Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Toàn cầu hoá sự phản kháng

Võ Phương (Project Syndicate)

Phong trào Chiếm lấy phố Wall lan rộng tới Honolulu, nơi sẽ diễn ra diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Nhà kinh tế Joseph Eugene Stiglitz, Nobel Kinh tế, lý giải nguyên nhân xuất hiện phong trào chiếm phố Wall qua bài báo The Globalization of Protest đăng trên Project Syndicate. Chúng tôi lược dịch các điểm chính. 


Biểu tình "chiếm Washington DC" trước trung tâm hội nghị Washington D.C, Mỹ. Ảnh: AFP

Khẩu hiệu của phong trào Chiếm phố Wall chỉ là một câu đơn giản: “Chúng tôi là 99%”, lặp lại tựa đề một bài báo của tôi thời gian gần đây, “Trong số 1%, vì 1% và bởi 1%”, mô tả sự gia tăng bất bình đẳng ở Mỹ: 1% dân số kiểm soát hơn 40% tài sản và nhận hơn 20% lợi nhuận. Và những ai trong tầng lớp hiếm hoi này thường được tưởng thưởng hậu hĩnh không phải vì họ đóng góp nhiều hơn cho xã hội – tiền thưởng và cứu trợ tài chính là cách bào chữa cho sự bất bình đẳng – mà bởi vì, thẳng thắn mà nói, họ là những kẻ thành công khi lợi dụng cơ hội.

Không thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của một số người trong 1% đó. Xã hội thu lợi từ những cách tân thật sự, chứ không phải các sản phẩm tài chính đã huỷ hoại kinh tế thế giới. Lợi ích đó lớn hơn nhiều so với khoản nhận được của người phát minh ra nó.

Tuy nhiên, trên thế giới, ảnh hưởng chính trị và các biện pháp thực thi giết chết cạnh tranh (thường được hình thành qua đường lối chính trị), là nguyên nhân chủ yếu làm tăng bất bình đẳng kinh tế. Xu hướng gia tăng bất bình đẳng được củng cố nhờ một hệ thống thuế mà ở đó tỉ phú như Warren Buffett đóng thuế ít hơn thư ký của ông ta, xét theo tỉ lệ thu nhập, hay những kẻ đầu cơ góp phần đưa kinh tế toàn cầu xuống dốc, lại đóng mức thuế thấp hơn những người làm việc để tăng lợi nhuận cho họ.

Những người chống đối ở Tây Ban Nha, và ở những nước khác, có lý khi nổi giận khi tồn tại hệ thống cứu trợ cho giới chủ ngân hàng và bỏ mặc những người còn lại tự xoay xở. Tệ hại hơn, những chủ ngân hàng giờ đây trở lại văn phòng của họ, nhận các khoản tiền thưởng cao hơn nhiều lần số tiền lương cả đời của phần lớn công nhân, trong khi giới trẻ học hành chăm chỉ và làm việc quy củ lại không thấy triển vọng có được việc làm.

Bất bình đẳng gia tăng là sản phẩm của một đường hình xoắn ốc: người giàu, những nhóm lợi ích, sử dụng sự giàu có của họ để gây ảnh hưởng lên việc xây dựng luật lệ nhằm bảo vệ và tăng tài sản của họ, cũng như mức độ ảnh hưởng của giới nhà giàu. Năm 2010, với quyết định Citizens United đầy tai tiếng, toà án Tối cao Mỹ cho phép những tập đoàn lớn nhất tự do chi những khoản tiền khổng lồ để gây ảnh hưởng lên đường lối chính trị.

Người ta đã bỏ qua sự đối lập giữa một nền dân chủ có quá nhiều quy định và giới chủ ngân hàng không bị ràng buộc bởi quy chế. Những người phản kháng có lý khi cho rằng có cái gì đó sai lầm trong “hệ thống” của chúng ta. Khắp thế giới, chúng ta sử dụng không đúng mức các nguồn tài nguyên. Có thể thấy điều đó qua nạn thất nghiệp, người vô gia cư và các căn nhà bỏ hoang. Chúng ta còn phải đối mặt với các thách thức lớn như: đẩy lùi nghèo đói, thúc đẩy phát triển, và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Người ta chỉ trích các phong trào phản kháng không có chương trình hành động. Nhưng họ đã bỏ qua điểm chủ yếu: đó là sự phẫn nộ đối với quy trình bầu cử. Có thể coi phản kháng là một tiếng chuông báo động.

Các cuộc biểu tình chống toàn cầu hoá ở Seattle năm 1999, thời điểm bắt đầu hình thành đối thoại thương mại mới, góp phần thay đổi các đàm phán thương mại và quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau đó đã thực hiện những cải cách đáng kể.

Ở Mỹ, phong trào đấu tranh cho nhân quyền vào thập niên 1960 dù chưa tạo sự thay đổi nhiều vào thời điểm đó. Việc bầu chọn Tổng thống Obama cho thấy phong trào đó giúp nước Mỹ thay đổi như thế nào.

Ở một mức độ, những người phản kháng ngày nay đòi hỏi khá ít: cơ hội sử dụng kỹ năng làm việc, quyền có việc làm, một nền kinh tế và xã hội công bằng hơn. Hy vọng của họ là sự tiến hoá, không phải là cách mạng. Nhưng, ở một mức độ khác, họ đang đòi hỏi rất nhiều: một nền dân chủ trong đó con người mới là quan trọng, mà không phải là đồng tiền, và một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.

Thị trường bị lũng đoạn dẫn đến khủng hoảng kinh tế và chính trị. Thị trường vận hành trong khuôn khổ được quy định bởi thể chế phù hợp; khuôn khổ này được điều chỉnh duy nhất bởi quy tắc dân chủ phản ảnh lợi ích của đa số, chứ không phải lợi ích của nhóm 1%. Một chính phủ dù tốt nhất mà để tiền bạc chi phối thì chính phủ đó không còn tốt nữa.


Nguồn: Sgtt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét