Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

VIỆC LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC VÀ VIỆC LÀM CÁCH MẠNG


Võ Hưng Thanh

                         

Làm cách mạng là dúng ý chí, ý muốn của mình để cải tạo xã hội, đất nước theo một hướng nào đó. Làm cách mạng không phải chỉ một cá nhân làm được mà cần phải có sự kết hợp của nhiều người.

Trước kia trong thời kỳ Pháp thuộc, người ta hiểu làm cách mạng là làm việc quốc cấm, làm việc nước, nhằm vận động toàn dân đứng lên giải phóng dân tộc, đất nước khỏi chế độ thực dân Pháp đô hộ. Những nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thượng Hiền v.v… chính là những con người như thế. Ý nghĩa, giá trị và mục tiêu của việc làm cách mạng như vậy là vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.


Nhưng từ khi có chủ nghĩa Mác du nhập vào Việt Nam, làm cách mạng được những người CS hiểu là phải thực hiện cải tạo xã hội, đất nước theo đúng chủ trương, quan niệm của học thuyết đó. Mục đích của làm cách mạng như thế trở thành việc thực hiện tiêu chí của một ý thức hệ chính trị nhất định mà không phải chỉ thuần túy nhằm giải phóng đất nước khởi ách nô lệ ngoại xâm như trên đã nói.

Ngày nay rõ ràng chủ nghĩa Mác hay ý thức hệ quốc tế vô sản đã hoàn toàn tan rã, sụp đổ trên toàn thế giới. Sự hiện hiển nhiên là Liên Xô cũ và khối XHCN Đông Âu trước kia đã không còn nữa, đó là điều hoàn toàn thực tế, khách quan, không ai có thể chối cãi hay phủ nhận gì được. Vậy thì những người gọi là làm cách mạng theo kiểu ý thức hệ tức kiểu CS trước kia còn có khả năng lật ngược được vấn đề hay không, họ có phải là những tài năng vĩ đại, những đầu óc lỗi lạc thuộc tầm cỡ lịch sử và quốc tế hay không, hay thực sự họ cũng chỉ là những cán bộ bình thường được quá trình lịch sử đôn lên trong thực tế, được thừa hưởng công danh, vị trí, địa vị chỉ như một kế thừa kiểu tuyến tính, tức hàng dọc theo quán tính vốn đã có.

Nói khác đi, ngày nay đất nước không cần những người làm “cách mạng” theo kiểu đó, mà chỉ cần những người tài giỏi, biết lèo lái đất nước làm sao cho phát triển ngoạn mục, thành công nhất, và toàn dân hay xã hội được hạnh phúc, an vui nhất. Có nghĩa ý muốn, ý chí cá nhân hay tập thể riêng tư theo kiểu cách mạng duy ý chí chủ quan nhằm thực hiện một ý thức hệ giả tạo nào đó như trước đây đã hoàn toàn lỗi thời, vô bổ, vô ích, và đi ngược lại mọi nguyện vọng, ý thức và lòng mong mõi chính đáng, thực tế của toàn dân và toàn thể đất nước. Tức chủ nghĩa duy ý chí đã lỗi thời, xưa cũ, cổ hủ của ngày xưa, hay của thời kỳ trước đây, cần nhất thiết phải bị loại bỏ, cùng với nó là chủ trương toàn trị, để thay thế vào đó ý thức dân chủ, tự do chính đáng, đích thực, khoa học, tiến bộ, tiên tiến và phát triển đúng theo trào lưu hiện đại của thế giới và nhu cầu tiến lên của toàn thể đất nước, dân tộc.

Trong ý hướng và mục đích như vậy, hiển nhiên ngày nay không cần kiểu “cán bộ cách mạng” làm theo, nói theo, tuân theo như cách cá mè một lứa trước kia nữa vì mọi tiêu chí hay chuẩn mực từng gắn liền với nó theo cách đó trong quá khứ ngày nay thực chất cũng tuyệt đối không còn. Cho nên ý nghĩa của những nhà lãnh đạo đất nước đúng nghĩa ngày nay phải là những người thật sự có tài năng, có đức hạnh, nhất là phải được toàn thể nhân dân công khai, trực tiếp bầu lên theo đúng phương thức dân chủ, tự do thật sự, mà không phải kiểu bổng dưng tự trên trời rơi xuống bên ngoài mọi ý chí hay mong muốn của toàn dân được nữa.

Đấy ý nghĩa thực chất của ý thức hay ý muốn hòa giải dân tộc thực sự ngày nay cũng chỉ có thể là như thế. Không thực hiện theo đường lối đó cũng chỉ có nghĩa là không có ý thức hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự, mà chỉ là sự bảo thủ theo quan niệm hay quyền lợi riêng, tức vẫn tiếp tục theo kiểu một mình một chợ, và thực chất điều đó cũng chỉ hoàn toàn vô nghĩa, hay vô giá trị, tức là nó vẫn hoàn toàn không chính đáng, và không hợp thời thế, hay không hợp với lòng dân, tức không hợp với nguyện vọng chính đáng, tối cao của toàn dân tộc, của đất nước, hay của toàn dân nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét