Didi Kirsten Tatlow
Bắc Kinh — Một năm qua, chiếc ghế màu xanh để trống của Lưu Hiểu Ba tại lễ trao Giải Nobel Hòa Bình ở Oslo hồi tháng 12/2010 gần như là vật duy nhất nhân danh khôi nguyên bị cầm tù này trò chuyện với thế giới.
Nay sắp có cuốn sách mới lấp đầy khoảng không im lặng đó.
“No Enemies, No Hatred” (Không thù, không oán) sắp được Harvard University Press xuất bản vào tháng 1/2012, là tuyển tập bằng tiếng Anh đầu tiên tập hợp các tác phẩm của Lưu Hiểu Ba, cựu giáo sư đại học bị kết án 11 năm tù từ tháng 12/2009 vì tội “xúi giục lật đổ nhà nước”.
Sách gồm hơn hai chục bài tiểu luận và 15 bài thơ viết từ năm 1989 đến 2009 và một tuyển tập tài liệu mô tả con đường Lưu Hiểu Ba đi qua các tòa án và bước vào tù. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Perry Link, một trong ba chủ biên, nhận xét rằng cuốn sách này là “một trong những phân tích ấn tượng nhất về Trung Quốc ngày nay”, đồng thời là một lời cảnh báo quan trọng đối với những ai hy vọng rằng quốc gia giàu tiền lắm bạc này có thể “cứu” nền kinh tế thế giới.
Nguồn: Harvard University Press
Ông Link, một học giả hàng đầu về văn học Trung Quốc hiện đại tại Đại học California, Riverside, nói: ”Hình ảnh của Trung Quốc ở phương Tây chỉ là hời hợt nếu so với khắc họa của Lưu Hiểu Ba”.
Ông nói: “Ông thấy rõ những vấn đề, chuyện tham nhũng, và thói đàn áp lưu manh. Đó là cái đất nước Trung Quốc do Đảng Cộng Sản kiểm soát, có lắm tiền và có thể cố gắng cứu đồng euro, và muốn tiếp quản Biển Đông, rồi đến điều ông thực sự bàn đến là dân thường và những vấn đề thường ngày ở đáy xã hội”.
“Ông quả là quan tâm đến rất nhiều mảng đề tài. Và ông lý giải từ những nguyên tắc căn bản nhân văn theo cách tôi thấy rất đáng ngưỡng mộ. Có những nhân vật bất đồng chính kiến khác tôi ngưỡng mộ từng vào tù ra tội, như Ngụy Kinh Sinh, Từ Văn Lập, và Vương Đan, nhưng không có ai trong số những nhà trí thức đó gây ấn tượng mạnh như Lưu Hiểu Ba.”
Lời nói cuối cùng của Lưu Hiểu Ba trước tòa vào tháng 12/2009* được dùng làm tựa đề cuốn sách này; hiện ông đang thụ án ở nhà tù Cẩm Châu thuộc tỉnh Liêu Ninh ở miền đông bắc. Vợ ông, Lưu Hà, là người tuyển chọn thơ, đang bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh. Ông Link đã bị cấm vào Trung Quốc trong gần 17 năm qua, còn Liệu Điền Thất (Tienchi Martin-Liao), chủ tịch Độc Lập Trung Văn Bút Hội, người tuyển chọn tiểu luận, đã không được nhập cảnh hồi đầu năm nay. Những trường hợp cấm đoán này có thể minh họa một chủ thuyết chính trong những tác phẩm của Lưu Hiểu Ba: Trung Quốc ngày nay mang tính ”hậu chuyên chế”, nhưng vẫn là chế độ độc tài. Ông viết rằng chế độ này cấp thiết cần phải cải cách.
Phát biểu như vậy đã đưa Lưu Hiểu Ba vào tù bốn lần kể từ những cuộc phản kháng đòi dân chủ bị đàn áp năm 1989 mà ông nổi bật trong số những người tham gia và sự kiện đó được ông gọi là “bước ngoặt” trong đời ông.
Lần đi tù gần đây nhất của ông là do bị buộc tội đăng tải trên Internet những tiểu luận mà các quan tòa xử ông cho rằng thể hiện “ác tâm chủ quan thâm hiểm” đối với “chế độ chuyên chính dân chủ nhân dân”, và tội góp phần soạn thảo Hiến Chương 08, lời kêu gọi tự do chính trị mô phỏng theo Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc (Václav Havel, đồng tác giả của Hiến Chương 77, viết lời tựa cho cuốn sách mới này của Lưu Hiểu Ba.)
Lưu Hiểu Ba viết khỏe đến phi thường — 17 cuốn sách, bao gồm những tuyển tập bài báo và thơ, và hàng trăm tiểu luận — và ban chủ biên cho biết chọn lựa tác phẩm không phải dễ dàng. Tuy nhiên, những áng văn của ông rất tự nhiên xếp thành bốn chủ đề chính.
Phần “Hiếu chiến và Du côn” là một phân tích khiến độc giả não lòng về những căn nguyên thiên triều và Mao-ít của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ngày nay, xuất phát từ “tính kiêu căng và thói vị kỷ cố hữu” của Trung Quốc, mà khi đối mặt với tính ưu việt về kỹ thuật của phương Tây lại mắc kẹt “trong vòng luẩn quẩn giữa tự ti và tự tôn”.
Trong phần “Bối cảnh Tinh thần của Trung Quốc Hậu Chuyên chế”, ông khảo sát “hố sâu ngăn cách vời vợi” về các giá trị, trong đó người ta phút trước nguyền rủa Mỹ, phút sau phấn khởi nhảy lên máy bay sang Mỹ du học. Ông nói, trong Thời đại Hoài nghi này, người ta có “tính cách hai mang”, ở nhà khinh bỉ nhà nước, ra đường ca ngợi chế độ, mưu cầu lợi ích vật chất. “Cả hai thái độ hành xử này đã ăn sâu thành nếp.” Ông lên án đảng, nhưng cũng đổ lỗi cho “tính tiểu nhân hẹp hòi” của Khổng giáo.
Trong phần “Chó hoang ngày xưa thành chó giữ nhà ngày nay”, ông chỉ trích giới trí thức Trung Quốc vì họ không suy nghĩ độc lập.
Ông viết: “Khi Hán Vũ Đế (156-87 trước CN) công bố phán quyết ‘chỉ tôn kính Khổng giáo’ chính là lúc giới trí thức Trung Quốc bước vào địa ngục trần gian, vì bấy giờ họ chẳng khác nào đầy tớ cho quyền lực.”
“Đã tổn thất đến dường nào cho người Trung Quốc vì nhà tư tưởng cá biệt này — Khổng Tử, một người rất quỷ quyệt, rất uyển chuyển, rất vị lợi, rất lõi đời, né tránh trách nhiệm [phục vụ] công chúng và không đồng cảm với người chịu đau khổ — trở thành hiền nhân và tấm gương mẫu mực của họ trong hai ngàn năm?”
Trong phần “Đằng sau ‘Phép lạ Trung Quốc’”, Lưu Hiểu Ba nhìn thấy “‘phép lạ’ của tham nhũng có hệ thống, ‘phép lạ’ của một xã hội bất công, ‘phép lạ’ của suy đồi đạo đức, và ‘phép lạ’ của một tương lai bị phung phí.”
Từ năm 1989, ông viết, cuộc mưu cầu tiền bạc trong một môi trường bất chính đã tạo ra “một thiên đường của bọn quý tộc cướp cạn”.
“Chỉ bằng tiền Đảng mới có thể duy trì quyền kiểm soát các thành phố lớn của Trung Quốc, thâu nạp giới chóp bu, thỏa mãn động cơ của nhiều người muốn làm giàu nhanh và đập tan sự kháng cự của bất cứ nhóm đối lập nào mới ra đời. Chỉ bằng tiền Đảng mới có thể mặc cả với các cường quốc phương Tây; chỉ bằng tiền Đảng mới có thể mua đứt những nhà nước lừa đảo và mua lấy ủng hộ ngoại giao.”
Tuy nhiên, Lưu Hiểu Ba tìm thấy hy vọng trên mạng Internet. Năm 1999, về nhà sau ba năm cải tạo trong một trại lao động, ông thấy vợ mình đã lắp một máy vi tính có nối mạng. Điều đó đã thay đổi đời ông.
“Internet như một cỗ máy kỳ diệu,” ông viết. “Bây giờ tôi thậm chí sống được bằng tác phẩm của mình.”
Lưu Hiểu Ba “có thói quen viết không sợ sệt”; ông Link nhận xét như vậy trong lời giới thiệu. Thời gian ở trại cải tạo đã khiến ông trở nên ”phi cải tạo”.
Tuy nhiên điều đó vẫn không làm khuây khỏa cảm giác tội lỗi của ông vì đã sống sót sau vụ thảm sát 1989 trong khi hàng trăm, có thể hàng ngàn người đã chết trong đợt đàn áp của quân đội. Nổi bật là một dòng thơ ông viết về Tưởng Tiệp Liên, 17 tuổi, con một của Đinh Tử Lâm, nữ giáo sư triết học đã thành lập Những Bà Mẹ Thiên An Môn, tổ chức dành cho thân nhân của những người bị sát hại.
Trong bài “Mười bảy tuổi đời của em”, ông viết, giây phút đó, “mọi bông hoa đều hóa thành một màu duy nhất”.
Ông lấy đâu ra sức mạnh để phát biểu thẳng thắn bất chấp bị áp bức nặng nề? Ông viết:
Tưởng nhớ họ, những người vô tội đã khuất,
Tôi đành phải rút dao, bình thản
Đâm vào mắt mình
Phải lấy mù lòa
Để mua khối óc sáng ngời
Vì ký ức đau như xẻ thịt lóc xương đó
Chi bằng ta khước từ
Như chưa hề thấy.
* Tại lễ trao giải ở Oslo, nữ diễn viên Liv Ullman đọc bài phát biểu dài mà Lưu Hiểu Ba đã soạn cho phiên tòa năm 2009, trích: “Tôi vẫn giữ những niềm tin tôi đã bày tỏ trong ‘Tuyên ngôn Tuyệt thực ngày 2 tháng 6′ cách đây hai mươi năm - tôi không có kẻ thù và không oán hận ai. Không ai trong những công an đã theo dõi, bắt, và hỏi cung tôi, không ai trong những công tố viên đã buộc tội tôi, và không ai trong những quan tòa đã xét xử tôi là kẻ thù của tôi cả.”(Theo lời giới thiệu sách trên trang Harvard University Press, N.D.)
Bản tiếng Anh: In New Book From Dissident, a Warning on China, The New York Times, 30/11/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/12/08/luu-hieu-ba/
Đọc thêm trên blog này: (1) Bỏ xứ Trung Quốc mà đi; (2) Khi văn chương bị thiến, và nhà văn là tội phạm ngôn từ
Nguồn: Lên Đông Xuống Đoài
Những kiểu và mẫu
Trả lờiXóabao da iphone 6
hoặc 6 plus đẹp cao cấp giá rẻ nhất tại tphcm chỉ có ở Decalsaigon.