Võ Hưng Thanh
Thường những người muốn đấu tranh cho tự do dân chủ đúng nghĩa thường cũng chỉ hay luận về tự do dân chủ đúng nghĩa nhưng ít khi ai luận về sự độc tài. Nhưng luận về tự do dân chủ để biện minh cho ý nghĩa của tự do dân chủ chỉ mới là nói xuôi, chưa phải là nói ngược. Nói xuôi nghe thì luôn trơn tru nhưng ít đặc sắc. Chính cái nói ngược mới thật sự gây sốc và khiến người ta chú ý, đó cũng khiến người ta hiểu sâu sắc hơn về tự do dân chủ. Ý nghĩa của bài luận chơi này chính là như thế.
Độc tài không thể do một cá nhân mà có, nhưng nó đòi hỏi một tập thể nào đó. Thường là một nhóm người cố kết với nhau, thậm chí cả một đảng phái được tổ chức hết sức chặt chẽ để làm nền móng hay công cụ của nhóm cá nhân đó. Đó là lý do tại sao khi chưa nắm được quyền, nhóm độc tài hay đảng độc tài luôn luôn khéo léo vận động xã hội, tuyên truyền mọi người, lôi kéo nhiều người, luôn luôn lớn tiếng hô hào tự do dân chủ, giải phóng con người. Nghệ thuật tổ chức, lôi kéo, nghệ thuật tuyên truyền ảo tưởng, đó chính là công cụ đầu tiên hay sự manh nha của thực chất độc tài. Nhưng một khi đã có quyền hành rồi, ý nghĩa của nhóm độc tài là tổ chức xã hội thành một mạng lưới toàn diện và chặt chẽ, tổ chức công cụ độc tài của mình thành một thứ kỹ luật sắt máu, có như thế thì mới gài tất cả mọi người vào trong guồng máy vận hành hoàn toàn theo cách độc tài như thế được. Bởi vậy khi xã hội độc tài đã thiết lập, không một cá nhân nào có thể thoát ra khỏi quỹ đạo đã trở thành như một sự vận động theo quán tính tự nhiên của nó. Có nghĩa chính những kẻ đầu tiên tạo nên nền độc tài cũng không thoát ra khỏi được nó, bởi có ý muốn ngược lại là liền bị những người thân cận chung quanh mình lấy cớ tiêu diệt. Cái ác độc hay phi lý của hệ thống hoặc xã hội độc tài chính là như thế. Bởi thế mà cứ hết lớp độc tài này chết đi, lớp độc tài khác lại nối tiếp, hầu như cả xã hội chỉ có thể quay chung quanh một cái thùng sắt bít bùng đã được gài sẳn, rất khó mà tự giải phóng để thoát ra được. Đó là bởi vì nhược điểm của mỗi con người đều cầu an, ích kỷ, chấp nhận hoàn cảnh một cách thụ động để bảo đảm an toàn tối thiểu cho mình, đó là lý do tại sao bất kỳ nền độc tài nào đã được thiết lập thì hầu như xã hội rất khó để phá vỡ hay giải phóng ra được khỏi nó. Bởi thế độc tài càng toàn diện, càng sắt máu, nó lại càng lâu bền và khó bị phá đổ.
Nhưng ngoài sức mạnh bạo lực tự khống chế lẫn nhau, thường những khuynh hướng hay thể chế độc tài luôn dựa vào hay tạo cho mình một “học thuyết” nào đó. Độc tài Quốc xã Đức dựa vào học thuyết ưu sinh, đặc biệt thuyết ưu việt chủng tộc Đức hay Nhật nhĩ man của Adolf Hitler. Độc tài phát xít Nhật thì dựa vào niềm tin thần thánh hóa Nhật hoàng, niềm tin sự ưu việt của dân tộc Nhật, kể cả độc tài Moussolini cũng dựa vào niềm tin tính ưu việt của đảng phát xít Ý. Riêng học thuyết chuyên chính vô sản của Mác và Ăngghen thì tin tưởng mù quáng vào lý thuyết “biện chứng” về lịch sử xã hội loài người, tin vào giai cấp vô sản như thật sự có mang một “sứ mệnh” lịch sử giải phóng nhân loại v.v…
Đấy hai mặt của ý nghĩa độc tài hay có chế độc tài trong xã hội loài người từ cổ chí kim đều là như thế. Tần Thỉ Hoàng tự cho mình là đệ nhất hoàng đế, phái pháp gia chủ trương dùng độc đoán và hình pháp để trị thiên hạ vì cho bản chất con người là ác, phải dùng ác mới trị được ác chẳng hạn.
Do thế, nếu độc tài chỉ là độc tài theo tình huống đột xuất của một cá nhân hay một triều đại như trong thời quân chủ phong kiến trước kia, sự tai hại của nó thường vẫn là cục bộ hay không lớn lắm, và sự phế bỏ nó thực chất cũng không phải khó khăn nhiều lắm. Song sự độc tài trong thời cận và hiện đại, bởi nó gắn liền với một tổ chức hết sức chặt chẽ và tinh vi của một đảng phái hay của toàn xã hội, sự thiệt hại của nó hầu như quá mức và nó khống chế xã hội hầu như vô phương giải thoát.
Đặc biệt nếu nó gắn liền với một học thuyết, cho dù phi lý bao nhiêu, nhưng nếu cứ được tuyên truyền nhồi nhét theo kiểu một chiều, phần lớn mức độ hiểu biết của đại đa số người bình dân, tức quần chúng nhân dân thật rất khó được gỡ ra, nó trở thành một thứ giáo điều được thần thánh hóa một cách cưỡng ép, và thế là cũng có thể trở thành vô phương cứu chữa. Đặc biệt, trong những dạng thức độc tài như thế, giới hiểu biết, giới trí thức đúng nghĩa thật sự đều bị thúc thủ, đều bị khống chế, khoa học và tri thức đều trở thành bị bế tắt, đó quả thật cũng hết còn lối ra cho một xã hội lành mạnh, tiến bộ và phát triển. Và tất nhiên mọi sự lạc hậu cùng sự độc tài cứ càng phát huy và củng cố cho nhau chính là như vậy.
Nên nói tóm lại, nếu ai cũng hiểu ra được ý nghĩa của tự do dân chủ thật sự đúng nghĩa có giá trị đối với con người và xã hội như thế nào, thì ngược lại cũng hiểu ra được sự độc tài và sự mê muội làm khủng bố và làm cùn nhụt tinh thần, giá trị, ý thức xã hội cũng ngang như thế theo chiều ngược lại.
Thực chất độc tài cũng giống như nòng súng. Cả một băng đạn từng viên một đều phải đi qua nóng súng đó. Cơ chế đó hoàn toàn chặt chẽ, chắc chắn, và không thể nào khác. Bởi đó là hệ quán tính và hoàn toàn máy móc tự nhiên của toàn xã hội. Những cá nhân độc tài, đảng độc tài, mọi cá nhân sống trong xã hội độc tài đều không khác những cơ phận của hình ảnh một nòng súng như trên đã nói. Các viên đạn sau cứ tiếp theo viên đạn trước không thoát ra khỏi nóng súng cho tới khi được bắn vào một mục tiêu nhất định nào đó. Ý nghĩa tác xạ đó chính là lý thuyết hay “ý thức hệ” đã có nhằm để hướng dẫn nó. Tức nếu ý thức hệ hay lý thuyết là sai lầm, nòng súng đó chỉ có thể bắn vào một mục tiêu ảo tưởng một cách hoàn toàn vô ích và phí phạm một cách đầy tai hại về tất cả mọi mặt. Nói như thế để thấy rằng bất kỳ những lý thuyết phi khoa học, mê tín, không đầu không đũa nào, một khi nó đã trở thành cốt lõi để làm nền tảng cho một sự độc tài, thực chất đều là tội ác đối với con người và xã hội, và chính mọi tác giả hay những kẻ nào sáng lập ra nó thực chất cũng đều là những kẻ tội đồ của toàn lịch sử nhân loại hay của toàn cả loài người và mọi cá nhân con người nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét