được đến với độc giả một cách trung thực nhất và được đón nhận một cách trung thực nhất, khuyến khích phong trào sáng tác văn chương phản ánh đúng thực trạng xã hội.
Trà Mi: Thực tế cho thấy một số thành viên trong phong trào này gặp rắc rối với chính quyền, tiêu biểu như trường hợp của anh, của nhà thơ Lý Đợi, hay của các thành viên trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, chẳng hạn. Kể từ khi có sự rắc rối đó, hoạt động của phong trào ra sao?
Bùi Chát: Cũng có tác động khi nhà cầm quyền gây hoang mang cho những cây bút. Đúng là sống ở Việt Nam, rất nhiều người sợ, ai cũng sợ, nhưng rất nhiều người trước tôi đã vượt qua nỗi sợ để thể hiện chính mình. Sự can đảm đó được khuyến khích, ủng hộ bởi những tiếng nói khác. Sự vượt qua nỗi sợ này càng ngày càng lớn ra. Chính vì vậy, phong trào càng ngày càng mạnh. Phong trào tiếp tục tồn tại là vì có những người tuy sợ nhưng họ vẫn làm.
Trà Mi: Một người trẻ yêu thơ đã là một điều đặc biệt, nhưng đặc biệt hơn nữa, khi được biết anh là một nhà thơ chui, thậm chí còn xuất bản những tác phẩm chui không qua kiểm duyệt của nhà nước. Vì sao anh quyết định trở thành một nhà thơ, nhà xuất bản chui, bất chấp những rủi ro có thể gặp phải trong điều kiện ở Việt Nam, nơi mọi thứ đều phải qua kiểm duyệt của nhà nước?
Bùi Chát: Tôi ra trường với đầy nhiệt huyết muốn cống hiến cho xã hội, nhưng càng tiếp xúc với giới văn nghệ và xuất bản, tôi càng nhận ra một điều phi lý, một sự mất tự do trầm trọng, thậm chí là một sự suy đồi. Tôi đã quyết tâm không thể để điều này tái diễn cho chính mình. Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ khi quyết định thành lập nhóm Mở Miệng và Nhà xuất bản Giấy Vụn để cùng một số người bạn cùng chí hướng sáng tác theo quan điểm đó. Gía trị lớn nhất là mình luôn phải trung thực với những điều suy nghĩ của mình, không bao giờ để người khác tự ý bóp méo, cắt xén những cái mình muốn thể hiện.
Trà Mi: Anh có thể chia sẻ những vui buồn từ khi trở thành một nhà thơ , nhà xuất bản chui tại Việt Nam?
Bùi Chát: Niềm vui lớn nhất là thỉnh thoảng tôi nhận được email của những người thích thú với những quyển sách, những kiểu trình bày lạ, và lối viết thơ như vậy. Đó là những niềm vui nho nhỏ luôn khuyến khích, ủng hộ chúng tôi để chúng tôi tiếp tục làm. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi luôn luôn có người muốn đọc, muốn tìm hiểu, và muốn biết về những việc mà chúng tôi làm.
Trà Mi: Sáng tác thơ, đặc biệt là thơ chui, chắc chắn không phải vì sự nổi tiếng hay nhu cầu mưu sinh. Vậy mục đích chính của các nhà thơ ngoài luồng là sáng tác để bày tỏ tư tưởng, để thỏa mãn đam mê thơ văn, hay là để chống đối? Nếu có người đặt câu hỏi này với anh, anh trả lời thế nào?
Bùi Chát: Có khi nó là cả hai, vừa để thỏa mãn suy nghĩ của mình về xã hội, đất nước, dân tộc, con người một cách trọn vẹn, vừa là một cách phản kháng, chống đối để luôn là một động lực cho sự thay đổi và vận động. Sự chống đối này nên hiểu chính là sự từ chối, từ khước những gì đang có mà không chịu vận động.
Trà Mi: Thế nhưng nếu có người cho rằng mỗi nước có luật lệ riêng, sống ở đâu phải theo luật ở đó, chống đối có lợi gì không hay chỉ rước họa vào thân?
Bùi Chát: Mỗi nước có luật lệ riêng nhưng các giá trị về con người, về các quyền căn bản thì mang tính phổ quát. Chúng ta phải tôn trọng cái cơ bản có lợi ích nhất đối với con người. Không thể dùng luật lệ của nước nào đè bẹp các giá trị mang tính con người.
Trà Mi: Giải thưởng “Quyền tự do xuất bản” của Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế IPA đã mang lại cho anh không ít rắc rối khi trở về nước. Giả sử trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ mang đến cho anh những bất lợi nhất định nào đó, anh sẽ nói gì?
Bùi Chát: Trong lịch sử giải thưởng IPA chưa có tiền lệ nào như trường hợp của tôi ở Việt Nam. Nếu tiếp tục gặp những điều xấu hơn sắp tới, tôi vẫn vui vẻ đón nhận vì tôi nghĩ rằng việc mình làm hoàn toàn không sai, nó chỉ hướng đến sự tốt đẹp chung cho một tương lai. Nếu vì những mục đích tốt đẹp mà tôi phải chịu một điều gì tệ hại cho chính bản thân tôi, tôi nghĩ, chuyện đó là một sự trả giá quá nhỏ, không có gì phải quá bận tâm.
Trà Mi: Còn trong trường hợp mọi chuyện trở nên tốt đẹp, không gì rắc rối hơn thế nữa, liệu những gì đang diễn ra với anh sau khi nhận giải thưởng này có làm anh chùn bước hay tác động ý chí và quyết định của anh trong việc đi theo một phong trào thơ chui, xuất bản chui tại Việt Nam chăng?
Bùi Chát: Những gì chúng tôi đã chọn trong 10 năm nay không gì thay đổi được. Việc chùn bước không thể có được đối với mọi người trong chúng tôi.
Trà Mi: Trước khi chia tay, anh có một vài vần thơ nào tâm đắc nhất muốn gửi gắm tới những người quan tâm về nhà thơ Bùi Chát để thính giả có thể nghe chính tác giả chia sẻ về những vần thơ của mình?
Bùi Chát: “Anh chị em thân mến
Chúng ta có mặt nơi đây
Không phải để khóc
Không phải để cân nhắc, im lặng, rồi quay đầu
Chúng ta có mặt nơi đây để sống
Để thể hiện bổn tánh chúng ta
Đâu nhất thiết phải hoang mang, nhắc nhở lời đe dọa
Bởi với chúng ta
Sợ hãi không bao giờ là mục đích”
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh vì thời gian và những chia sẻ trong câu chuyện hôm nay.
Bùi Chát: Xin cảm ơn chị và xin cảm ơn tất cả mọi người đã lắng nghe và đã ủng hộ Nhà xuất bản Giấy Vụn cũng như cá nhân tôi.
Bùi Chát (Tiền Vệ) - Chắc chắn không thể trông mong gì vào sự ban ơn từ phía chính quyền, không thể chạy chọt lo lót để các tác phẩm vẫn được ra đời một cách nguyên vẹn rồi sau đó lại bị thu hồi, không thể ngồi đó hy vọng vào ngày mai tươi sáng một cách may rủi cho bản thân mình và cho người khác. Bởi bản thân sự tự do và dân chủ không thể có được nếu chỉ đến từ ý nghĩ, từ sự đòi hỏi trong im lặng, nó cần thiết phải có một môi trường để phơi bày, thể hiện. Trong xuất bản, đó là sự ra đời của các nhà xuất bản độc lập...
(Bài tham luận của nhà thơ Bùi Chát - sáng lập viên nhà xuất bản Giấy Vụn, đọc tại Đại Hội Xuất Bản Quốc Tế tại Seoul 05/2008)
Kính thưa quý vị!
Việt Nam, ngay từ những ngày đầu độc lập, Hiến pháp của nhà nước Dân chủ Cộng hoà quy định:
"Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”
(Điều 10, Hiến pháp 1946)
Sau mấy lần thay đổi Hiến pháp, năm 1992 Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa lại thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó quy định:
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
(Điều 69, Hiến pháp 1992 – đã được sửa đổi, bổ sung 2001)
Hiến pháp 1992 không nêu cụ thể vấn đề tự do xuất bản, nhưng cứ tạm hiểu tự do xuất bản nằm trong các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin... Vậy quy định của pháp luật Việt Nam về tự do xuất bản là thế nào?
Luật xuất bản Việt Nam 2004, điều 5, khoản 2, ghi rõ:
"Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản.”
Có thực sự là nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản? Nếu đúng thế thì quả là một giấc mơ, mà có lẽ không người dân nào dám nghĩ rằng sẽ có cơ may chứng kiến nếu chế độ cộng sản toàn trị này còn đang tồn tại. Và để củng cố sự “không kiểm duyệt” này không vượt quá xa tầm kiểm soát của mình, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động gần như toàn bộ hệ thống quyền lực từ trung ương đến địa phương, gồm: Ban Tư tưởng Văn hoá của Đảng Cộng sản (nay là Ban Tuyên giáo), Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Công an tham gia quản lý. Vấn nạn này được thể hiện phần nào trong Điều 7, Luật xuất bản 2004:
Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Văn hoá – Thông tin chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.”
Việc quản lý được thấy rõ hơn ở các nhà xuất bản, thông qua quy trình xuất bản một cuốn sách:
Thủ tục in ấn một cuốn sách của Nhà xuất bản T.
Đăng ký kế hoạch xuất bản:
1. Lập phiếu đăng ký theo mẫu có sẵn của từng nhà xuất bản. Phiếu đăng ký gồm các mục sau đây: Tên bản thảo, tên tác giả, tóm tắt nội dung, tủ sách gì (văn học, kinh tế, ngoại ngữ…) số trang, số lượng bản in, dự kiến in xong ngày tháng nào?
2. Tập họp các phiếu đăng ký lại và làm thành một danh sách gọi là KẾ HOẠCH XUẤT BẢN QUÝ…NĂM… sau đó gởi lên Cục Xuất Bản xin duyệt.
Các thủ tục nộp và duyệt bản thảo:
1. Gặp anh nhân viên văn phòng để gởi bản thảo và vô sổ.
2. Bản thảo sẽ được phân công cho biên tập viên chuyên trách.
3. Biên tập viên sẽ biên tập trong vòng từ 7 ngày đến 30 ngày tùy theo độ dày và nội dung bản thảo, sau đó BTV chuyển BGĐ duyệt.
4. Người làm sách đến nhận bản thảo đem về ra NHŨ, sau đó nộp lại cho BTV cả Nhũ + Bản thảo (đã duyệt) + Mẫu Design bìa sách.
5. BTV sẽ hướng dẫn vài thủ tục kế tiếp để xin cấp GIẤY PHÉP. (Tùy theo quy định của từng nhà xuất bản)
Các thủ tục in ấn:
1. Đem bản thảo và giấy phép đến nhà in để nhờ nhà in làm một HỢP ĐỒNG IN. Hợp đồng này do nhà in ký với nhà xuất bản. Phía nhà in ký trước, phía NXB ký sau.
2. Khi hai bên đã ký xong HĐ, bản thảo sẽ được in thành sách.
3. Sách in xong, người làm sách phải nộp lưu chiểu cho NXB từ 10 đến 20 cuốn tùy theo số lượng in.
4. Bảy ngày sau khi nộp lưu chiểu, sách mới được phát hành.
(Tài liệu phổ biến trong nội bộ của một nhà xuất bản ở Sài Gòn)
Về mặt khách quan mà nói, với sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ như thế, không cách nào một tác phẩm được xem là “có vấn đề” có thể lọt qua được bộ máy kiểm duyệt đồ sộ từ khâu biên tập đến khâu phát hành với các trợ thủ đắc lực gồm các biên tập viên, cộng tác viên, các kiểm soát viên... được đào tạo kỹ lưỡng từ phía chính quyền, mà phần lớn những người mang yếu tố quyết định sự ra đời của tác phẩm này đều là “đảng viên trung thành”.
Dĩ nhiên cũng có vài trường hợp do yêu mến tác phẩm, muốn nhiều người cùng biết đến, và cũng vì sắp đến tuổi hưu cần làm điều gì có ý nghĩa, một số quan chức hoặc biên tập viên có thế lực trong nhà xuất bản vẫn tìm cách để tác phẩm ra đời. Và điều tất yếu cuối cùng cũng đến: tất cả tác phẩm này đều bị thu hồi.
Thực trạng xuất bản ở Việt nam
Ở Việt Nam hiện nay báo chí và xuất bản là những lĩnh vực “nhạy cảm” cần phải canh giữ, vì thế tư nhân chớ có mon men đến gần. Vấn đề này đã được chính phủ hứa hẹn, nghĩa là trong vòng ít nhất 10 năm nữa; báo chí và xuất bản vẫn thuộc lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Vì theo quan điểm của họ, được tìm thấy trong các giáo trình biên tập xuất bản sách thì: “Sách trở thành công cụ truyền bá hệ tư tưởng thống trị, xuất bản trở thành một thiết chế thực hiện có hiệu quả công tác tư tưởng của giai cấp thống trị. Hoạt động xuất bản gắn bó hữu cơ với chính trị, là công cụ thực hiện sự thống trị trên lĩnh vực chính trị tư tưởng.”
Để biện minh cho sự độc quyền trong lĩnh vực xuất bản, một quan chức chính phủ, ông Nguyễn Đức Chính, Giám Đốc Sở Tư Pháp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Với mặt bằng dân trí của cả nước hiện nay, chưa đủ độ chín để tự đánh giá chất lượng tác phẩm. Do vậy, không nên để tổ chức, cá nhân tham gia vào khâu xuất bản... Nhà nước chưa thể buông được việc xuất bản, tổ chức bản thảo trong thời điểm hiện nay.”
Với chính sách cứng nhắc và bảo thủ như thế, dĩ nhiên phản ứng từ phía các doanh nghiệp và dân chúng là có, nhưng cũng hết sức dè dặt. Mặt khác, các phong trào dân chủ nhân quyền đang phát triển mạnh và ngày càng tác động đến quần chúng. Để đối phó với tình trạng này, chính quyền tỏ ra khôn khéo và cách che đậy của họ cũng hoàn thiện hơn. Ở lĩnh vực báo chí - xuất bản, tất cả những vấn đề cấm đoán đều là những chỉ thị ngầm, các biên tập viên cũng tự biết phải cắt bỏ chỗ nào là an toàn nhất (không cần thông báo cho tác giả và độc giả biết)... lệnh thu hồi cũng chỉ được truyền qua miệng. Hoàn toàn không có một chút văn bản giấy tờ gì để lại dấu vết, và tất nhiên nếu phản ứng của dư luận quá lớn thì cũng không ai đứng ra chịu trách nhiệm hoặc giải thích gì cả. Vụ Trần Dần – Thơ xảy ra vào tháng 2/2008 vừa qua là một ví dụ cụ thể. Là nhà thơ chủ chốt của Nhân Văn – Giai Phẩm, mặc dù Trần Dần đã được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và giải thưởng nhà nước, thơ ông vẫn ít được phổ biến. Trần Dần – Thơ là tuyển tập chọn lọc từ di cảo và từ những tác phẩm đã công bố, cuốn sách in xong 2/2008, đã được phép phát hành, và đã được đưa ra thị trường. Nhưng trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI (21/2/2008) tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội, tập Trần Dần – Thơ đã không được phép đưa vào bán bình thường như các cuốn sách khác, theo một lệnh miệng từ Cục Xuất bản. Tiếp đó, ngày 26/2/2008, sau cuộc làm việc của đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thông tin - Truyền thông cầm đầu với Công ty Nhã Nam, tập Trần Dần – Thơ đã bị ngưng phát hành vì lý do “vi phạm hành chính về xuất bản.”
Nhà thơ Hoàng Hưng – một người đã từng bị bỏ tù vài năm vì có ý định chuyển tập thơ của một nhà thơ đàn anh ra nước ngoài – đã phát biểu rằng thực trạng này là: “Bất minh, vì quyền xét duyệt công bố và quyền thu hồi sách nằm trong tay một số người không bao giờ công khai danh tính, không bao giờ có ý định thuyết phục công luận về lý do chính đáng của những quyết định của họ, và không chịu trách nhiệm pháp lý đối với những quyết định ấy. Đó là chưa nói chúng ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về trình độ chuyên môn của những người nắm trong tay quyền sinh sát đối với tác phẩm văn học vốn là thực thể rất phức tạp, rất khó phán xét theo tư duy "hoặc A hoặc B".”
Sau cùng, các nhà xuất bản thực chất chỉ còn là nơi để công khai bán giấy phép và để trưng bày một bộ máy kiểm duyệt đang thoi thóp từng ngày. Hậu quả là cho ra đời vô số những cuốn sách vô thưởng vô phạt hoặc tuyên truyền vụng về có nguy cơ tổn hại đến não trạng của nhiều thế hệ.
Những khó khăn của các nhà xuất bản tự do
Bùi Chát tại Hội nghị IPA 2008
Chắc chắn không thể trông mong gì vào sự ban ơn từ phía chính quyền, không thể chạy chọt lo lót để các tác phẩm vẫn được ra đời một cách nguyên vẹn rồi sau đó lại bị thu hồi, không thể ngồi đó hy vọng vào ngày mai tươi sáng một cách may rủi cho bản thân mình và cho người khác. Bởi bản thân sự tự do và dân chủ không thể có được nếu chỉ đến từ ý nghĩ, từ sự đòi hỏi trong im lặng, nó cần thiết phải có một môi trường để phơi bày, thể hiện. Trong xuất bản, đó là sự ra đời của các nhà xuất bản độc lập.
Ban đầu những nhà văn nhà thơ tự samizdat những tác phẩm của mình với ý nghĩ đây là những tác phẩm cá nhân không ai có quyền can thiệp hoặc cắt bỏ, nó phải được tồn tại như nó vốn thế. Theo họ, thơ văn hoàn toàn là vấn đề mang tính chất riêng tư bất khả xâm phạm và việc cho ra đời tác phẩm là chuyện hiển nhiên, không ai lại đi xin phép người khác cho mình được quyền tự do. Tuy có những suy nghĩ táo bạo, nhưng việc in ấn thường núp dưới danh nghĩa “bản thảo nhờ bạn bè góp ý” hoặc “lưu hành nội bộ”...
Những năm gần đây, do sự mở cửa về kinh tế cũng như sự phát triển nhanh về công nghệ in ấn và photocopy, đặc biệt là các loại máy in cá nhân, việc tự xuất bản và phổ biến tác phẩm trở nên dễ dàng. Các nhà xuất bản phi chính thống (chủ yếu ở Sài Gòn) cũng xuất hiện rầm rộ và chuyên nghiệp hơn, nếu cách đây 7 năm chỉ duy nhất Giấy Vụn là nhà xuất bản dám đứng ra công khai, thì bây giờ con số đã lên cả chục. Tất nhiên ấn phẩm ngày càng có chất lượng và ngày càng đẹp hơn.
Điều tất yếu phải hiểu khi làm việc ở một môi trường như Việt Nam hiện nay là phải chuẩn bị tâm lý và đề cao cảnh giác vì “không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai”, bạn có thể bị chú ý bởi các quan chức văn hoá văn nghệ hoặc đang bị theo dõi mà không hay biết. Bạn có thể bị hù doạ hoặc quẫy nhiễu liên tục từ phía công an và có thể bị bắt bất cứ lúc nào mà không cần phải có lý do. Trường hợp tôi đã từng bị bắt và nhốt hơn một ngày cùng với một người bạn (nhà thơ Lý Đợi) chỉ vì dám tổ chức đêm trình diễn thơ (1.1.2004) mà không có sự đồng ý của chính quyền. Những tập thơ của nhà xuất bản Giấy Vụn cũng bị tịch thu và tiêu huỷ sau đó.
Nhưng với những người làm công việc xuất bản độc lập ở Việt Nam như chúng tôi, vấn đề đáng lo ngại nhất không phải đến từ phía chính quyền mà chính là việc làm sao để phát triển thêm nguồn nhân lực cho các nhà xuất bản và mở rộng hệ thống phát hành trên quy mô lớn. Vấn đề thực sự khó khăn chưa có hướng giải quyết đối với chúng tôi là vấn đề tài chính, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có nhà bảo trợ, chưa có quỹ hỗ trợ tài chính, chưa có nguồn kinh phí cố định cho các dự án xuất bản. Hầu hết các cuốn sách đã được xuất bản đều do tiền túi hoặc do đóng góp của những ngươì thân mà thành, vì thế dù đã hoạt động được 7 năm nhưng đến giờ nhà xuất bản Giấy Vụn cũng chỉ cho ra đời được xấp xỉ 20 tác phẩm, số còn lại thì vẫn nằm trong “kế hoạch”.
Từ việc này có thể nhìn rộng ra. Có lẽ những dự án về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản ở Việt Nam cũng đang nằm trong tình huống tương tự: vẫn chỉ là trong kế hoạch.
Bùi Chát - Giấy Vụn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét