Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Sửa Luật Đất đai: Nên công nhận quyền sở hữu đất


 

( Ông cha tôi lên Thái Nguyên từ thế kỷ 14 khai phá được 7 mẫu ruộng. Số ruộng này được truyền qua bao đời. Trải qua bao biến cố lịch sử dưới thời nhà Minh, Lê, Thanh, Nguyễn, Pháp thì ruộng đất vẫn còn để đời này truyền cho đời khác. Nhưng sau khi hợp tác hóa nông nghiệp 1960 thì mất hết ruộng đất. Con cháu bây giờ phải làm đủ mọi nghề, kể cả những nghề hèn hạ để kiếm sống. Trong khi đó, những ông địa chủ đỏ khác mới nổi lên, không mất giọt mồ hôi nước mắt nào, chỉ qua vài lần cưỡng chế và mua bán trao tay là đã có những mảnh đất trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhà nước nầy có phải Do Dân, Vì Dân hay đang được cầm quyền bởi một băng đảng mafia?  

Phải trả quyền sở hữu đất đai lại cho dân... đừng để sự việc trở nên quá muộn! ) Diễn Đàn Công Nhân

 

TS Tô Văn Trường

Việc công nhận quyền sở hữu đất kèm theo những điều luật phân định rõ ràng về sở hữu cá nhân đồng thời quy định cụ thể về quản lý, giữ gìn, khai thác đất công sẽ giúp quản lý đất đai hiệu quả hơn

Nhiều quốc gia xây dựng Hiến pháp trên cơ sở phúc quyết của toàn dân, được nhân dân đóng góp, tạo nên một bản Hiến pháp để làm cơ sở xây dựng các luật đi kèm, người ta gọi đó là chiều thuận.
Tuy nhiên, có trường hợp Hiến pháp đã lỗi thời so với nhu cầu phát triển của đất nước, người ta có thể xây dựng các đạo luật cấp bách, tới thời hạn phải làm trước để chuẩn bị cho việc sửa đổi bản Hiến pháp, tốt hơn.
Đây là bài toán ngược nhưng vẫn có thể giải được một cách hợp lý. Hay nói cụ thể hơn là cho trường hợp của Việt Nam hiện nay, do yêu cầu cấp bách phải sửa Luật Đất đai trước khi sửa Hiến pháp năm 1992.
“Rối như canh hẹ!”
Vấn đề có tính chất thời sự được người dân rất quan tâm là việc sửa Luật Đất đai phải làm thế nào để sau này khi sửa Hiến pháp, Luật Đất đai sửa đổi vẫn nằm trong cùng một mạch tư duy, đạt được tính thực tiễn để việc thực thi được minh bạch, đồng thời bảo đảm việc quản lý đất đai được hiệu quả.      

Luật Đất đai 2003 với 7 chương, 146 điều, ngay cả những người có học vấn cũng thấy nhức đầu vì diễn đạt dài dòng, nhiều thuật ngữ rất khó hiểu.
Nội dung nhiều chỗ lấp lửng, có thể hiểu thế nào cũng được, không hiếm nội dung bị trùng lặp và không rõ nghĩa.
Ngay cả điều 4 gồm định nghĩa các thuật ngữ nhưng càng đọc càng thấy “rối như canh hẹ”! Điều 10 và điều 140 liên quan đến việc đòi lại đất, quyền sử dụng đất rất tùy tiện, xen cả động cơ cá nhân.

Điểm 26: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ về đất đai”.
Giải nghĩa mà lại đi biến một cụm từ dễ hiểu trở thành rối rắm. Đúng ra, chỉ cần viết: “Tranh chấp đất là hai hoặc nhiều bên tranh giành quyền sử dụng đất trên cùng một thửa đất”…
Những quy định dưới luật và một số chính sách đền bù đi kèm cũng không quá thiếu nhưng do một bộ phận cán bộ các cấp cố tình vận dụng méo mó, không lấy lợi ích của người dân làm trọng nên chúng ta đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn trong khâu giải quyết hậu quả.
Một khi mỗi cán bộ, viên chức đích thực là công bộc của dân chứ không phải là những kẻ cơ hội thì tranh chấp, khiếu nại về đất đai mới vơi giảm.
Dễ quản lý nếu rạch ròi quyền sở hữu
Đành rằng, có cái vướng trong Hiến pháp về vấn đề sở hữu đất đai. Ngay bây giờ, nếu đặt vấn đề thừa nhận quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp mới - sẽ sửa - cũng phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ đường đi nước bước cũng như cách thực hiện. Vấn đề này không đơn giản.
Tuy vậy, 5 quyền sử dụng đất đã “thay thế” gần như trọn vẹn vấn đề sở hữu đối với phần đất đai đã được trao (cấp) cho người dân dưới dạng “5 quyền sử dụng”. Câu chuyện ở đây là vận dụng “sở hữu toàn dân” vào việc thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất quá chung chung, mơ hồ.
Chúng ta nói “sở hữu toàn dân” nhưng việc quản lý đất công yếu kém, việc quy hoạch phát triển bị thao túng do những nhận thức mơ hồ trong khái niệm “Nhà nước quản lý” nên đang diễn ra tình trạng mạnh ai nấy lấn chiếm.
Trong khi đó, ở các nước công nhận quyền sở hữu đất thì có những điều luật phân định rõ ràng về sở hữu cá nhân và quy định cụ thể việc quản lý, giữ gìn, khai thác đất công cho việc công.
Nhờ đó, quỹ đất công được quản lý tốt, việc thu hồi đất tư làm việc công cũng là một quy trình sòng phẳng, thuận lý, công minh nên khi Nhà nước cần đất để phát triển thì việc triển khai các công trình không bị cản trở.
Sắc lệnh tạm thời cho đất hết hạn?
Thời hạn 20 năm sử dụng sản xuất đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối theo Luật Đất đai 1993 sẽ hết hạn vào năm 2013.
Luật Đất đai cũng quy định việc được gia hạn nếu sử dụng đất có hiệu quả nhưng khi tổng kết việc thi hành Luật Đất đai sau 10 năm, các cơ quan quản lý chưa thống nhất được việc hết hạn thì chia lại ruộng đất hay kéo dài vô thời hạn.
Trong nhân dân hiện nay có tâm lý lo sợ sự xáo trộn đất đai nên nhiều người có đất dễ dàng chấp nhận giá đền bù rẻ mạt của nhà đầu tư nhưng cũng có tâm lý cứ bán đất rồi chờ đến năm 2013, Nhà nước sẽ chia lại ruộng đất! 
Do tính cấp bách của vấn đề và với mục đích an dân, thiển nghĩ các cấp lãnh đạo cần có giải pháp về hiệu lực của những loại giấy quyền sử dụng đất của cá nhân cũng như tổ chức đang sắp hết hạn.
Đó có thể là một sắc lệnh đặc biệt cho phép thời hạn này được kéo dài cho đến khi có quy định mới theo Luật Đất đai sửa đổi.
Các sắc lệnh khẩn cấp giải quyết những sự việc nóng bỏng đã có tiền lệ trong nhiều thời kỳ lịch sử của nước ta. Điều đó thể hiện sự nhạy bén của người lãnh đạo, trước những vấn đề cấp thời phải có giải pháp hợp đạo lý và mong mỏi thiết tha của người dân, bởi vì sự phát triển tất yếu của pháp luật là phải theo kịp đời sống và phục vụ con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét