Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Chuyện xưa chuyện nay: Tần Thỉ Hoàng đốt sách, chôn học trò

( Chuyện Tần Thỉ Hoàng đốt sách, chôn học trò đã xẩy ra hơn 2400 năm trước. So Với đời sống người dân Việt ngày nay.... coi vậy mà cũng đở hơn nhiều! )

(PL-NS)- Bạn TRẦN VĂN (sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) hỏi: "Tôi thấy có sách viết tên một ông vua trong lịch sử Trung Quốc là “Tần Thỉ Hoàng”; có sách lại viết là “Tần Thủy Hoàng”. Vậy viết như thế nào cho đúng?"
 
Ông NGÔ THÀNH NHÂN (đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM) hỏi: Tại sao Tần Thủy Hoàng có chủ trương “đốt sách, chôn học trò”?


ANH PHÓ trả lời: Bạn Trần Văn thân mến,

Chuyện bạn hỏi xảy ra vào thế kỷ III trước công nguyên (TCN). Năm 221 TCN, sau khi dẹp các nước chư hầu, “gồm thu lục quốc”, Tần Thỉ Hoàng thống nhất Trung Quốc; tự xưng là “Thỉ Hoàng đế” (nghĩa là hoàng đế đầu tiên). Theo tự điển Hán-Việt thì chữ viết ấy đọc là “Thỉ” hay “Thủy” cũng được. Cả hai chữ này đều có chung một nghĩa là “bắt đầu”. Cũng như chữ “thủy chung” viết là “thỉ chung” cũng được, có nghĩa là “từ đầu đến cuối”, “trước sau như một” (“chung” nghĩa là cuối cùng).

Tần Thủy Hoàng với chủ trương đốt sách, chôn học trò

  
Thưa bạn Ngô Thành Nhân, Theo lịch sử Trung Quốc, sau khi lên ngôi hoàng đế, Tần Thủy Hoàng nổi tiếng là một ông vua độc tài, hung bạo. Một tội ác của ông là “đốt sách, chôn nhà nho” (“phần thư, khanh nho”) mà đời sau thường nhắc lại, nguyền rủa.


Để thống nhất đất nước, sau thời kỳ Chiến Quốc phân tranh loạn lạc, Tần Thủy Hoàng áp dụng nhiều biện pháp để thống nhất về chính trị, kinh tế… Nhưng ông vẫn thấy chưa đủ mà còn phải thống nhất về mặt văn hóa, tư tưởng. Trước đó thời Chiến Quốc, xã hội Trung Quốc có nhiều phái học thuật, các phái đều giữ ý kiến, tư tưởng riêng của mình theo kiểu “Trăm nhà đua tiếng”. Nhưng khi đất nước đã về tay Tần Thủy Hoàng, nhà vua độc tài này không muốn ai có tư tưởng riêng, trái với chính sách của triều đình. Tần Thủy Hoàng chỉ muốn dân chúng dễ bảo, có kỷ luật. Có nghĩa là tự do tư tưởng, tự do bày tỏ, ngôn luận đều là tội phạm nặng. Cho nên, nhà Tần chủ trương thống nhất tư tưởng bằng biện pháp đốt sách để bài trừ, tiêu hủy những sách không có lợi cho chính quyền nhà Tần, chỉ để lại sách thuốc, bói toán, trồng cây và sử sách của nhà Tần, còn lại tất cả đều phải đốt hết. Sách thu về chất tại kinh đô Hàm Dương như núi, đốt cháy 3 tháng trời chưa dứt. Lúc sự việc mới bắt đầu đã có nhiều phản ứng trong nhân dân. Tần Thủy Hoàng ban hành pháp luật quy định ai còn bàn đến Tứ thư, Ngũ kinh, các kinh điển từ thời “Bách gia Chư Tử” đều bị coi là “phản động” phải tử hình. Ai có ý kiến chuộng xưa bài nay thì cả họ bị giết. Quan lại biết mà không tố giác cũng bị tội chết. Năm sau, mượn cớ “các nhà nho chống đối”, Tần Thủy Hoàng quyết tâm trấn áp tư tưởng, từ biện pháp “đốt sách” tiến tới quyết liệt hơn là “chôn học trò”. Có lần chôn đến 460 nhà trí thức.

Đốt sách, chôn học trò là một phương cách “cải tạo” về văn hóa tư tưởng hòng thực hiện con đường thống nhất theo ý của Tần Thủy Hoàng đã bị thiên hạ chống đối quyết liệt và sớm bị suy tàn. Nhà Tần đến năm 207 TCN thì coi như bị diệt vong, qua hai đời hoàng đế là Tần Thủy Hoàng (221-210 TCN) và con ông là Tần Nhị Thế (210-207TCN). Còn một đời vua nữa là Tần vương Tử Anh - con trai của người anh của Tần Nhị Thế là Phù Tô; nhưng thời cuối này, ông vua không còn dám xưng hiệu hoàng đế nữa và chỉ ở ngôi vương 46 ngày.

Thân chào quý bạn.

Nguồn: phapluattp.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét