Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Điều 4 mới là vấn đề của mọi vấn đề



Nguyễn Long Việt

                    


Bởi việc quy định Điều 4, rõ ràng là những cuộc bầu cử dân chủ đều vô nghĩa. 14 người trong Bộ chính trị quyết định mọi chức danh, từ việc bao nhiêu ghế, ông nào trúng đại biểu quốc hội, ông nào làm thủ tướng… từ đó sinh ra độc tài, lạm quyền, tham nhũng…



Người có quyền chỉ “sợ trách nhiệm trước người giao quyền cho họ”, và việc nếu họ có được quyền lực không phải từ dân thông qua các cuộc bầu cử dân chủ thì họ cũng sẽ không chịu trách nhiệm trước dân, mà họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng (theo nghĩa hẹp hơn, trước những người lãnh đạo Đảng đã “cơ cấu” cho họ).

Việc không quy định Điều 4 là việc trước sau gì cũng phải làm, là xu thế chung của bất kì quốc gia dân chủ nào. Không quy định Điều 4, xây dựng chế độ chính trị đa đảng không phải là xóa bỏ sự hoạt động của Đảng Cộng sản VN, mà khi ấy những người có tài, có đức trong xã hội sẽ trở thành những lãnh đạo do dân chọn. Và đó cũng là con đường mà những người có tài, tâm trong Đảng ra tranh cử. Chứ không phải như việc có vị trí nhờ “cơ cấu” của Đảng thông qua “mối quan hệ, chạy chức chạy quyền” như hiện nay.

Nếu không xóa bỏ được Điều 4, mặc nhiên Đảng CS lãnh đạo thì những góp ý sửa đổi Hiến pháp chỉ như là thay chút nước sơn, chứ không phải là thay cái cột sống.

Chỉ khi đa đảng, mọi vấn đề mới được tháo gỡ, nền tảng đầu tiên để xây dựng nhà nước. Thông qua các cuộc cạnh tranh chính trị, người dân sẽ chọn những người, Đảng có chính sách tốt cho dân tộc, nhân dân. Các đảng phái đối lập tồn tại để phản biện lại các chính sách của đảng cầm quyền, và truyền tải tới người dân.

Hiện nay, những tiếng nói phản biện chỉ là đơn lẻ, không đủ sức mạnh để phản biện chính sách do vậy thường bị chính quyền sách nhiễu. Cái quan trọng nhất của phản biện là trong Nghị trường, quyết định tới việc thông qua chính sách. Chỉ khi đó, các quyền lợi của các đảng “chạm với quyền lợi của dân” mới được thông qua.

Bởi khi đó, nhân dân sẽ giám sát những cuộc phản biện minh bạch, và người Nghị sỹ sẽ phải chịu trách nhiệm với dân thông qua cơ chế giải trình.

Ở Việt Nam hiện nay, tuy có 3 hệ thống cơ quan quyền lực đại diện cho 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng 3 quyền này lại tập trung trong tay Đảng, mà cao nhất là Bộ chính trị. Các lãnh đạo chủ chốt của 3 cơ quan đều là Đảng viên.

 Người làm thẩm phán ở các quốc gia dân chủ không được tham gia đảng phái nào, thì ở Việt Nam, tuy không quy định trong văn bản luật nhưng trên thực tế họ thương là đảng viên. Và cơ chế thủ trưởng chế vẫn còn tồn tại thông qua cách thức bổ nhiệm thẩm phán. Như vậy, Đảng là người “vừa đá bóng, vừa cầm còi”.

Trong khi ở các nước dân chủ, thẩm phán có quyền ra lệnh trát bắt các chính trị gia nếu vi phạm pháp luật, thì ở Việt Nam, giả sử phát hiện ra một lãnh đạo sai phạm (lãnh đạo là Đảng viên), các cơ quan tư pháp bị tước mất quyền tiến hành các thủ tục tố tụng áp dụng đối với những người khác, mà thay vào đó là việc Đảng tiến hành các quy trình riêng của mình (như họp để kỷ luật…), từ đó sẽ sinh ra bao che.

Ngoài ra, khi có ý kiến của Đảng thì các cơ quan tư pháp (Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án) họp “liên ngành” để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng. Nếu lãnh đạo Đảng cho phép tiến hành tố tụng, hay đưa ra phương hướng xử lý thì các cơ quan này sẽ phải theo. Và phiên tòa chỉ như những “vở kịch”.

Cái khó cho Việt Nam?

Nhiều người cứ nhầm tưởng hoặc “xuyên tạc” rằng Singapore cũng giống Việt Nam, một Đảng lãnh đạo.

Ở Singapore, Đảng Nhân dân hành động (People’s Action Party) được quyền lãnh đạo nhờ nhân dân bầu ra từ cuộc bầu cử dân chủ (chiến thắng trong các nhiệm kỳ, từ 1963 nhờ các chính sách) chứ không phải là do Đảng, hay Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị quyết định như ở Việt Nam. Cũng giống như trong gia đình đông con, thằng A được quyền quản lý gia đình bởi nó tài năng, chính sách tốt, vì lợi ích chung, chứ không phải là nhà có con một như Việt Nam.

Ở Việt Nam, thành quả cách mạng có được cũng nhờ đa đảng (Việt Nam đa đảng đến năm 1988), cho đến khi đó, những người lãnh đạo luôn theo đuổi, hy sinh cho lý tưởng (mặc dù có không ít sai lầm), chỉ đến khi Lê Duẩn chèn ép, và sau này Nguyễn Văn Linh dẹp bỏ đa đảng thì chế độ một Đảng mới sinh ra độc tài, tham nhũng, lạm quyền. Cũng như, trong thời kỳ đó, do hoàn cảnh chiến tranh nên mặc dù đa đảng, nhưng vẫn chưa có dân chủ thực sự.

Và cái quan trọng nhất của chế độ đa đảng là thẩm phán độc lập, không theo đảng phái nào. Một khi, kể cả Lý Hiển Long phạm tội, tòa District cũng có thể ra trát bắt. Một điều khác biệt với VN, quan tòa là đảng viên, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo tôi, đa đảng là vấn đề mấu chốt, quyết định sự lớn mạnh của quốc gia, chống lại độc tài. Đa đảng là điều kiện cần.

Một khi, chưa xuất hiện đa đảng thì sẽ không có Aung San Suu Kyi, cũng khó xuất hiện Thein Sen như ở Myanmar để tiến tới dân chủ. Bà Aung nếu ở VN, chỉ có thể là những cá nhân phản biện nhỏ lẻ như Luật sư Lê Quốc Quân hay blogger Huỳnh Thục Vy mà thôi. Mọi phản biện từ cá nhân nhỏ lẻ đều bị dập từ trứng nước.

Nguyễn Long Việt, PHD Candidate, Harvard Law School

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét