Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

CÓ GÌ ĐÂU ĐỂ PHẢI CA THÁN ĐỐI VỚI GIỚI TRÍ THỨC NƯỚC NHÀ NGÀY NAY


Võ Hưng Thanh

                        
                     Trí thức được chăn dắt dưới con mắt người dân

Trong xã hội phong kiến ngày xưa của nước ta, Nguyễn Công Trứ (1778-1858), một nhà thơ lớn, tiêu biểu và nổi danh về phong cách đạo đức và về lý tưởng sống của giới sĩ phu Nho học khi đó, đã để lại cho hậu thế một tác phẩm thi ca để đời, bất hủ trong mọi thời, đó là bài “kẻ sĩ”.

Trong bài thơ “kẻ sĩ” nổi tiếng mà phần lớn ai cũng biết đó, nhà thơ danh giá họ Nguyễn đã viết những câu :


“Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng loan dư chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng …”

Có nghĩa lúc còn lẫn khuất nơi điền dã quê mùa không ai biết tới, kẻ sĩ vẫn cứ tự tại an nhiên, sống cuộc sống giản đơn, thong dong, tự trọng. Cho dầu chưa gặp cơ hội, chưa có hoàn cảnh hay thời vận thuận hợp để giúp ích được gì lớn cho đời, nhưng những lời hay ý đẹp có ích cho dân cho nước có dịp được nói ra nhằm hữu ích cho mọi người cũng không khi nào xem nhẹ, bỏ sót hay xao lãng. Đó là ý nghĩa của việc luôn luôn đề cao chính nghĩa, lẽ phải và nhất thiết phê phán, đả kích mọi cái sai, cái xấu nơi mọi người và nơi xã hội. Tức là phải luôn giữ vững cái chính đạo để nhằm đấu tranh chống lại mọi cái ma đầu, tà đạo. Sự đấu tranh đó phải diễn ra ở khắp nơi và trên mọi lãnh vực nếu có điều kiện phù hợp có thể làm được. Để chờ khi nào thời cơ lớn đến, gặp được vận hội hanh thông, gặp được những nhân vật lớn đồng chí hướng, khi đó mới đem hết tất cả mọi tài năng sẳn có mà thi thố giúp đời, không tiếc bất cứ điều gì.

Đó chính là tinh thần hay ý thức tích cực đối với cuộc sống, đối với xã hội, mà ngày nay người ta kêu là không phải thái độ trùm chăn, thái độ tiêu cực hay lánh đời. Trong khi đó, có thời gian dài trước kia, những người theo kiểu mác xít vẫn coi là thái độ hay ý thức tiểu tư sản, là cá nhân chủ nghĩa. Họ chỉ muốn mọi người chỉ là loại “quần chúng” thuần túy, bảo sao hay vậy, lý tưởng là lý tưởng được người nắm quyền mớm cho, không thể có lý tưởng theo kiểu độc lập, tự do, tự chủ của mình. Tinh thần của Nguyễn Công Trứ bị coi là tinh thần tư sản, phong kiến, lạc hậu. Bởi thế cả trên nửa thế kỷ, người ta chỉ đào tạo ra có mỗi thứ trí thức XHCN, tức trí thức được chăn dắt, trí thức kiểu “công nhân”, kiểu “quần chúng”phần lớn chỉ biết “nói theo”, “làm theo” lãnh đạo mà không hề có tinh thần, ý thức, hay lý tưởng độc lập tự mình nào cả. Nhớ hồi thời kỳ sau 75, bất kỳ ai nói công khai điều gì đều phải có giấy đọc để lưu lại làm bằng chứng là không hề “nói bậy”, đúng là dạng trí thức không bằng một cục phân như họ Mao đã nói. Không làm gì còn có tinh thần, ý thức và lý tưởng tự chủ, độc lập của người trí thức đúng nghĩa nữa. Điều đó thật ngược lại với tinh thần của tiền nhân ta ngày xưa “hiền tài là rường cột của nước nhà”. Tinh thần độc lập của sĩ phu không có, cũng chưa chắc tinh thần độc lập, tự chủ của quốc gia là có. Đó chính là một mối hiểm nguy tiềm ẩn của cả đất nước, dân tộc mà rất nhiều người không thấy. Đó là chưa nói sau 75, đa số trí thức lớn của miền Nam đều ra nước ngoài. Số nào ở lại hầu hết đều bị vô hiệu quá mọi mặt. Số trí thức được gọi là XHCN mới được đào tạo để lấp vào chỉ hầu như hồng chính hơn chuyên, tức là thời gian học tập mác lênin có khi còn ngang ngữa với học tập tri thức kỹ thuật và khoa học. Đó là một thực tế mà chắc những người thật lòng thật bụng đều không ai phủ nhận.

Vì thế, chuyện ca thán với trí thức ngày nay cũng chẳng khác gì việc nói chuyện trên mây. Bởi vì khi không còn đúng nghĩa là trí thức theo truyền thống hàng ngàn năm năm đã có của lịch sử đất nước thì còn có gì để chê trách hay oán thán họ. Chẳng phải có chuyện rạn nứt với truyền thống mà chính là có chuyện đứt đoạn, tách ly ra khỏi truyền thống. Đó là lỗi tại đâu, là lỗi của cá nhân hay lỗi của hệ thống như có người đã nói. Đó là lỗi của trí thức hay là lỗi của chính người không tạo ra trí thức. Bảo họ trùm chăn thì cũng tội cho họ. Bởi vì nếu không trùm chăn thì chẳng lẽ họ lại tự khỏa thân sao. Đúng là một câu hỏi mà cũng là lời trách trớ trêu giống như chuyện lịch sử ngàn năm có một chính là như vậy.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta không nên yêu nước một cách mù quáng một cách vô lí và không phù hợp với hoàn cảnh và mục đích. Hãy thể hiện lòng yêu nước sao cho thật hợp lí và có ích cho xã hội cho dân tộc.đảng là con nòi của nhân dân là kết tinh những gì tinh túy của nhân dân.

    Trả lờiXóa