Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

ĐÓN TẾT XA NHÀ


Hoàn cảnh quá khó khăn khiến nhiều công nhân phải ở lại TP Sàigòn, không thể về quê sum vầy cùng người thân trong dịp Tết Nhâm Thìn năm nay.

( Công nhân & Nông dân là hai thành phần bị lường gạt và bốc lột nhất trong quá khứ cũng như hiện tại. Tại sao chúng ta không có quyền định đoạt số phận của mình mà phải chờ cho kẻ khác quyết định?)

 

Để CN vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhiều chủ nhà trọ đã tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí...

Cũng như năm trước, năm nay, chị Nguyễn Thị Bích Liên, công nhân CN Công ty Giấy Thành Công (quận 8 ), lại phải ăn Tết xa nhà. Nhớ lại cái Tết đầy buồn tủi năm trước, chị thở dài: “Chưa năm nào, tôi thấy những ngày Tết trôi qua chậm đến thế. Cả dãy phòng trọ còn trơ trọi phòng mình, ba ngày Tết, ru rú trong phòng chẳng biết đi đâu. Tôi tự nhủ Tết năm nay tôi nhất định sẽ về nhưng rồi cuối cùng vẫn phải ở lại. Mấy ngày nay, giúp bạn bè gói ghém đồ đạc về quê, chúc họ ăn Tết vui vẻ nhưng tôi thấy tủi thân lắm, hơn 2 năm rồi chưa gặp lại gia đình…”
.
Tổ chức tiệc tất niên ở nhà trọ cho CN

Lo cho cha mẹ

Tôi gặp chị Liên trong buổi họp mặt trao quà Tết cho CN khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết do LĐLĐ quận 8- tổ chức. Nhận lấy phần quà và tiền hỗ hỗ trợ, chị cho biết: “Tôi sẽ gửi tất cả về quê làm quà Tết cho cha mẹ. Biết tôi vất vả nên lúc nào gọi điện hỏi thăm mẹ cũng bảo phải lo cho bản thân mình, cha mẹ già rồi không cần gì ngoài việc các con trưởng thành cả. Nói thì nói vậy chứ tôi hiểu rằng cha mẹ làm việc, ăn uống kham khổ cả đời vì chị em tôi, đến giờ vẫn vậy. Tôi gửi tiền về, cha mẹ cũng không dám tiêu xài nên lần nào gửi đồ về quê, tôi cũng gửi kèm ít bánh kẹo”.
Quê chị Liên ở Bình Định, từ khi rời quê vào sàigòn làm CN từ năm 2009, chưa lần nào chị được gặp lại gia đình, kể cả những ngày lễ Tết. “Nghĩ tới là lại thấy buồn nhưng biết làm sao được, chỉ nghĩ đến tiền tàu xe đi về đã ngốn hết nửa tháng lương là tôi đành phải chấp nhận ở lại. Buồn một chút mà phụ được cha mẹ và lo cho em út đi học tới nơi tới chốn thì tôi cũng chịu đựng được… ”- chị tâm sự.
 
Còn đối với chị Trần Thị Nguyệt, CN Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân ) thì đây cái Tết đầu tiên chị không được gặp mẹ, không được cùng các em dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Xuân. “Nghe giọng nói buồn hẳn đi của mẹ khi tôi gọi báo Tết này không về mà đau lòng quá. Tôi biết Tết nhất mà con cái không về gặp mặt, mừng tuổi cha mẹ là mang tội bất hiếu nhưng biết làm sao được”- chị Nguyệt nghẹn ngào. Phải lo tiền trọ, ăn uống, học phí lớp trung cấp kế toán, rồi lo cho mẹ và hai em đi học với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhiều khi thiếu hụt, chị còn biết lấy đâu ra tiền để vừa gửi về cho mẹ vừa mua vé xe về quê đón Tết? 

Chắt chiu cho con
Tám năm xa quê vào Sàigòn làm CN, chị Lê Thị Hoa chỉ về quê được vỏn vẹn ba lần. Từ khi hai vợ chồng chị chia tay và anh rũ bỏ trách nhiệm với con, một mình chị phải xốc vác cả gia đình. Gửi con lại cho cha mẹ già, chị rời Thanh Hóa vào TP Sàigòn mưu sinh với hai bàn tay trắng. Chị xin vào làm việc tại Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân), với mức lương khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng, trừ tiền phòng, tiền ăn, chị gom góp tất cả gửi về quê cho ông bà nuôi cháu. Nhiều khi túng thiếu quá, chị phải chạy hai ba công việc cùng lúc.
Hôm nào không tăng ca chị lại nhận may gia công tại nhà. Lâu dần, sức khỏe của chị yếu đi rõ rệt, chị hay đau bệnh, nhiều khi đang làm lại ngất xỉu. Mọi người khuyên mãi chị mới thôi ôm đồm nhưng lại xoay qua tiện tặn, ăn uống kham khổ. Tết chị cũng không về quê cho đỡ tốn kém. “Ai cũng bảo tôi tham việc nhưng một mình tôi vừa phải lo cho con vừa phụ giúp cha mẹ già nên tôi phải cố chứ Tết nhất ai lại chẳng muốn được gần con, gần cha mẹ. Mỗi lần về quê là lại nợ nần…”- nói đến đây, giọng chị Hoa nghẹn lại.

Cũng như chị Hoa, chị Huỳnh Thị Bé Sáu (Công ty Thành Kiệt, quận Bình Tân) cũng không về quê ăn Tết mà ở lại làm thêm kiếm tiền lo cho đứa con bị bệnh. Chị cho biết: “Tết nào cũng vậy, nếu không về quê thì tôi đi bán vé số mấy ngày Tết để kiếm thêm tiền lo chữa trị cho con. Không được về quê ăn Tết với gia đình cũng buồn nhưng vì con, phải hi sinh vậy”.
 Bài và ảnh: Thanh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét