Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012
3 “nhát dao” chặt đứt đường lưỡi bò
Theo Petrotimes
Việc thăm dò và vẽ lại bản đồ Biển Đông được phối hợp bởi 13 cơ quan, trong đó có cả Bộ Công an... nhằm tuyên bố lập trường của Trung Quốc về lãnh thổ diễn ra đồng thời với việc khủng bố ngư dân Việt Nam thể hiện thái độ gây hấn của Trung Quốc.
Zhang Yunling, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Học viện KHXH Trung Quốc vừa khẳng định việc thăm dò và vẽ lại bản đồ Biển Đông được phối hợp bởi 13 cơ quan, trong đó có cả Bộ Công an... nhằm tuyên bố lập trường của Trung Quốc về lãnh thổ diễn ra đồng thời với việc khủng bố ngư dân Việt Nam thể hiện thái độ gây hấn của Trung Quốc.
Về luật mà nói…
Chỉ nội cái việc chưa bao giờ dám thẳng thắn đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế đã cho thấy Trung Quốc tự biết họ yếu thế như thế nào trong luận điểm về chủ quyền Biển Đông. Đã là “cây ngay” thì cớ gì phải sợ “chết đứng”?! Tất cả những gì có thể “nặn ra” để bảo vệ đường lưỡi bò đều là cưỡng từ đoạt ý. Như đã biết, Trung Quốc đã “quốc tế hóa” luận thuyết “đường lưỡi bò” vài năm gần đây.
Tháng 5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên gửi kèm tấm bản đồ “đường lưỡi bò” trong lá thư đệ trình Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa (CLCS) với nội dung phản đối cách tính thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia. Ý tưởng “đường lưỡi bò” xuất hiện năm 1947 khi Trung Hoa Dân Quốc đưa ra một bản đồ với 11 vạch uốn éo tạo thành hình chữ U bao bọc gần như trọn khu vực Biển Đông.
Sau khi tuyên bố độc lập năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục sử dụng bản đồ trên, với sự “giản lược” bớt hai vạch (còn 9 vạch) sau năm 1953. Từ đó, cái “hình minh họa” với “đường lưỡi bò” 9 vạch bắt đầu được xem là bản đồ chính thức của Trung Quốc trong tất cả cuộc tranh luận về phân định biên giới lãnh hải tại Biển Đông với các nước khu vực. Lý lẽ tối giản của “đường lưỡi bò” là những gì nằm bên trong nó, từ các hòn đảo đến “đảo liền kề” và “vùng biển liên quan”, đương nhiên phải thuộc Trung Quốc, dù những thuật từ trên chưa bao giờ được sử dụng trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)!
Xét về mặt luật, luận điểm “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có giá trị pháp lý quốc tế. Lori F. Damrosch, Giáo sư Công pháp quốc tế thuộc Đại học Columbia (Mỹ), đã vạch ra rằng những đảo nhỏ mà Trung Quốc đưa ra như là một phần của biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để có hải phận riêng. Và nhận định về “đường lưỡi bò”, một trong những chuyên gia luật hàng hải hàng đầu châu Âu, Giáo sư Erik Franckx thuộc Vrie Universiteit Brussel (Bỉ), kết luận (trong một cuộc hội thảo Biển Đông tại TP HCM) rằng, tấm bản đồ “đường lưỡi bò” hoàn toàn “thiếu cơ sở thuyết phục” và do đó nó sẽ “gây ra nhiều phiền toái nếu tiếp tục được xem như là một phần trong chính sách của Trung Quốc lẫn của Đài Loan”.
Bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển Latinh – Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838 vẽ một phần của “Paracel hay Cát Vàng” (Paracel seu Cát Vàng) vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay (ảnh và chú giải: Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Và trong cuộc hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông tại Washington DC giữa năm 2011, giới nghiên cứu quốc tế tiếp tục đập bẹp cái “lý thuyết chủ quyền” bằng luận điểm đường lưỡi bò cùng những “cơ sở lịch sử của nó”. Ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban thư ký ASEAN, nói: “Tôi không cho rằng UNCLOS có thể xem lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền”. Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ nhận định: “Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS”.
Rồi chuyên gia luật biển lừng danh Caitlyn Antrim, Giám đốc điều hành Ủy ban Pháp quyền đại dương Hoa Kỳ, bồi thêm: “Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường lưỡi bò đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Đối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó”…
Quan trọng nhất trong tất cả những điều quan trọng khi đề cập yếu tố (thiếu) cơ sở pháp lý của Trung Quốc là cái đường lưỡi bò của họ chẳng có tọa độ cụ thể gì cả. Liệu họ có thể nói chuyện một cách đứng đắn và có tư cách khi tranh luận về ranh giới chủ quyền cái mảnh đất nhà họ với người láng giềng, trong khi chẳng hề đưa ra rõ ràng và chính xác lằn ranh phân định diện tích mảnh đất mà họ đang giành, có thể nghe được như thế không? Họ chỉ tự tiện vẽ khoắng một khu vực rồi ngang ngược ngông cuồng nói nó thuộc về họ, có thể được chấp nhận sao? Liệu họ có đủ can đảm ra tòa không?
Về lịch sử mà nói…
Cần nhấn mạnh, tấm bản đồ đường lưỡi bò năm 1947 (có tài liệu ghi năm 1948) của Tưởng Giới Thạch là nằm trong một tập bản đồ tư nhân chứ không phải do nhà nước xuất bản. Và cần nhấn mạnh thêm rằng, những tấm bản đồ phổ biến hiện nay có vẽ đường lưỡi bò và được trưng ra làm “cơ sở lịch sử” đều được Trung Quốc phát hành từ năm 1950 trở về sau, chứ chẳng phải bản đồ cổ được in lại. Nó cho thấy rõ ràng là ngay cả việc vận dụng yếu tố lịch sử chủ quyền của Trung Quốc đã có một lỗ hổng to.
Năm 1951, trong Hội nghị San Francisco, đại diện Việt Nam đã nêu rõ: “Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên bố của phái đoàn Việt Nam… xác nhận (rằng) chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Chẳng quốc gia nào trong 51 nước tham dự Hội nghị San Francisco phản bác ý kiến trên. Là vì, chủ quyền Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa đã quá rõ ràng.
Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn khoảng năm 1838, đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam (ảnh và chú giải: Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Năm 1974, trong quyển Les archipels de Hoàng – Sa et de Trường – Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie” (Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý – ảnh), nhà Nghiên cứu Võ Long Tê đã đưa ra nhiều tài liệu cổ, từ Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư (có lẽ được soạn thời Chúa Trịnh); Phủ biên tạp lục của cụ Lê Quý Đôn, rồi Lịch triều Hiến Chương Loại chí của cụ Phan Huy Chú, Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định đại nam hội điển sử lệ, Đại Nam nhất thống chí, đếnQuốc triều sử toát yếu… để chứng minh hùng hồn và xác thực rằng Hoàng Sa và Trường Sa (hai trong vô số quần đảo ở Biển Đông nằm trong cái đường lưỡi bò) là thuộc Việt Nam… Và trong luận án tiến sĩ đề tài chủ quyền Trường Sa – Hoàng Sa năm 2002, sử gia Nguyễn Nhã cũng nói rõ như sau:
Một là, nhà nước Việt Nam trong ba thế kỷ từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đã tổ chức đội Bắc Hải đi tìm kiến hải vật ở khu vực Bắc Hải tức khu vực quần đảo Trường Sa và cả Côn Đảo, Hà Tiên cũng ở phía Nam của Đại Việt. Phủ Biên Tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn và rồi Đại Nam Nhất Thống Chí (khởi soạn 1848, in năm 1910) của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đều khẳng định: “Đội Bắc Hải, khiến đội Hoàng Sa kiêm quản, ra Bắc Hải, các đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật”. Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn còn cho biết thêm rằng, sở dĩ nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm quản đốc đội Bắc Hải này vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật kể trên mà thôi tức là những mặt hàng đồi mồi, hải ba, đôn ngư (cá heo lớn như con heo), lục quý ngư, hải sản (con đỉa biển), còn những vàng bạc và các của cải quý báu khác thì ít khi họ tìm kiếm được. Vậy là do đội Bắc Hải ít khi tìm kiếm được các sản vật quý trong đó có vàng bạc hay súng ống nên các chúa Nguyễn đã để cho cai đội Hoàng Sa kiêm quản (…).
Hai là, Trường Sa chịu sự quản lý hành chính của Quảng Ngãi. Bởi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được coi là một. Tỉnh Bình Thuận chỉ cung cấp suất đinh cho đội Bắc Hải mà thôi. Mà chúng ta đã biết Hoàng Sa nằm trong cương vực, vùng biển của Quảng Ngãi, do Quảng Ngãi quản hạt. Đến năm 1933, quần đảo Trường Sa mới được tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ) quản lý về mặt hành chính. Năm 1956, tỉnh Bà Rịa được đổi tên là Phước Tuy (Nam Bộ). Năm 1982 lại do tỉnh Phú Khánh (Trung Bộ) quản lý và trở thành một huyện đảo.
Đây là một trong những bản đồ trong “Phủ Biên tạp lục” do cụ Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776. Lê Quý Đôn mô tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa – Trường Sa và công việc khai thác của Chúa Nguyễn đối với hai quần đảo này (ảnh và chú giải: Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Ba là, những hoạt động liên tục, định kỳ của thủy quân từ đầu nhà Nguyễn, cụ thể bắt đầu từ năm 1816 tại quần đảo Hoàng Sa mà như ta đã biết thời kỳ này Hoàng Sa và Trường Sa là một. Đó là những việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ của thủy quân, việc cắm mốc chủ quyền, dựng bia thành lệ hàng năm đến từng hòn đảo được ghi trong sách Hội Điển triều Minh Mạng.
Bốn là, năm 1933 khi chưa có nước nào, kể cả Trung Quốc đặt vấn đề chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã tổ chức chiếm hữu theo nghi thức truyền thống phương Tây. Như thế, nhân danh Vương quốc An Nam theo Hiệp ước Pháp – Việt 1874 cũng như Hiệp ước 1884, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã chính thức chiếm hữu Trường Sa trong tình trạng không có nước nào chiếm hữu (…). Điều cần nói thêm là, khi chính quyền thực dân Pháp tổ chức chiếm hữu theo nghi thức truyền thống phương Tây vào năm 1930 đến 1933, thì cũng chưa có một quốc gia thứ ba nào đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (Spratley).
Năm là, ngoài sự sáp nhập Trường Sa về mặt hành chính của chính quyền thực dân Pháp vào cảng Bà Rịa – Vũng Tàu, đất Nam Kỳ theo Hiệp ước Pháp Việt 1862, 1874. Chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã có những hành động cụ thể như xây dựng bia chủ quyền, xây dựng trạm khí tượng, trạm vô tuyến ở đảo Itu – Aba cùng trại binh ở quần đảo Trường Sa. Suốt thời gian từ năm 1927 đến 1945, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã thường xuyên tổ chức khảo sát hay khai thác ở quần đảo này.
Sáu là, các chính quyền ở Việt Nam có trách nhiệm quản lý vùng Biển Đông trong các thời kỳ chủ quyền bị xâm phạm cũng luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa (…). Chúng ta cần lưu ý rằng, chế độ cai trị ở Nam Kỳ mà quần đảo Trường Sa được sáp nhập là chế độ thuộc địa, trực trị khác với chế độ bảo hộ ở miền Trung. Vì thế cung cách xử lý chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Pháp cũng khác với Hoàng Sa, ngoài việc nhân danh Vương quốc An Nam theo Hiệp định 1884, Pháp còn nhân danh chính quyền thực dân trực trị để chiếm hữu Trường Sa, nên đã làm thủ tục nghi thức truyền thống phương Tây. Song dù với danh nghĩa gì đi nữa thì việc sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa, lãnh thổ của Việt Nam là một thực tế, đã có một giá trị pháp lý quốc tế trong khi chưa có một nước thứ ba nào chiếm hữu thực sự quần đảo Trường Sa.
Bảy là, từ sau tháng 4/1956, khi quân viễn chinh Pháp rút, các chính quyền ở Nam Việt Nam quản lý Trường Sa, luôn có những hành động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Đến năm 1975, khi giải phóng miền Nam Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản, tiếp tục trấn giữ, thực thi chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên quần đảo Trường Sa. Mọi sự xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc cũng như các nước khác trong các thời kỳ đã qua cũng như hiện nay đều vi phạm pháp lý quốc tế.
Phần mình, Trung Quốc đưa ra bằng chứng gì? Một trong những bằng chứng của họ là dấu vết những đồng bạc và cổ vật Trung Quốc rải rác tại Hoàng Sa – Trường Sa (cũng như một số hòn đảo khác trong Biển Đông). Rõ quá còn gì, không có người Trung Quốc đặt chân đến sống thì làm sao có những đồng xu và vật dụng Trung Hoa ở đó! Quả thật là cực kỳ thuyết phục! Hảo lý, hảo lý! Thế, liệu các cuộc khảo cổ cũng tìm thấy đồng xu Pháp hoặc Tây Ban Nha tại Thượng Hải thì Thượng Hải thuộc chủ quyền Pháp và Tây Ban Nha à? Vậy liệu Hải Nam (Trung Quốc) khai quật được tiền xu cổ của người Việt thì nên chăng Việt Nam bây giờ cũng có thể “đương nhiên” khẳng định, với “chứng cứ lịch sử không thể chối cãi”, rằng Hải Nam là của Việt Nam?
Về tính chính danh mà nói…
Bởi lập luận của họ thiếu tính pháp lý và cũng chẳng đủ bằng chứng lịch sử nên cuối cùng cái sự nhăng cuội của họ đã làm họ mất đi cái tính chính danh. Mà đã không có tính chính danh thì không đáng mặt quân tử – văn hóa triết học Trung Hoa cổ đã chỉ ra như vậy. Xin nhớ cho rằng, “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận; ngôn bất thuận tắc sự bất thành”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét