Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Nợ Xấu Kéo Dài, 128 Hãng Ngoại SG Bỏ Trốn, doanh nghiệp sụp tiệm... công nhân thất nghiệp

                        

                              Niềm tin và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp  Việt Nam xuống mức thấp nhất từ trước tới nay...

 Nhà nước CSVN hứa hẹn sẽ ghìm lạm phát xuống còn 7,5% trong năm 2012, trong khi nhìn nhận rằng không giảỉ quyết nổi nan đề nợ xấu trong thời gian gần. Đó là lời ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi họp báo hôm 29-11-2012, theo tin của NDHMoney.

Nhiều bản tin cũng cho biết không khí kinh doanh ảm đạm: riêng thủ đô Hà Nội  tính đến tháng 11, đã có 11.385 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố ngừng hoạt động, theo tin của báo Hà Nội Mới.

Mặt khác, báo Tuổi Trẻ cho biết nhiều công ty ngoại quốc đã lặng lẽ trốn đi, bỏ lại nhà xưởng và hàng núi nợ...

Bản tin NDHMoney hôm 29-11-2012 ghi lời Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong năm nay, nếu thực hiện tốt các biện pháp, lạm phát sẽ chỉ ở ngưỡng khoảng 7,5%, đạt mục tiêu dưới 10% đã đề ra trước đó.

Tuy nhiên, nợ xấu phải gánh chịu lâu dài, cũng theo tin này ghi lời ông Đam:

“Liên quan đến vấn đề giải quyết nợ xấu, Bộ trưởng Đam cho rằng, cần có một lộ trình phù hợp và đồng bộ bởi nợ xấu có liên quan tới nhiều vấn đề như hàng tồn kho, bất động sản,... Việc giải quyết nợ xấu không thể hoàn thành trong một sớm một chiều với một vài biện pháp đơn lẻ.”

Bản tin từ thông tấn Vstock, đăng theo tin Chính phủ, đã  kể về trường hợp nợ xấu riêng về ngành xây dựng cơ bản đã lên tới  90.000 tỷ đồng VN, tức 4,32 tỷ đôla Mỹ.

Nợ này là do các chính quyền địa phương xây hạ tầng và rồi không có ngân sách để trả cho các công ty xây cất.

Bản tin viết:

“Một giải pháp nữa là giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Một thời gian dài, vì nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, các địa phương đều có nhu cầu rất bức thiết và đều huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, khối lượng công việc đã thi công cũng như kinh phí cần thiết cho các công trình này vượt mức cân đối của ngân sách địa phương, hiện con số này khoảng 90.000 tỷ đồng...”
Cũng hôm Thứ Năm, trong khi ông Đam hứa sẽ ghìm lạm phát, Cục Thuế Hà Nội nói trên báo Hà Nội Mới rằng “...tính đến tháng 11, đã có 11.385 DN trên địa bàn thành phố ngừng hoạt động. Trong số đó có 369 DN giải thể, 5.876 DN bỏ trốn và 5.140 DN tạm ngừng kinh doanh. 54.526 DN trên địa bàn kê khai lỗ, chiếm tỷ trọng 76,3% DN nộp tờ khai thuế. Cùng thời điểm này, số DN mới thành lập trên địa bàn là 13.659 DN.”

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ ghi nhận rằng nhiều doanh nghiệp ngoại đã bí ẩn rủ nhau mất tích.

Bản tin nói: “Không còn cá biệt một vài doanh nghiệp (DN) bỏ trốn như trước đây, tại TP.SG, Đồng Nai... hiện số DN có vốn nước ngoài (FDI) bỗng dưng “mất tích” đang có hướng tăng mạnh. Hệ lụy không chỉ Nhà nước thất thu thuế, đối tác mất vốn mà còn khiến nhiều công nhân bơ vơ... Mới đây, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai đã rút giấy phép 17 dự án FDI mà chủ nhân đã bỏ trốn để lại nợ thuế, nợ lương công nhân, nợ đối tác...

128 DN gia công bỏ trốn nợ 400 tỉ đồng thuế

Theo bà Đoàn Phi Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.SG): chỉ tính riêng trong lĩnh vực gia công, hiện có 128 DN FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công. Nợ thuế lên đến hơn 400 tỉ đồng.”

Con số nợ thuế 400 tỉ đồng VN là tương đương 20 triệu đôla Mỹ.

Báo Tuổi Trẻ kể thêm rằng khi tìm đến một số địa điểm trong danh sách các DN bỏ trốn, nếu trước đó cảnh công nhân nhộn nhịp thì nay các DN này chỉ còn trơ lại những nhà xưởng hoang tàn, đổ nát. Tài sản ít ỏi họ để lại là những máy móc, thiết bị chẳng thể bù vào các khoản nợ thuế Nhà nước, nợ lương công nhân... Khi chủ DN bỏ trốn, hệ lụy không chỉ việc Nhà nước thất thu thuế mà hàng ngàn công nhân bị nợ lương, nhiều đối tác trong nước bị “xù” nợ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét