Phạm Huy Hoàng
Bản đồ nước Nga cổ hồi thế kỷ thứ XI
Cách đây gần 11 năm ( từ cuối tháng 11.2004 đến tháng 01.2005 ) , liên minh V. Yushenko – Yu. Tymoshenko đã tổ chức cuộc “cách mạng” Cam thành công tại Ucraina .
Trước khi cuộc “cách mạng” Cam năm 2004 nổ ra , nền kinh tế Ucraina thời Yanukovich làm Thủ tướng ( 2002-2004 ) tăng trưởng khá ngoạn mục 7-7,5%/năm ( cao nhất trong số các nước SNG ) , lạm phát ở mức thấp . Dù có nền tảng kinh tế tạo đà tốt , nhưng vì không có mục tiêu chiến lược chung và không thể dung hòa được quyền lợi giữa hai chính Đảng ( Bloc Tymoshenko và Nước Ucraina của chúng ta ) , giữa Tổng thống Yushenko và Thủ tướng Timoshenko ngày càng xa dời nhau , tiếng nói chung ngày càng ít dần . Tham vọng đưa Ucraina xích lại gần EU đã gặp phải sự phản đối của 1 bộ phận rất lớn ở trong nước và sự lạnh nhạt của nước Nga láng giềng . Kinh tế Ucraina dần đi vào suy thoái , trì trệ . Những liên minh lỏng lẻo nhất thời giữa các chính đảng cũng chỉ đem đến kết quả trong ngắn hạn . Những kỳ vọng vào cuộc “cách mạng” Cam dần lụi tàn . Bất ổn , đấu đá lại bùng phát
Nhờ biết “đâm bị thóc , chọc bị gạo” , vào những thời điểm ganh đua quyết định , Đảng Các khu vực của Yanukovich đã lôi kéo được các Đảng phái khác ngả về phe mình để lấy phiếu bầu và cuối cùng V. Yanukovich cũng đắc cử Tổng thống ( lần này thì Yanukovich lại hơn đối thủ đứng thứ 2 – Tymoshenko 3,48 % phiếu bầu ) và chính thức nhậm chức từ ngày 25.02.2010. Nga , Mỹ , Đức , Pháp , Ba lan , Gruzia , các nước Baltic và Tổng thư ký NATO là những người đầu tiên nhất thừa nhận và chúc mừng Yanukovich .
Tại cuộc họp báo ngày hôm 04.03 , Tổng thống Nga – V.Putin đã nêu câu hỏi : “ Qua 4 đời Tổng thống , đầu tiên là L.Kravchuk , tiếp theo là L.Kuchma , rồi V.Yushenko và cuối cùng là V. Yanukovich tại sao 1 người dân bình thường Ucraina suốt 22 năm qua luôn phải chứng kiến sự hỗn loạn và hứng chịu sự bất ổn như đã và đang xảy ra ở đất nước này ? Hàng chục năm qua mỗi khi bất ổn xảy ra các phe nhóm biểu tình , phản đối luôn đều có chung 1 đòi hỏi là phải thay đổi căn bản . Thay đổi căn bản thì không thấy , chỉ thấy kẻ bịp bợm cũ ra đi để thay vào đó bằng 1 kẻ bịp bợm mới !” .
Câu trả lời ngắn , gọn và không gì chính xác hơn là nhận định của cựu Đại sứ Mỹ tại Liên xô từ năm 1987-1991 – Jack Matlock : “… suốt 22 năm , kể từ khi Ucraina tuyên bố độc lập đến nay , đất nước này chưa thể tìm ra được 1 thủ lĩnh đích thực cho mình . Người có đủ khả năng quy tụ mỗi công dân của đất nước để tạo nên 1 dân tộc thống nhất . Cho đến thời điểm này Ucraina mới là 1 Quốc gia chứ chưa phải là 1 dân tộc ! ” .
Nhà nước Nga cổ đã tồn tại với cái tên Kievxkaya Rus từ thế kỷ thứ IX . Phần lớn diện tích của Ucraina hiện nay nằm trong lãnh thổ này với Kinh đô là Kiev. Ngay cả cái tên Ucraina cũng chỉ xuất hiện vào năm 1187 trong biên niên sử Ypatyevxki của Nga , với nghĩa của từ này là 1 vùng đất ( khu vực ) nằm ở rìa biên giới . Qua những biến thiên của lịch sử , tùy từng thời kỳ mà lãnh thổ ngày nay của Ucraina bị chia cắt và chiếm lĩnh , cát cứ của các quốc gia mà chủ yếu là Nga , Ba lan và Latvia . Mặc dù sự tranh giành đã tạo ra những thay đổi ở những thời điểm lịch sử nhất định , nhưng cả ngàn năm qua ( cho đến trước khi Liên xô ra đời ) phần lớn lãnh thổ của Ucraina hiện nay đều thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Nga.
Cuộc chiến tranh Nga – Thổ nhĩ kỳ bắt đầu từ 1768 và kết thúc năm 1774 được ghi nhận bằng sự ra đời của nhà nước Crym độc lập . Tuy nhiên sau 9 năm tồn tại , năm 1783 vùng Crym lại thuộc về đế quốc Nga dưới sự trị vì của Nữ hoàng Ekaterina II . Cũng bắt đầu từ đây , vùng đất phía đông và nam của Ucraina ( trong đó có cả khu vực thủ đô Kiev ) vốn là vùng đất nông nghiệp đã phát triển và thành vùng sản xuất công nghiệp của Nga .
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX , cái tên Ucraina đã bắt đầu được định hình gắn với phần lớn lãnh thổ của Ucraina hiện nay. Cách mạng vô sản nổ ra , những người Bolsevich Ucraina tập hợp thành 1 lực lượng và tổ chức ra bộ máy lập pháp cũng với tên gọi Rada . Tuy nhiên lúc đó phần đất phía Tây của Ucraina ngày nay vẫn bị quân Hung-Áo và cả Đức , Rumania chiếm đóng . Năm 1920 quân Ba lan tràn vào xâm chiếm vùng phụ cận với nước này . Phải nhờ liên minh với những người Bolsevich Nga , quân Ba lan mới bị đẩy lui .
Ngày 30.12.1922 cùng với Nga , Belorussia và nước cộng hòa ngoại Kavkaz , Ucraina đồng ý gia nhập và xây dựng nhà nước Liên xô chung .
Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra , phát xít Đức tấn công Liên xô . Cùng với Belorussia , Ucraina là điểm nóng và khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống trả quân xâm lược . Ucraina là lá chắn và làm hao mòn sức lực quân đội Đức trước khi chúng tiến về Matxcơva .
Năm 1954 , trong 1 lần về thăm Crym , Tổng bí thư Đảng CS Liên xô – N.Khrushyev không hiểu do hứng chí hay do nặng nghĩa với quê nhà ( Khrushyev sinh ra ở Nga nhưng từ bé đến lúc trưởng thành đều ở Ucraina ) đã đề xuất trao vùng tự trị Crym ( trong đó có cả Sevastopol ) cho Ucraina . Chỉ trong vòng chục ngày việc này đã được tiến hành rất nhanh , ngày 25.01.1954 dự thảo quyết định mới được thông qua thì đến ngày 05.02.1954 quyết định chuyển giao Crym từ Nga sang cho Ucraina đã được Chủ tịch Xô viết tối cao Khrushyev ký . Cả 1 vùng rộng lớn với đa số là người dân tộc Nga từng ở đây cả trăm năm mà nay đã bị Matxcơva quyết định số phận 1 cách chóng vánh . Việc trưng cầu dân ý cho việc này không hề được đếm xỉa và đả động gì .Và trên thực tế , từ thời điểm chuyển giao cho Ucraina đến khi Liên xô tan rã , mọi vấn đề về Crym đều do Matxcơva quyết định
Từ những cứ liệu lịch sử đã nêu ở trên , có thể thấy trải qua cả ngàn năm dân tộc Ucraina hình thành và phát triển luôn có sự giao thoa với cộng đồng các dân tộc láng giềng , nhất là với cộng đồng dân tộc Nga cổ Xlavơ . Ngay cả hiện nay , khi mà Liên xô đã sụp đổ từ lâu , khi mà 1 bộ phận không nhỏ người dân Ucraina đang quay lưng lại với quá khứ và kỳ thị với những người nói tiếng Nga thì họ cũng khó mà chứng minh được rành rẽ rằng trong huyết quản của họ hoàn toàn không có 1 phần hơi ấm của dòng máu Nga !
Từ khi Ucraina tuyên bố độc lập ( năm 1991 ) đến nay , tại đất nước này ( và thậm chí cả ở ngay trong nước Nga ) đôi khi , đôi lúc xuất hiện trào lưu dị ứng với quá khứ . Có không ít người cho rằng chính vì sự tồn tại của Liên xô mà tiếng Ucraina không được sử dụng và bị quên lãng . Tuy nhiên năm 2011 , các chuyên gia từ Gallup, Inc. ( Hoa kỳ ) tiến hành khảo sát điều tra , khi được hỏi thì có đến 83% người dân Ucraina trả lời bằng tiếng Nga ( chứ không phải là tiếng Ucraina hay ngôn ngữ khác ) . Điều đó có nghĩa ( theo các chuyên gia ) 83% dân Ucraina vẫn thường tư duy bằng tiếng Nga . Ngay cả Taras Shevchenko – người vẫn được coi là nhà văn , nhà thơ và họa sỹ của Ucraina , khi làm thơ ông chủ yếu viết bằng tiếng Ucraina còn khi viết văn thì lại bằng tiếng Nga. Khó mà biết khi tư duy , T.Shevchenko suy nghĩ bằng ngôn ngữ nào ? Còn theo số liệu thống kê chính thức , hiện nay giao tiếp trong các gia đình ở Ucraina có khoảng 43-45% sử dụng tiếng Nga .
Vậy tại sao vài chục năm gần đây Ucraina luôn có xu hướng dị ứng và muốn quay lưng lại với nước Nga ?
Về khách quan có thể lý giải như sau :
Từ sau khi Liên xô tan rã , mọi “tội vạ” thời kỳ Xô viêt để lại dường như đổ hết lên đầu nước Nga , những hậu quả do khiếm khuyết của hệ thống chính trị gây nên lại bị quy kết đó là do bản tính người Nga hoặc của lãnh đạo Nga là vậy! Hơn nữa những hơi hướng của chủ nghĩa sô vanh vẫn còn đọng lại trong tư duy của giới chức Nga . Họ vẫn còn quen với nếp nghĩ của người anh Cả thời còn phe XHCN . Thêm vào đó , nước Nga quả thực vẫn đang và sẽ còn là “cái mỏ” để dân mấy nước nghèo hơn ( nhất là những nước trong khối SNG ) đến “đào”.
Nước Nga có quá nhiều thứ để mà có thể “kiêu” với láng giềng và thế giới . LB Nga là 1 cường quốc . Đó là sự thật . Nhất là trong lĩnh vực quân sự , có thể sánh ngang ngửa với Hoa kỳ .
Các cường quốc luôn muốn thể hiện vị thế của mình trên “võ đài” quốc tế . Sự phân chia và tranh giành ảnh hưởng các khu vực trên thế giới dù khi âm thầm , lúc công khai thì vẫn luôn diễn ra .
Sự tồn tại và vững mạnh của Liên xô luôn là “cái gai” trong nhãn quan của 1 số nước ( trong đó có Hoa kỳ ) . Và dĩ nhiên sự sụp đổ của Liên bang Xô viêt cũng làm cho 1 số người nuối tiếc và hoài niệm .
Những chuẩn mực của xã hội dân sự ở Hoa kỳ và các nước phương Tây là những chuẩn mực của thế giới văn minh . Điều đó không có gì phải bàn cãi và ngụy biện .
Khi Hoa kỳ muốn đặt chân và kiểm soát 1 vùng lãnh thổ nào đó trên thế giới , lý do được đưa ra bao giờ cũng là đem lại tự do , dân chủ cho dân chúng ở khu vực đó . Trên thực tế không hẳn như họ vẫn rêu rao . Chính trị là những thủ đoạn để giành và đạt được quyền lực cho mình . Iraq với Saddam Hussein là 1 minh chứng . Lấy lý do loại trừ vũ khí giết người hàng loạt mà Saddam Husein đang có , Mỹ chủ xướng và lôi kéo các đồng minh vào cuộc tấn công Iraq . Ngay cả sau khi Saddam đã bị treo cổ , vũ khí giết người hàng loạt ở Iraq vẫn không được Mỹ công bố vì không tìm thấy !
Việc cơ quan an ninh Hoa kỳ nghe lén điện thoại của nguyên thủ các nước đồng minh thực chất cũng chính là vì quyền lợi của nước Mỹ .
Không và sẽ không bao giờ có thế giới đại đồng – mọi người đều bình đẳng và quyền lợi dân tộc bị triệt tiêu , như những người cộng sản luôn mơ tưởng và khẳng định . Con người là 1 thực thể của 2 mặt tốt xấu đúng như thuyết Âm – Dương .
Nguyên nhân nội tại trong lòng quốc gia Ucraina là :
Lịch sử , sự pha trộn đã tạo nên tính cách hơi khó lý giải về dân tộc và con người Ucraina . Trải qua 4 đời Tổng thống : Kravchuk , Kuchma , Yushenko rồi Yanukovich , không ai để lại dấu ấn nào xứng với cái danh mà mình đã mang . Dấu ấn chung trong 22 năm qua của 4 nhiệm kỳ Tổng thống đó là sự chia rẽ và tranh giành quyền lực . Đúng như J.Matlock đã nhận định : Ucraina chưa có 1 dân tộc đúng nghĩa .
Trên thế giới chắc không có mối quan hệ nào tương tự như của Nga với Ucraina và Belorussia . Các cơ quan điều tra và thống kê chắc cũng khó có thể có con số chính xác về mối quan hệ gia đình , huyết thống đan chéo trong 3 quốc gia này . Trong lúc ở Ucraina xảy ra những biến cố , rất nhiều người ở Nga và Belorussia nín thở và mất ăn mất ngủ lo cho số phận người thân của mình , những người đang định cư tại đó.
Thật trớ trêu , tại Ucraina lại đang tồn tại và lan tràn làn sóng bài Nga , bài ngôn ngữ Nga . Ngay sau khi “cướp” được chính quyền , nhóm Maidan đã chủ trương đề cao ngôn ngữ Ucraina và loại bỏ tính chính danh của tiếng Nga . Chỉ khi vấp phải làn sóng chỉ trích ngay cả từ phương Tây , Tổng thống tạm quyền kiêm Chủ tịch Rada – Turchinov mới rút lại chủ trương này . Cùng với đó nhóm quá khích dân tộc chủ nghĩa mà tiên phong trong việc này là phong trào “Pravyi Sektor” ( tạm dịch là Cánh tả ) trực tiếp tiến hành gây hấn với những ai nói tiếng Nga . Hai trong số các nhân vật quan trọng nhất của “Pravyi Sektor” là Dmitri Yarosh và Alexandr Muzychko đều đang bị cơ quan điều tra LB Nga phát lệnh truy nã toàn cầu . Yarosh ( thủ lĩnh của “ Pravyi Sektor” ) mới đây viết lên trang cá nhân Vkontakte kêu gọi trùm khủng bố người Chechnya – Doka Umarov giúp đỡ để chống lại nước Nga , còn chính A.Muzychko thì năm 1994 trực tiếp tham gia trong đội quân của nhóm khủng bố Chechnia do S.Bashaev cầm đầu . Yarosh tuyên bố sẽ tham gia ứng cử Tổng thống Ucraina trong năm nay . Đã có các chứng cứ cho thấy sự hiện diện của các chuyên gia quân sự của các công ty tổ chức đánh thuê ( Mỹ ) sang huấn luyện quân sự cho các binh sỹ “ Pravyi Sektor” . Người ta đang nghi vấn có sự tiếp tay và tài trợ của 1 số tài phiệt Ucraina . Điển hình là tỷ phú , ông chủ đội bóng đá Sakhtyor – Sergey Taruta , ngay sau khi “cướp” được chính quyền , từ Kiev đã chỉ định Taruta làm tỉnh trưởng Donetsk mặc dù phần lớn dân địa phương ( là người gốc Nga ) phản đối quyết liệt .
Khi cần đạt được mục đích của mình , các phe phái chính trị ở Ucraina chấp nhận liên kết với nhau để chống lại Nga và lật đổ Yanukovich . Mỹ và phương Tây cũng vậy . Trong thời gian diễn ra biểu tình ở Maidan , các đại diện của Hoa kỳ và EU thường xuyên xuất hiện và sự có mặt của họ không hề làm hạ nhiệt căng thẳng mà ngược lại. Sự rò rỉ cuộc nói chuyện qua điện thoại của ngoại trưởng Estonia – Urmas Paet và đại diện đối ngoại của EU – Catherine Ashton đã minh chứng cho điều đó . Tính chính danh của các phe phái tham gia biểu tình cũng có những nghi vấn . Nhất là các phần tử quá khích của “ Pravyi Sektor” , nếu đàng hoàng tại sao lại phải bịt kín mặt như những phần tử khủng bố và nếu thực sự vì dân chủ thì tại sao lại phải đeo dải băng có hình quốc xã ở tay ?
Thời gian cuối , trước khi bị lật đổ , Yanukovich dường như đã bất lực . Mặc dù diễn biến ở Ucraina được so sánh với Mùa xuân Ả rập , nhưng theo các chuyên gia có điểm khác căn bản , đó là tại Ai cập quân đội vẫn thể hiện được sức mạnh và gây được sức ép còn ở Ucraina các lực lượng vũ trang đều đã “buông súng”
Matxcơva và V.Putin lo lắng cho sự an toàn của những người gốc Nga ở Ucraina nói chung và ở Crym là hoàn toàn có cơ sở . Các phần tử quá khích tấn công người Nga đang sinh sống ở Ucraina ngày càng phổ biến . Khi được BBC phỏng vấn , đại diện của nhóm dân tộc chủ nghĩa đã công khai bày tỏ quan điểm rằng đất nước Ucraina là của người Ucraina . Nếu Nga không sớm ra tay để giữ và làm chủ Crym thì không biết sự thể sẽ bi đát đến nhường nào ? Và liệu dân Nga có để cho Putin yên ?
Không phải vì Putin độc tài đến mức lôi kéo được gần như 100% các đảng phái trong Duma quốc gia ủng hộ quyết định kéo quân vào Crym . Đơn giản là bởi sự rối ren mất kiểm soát ở Ucraina và sự tiếp tay quá lộ liễu của phương Tây đã làm cho cả dân tộc Nga tự ái . Lịch sử đã từng chứng kiến những lần như vậy không chỉ với đất nước Nga mà cả các dân tộc khác trong đó có Việt nam ( chứ không phải bởi tài lãnh đạo như Đảng CS vẫn rêu rao ) , khi lòng tự tôn dân tộc bị động chạm thì sức dân lúc đó sẽ trào dâng hơn nước vỡ bờ ! . Tối 07.03 tại Quảng trường Đỏ , buổi ca nhạc ủng hộ Crym với 65 ngàn người tự nguyện tham gia là 1 thí dụ cụ thể cho nhận định này.
Mỹ kết tội Matxcơva lấy lý do bảo vệ người Nga là ngụy biện và tự tạo ra lý do không có thật . Nhưng sau khi Yanukovich ký thỏa ước với các phe phái đối lập với sự chứng kiến của ngoại trưởng Pháp , Đức , Ba lan và đại diện về nhân quyền của Nga , chấp nhận “đầu hàng” đồng ý tổ chức bầu cử Tổng thống và quốc hội trong năm nay ( trước thời hạn ) và sửa đổi Hiến pháp . Yanukovich vừa dời Kiev đi Kharkov thì các lực lượng đối lập đã tổ chức “cướp” chính quyền . Và Mỹ dựa vào đó để biện minh rằng vì Yanukovich đã bỏ trốn nên các lực lượng đối lập mới nắm quyền. Vậy liệu đó có phải cũng là sự tưởng tượng của Mỹ và đồng minh ? Và vì vậy Matxcơva cho rằng đã bị phương Tây ( chứ không phải là Ucraina ) lừa ?
Bài học nào được rút ra từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ucraina ?
Trong lúc người dân ở Ucraina đang gần như mất phương hướng , ngân khố Ucraina trống rỗng , hơn 13 triệu hưu trí chưa nhận được lương hưu … thì các phương tiện thông tin chính thống cũng như không chính thống hầu hết chỉ tập trung vào phân tích và bình luận về quan hệ giữa Nga và phương Tây . Điều đó cho thấy các siêu cường sẽ luôn và mãi chỉ vì lợi ích của chính họ . Và Ucraina cũng chỉ là con bài để họ sử dụng . Chỉ vì cái bắt tay giữa Nixon và Mao Trạch Đông năm 1972 mà Việt nam phải gánh chịu hậu quả nặng nề là 1 ví dụ để đời . Chúng ta , những người đến từ xứ xở “thấp cổ bé họng” , thay vì hào hứng “nghiêng ngả” dự đoán kết quả THẮNG-THUA giữa Nga và phương Tây nên chăng hãy lo cho số phận của mỗi người dân Ucraina để từ đó rút ra kinh nghiệm và tìm ra định hướng khả dĩ cho chính mính ?
Ucraina mặc dù có diện tích lãnh thổ lớn thứ 2 ở châu Âu ( chỉ sau Nga ) , nhưng vẫn còn nghèo và lại là hàng xóm với nước Nga “giàu ngầm” đôi khi như kẻ say rượu “biêng biêng” , lại ít nhiều có những mối quan hệ “cận huyết” ( ngoài ngôn ngữ như đã nêu ở trên , tôn giáo Xlavơ chính thống cũng gần như ngự trị ở Ucraina ) . Vì thế cùng với sự nỗ lực vực dậy nền kinh tế để cải thiện đời sống cho mỗi người dân thì sự ổn định về chính trị cũng tối quan trọng . Và trong quan hệ quốc tế , các thế hệ lãnh đạo của Ucraina nên và rất cần biết câu ngạn ngữ của Việt nam – “bán anh em xa , mua láng giềng gần” . Bài học của Gruzia là 1 dẫn chứng sinh động . Gruzia là 1 nước nhỏ hơn Ucraina nhiều . Cũng là hàng xóm với Nga , nhưng ít có những nét đặc thù hơn so với Ucraina . Mặc dù có nhiều lợi thế hơn hẳn Ucraina , Tổng thống Sakashvili lại được phương Tây “chống lưng” gần như vô điều kiện . Vậy mà sau gần 10 năm tại vị , cũng phải ra đi trong thất vọng . Nội các mới của Gruzia đang chủ trương sưởi ấm lại quan hệ với nước Nga .
Đó là những gì có liên quan đến đối ngoại . Còn về đối nội , chừng nào Ucraina chưa thiết lập được thể chế mà ở đó mọi chính Đảng phải đặt lợi ích của đất nước lên thành lợi ích tối thượng thì khi đó sự đấu đá tranh giành sẽ vẫn còn diễn ra như hiện nay. Đúng như J.Matlock đã viết – đất nước Ucraina đang rất cần 1 thủ lĩnh thực sự . Và cũng theo J.Matlock , Ucraina có thể xích lại với phương Tây để hợp tác làm ăn , thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng phải gửi tới Matxcơva thông điệp rằng Kiev không có ý định mở đường cho NATO đến Ucraina . Dùng NATO để “thọc sườn” nước Nga thì chính Ucraina sẽ luôn bất ổn .
Tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học tổng hợp Sankt Peterburg , từ 1 sỹ quan tình báo KGB thạo tiếng Đức , làm trợ lý đối ngoại cho thị trưởng S Peterburg , V.Putin được A.Chubai tiến cử vào nội các của Chính phủ Nga thời B.Eltsin làm Tổng thống . Người ta vẫn nói , công lao đáng kể nhất mà Eltsin đã đóng góp cho nước Nga là nhìn thấy và tiến cử Putin là người kế vị . Điều đó là chính xác . Bởi vì , thời Eltsin làm Tổng thống , tình hình nước Nga cực kỳ rối ren , bất ổn . Các chủ trương , chính sách khi đưa ra quốc hội thảo luận rất khó tìm được sự đồng thuận . Nhất là vùng Kavkaz và đặc biệt là tại Chechnia mâu thuẫn sắc tộc , những thù hằn do lịch sử để lại luôn bùng phát . Khủng bố xảy ra liên miên . Từ khi lên nhậm chức đến nay , dù vẫn còn rất nhiều tệ nạn , nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng Putin đã làm được 2 việc lớn rất căn bản . Đó là có 1 chính Đảng ( nước Nga thống nhất ) có đủ tiếng nói đa số trong quốc hội và dùng người Chechnia bản xứ để điều hành nước cộng hòa Chechnia . Vì vậy nước Nga thời Putin khác hẳn nước Nga thời Eltsin . Riêng về các chính sách đối ngoại của Putin , hầu hết đều đề cao được vị thế siêu cường của nước Nga . Rất nhiều người Nga , qua sự kiện Crym đều nói , may mà có Putin mà người gốc Nga và nói tiếng Nga đang sinh sống ở Ucraina mới được bảo vệ . Và có lẽ cũng chính vì thế mà khi quân đội Nga tràn vào Crym lại được người dân trên khắp nước Nga ủng hộ mạnh mẽ đến thế ?
Putin là để cho nước Nga . Những việc Putin đã làm thể hiện tính cách của con người này . Putin cũng rất thực dụng . Nếu vị thế và quyền lợi nước Nga bị đụng chạm , chắc chắn Putin sẽ hành động . Lãnh đạo Việt nam không nên ảo tưởng vì quá khứ hão huyền khi nghĩ rằng nước Nga là người anh em truyền thống và gần gũi .
Mỗi quốc gia , nhất là các cường quốc nếu muốn duy trì được vị thế của mình thì tất yếu phải có những thủ lĩnh tương xứng . Họ có thể bị các nước khác chê trách , thậm chí chửi rủa nhưng tại quê hương mình họ được dân chúng ngợi ca . Ví dụ như Đặng Tiểu Bình , nhân dân Việt nam sẽ còn muôn đời chửi rủa vì sự xâm lăng của Trung quốc nhưng lịch sử Trung hoa lại ghi nhận Đặng là 1 trong những vĩ nhân của đất nước này .
Các nước nghèo như Việt nam nếu không nhanh chóng bứt phá để tạo cho mình vị thế trên trường quốc tế thì rất dễ bị các đối thủ lớn “buôn” tính mạng mình trên lưng mình , kiểu như Nga và Mỹ cùng các nước phương Tây đang đem tính mạng của đất nước Ucraina ra để mặc cả với nhau .
“Cách mạng” Cam không được coi là 1 cuộc cách mạng đúng nghĩa bởi vì mặc dù nó tạo ra sự thay đổi nhưng không làm cho đất nước Ucraina tốt hơn lên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét