Hoàng Hưng
Xin nói ngay rằng, đầu đề trên tôi lấy từ một ý kiến “góp ý với Đảng” trên báo Lao Động Chủ Nhật cách đây 20 năm, lúc làn gió “Đổi mới” đang ào ào trên khắp đất nước (chưa bị Đảng chặn lại và cố thổi ngược sau đó). Lúc ấy, nhiều đảng viên cũng như trí thức các cỡ vẫn còn tin/hy vọng Đảng “đổi mới” thực sự và toàn diện.
Nhưng sau một lúc hoang mang trước khủng hoảng chính trị của cả phe XHCN và tạm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế nhờ đường lối tự do hóa, lại bấu chặt được vào kẻ thù chưa xa bỗng thành ra “bạn vàng” rất gần, Đảng trấn tĩnh lại và hạ quyết tâm chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị. Cho nên câu dự đoán táo bạo trên của một đảng viên tâm huyết tạm thời chưa đúng. Sau 20 năm, Đảng vẫn chưa bị lột xác, mà còn hăm hở lột xác ngày càng nhiều người bất đồng chính kiến.
Đến hôm nay, tình hình ra sao?
Đổi mới kinh tế sau 20 năm thu được một số thành tựu, nhưng đã nhanh chóng thụt lùi và lại đang ở đêm trước của cuộc khủng hoảng mới. Nguyên nhân chủ yếu: Đổi mới nửa vời, có tự do hóa (cho tư nhân kinh doanh) nhưng vẫn kiên trì “thành phần chủ đạo” kinh tế nhà nước. Kết quả đã biết trước: quả đấm “chủ đạo” này đấm thẳng như trời giáng vào nền kinh tế quốc dân.
Giờ Đảng lại phải sửa soạn cuộc “đổi mới” lần hai. Cũng vẫn tư duy cũ: chỉ đổi mới kinh tế (tiến thêm một bước: có thể không còn khẳng định “kinh tế nhà nước” là chủ đạo), còn chính trị thì đổi mới một cách rụt rè e thẹn (nhấn mạnh “trên giấy” quyền con người kèm theo đủ thứ ràng buộc để sẵn sàng tước bỏ trên thực tế,… nhưng vẫn khăng khăng “điều 4” hiến định sự độc quyền của Đảng).
Với tư duy ấy, kết quả những năm tới của đất nước cũng có thể biết trước: Nếu kinh tế nhà nước – tức sự độc quyền kinh tế - đã đấm nát nền kinh tế quốc dân, thì tới đây, độc quyền của Đảng trên lĩnh vực chính trị chắc chắn sẽ làm tan hoang toàn bộ đời sống xã hội vốn đang lao nhanh trên con đường băng hoại chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc.
Nếu 20 năm trước, Đảng quyết định biến kẻ thù cũ thành “bạn vàng” để bấu vào mà tồn tại, thì tình thế hôm nay không cho phép nữa! Thực tế đã chứng tỏ chính sự bấu víu này là nguyên nhân đẩy nhanh đất nước đến nguy cơ mất mát lãnh thổ, mất quyền tự chủ và nhiều hiểm họa khôn lường khác. Lòng dân đang hết sức bức xúc! Trước nguy cơ đánh mất tính chính danh của một đảng từng tự hào có công giành độc lập dân tộc, Đảng đang rất lúng túng tìm cách thoát ra nghịch cảnh “còn Đảng mất nước, còn nước mất Đảng”.
Là một người cầm bút từng chịu sự lãnh đạo của Đảng gần hết đời (không tự nguyện nhưng biết là chưa thể khác, chỉ cố gắng giữ gìn “chút lòng trinh bạch” bằng cách không vào Đảng và không nhận bất cứ bổng lộc nào của Đảng), tôi vẫn băn khoăn “nghĩ hộ” Đảng (vô duyên?) cách thoát ra an toàn (vì nó cũng sẽ an toàn cho toàn dân tộc). Nhiều Đảng viên ưu tú đã chân thành vạch lối ra cho Đảng, nhưng Đảng chưa chịu nghe mà còn sách nhiễu họ đủ điều. Đảng còn quá tự tin vào “chính quyền trên mũi súng” của mình, còn quá khinh thường lòng dân?
Nhưng với bản Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 2013 vừa đây, mới mấy ngày đã thu được hàng ngàn chữ ký, trong đó lần đầu tiên có các cựu quan chức cao cấp và rất nhiều Đảng viên cỡ bự tham gia bất chấp mười mấy điều cấm mà Đảng ban hành, hồi chuông cấp báo đã rung lên! Triệt để và mạnh mẽ hơn hẳn Hiến chương 77 mở đầu cao trào dân chủ dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 2013 là dấu son lịch sử của cách mạng Việt Nam. Rất có thể nó sẽ dẫn đến một cuộc thanh trừng khủng bố khốc liệt, rất có thể hàng trăm người bị bắt, bị truy bức, bị đưa vào trại “phục hồi nhân phẩm” hoặc “nhà thương điên”, bị đụng xe, bị côn đồ hành hung… nhưng sẽ không gì cưỡng nổi ngọn triều dân chủ cuồn cuộn mà Kiến nghị đã phát động.
Vào lúc này, tôi bỗng nhớ đến câu góp ý với Đảng trên báo Lao Động Chủ Nhật cách đây 20 năm. Tôi muốn lấy lại câu ấy để nói với Đảng nhân ngày kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930 – 3/2/2013). Với tất cả sự chân thành. Vì nhớ đến những ngày tháng đẹp đẽ trong quá khứ của Đảng, với bao người con ưu tú đã hy sinh thân mình vì nền độc lập, vì nhớ đến lòng tin của bao nhiêu trí thức đã lựa chọn đi theo Hồ Chí Minh trong đó có cụ thân sinh ra tôi, vì nhớ đến những ngày tháng tanh xuân đẹp nhất của mình đã nghe lời kêu gọi của Đảng nguyện lên đường phục vụ công nông binh, vì lòng yêu mến nhiều người thầy, người anh, người bạn đã và đang là những đảng viên trung thực của Đảng. Vì tấm gương Myanmar trước mắt khi nhà độc tài và người đối lập bắt tay nhau xóa bỏ quá khứ hận thù để xây dựng một đất nước của tương lai.
ĐẢNG PHẢI TỰ LỘT XÁC NẾU KHÔNG MUỐN BỊ LỘT XÁC!
Mà trước mắt, hãy bước đi một bước nhỏ nhưng sẽ là bước nhảy vĩ đại: tự xóa bỏ “Điều 4” phi lý nực cười trong Hiến pháp. Nhân đây xin sửa câu nói thiếu thông minh của một người đồng tuế: “Bỏ điều 4 là tự sát” thành “Bỏ điều 4 là tự cứu”!
SG cuối tháng 1/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét