Thượng Ngàn
Thời xa xưa trong chế độ quân chủ phong kiến, chỉ có vua đứng đầu trong nước cùng với bộ máy quan lại giúp việc cho vua cai trị thần dân thế thôi. Vua thì không phải dân bầu ra, mà giành lấy được quyền từ ông vua trước đó, có thể do ngẫu nhiên, do bạo lực hoặc do mánh lới. Không cho phép bất kỳ ý kiến đối lập hay khác biệt nào. Điều đó cũng không khác gì chế độ độc đảng, bởi chỉ có đảng của nhà vua là duy nhất và nguyên tắc chung vẫn chỉ là cha truyền con nối, phong vương, tập ấm, đó là nguyên tắc bất di dịch của xã hội phong kiến, tức phong vương kiến điền, cùng chia nhau của giai tầng thống trị để trị vì thiên hạ.
Khi xã hội dân chủ tự do thành hình, nguyên tắc nhà vua và nguyên tắc độc đảng bị xóa bỏ, quyền bỏ phiếu bầu người cầm quyền là nghĩa vụ và quyền lợi của toàn dân. Đó là ý nghĩa quốc hội có tính đa đảng, chí ít cũng là lưỡng đảng hoặc là nhiều hơn. Tất nhiên mọi người đều có quyền ứng cử, tranh cử, nhưng nguyên tắc lựa chọn tự do phải là quyền của toàn dân, không loại trừ ai đủ tính cách pháp lý, đủ tuổi đi bầu, không phân biệt, không có ngoại lệ. Nguyên tắc tự do dân chủ đích thực là nguyên tắc như vậy.
Bởi chính trị là quyền lợi và nghĩa vụ chung của mọi công dân. Không ai bị loại trừ độc đoán hoặc phi lý về quyền chính trị. Quyền chính trị chính là quyền xã hội tự nhiên và chính đáng của tất cả mọi người. Sự phát biểu chính kiến tự do miễn là không phá hoại xã hội. Sự thể hiện chính kiến tự do, miễn là không mang tính cách hổn loạn và tiêu cực, đó cũng là quyền tự nhiên, chính đáng của tất cả mọi công dân tới tuổi trưởng thành.
Nhưng muốn tham gia chính trị tích cực và hiệu quả nhất, muốn chính kiến của mình phát huy hiệu lực và kết quả nhất như mình muốn, trong tính cách rời rạc, cá nhân thật khó có thể làm gì. Bởi thế phải được quyền kết hợp lại thành các chính đảng. Quyền chính đảng như vậy cũng là quyền tự do chính đáng, tự nhiên, khách quan và cần thiết của mọi công dân. Bởi mọi cá nhân đều bình đẳng khách quan trong xã hội, do đó không ai có quyền cưỡng bách, bó buộc người khác theo ý mình. Đó chính là ý nghĩa chính đáng của quyền đa đảng, quyền chính trị. Bởi độc đảng hay phi đảng, thực chất cũng chỉ là phủ nhận quyền chính trị trong thực tế của tất cả mọi người. Tất nhiên quyền chính trị không thể bất chấp hay tự phát mà phải đi đôi với pháp quyền. Quyền chính trị và pháp quyền cùng bảo đảm cho nhau, không thể chỉ có cái này mà không có cái kia. Cho nên phủ nhận một trong hai hoàn toàn chỉ là ngụy biện, có nghĩa phủ nhận quyền đa đảng là phủ nhận quyền chính trị, và phủ nhận quyền chính trị cũng coi như phủ nhận quyền công dân bình đẳng, tức là pháp quyền.
Khi đảng phát xít lên cầm quyền ở Đức và Ý trước thế chiến thứ hai, cả hai đều chủ trương độc đảng, không cho phép đa đảng, có nghĩa là đảng độc tài. Với những chính sách tuyền truyền mị dân, với bạo lực tổ chức, toàn bộ xã hội đó bị ép vào trong khuôn khổ độc tài độc đoán toàn quyền của hai nhà độc tài đơn lẻ là Hitler và Moussolini. Sức mạnh đất nước khi đó thực chất không phải sức mạnh tích cực, tốt đẹp, mà chỉ là sức mạnh tiêu cực, phá hoại, toàn dân phải hi sinh mọi mặt, chỉ có lợi cho nhà độc tài cũng như đảng cầm quyền của ông ta. Với kết quả toàn quyền đó, người ta dễ dàng đưa đất nước vào bờ vực của phá sản kinh tế, vào chiến tranh một cách độc đoán. Cuối cùng thế giới chiến tranh thứ hai đã xảy ra, cả nước Đức, nước Ý đều thua trận, các cá nhân Hitler và Moussolini đều bị tiêu diệt.
Sau thế chiến thứ hai, chủ nghĩa Mác được đưa vào vận hành ở Nga, Lênin là người bôn sê vích chủ trương độc đảng theo đúng phương châm và mục đích của học thuyết Mác. Mác cho rằng giai cấp công nhân phải là giai cấp lãnh đạo, vì đó là nguyên lý biện chứng tất yếu của lịch sử nhân loại, do đó độc đảng tức đảng cộng sản phải là đảng duy nhất thiết yếu để thực hiện cách mạng cộng sản trên toàn thế giới. Nguyên lý chuyên chính độc đảng vô sản là nguyên lý cốt lõi để tiến tới xã hội loài người không còn giai cấp, không còn đảng phái, đó là yêu cầu cao nhất của Mác. Dùng chuyên chính để thực hiện tự do, dùng độc đảng để xóa bỏ mọi đảng phái, đó quả là một lý luận hoàn toàn nghịch lý của Mác. Bởi không thể có bất kỳ sự vật nào trong cuộc đời này lại tự xóa bỏ được nó nếu không có một lực lượng khác từ bên ngoài tác động vào. Tính chất cơ bản phi khoa học và mê tín của Mác đích thực là ở đó.
Cho nên sau hơn 70 năm thực hiện ở Liên Xô, cách mạng Bôn sê vích của Lênin đã hoàn toàn thất bại, sụp đổ, toàn bộ khối CS trên toàn thế giới đã tan rã, đó chỉ vì đi trái lại quy luật khách quan của xã hội loài người, đi trái lại nguyên lý tự nhiên của quy luật lịch sử xã hội. Có nghĩa mọi cái gì do chủ quan mệnh danh là chân lý (đỉnh cao trí tuệ loài người, nguyên lý vô dịch, quy luật duy nhất đúng, định luật tất yếu của lịch sử) thì khách quan nó vẫn không phải là chân lý và kết quả phải tất yếu thất bại. Điều đó cũng cho thấy mọi nguyên tắc độc tài, độc đoán đều phi lý, vì nó chỉ mang tính chủ quan mọi mặt mà thực chất không hề khách quan, tự nhiên về mặt nào cả.
Như vậy chỉ có nguyên tắc tự do dân chủ khách quan của nhân loại, nguyên tắc đa nguyên đa đảng trong hoạt động chính đáng của xã hội con người mới chính là nguyên lý tự nhiên, khách quan, hợp lý, khoa học, chính đáng, cần thiết và kết quả nhất.
Đó là quyền lựa chọn chính trị về mọi mặt của mỗi công dân trong xã hội. Vì phải có hai hay nhiều mới có sự lựa chọn. Nếu chỉ có độc đảng làm sao lựa chọn, khi người ta không cùng chính kiến với đảng đó ? Bởi vậy cũng có nghĩa độc đảng là tự nhiên tiêu diệt quyền chính trị của xã hội, quyền chính kiến của mọi công dân. Một xã hội mà thủ tiêu quyền chính trị của con người cũng có nghĩa là phi xã hội, là phản xã hội, tức phi nhân văn và phản nhân văn.
Nói khác đi không có lý do nào để tự bảo vệ cho độc đảng, vì nó chỉ có tính cách ngụy biện. Không có sự so sánh thì làm sao phân biệt được điều nào là tốt hay xấu. Đó chẳng qua chỉ là niềm tin mê tín, võ đoán, hay lừa dối dựa trên nguyên tắc độc quyền. Xã hội con người cũng như không khí, phải chuyển động tự do mới là trong lành. Xã hội con người cũng như nước, phải lưu chảy tự do mới không bị tù đọng, hôi thối. Nước, không khí, xã hội nếu bị tù đọng là phản lại chính nguyên lý tự do khách quan trong lành của chính nó, chính nó tự làm hại nó và tự diệt nó mà không yếu tố nào khác.
Bởi thế bảo đa đảng là lộn xộn là cách nhìn thiển cận, ngụy biện, hẹp hoài, phi lý trí. Con người có lý trí nên con người có pháp luật. Con người có pháp luật nên con người có trật tự xã hội. Con người có trật tự xã hội nên con người mới có tự do dân chủ thật sự và mới có hạnh phúc. Nói trái lại những điều đó thực chất chỉ là ngu dốt, ích kỷ, che đậy, phản lý trí và phản xã hội. Đó chỉ là sự ngụy biện và thậm chí chỉ là sự tà ý nếu không phải chỉ là sự ngây thơ và sự nông cạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét