Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013
TINH THẦN VÀ Ý THỨC KHÁCH QUAN, KHOA HỌC
Võ Hưng Thanh
Khách quan là đúng với thực tế sự vật. Khoa học là có phương pháp thực hiện việc làm nào đó một cách hiệu quả và giúp đạt đến được kết quả như mong muốn một cách chắc chắn nhất. Trong ý nghĩa như thế, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lãnh đạo đất nước có ý nghĩa và có giá trị đều phải có tinh thần và ý thức khách quan khoa học. Và cũng như thế, toàn thể dân chúng của đất nước luôn cần phải được đào tạo, trang bị, giáo dục một tinh thần và ý thức khách quan khoa học. Nói như thế cũng để thấy rằng trong mọi tình huống, một giới lãnh đạo chính trị nghiêm túc, đúng đắn không thể tuyên truyền, thông tin cho dân chúng hay cho xã hội theo kiểu chủ quan, một chiều, có mục đích lợi ích chính trị cho mình một cách nhất thời mà phải nhằm lợi ích lâu dài, chính đáng, cao cả, cần thiết cho toàn dân hay xã hội. Ý nghĩa và giá trị thật sự của tuyên truyền chính trị đúng đắn luôn luôn phải là như thế mà không thể nào khác.
Trở lại ý nghĩa và nội dung của bức Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958.
Bức Công hàm này tất nhiên phải có sau bản Tuyên Bố của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Lãnh Hải (được thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958). Nội dung tuyên bố về lãnh hải này của TQ có minh thị rõ ràng việc bao hàm các lãnh hải và hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào trong đó.
Điều đó có nghĩa Chính phủ Phạm Văn Đồng ở miền Bắc Việt Nam khi đó không thể không biết nội dung này vào thời điểm ấy. Đây là điều hoàn toàn không thể chối cãi hoặc giải thích theo cách nào khác được.
Đã biết như vậy mà Phạm Văn Đồng vẫn công bố Công hàm của mình rõ ràng là một điều lầm lỗi không thể nào được biện minh hay tha thứ được.
Bản công bố của TQ ra đời ngày 04 tháng 9 năm 1958, trong khi đó ngày xuất hiện bức Công hàm của VN là 14/09/1958, tức chỉ vỏn vẹn có 10 ngày sau.
Điều gì cần thiết mà phải hoàn toàn vội vả như vậy ? Đây là việc quốc gia đại sự, một ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng và vô cùng nghiêm trọng, đâu phải chỉ là việc hiếu hỉ qua đường, việc ngoại giao nhất thời, việc thù tạc trong chốc lát. Tính chất lộp chộp, lộp bộp, không nhìn xa thấy rộng, không nghĩ trước tính sau, cái nhìn nông cạn, ý thức hời hợt, toan tính thơ ngây, nông nỗi, hay tính chất và tinh thần, ý thức trách nhiệm với lịch sử, với tổ quốc, với dân, với nước của Chính phủ Phạm Văn Đồng lúc ấy nó là như thế.
Lúc đó chiến tranh thực sự chưa có. Bởi vì trận Điện Biên Phủ vừa mới kết thúc cách đó 4 năm.
Như vậy chỉ có ba lý do cho sự vội vả của bức Công hàm là :
1/ Sự quá tin cậy vào TQ, có nghĩa là sự quá nông cạn, ngây thơ;
2/ Sự bị áp lực TQ nhiều mặt, có nghĩa là không hoàn toàn tự do, độc lập;
3/ Quá nặng lòng về chủ nghĩa, có nghĩa là quá mê muội về ý thức hệ, thiếu tri thức về mặt khoa học nhận thức và thực tế lịch sử.
Nhưng thử hỏi toàn thể giới luật học và giới trí thức nói chung của miền Bắc khi ấy ở đâu ? Chỉ có nghĩa là họ không có mặt, tiếng nói của họ không được biết tới, nghe tới, họ không được lên tiếng, hay tiếng nói của họ chỉ là tiếng nói câm nín hoặc nhất nhất hùa theo. Nhưng ở đây trách nhiệm là ở họ hay ở nhà nước tức những người đang nắm quyền, đang lãnh đạo họ ? Câu trả lời rõ ràng không mấy gì khó.
Song thực tế khách quan là thế nào ?
Thực tế khách quan khi ấy Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc quyền hạn cùng sự quản lý thực tế cao nhất của chính quyền hay Chính phủ miền Nam Việt Nam tức nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc đó đất nước chưa thống nhất, mỗi miền đều là chế độ, nhà nước, chính phủ, chính quyền riêng. Cho nên Công hàm Phạm Văn Đồng rõ ràng về mặt thực tế và pháp lý không thể bó buộc gì với chính phủ miền Nam và cũng không thể có ý nghĩa hay giá trị với nhà nước miền Nam.
Việc TQ mang quân chiếm Hoàng Sa năm 1974 là hoàn toàn bất hợp pháp. Đó là sự xâm lăng thật sự. Sự xâm lăng này thực chất cũng không liên quan tới miền Bắc, vì đối tượng xâm lăng khi đó không thuộc quyền hạn hay thẩm quyền hoặc sở hữu của miền Bắc. Bởi miền Bắc chỉ có thể có thẩm quyền khi nhân danh toàn thể VN kể từ ngảy 30/4/75 sau khi đất nước thống nhất làm một. Đấy ý nghĩa thực tế và pháp lý về mặt thời điểm lịch sử là như thế.
Việc Hoa Kỳ khi đó không can dự vào để ngăn chặn TQ xâm lăng Hoàng Sa của VN, vì thực chất tâm lý của họ lúc đó chỉ là người đứng ngoài. Đó là việc của VN phải tự người VN giải quyết lấy. Chúng ta không thể trách người Mỹ là ở chỗ này.
Vậy thì ngày nay TQ thực tế mở rộng ra biển Đông, biến Hoàng Sa và trước mắt một phần Trường Sa là của họ, đều thực chất hoàn toàn không hợp pháp vì toàn thể ý nghĩa như trên đã nói về mặt thực tế lịch sử khách quan cũng như về mặt nguyên tắc pháp lý tự nhiên, chuẩn xác.
Cái chính ngày nay chỉ là Công hàm Phạm Văn Đồng đã tạo nên cái cớ giả tạo cho TQ, chính TQ lạm dụng cái cớ giả tạo này mà không phải căn cứ vào một ý nghĩa hay thực tế khách quan có mang giá trị pháp lý đúng đắn hay đầy đủ nào cả. Cái chính tiếp theo ngày nay chính là sức mạnh đang lên của TQ.
Nhưng đó là sự tương quan tạm thời và tương đối giữa Việt Nam và Trung Quốc, ít ra về mặt vấn đề biển Đông và các lãnh thổ vừa nói của Việt Nam, không phải mối tương quan bao quát của khu vực hay toàn thế giới đối với TQ. Nói chung bài toán giữa VN và TQ về ý nghĩa cùng thực tế trong các vấn đề liên quan đã nói hãy còn để bỏ ngõ. Sự bỏ ngỏ này còn tùy diễn tiễn của tình hình khu vực và quốc tế cũng như còn tùy sức vươn lên và tinh thần nhất quyết khẳng định chủ quyền cùng quyết tâm bảo vệ đất nước của nhân dân và/hoặc của chính nhà nước VN hiện nay.
Bức công hàm của Phạm Văn Đồng, nếu quy kết tội ác này, cần phải làm rõ các điều kiện về pháp lý, nếu không hội đủ các điều kiện ấy thì bức công hàm đó vô giá trị bạn ạ, còn các bạn cứ khư khư ôm lấy nó để kết án ông Đồng và VNDCCH, thì các bạn chẳng phải là người am tường luật pháp, chứng cứ các bạn đang bấu víu ấy, nó chẳng hơn tờ giấy lộn đâu.
Trả lờiXóa