Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Tôi xuống đường

Hà Long
             Nhớ Minh Hằng 
– Người biểu tình trong những người biểu tình


Trong số hàng trăm hình ảnh về các cuộc biểu tình chống Tàu, tôi hết sức xúc động trước tấm hình cháu bé ngồi trên vai bố tay cầm biểu ngữ:

“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Đả đảo Tàu cộng xâm lược” 

Tôi nhờ in màu và phóng to tấm hình. Ngắm nghía rất kỹ rồi nổi hứng làm bài thơ Xuống đường. Có khá nhiều người khen hay. Khi cái sướng được khen đã nguôi ngoai, tôi bỗng thấy hổ thẹn, hổ thẹn vô cùng. Tôi làm thơ ngợi khen, động viên, kêu gọi mọi người xuống đường rất hung hồn, mà chính tôi, phải! Chính tôi chưa lần nào … xuống đường.

Tôi có vin lý do này khác với một số người: nào cũng đã già yếu, nào ngại ảnh hưởng gia đình, v.v. Nhưng thực ra tôi cũng là … một thằng hèn. Lúc còn nhỏ, gia đình tôi đã nếm đòn tàn khốc trong cải cách ruộng đất. Từ đấy nỗi sợ bám vào tôi dai dẳng cho tới khi về già, hệt nỗi sợ… chó dại !? Nhìn trên mạng, thấy bao cảnh các “đồng chí” chỉ biết “còn Đảng còn mình” chăm sóc quần chúng biểu tình mà hãi. Rõ là:

Một dọc, một ngang làm Thánh giá
Đóng đanh dân tộc, đợi hồi sinh
                                         
                                    (Hà Sĩ Phu)

Cù Huy Hà Vũ, con một thượng đẳng công thần có công lập nên triều đại đỏ, mà cũng vào tù chỉ vì nói thẳng nói thật, thì cái thứ thảo dân như tôi có sợ cũng là quá… phải.

Trong tôi sợ hãi và xấu hổ cứ đan xen trong nhiều đêm mất ngủ. Tới một ngày, nỗi hỗ thẹn dâng lên trong tôi cùng cực: tôi xấu hổ với chính tôi, với những bài thơ tôi làm… và, tôi quyết định…

Xuống đường ngày Chúa nhật 14.08.2011

Cùng với tôi có bác T… một đảng viên cộng sản kỳ cựu, hội viên câu lạc bộ hưu trí cao cấp Thăng Long, và H.P.V, một người bạn vong niên-một phóng viên nhiếp ảnh không chuyên tuyệt vời.

Chúng tôi tới Hồ Gươm hơi muộn (khoảng hơn 9h). Rào cản đầu tiên là Bưu điện Bờ Hồ không nhận gửi xe máy, dù vẫn còn rất nhiều chỗ trống. Chúng tôi phải gửi tại câu lạc bộ Thiếu niên.

Tiếng hô vang của đủ mọi lớp người, từ bên hè đường đối diện với trung tâm thương mại (nhà Gô đa cũ thời Pháp) dội khắp mặt đường:

- Đả đảo Trung Quốc xâm lược,
- Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam,
- Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh,
- Đả đảo đàn áp những người yêu nước..v..v..

Cờ, biểu ngữ rực rỡ sáng ngời, mặt người cũng sáng ngời, dưới bầu trời một ngày thu nắng đẹp.

Đoàn tuần hành tiếp tục vòng quanh hồ. Tiếng hô vang hòa nhịp với tiếng hát “Lên Đàng”. Chúng tôi hòa nhịp vào dòng người với sự đạo diễn của H.P.V. Kia rồi, nghệ sỹ Violin Tạ Trí Hải (ông có ngoại hình giống hệt nghệ sỹ Vi ta li trong cuốn Không gia đình cảu Hecto Malo). Chúng tôi áp sát bên ông, và ngay lập tức có được tấm hình tuyệt đẹp. Một phụ nữ dáng rất hiện đại đội mũ lưỡi trai trắng rộng vành, cặp kính mát to gọng, áo trắng, váy đỏ đi tới gần chúng tôi. Đó là luật sư Nguyễn thị Dương Hà vợ của tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ. Tôi tới gần chủ động chào và hỏi thăm sức khỏe anh Vũ. Chị cảm ơn và cho biết tinh thần anh rất tốt, nhưng không được  khỏe. Tôi chúc chị kiên trì con đường đã chọn, mong chị chóng đi tới thắng lợi.

Một cụ già thấp, đầu hói, tóc thái dương bạc trắng, nét mặt hiền hậu bước tới ngay cạnh tôi. Đó là “già làng” Nguyên Ngọc. Tôi vui mừng khôn xiết, liền tiến tới kính cẩn chào (tôi có “tật” khó sửa là hễ thấy “sang” thì hay bắt quàng làm quen !):

- Em chào bác ạ ! Chắc bác không nhớ em, nhưng em nhớ bác lắm. Hồi em mới 15 tuổi bác có đến trường em (Trường trung học Tư thục Tân trào phố Hàng Bông Thợ Nhuộm) giảng về “Nhân văn giai phẩm”. Thưa bác, đến giờ em vẫn còn nhớ. Cái ông Phan Khôi trong nhóm “phản động” ấy ngang đáo để, bác nhỉ ! “Ngang” ra cả thơ mới chết chứ: 

Làm chi cũng chẳng làm chi, 
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao. 
Làm sao, cũng chẳng làm sao, 
Dẫu có thế nào, cũng chẵng làm chi.

Cụ Nguyên Ngọc cười khì khì. Được thể tôi đọc tiếp liền hai bài thơ tôi làm về cụ Phùng Quán và cụ Tô Hải (cụ Phan Khôi là cháu ngoại quan Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu). Già làng Nguyên Ngọc rất dễ tính, cụ cho phép tôi và mấy người nữa chụp ảnh cùng, cho cả các vi sit (tôi định hôm nào tinh thần phấn chấn thì liều mạng đến hầu chuyện cụ). 

Khi đoàn tới đền Bà Kiệu, tôi lại may mắn gặp J.B Nguyễn Hữu Vinh (người đã tường thuật chi tiết phiên tòa phúc thẩm xử Cù Huy Hà Vũ) đi cùng hai con: một trai, một gái. Con gái anh rất xinh, cháu học lớp 9. Tôi chủ động bắt tay và nhắc lại lần gặp nhau tại đám tang anh Trịnh Xuân Tùng. Tôi có nói tên Thánh của  mình và nguyên quán Kẻ Sặt. Rất tiếc quên không lấy số điện thoại của Vinh. H.P.V có một tấm hình rất đẹp của ba bố con Vinh. Định hôm nào gặp lại sẽ tặng tín hữu. 

Tôi cũng không nhớ mặt giáo sư Nguyễn Huệ Chi. May mà H.P.V cũng đã chụp được hình giáo sư lúc ông đi cạnh tôi.

 Có một chuyện thú vị xảy ra khi đoàn biểu tình tạm dừng tuần hành gần khách sạn Phú Gia cũ (nay đã bị phá xây công trình khác). Một chị trong đoàn cài tờ biểu ngữ bằng bìa cứng mang dòng chữ “Tổ quốc Việt Nam trên hết” vào thành sau của xe cảnh sát. Một trung úy cảnh sát mặt hằm hằm đi tới giật ra, cuộn lại định cất đi. Chị liền đòi lại. Viên trung úy đang lầu bàu câu gì, nghe không rõ, thì một cụ ông khoảng ngoài 70 tuổi liền cất tiếng “Ôh chị ! Sao lại cài mảnh giấy vào xe cảnh sát thế, nhớ nó làm xước xe của anh ấy thì làm sao? Anh cảnh sát ơi, trả lại chị ta đi, để chị ấy rút kinh nghiệm… mà thế nào thì “Tổ quốc Việt Nam trên hết” phải không anh?” Mọi người xúm lại xung quanh hưởng ứng buộc viên trung úy phải trả lại tờ biểu ngữ cho chị… 

Cảnh sát hôm nay chủ yếu là cảnh sát giao thông, chỉ đi lại nhắc nhở mọi người phải bảo đảm trật tự, không đi dưới lòng đường..v..v.. Nét mặt các đồng chí chỉ biết còn Đảng còn mình tuy không vui (!?) nhưng đỡ bặm trợn hơn rất nhiều so với các lần biểu tình trước, không thấy bóng dáng một cảnh sát cơ động nào. 

Không gặp được Trịnh Kim Tiến. Xem mạng được biết cán bộ phường nơi cháu ở đến o ép gia đình quá thể, nên cháu không đi được. Hôm sau tôi có gặp Tiến tặng ảnh chụp Tiến đi biểu tình và một số ảnh tang lễ của bố cháu. 

Đoàn biểu tình (ước đến 400 người) giải tán khoảng 11.30h tại đền Bà Kiệu. Tôi định gặp riêng nghệ sỹ Vi ta li Việt Nam,  nhưng thấy anh đi cùng một nhóm thanh niên và Người đẹp biểu tình Minh Hằng nên không tiện. Quán giải khát gần đấy được lệnh không bán cho nhóm này. Minh Hằng nói rất to “Không bán nước cho người yêu nước àh?”. Mấy dân phòng nhìn cô tức tối ra mặt (khó hiểu !?). Tôi cũng đã gặp Minh Hằng và nói với cô chuyện một số “quần chúng tự phát” đã nói bậy bạ vào điện thoại của cô. Cô cười và trả lời là nó khiến cô càng quyết tâm hơn nữa!

Minh Hằng đã xăm lên hai vai bốn chữ THÙ NHÀ-NỢ NƯỚC. 

Minh Hằng-người hô khẩu hiệu không cần loa. 

Buổi chiều tôi có gọi điện cho anh Tạ Trí Hải. Anh hẹn gặp tôi tại Bờ Hồ phía đối diện với ngân hàng ANZ, khoảng 7.30h tối. 

Tôi “buôn dưa lê” với anh khoảng hai tiếng đồng hồ về Hà Nội xưa, về phiên chợ Kec Met năm 1952, có tài tử Ngọc Bảo hát Từ ngày tôi lên cai, Cô nàng cà phê của Canh Thân. Tôi tặng anh một tập thơ mới. Anh Hải có vẻ mệt, chỉ lắng nghe tôi nói. Anh có thắc mắc là tôi là “thợ” mà làm nhiều thơ vậy?... Tôi còn tặng anh một tấm ảnh chụp anh đang kéo đàn khi biểu tình và bản in một bài báo mạng viết về anh. 

Tôi đưa anh hai bài hát Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước và Thúc Quân của Văn Giảng. Tôi hát Thúc quân cho anh nghe, anh tỏ vẻ vui thích. Tôi nói nếu có dịp muốn nghe anh hát hai bài này, anh đồng ý. 

Được anh Hoàng Tiến cho biết, anh Hải chính là người đã đấu tranh đến cùng với các lãnh đạo của Tổng công ty chế biến cao su tại Sài Gòn, vạch chuyện tham nhũng của bọn họ và bị họ sa thải. Có lẽ anh còn là một Vi ta li trong đời thường, thích sống một cuộc đời Bô hê miêng chăng ? Hay cuộc đời đã xô đẩy anh đến thế? 

Ôi! Thật là một ngày Chúa nhật đẹp nhất đời tôi… vì TÔI ĐÃ BỚT HÈN! 

Kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng 8 

Hà Nội, 19-8-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét