Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Hôm nay tướng Ngọ về quê, cầu cho linh hồn ông sớm được siêu thoát

Bùi Công Tự



                    Thượng tướng Phạm Quý Ngọ 1954-2014

Hôm nay, theo tâm nguyện cuối cùng của ông, Tướng Phạm Quý Ngọ được đưa về yên nghỉ nơi quê hương. Nơi đây, thủa ấu thơ chắc ông cũng như bao bạn bè trang lứa, cùng chăn trâu, cắt cỏ, mót lúa, mò cua.


Quê hương ông, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình xưa kia thuộc huyện Thanh Quan. Địa danh này được mọi người biết đến nhờ tên tuổi một người đàn bà đã viết nên những bài thơ đượm chất hoài cổ, man mác nỗi buồn thanh cao bằng một thứ ngôn từ sang trọng, trang nghiêm, đẹp đến lạ lùng. Đó là Bà Huyện Thanh Quan.

Từ mảnh đất ấy, Phạm Quý Ngọ ra đi trên một hành trình dài 40 năm. Trời yêu ông cho ông đạt tới đỉnh cao của quyền lực, tiền tài và danh vọng. Nhưng rồi Trời lại phạt ông bắt ông vắn số bằng căn bệnh quái ác. Ông mới chỉ chớm sang tuổi 60, tuổi ấy bây giờ chưa già, khối người còn yêu đương, nhảy múa ấy chứ!

Bây giờ hành trình cuộc đời của tướng Ngọ kết thúc ở ba tấc đất quê nhà. Than ôi! Cát bụi lại trở về cát bụi!
Dân gian ta có câu cửa miệng: “Chết là hết!”. Câu đó đúng nhưng chỉ đúng với hạng thường dân, con sâu cái kiến. Còn đối với những người có tên tuổi, những người có ảnh hưởng lớn cho xã hội, những chính trị gia, nhất là những người ở đỉnh cao quyền lực thì có chết cũng chưa hết, có khi còn “sống mãi”. Những người ấy chết đi nhưng những việc họ làm khi sinh thời vẫn được người đời ghi nhớ. Tùy theo công đức hay tội lỗi của họ mà người đời thể hiện cách ứng xử khác nhau:

Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương
(Ca dao)

Cổ nhân lại có câu: Cái quan định luận (Chỉ khi “cái quan” mới “định luận”). Tức là khi một người chết đi, nắp quan tài đã đóng lại thì mới có thể nhận định người ấy tốt xấu ra sao, nhân từ hay bạc ác? Câu đó cũng đúng nhưng chỉ đúng với những ai có cuộc đời minh bạch, có thông tin rõ ràng, đủ dữ kiện để “định luận”. Còn với những người mà cuộc đời của họ đươc che dấu trong bóng tối hoặc được thổi phồng công trạng, hoặc gian lận thành tích – với những người ấy – thì dù đã “cái quan” (đóng nắp quan tài) cũng chưa thể “định luận” một cách chuẩn xác. Theo tôi tướng Phạm Quý Ngọ thuộc tuyp người này.

Bởi khi còn sống ông đã bị tố cáo tham nhũng lớn, bị coi là nghi can trong vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước”. Nếu cơ quan điều tra xác định đúng là ông Ngọ có tội thì theo Bộ luật hình sự Việt Nam ông phải đối diện án tử hình. Ông Ngọ có tội hay bị vu khống? Câu hỏi ấy chưa trả lời được thì ông đã đột ngột từ trần. Cho nên với ông Phạm Quý Ngọ dù đã ‘ cái quan” mà chưa thể “định luận” là thế.

Tuy nhiên chúng ta “ bách nhân bách khẩu” thì cứ “tự do ngôn luận”. Tướng Phạm Quý Ngọ thuộc hàng chính trị gia, cũng là người của công chúng buộc ông phải chịu sự phán xét của xã hội.

Xuất thân con nhà nông, lập thân ở vùng quê, học hành không nhiều (không có bằng TS như số đông quan chức), lại không vào diện “con cháu các cụ” (4C). Thế mà ông Ngọ lên tới Thượng tướng chức Thứ trưởng Bộ Công an. Công nhận ông có tài, tài thật!

Nhưng nói cho bằng thật, người tài như ông hoặc hơn ông chỉ trong hệ thống thôi cũng nhiều vô thiên lủng. Ông Ngọ tiến thân rất nhanh, chỉ trong 8 năm từ đại tá lên Thượng tướng. Phải chăng ông biết sử dụng sức mạnh hết ý của Tiên Phật? Còn Tiên Phật ở đâu ra mà nhiều thế thì chắc mọi người cũng hiểu cả?
Ấy là tôi “định luận” về sự tiến thân của ông Ngọ. Còn thành tích công trạng của ông Thượng tướng? Báo Vietnamnet viết: “Ông Ngọ được tặng thưởng nhiều huân huy chương, ghi dấu ấn đậm nét trong các trận đánh lớn”. Đọc tiểu sử tôi thấy ông không đánh ba đế quốc to (Pháp, Mỹ, Tàu) cũng không đánh diệt chủng Pôn Pốt. Thế thì chắc ông chỉ đánh bọn trộm cắp, đâm chem., cờ bạc, xìke ma túy? Tìm hiểu kỹ mới biết ông có công lớn xử lý vụ nông dân Thái Bình nổi dậy những năm 1997-1998. Đúng rồi, vụ ấy có nhiều kẻ quá khích bị ông tóm vào tù. Nhưng họ là dân, với dân sao lại gọi là “ trận đánh” hỡi các nhà báo VNN.

Dây cà dây muống quá, tôi tóm lại thế này: Ông Phạm Quý Ngọ là người cộng sản mẫu mực, tuyệt đối trung thành với Đảng. Những người như ông là sản phẩm hàng hiệu của thể chế chính trị đương thời mà ông vừa là đồng thủ phạm vừa là nạn nhân.

Cũng xin nói rõ rằng sự “định luận” của tôi giống như khi ta đi qua một nơi nào đó, mũi ngửi thấy thối, miệng kêu “thối quá”. Nhưng nếu ai hỏi: Bằng chứng đâu, đưa đây, thì chịu vì có ai cầm được mùi thối trên tay.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người cộng sản nên chắc ông vô thần. Dù thế chúng ta vẫn cầu cho linh hồn ông sớm được siêu thoát.

TP.HCM ngày 23 tháng 02 năm 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét