Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Thư gửi André Menras Hồ Cương Quyết

Tương Lai

André & tác giả

Anh André thân quý,
 
Tôi viết bức thư gửi đến anh khi các cháu ngoại của tôi cùng mẹ của chúng đang ríu rít trang trí cây Noel. Ấy vậy mà lòng tôi nặng trĩu suy tư khi nghĩ đến các cháu nhỏ của anh ở Paris đang ngóng chờ anh. 
 
Như Anh đã nói với chúng tôi, “Gia đình nhỏ của tôi và mẹ già gần 90 tuổi của tôi đang ở Pháp. Thật lòng tôi thấy mình có lỗi và như đang bỏ rơi họ vào dịp lễ quan trọng này. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hoàn cảnh các gia đình đã bị mất chồng, mất con trai lớn, tài sản, bị ức hiếp tại vùng biển miền Trung, thì tôi lại nghĩ, cá nhân tôi và gia đình tôi cần phải hy sinh thêm một chút nữa. Bởi những hy sinh đó cũng không bằng những hy sinh lớn lao của họ. Nói một cách nào đó, họ cũng như chúng ta, họ xứng đáng hưởng một cuộc sống hạnh phúc và công bằng chứ”.
 
Và rồi, không sao gõ chữ trên bàn phím được nữa, trong tim tôi buốt nhói với lời bài hát mà Anh và nhạc sĩ Jean Pierre Pousset, em rể của Anh, gửi cho chúng tôi :
 
                 “Ecoutez la triste complainte des veuves de Bình Châu
                                          De celles de Lý Sơn
Elle assombrit le jour et déchire la nuit
Ecoutez-là, amis, et ne l’oubliez pas :
C’est la voix d’un Vietnam qui souffre et qui se bat.
Seule, seule, seule
Front plissé des longues nuits blanches,
Veuve de Lý Sơn, veuve de Bình Châu,
Seule, seule, seule ! ”.
[Hãy lắng nghe tiếng thở than sầu thảm của những góa phụ ở Bình Châu
Hay ở Lý Sơn
Khiến ngày u ám, đêm xé lòng
Đó là tiếng hồn Việt Nam đau xót và chiến đấu.
Hãy lắng nghe, bạn hỡi và đừng quên :
Đơn độc, đơn độc, đơn độc
Thức trắng đêm trường, nhíu nhăn vầng trán,
Góa phụ Lý Sơn, góa phụ Bình Châu
Đơn độc, đơn độc, đơn độc]

Chính vì sự đơn độc đó mà Anh đã ở lại Việt Nam với chúng tôi mặc dầu “ Giáng Sinh đang đến gần, và cội rễ phương Tây của tôi khiến tôi buồn nhớ ông già Noel cũng như những người thân của mình” như Anh tâm sự.
 
Và rồi tôi hiểu ra rằng, đâu phải chỉ mấy ngày Giáng Sinh này, ngoài lần trở lại làm phim, trước tháng 6, Anh đã có 4 lần đi đến Bình Châu và Lý Sơn để khảo sát, có ở lại cả tháng tại đấy. Nhưng đâu chỉ có thế, để làm cuốn phim ấy, Anh đã mất 5 năm nghiên cứu tìm hiểu kỹ về lịch sử Việt Nam gắn với biển Đông, Luật Quốc tế biển và văn hóa của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi! Để rồi, trái tim Anh không chịu nổi điệp khúc “đơn độc, đơn độc, đơn độc” của những góa phụ Lý Sơn, góa phụ Bình Châu mà quyết dấn thân để làm vơi đi nỗi “đơn độc” của những người phụ nữ đau khổ đó.

Anh André ơi,
 
Trên đất nước của chúng ta, và như Anh viết, Anh “thật sự yêu mảnh đất này đến điên (dù mắt xanh mũi lõ). Trong chiến tranh, một phần cuộc đời của tôi đã gắn bó với đất nước này” thì chắc Anh vẫn nhớ, bức tượng nàng vọng phu đứng sừng sững gần vùng hiểm địa Chi Lăng, xứ Lạng, nơi đầu tiên gánh chịu vó ngựa xâm lược, là một biểu tượng thật bi tráng trong đời sống Việt Nam.
 
Nàng vọng phu” không hề “đơn độc. đơn độc, đơn độc ”, người phụ nữ chờ chồng này không là người “cô phụ” vì tượng của nàng được dựng tại nơi “hình khe, thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao[Chinh phụ ngâm]  của vùng trung du, nơi ông cha ta đã khắc họa bản lĩnh dân tộc trong hình hài của đất nước với 99 ngọn đồi sừng sững tượng trưng cho 99 con voi và ngọn đồi thứ 100 sụt lở, tượng trưng cho con voi bị chém cụt đầu vì đi ngược với cả đàn, quay mặt về hướng Bắc! Xuôi về phía nam một quãng là những lốt chân ngựa Thánh Gióng vẫn còn lại trên cánh đồng Quế Võ, Bắc Ninh cho đến hôm nay để nhắc nhở con cháu hôm nay cần giữ vững khí phách của ông cha qua truyền thuyết cậu bé làng Gióng “hiềm ba tuổi đã là quá muộn” để diệt giặc ngoại xâm phương Bắc.
 
Để tồn tại và giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước trong thế hiểm của một vùng địa-chính trị trứng chọi đá, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những người vợ, người mẹ Việt Nam cắn răng tiễn chồng con ra trận và chịu đựng sự chia ly, nhưng họ không đơn độc. Không đơn độc vì cùng với họ, là cả một dân tộc gắn bó với nhau trong nghĩa khí của sự hy sinh vì tổ quốc. Nếu người ra trận tỏ rõ bản lĩnh của mình bằng việc khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát” hoặc trong lời ca hào hùng “đâu có giặc là ta cứ đi” thì người chờ chồng, chờ con cũng được nung nấu trong nghĩa khí cao cả đó. Họ không đơn độc là vì lẽ đó!
 
Thế còn, “những nhân vật trong phim là các cháu bé mồ côi cha, những bà vợ góa chồng ở đảo Lý Sơn và Bình Châu. Những lời nói, hành động và nỗ lực sống tồn tại của họ phản ánh nét độc đáo về văn hóa, tính dân tộc” theo lời Anh, vậy tại sao mà họ đơn độc? Không! Trong sâu thẳm của “nét độc đáo về văn hóa và tính dân tộc” ấy, làm sao mà họ đơn độc được! Đó chính là ẩn số mà những người có lương tri phải tìm cho ra. Và tôi hiểu, Anh làm bộ phim về họ cũng để cố gắng góp phần tìm cho ra lời giải của bài toán cuộc đời này phải thế không anh André? Chả lẽ “những bà vợ góa chồng ở đảo Lý Sơn và Bình Châu” cảm thấy “đơn độc” vì dân tộc không còn ở bên họ nữa sao. Tuyệt đối không! Cả dân tộc không bao giờ chịu chấp nhận sự đơn độc của họ. Chỉ có những ai mất lương tri mới chấp nhận điều ấy. Và vì thế Anh đã dấn than một cách say mê và không kém mạo hiểm vì có lẽ Anh cũng chưa lường được sự phức tạp và không kém phần bẩn thỉu của những toan tính. Thế rồi, bộ phim bị cấm bởi những lý lẽ mà càng nghĩ càng xấu hổ. 
 
Xấu hổ cho chính mình, xấu hổ cho đất nước mà luật pháp đang bị biến dạng và bị chà đạp, xấu hổ cho thể diện quốc gia trước những ánh mắt của những người bạn đang cố tìm hiểu Việt Nam và những người đang quay lưng vì thất vọng. Đành phải nói lời cám ơn sự nhẫn nai để cố chờ đợi của Anh vì “Cho đến nay, không một ai đã có chút dũng cảm tối thiểu để ra mặt, chịu trách nhiệm về hành động phi pháp và thô bạo đó”.
Tim tôi như thắt lại khi đọc những lời Anh viết : “Ngày xưa, trong lao khám tù khắc nghiệt, chiếc radio của tôi vẫn được chuyền từ đất liền ra Côn Đảo và mang lại nguồn thông tin quý giá cho các bạn tù. Chiếc Radio đó nay nằm tại Bảo tàng Cách mạng Hà Nội. Tôi từng viết trên báo Thanh Niên, rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dẫu ngặt nghèo và tồi tệ đến đâu, cũng không ai có thể ngăn cấm được thông tin về cuộc  sống và những trăn trở của ngư dân đảo Lý Sơn và Bình Châu”.
 
Cay đắng làm sao khi nhớ lại ngày ấy, ngày 20/7/1970 có hai người thanh niên Pháp đã phát truyền đơn khắp nơi trong thành phố, trèo lên tượng “thủy quân lục chiến” trên công trường Lam Sơn giữa Sài Gòn, tung cờ của Mặt trận Giải phóng trước toà Hạ Viện của Quốc hội Sài Gòn thời bấy giờ để phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ đang “phạm tội tày trời đối với nhân dân Việt Nam”. Sau gần 3 năm bị tù đày, André Menras cùng với Jean Pierre Debris đi khắp nơi trên thế giới, tố cáo chế đô lao tù phi nhân ở Miền Nam để rồi 41 năm sau, chàng trai người Pháp ấy, nay mang thêm quốc tịch Việt vì “tình yêu thiêng liêng” với đất nước này lại “cảm thấy vô cùng đơn độc” trên chính quê hương thứ hai của Anh!
 
Không, anh André, Anh không đơn độc, hoặc đúng hơn, anh chỉ “cảm thấy vô cùng đơn độc” trước sự “vô cảm và vô trách nhiệm của ai đó” và rồi Anh cảm thấy đơn độc vì “không ai muốn chịu trách nhiệm và cố tình kéo dài thời gian chờ đợi cho đến khi tôi về nước luôn và từ bỏ ý định giới thiệu phim này tại Việt Nam” như Anh viết, chứ làm sao anh có thể “đơn độc” giữa những người có lương tri hiểu rất rõ ý nghĩa cao cả trong việc làm dũng cảm và kiên trì tột bậc của Anh? Họ hiểu được vì họ không vướng vào những ràng buộc của những toan tính. Họ hiểu được vì dòng máu Việt Nam bất khuất vẫn sục sôi trong huyết quản, luôn cảnh giác trước âm mưu đen tối chưa hề từ bỏ và vì vậy họ tỉnh táo trước những lừa mị.
 
Anh nhớ không, hình ảnh của Anh trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, đi cùng với những trí thức yêu nước trong ngày đáng ghi nhớ ấy đã gây nên nỗi xúc động lớn trong lòng người dân, không chỉ những người xuống đường biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như những người yêu nước có mặt trên đường phố Hà Nội với tấm biển ngữ liên quan đến tên bộ phim của Anh : “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đúng như Anh nói “không ai có quyền ngăn cấm tôi vì tình yêu thiêng liêng đó”!
 
Và, anh André ơi, lá thư viết vội để kịp gửi đến Anh ngày Giáng Sinh không chỉ với dòng chữ quen thuộc “Merry Christmas” mà còn với nỗi dằn vặt khôn nguôi trong sâu thẳm trái tim tôi : tại sao một người Pháp lại có thể có được một tình yêu mãnh liệt đến thế để quyết trở thành một người Việt Nam, để rồi người Việt Nam nói tiếng Việt chưa sỏi ấy lại quyết dấn thân trong những hành động cao cả và có ý nghĩa làm vậy trong lúc tôi, một người Việt Nam chính gốc, cũng từng cầm súng đánh thực dân Pháp, cũng mang danh là một trí thức biết liêm sỉ, lại chỉ biết động viên Anh bằng những dòng chữ muộn màng, nhạt nhẽo này.
 
Hành động dũng cảm và cao cả của Anh khiến tôi nhớ đến J.P.Sartre khi nhà triết học lớn, người đồng hương với Anh viết : “trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ, [s’occupe de ce qui ne le regarde pas]. Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức.
 
Bằng suy nghĩ và hành động không mệt mỏi của Anh, tôi nhận ra gương mặt của người trí thức như Sartre nói. Và trong bức thư ngắn này, tôi chỉ muốn nói với Anh rằng, Anh không thể nghĩ là mình đơn độc khi thực hiện sứ mệnh cao cả của người trí thức. Nhiều người đang noi gương Anh, trong đó có người viết bức thư này. Cùng với lời chúc Giáng Sinh, tôi chân thành chúc Anh kiên trì và sáng suốt hơn nữa trong sứ mệnh của người trí thức vào lúc này như khuyến cáo của Các Mác : “cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ phải nhảy múa lên bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của chính bản thân chúng”!
 
Thân kính,
 
Tương Lai

            tối ngày 23/12/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét