Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012
"Các Mác" và " Các Bác"
Hạ Đình Nguyên
Dạo này, bỗng dưng thấy nhiều bác về hưu tìm đọc về ông Các Mác, dĩ nhiên không phải là sách nguyên bản, cũng không phải sách chính thống trong luồng, mà sách nói về Mác của các học giả phương Tây, mới xuất bản trong thời gian gần đây. Tôi trân trọng và có nhiều cảm xúc về sinh hoạt này.
Cả đời các bác dành cho chiến đấu, băng rừng, lội suối, sống trong bưng biền, cả các bác sống và hoạt động ở nội thành, len lỏi giữa cái sống, cái chết trong đường tơ kẻ tóc, thời giờ đâu mà đọc, mà nghiên cứu! Vả lại, việc chiến đấu chống xâm lược là cần kíp, cầm súng cái đã. Sách vở ích gì cho buổi ấy! Các bác khi ra đi đã từng nói thế và nghe thế, khi tiếng súng cách mạng đầu tiên đã nổ. Chuyện học hành, vào thời chống Mỹ, các bác đã ưu ái dành cho con, cho em gởi ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cả ở các nước anh em Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc… dạy dỗ, lo gì! Nguyện vọng học hành các bác đặt hy vọng vào thế hệ sau, để mai này phát triển đất nước. Nhiệm vụ các bác là giành Độc lập. Biết bao cảm động: “Nghe em vào đại học / Nửa tin nửa ngờ tên lại trùng tên / Hôm nay nhận được thư em / Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng / Anh ngồi đây thấy trời hửng nắng / Trên Hồ Gươm và trên mái đầu em” (Giang Nam – Nghe em vào đại học). Tâm tình các bác là thế, niềm tin yêu là thế, có gì cao đẹp hơn được?
Còn các bác, thi thoảng, có cán bộ R về, hoặc ngoài Bắc vô, có giấy triệu tập, các bác vội vàng khăn gói, lương khô, theo đường dây eo ách tụ về rừng hoặc vùng ven để tập huấn, vài ngày, một tuần hay nửa tháng, học về tình hình nhiệm vụ là chính. Về chủ nghĩa cộng sản chỉ cũng sơ nét, tai nghe qua thôi, mà lòng dạ thì để ở chiến trường. Dù sao, các bác cũng nằm lòng những nét chính về một chủ nghĩa lý tưởng vượt cả không gian và thời gian, không gì đẹp hơn. Các bác kiên định lập trường, thề sống chết, thề hy sinh cho một tương lai tươi sáng của dân tộc và con cháu mai sau, cho một xã hội vô cùng đáng yêu. Từ nhà tù Côn Đảo, các bác làm thơ gởi về: “Xương tôi, tôi bắt nên cầu / Cho đàn con bước lên lầu Tự Do!” (Hoàng Cầm – Đêm Liên hoan). Và thơ miền Bắc gởi vô, hứa hẹn một xã hội: “Người yêu người, sống để yêu nhau” (Tố Hữu – Bài ca mùa xuân 1961). Một xã hội không còn “giai cấp”, không còn “người bóc lột người”. Trẻ em tự do đến trường không có học phí, người bệnh, bất kể giàu nghèo, đến bệnh viện không mất tiền. Mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đảng cầm đầu một sức mạnh vô song “chuyên chính vô sản” thề chiến đấu, chôn vùi chủ nghĩa tư bản đế quốc xuống tận bùn đen. Tuy nhiên, cũng cần phải qua một bước chuẩn bị, gọi là giai đoạn “quá độ” lên xã hội xã hội chủ nghĩa, mà ít ra, “miền Bắc đã có 30 năm kinh nghiêm xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Các bác đã yên tâm chiến đấu, chờ đợi và hy vọng một ngày Độc Lập Tự Do sẽ đến.
Và ngày đó đã đến. 30-4-1975. Cả nước reo hò vì sạch bóng quân xâm lược và “thống nhất Nước Nhà về mặt Nhà Nước”. Niềm vui to lớn che lấp một điều chưa nghĩ kịp: một bộ phận dân chúng, hằng triệu người không kể tuổi tác, đã ôm thúng vượt biển bất kể sống chết. Có nhiều bác băn khoăn, sao họ lại sợ lý tưởng cộng sản đến thế? Họ hiểu lầm quá đáng chăng? Họ bị tuyên truyền sai lệch có phần oan uổng! Hôm nay, ngày đó lại sắp đến của năm thứ 37, thử ôn lại một cách thật ngắn của chặng đường dài.
Các bác cắm cúi xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó cứ vướng mắc lung tung, càng ngày càng ngỡ ngàng với cái “30 năm kinh nghiệm” rất khó nuốt. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Các bác hiểu thời cuộc, chịu đựng, không than vãn và cố gắng hết sức mình. Mỹ thua cuộc, bèn quay ra cấm vận, mà thật ra cũng chưa thể nói thế! Ta đâu cần chơi với Tư bản. Đó là kẻ thù. Ta chơi với phe ta là đã đủ! Nhưng thật bất ngờ, chỉ mới chấm dứt chiến tranh có 4 năm sau, anh Ba o65nrung Quốc – từ lóng gọi trong chiến tranh) bỗng dưng chơi xấu, tràn quân vào phía Bắc, xua quân Khmer Đỏ đánh vào phía Tây Nam, lại toan chơi đường biển cùng đánh úp vào miền Trung. Ghì chân, ghịt đầu, chặt vào lưng. Kế “ba mặt giáp công” của chúng bị quân dân ta bẻ gãy, làm cho đại bại, một số bỏ mạng, đành rút tàn quân về, như bao lần lịch sử đã lặp lại. Kiệt hiệt thay, anh hùng Tổng chỉ huy Lê Duẩn! (Chúng ăn trộm Hoàng Sa khi ta còn đang chống Mỹ 1974, tạm thời chưa nói tới được)! Anh Hai (Liên Xô) to khỏe, bất ngờ lăng đùng ra chết, mà “tự diễn biến” chứ không ai thọc gậy hay tay chân gì vào đây cả! Anh Ba lại không ngừng cho bọn thảo khấu quấy phá, lấn chiếm từng chút đất biên giới một cách bần tiện, rồi chiếm liền 5 đảo ở Trường Sa, hà hiếp ngư dân đánh cá ở Hoàng Sa, lũng đoạn kinh tế trên nhiều mặt, tạo nên nhũng vùng “tô giới” trong đất liền, đồng thời gây áp lực với tuyên bố “đường lưỡi bò” gây bất bình trong khu vực và thế giới.
Thế thì, phe xã hội chủ nghĩa ta nay còn đâu! Trong nước thì tham nhũng đều khắp, có hệ thống, các giá trị sống đều bị phá vỡ, nói dối và cách sống hai mặt. Chủ nghĩa xã hội là quá phức tạp! Tại sao nó lại lần lượt đổ đốn ra như thế? Nó sai từ đâu? Từ gốc hay do người thực hiện? Tại sao nó vẫn còn được “nhân danh” như một “quy hoạch treo”, bao trùm đời sống tinh thần và vật chất trên cả nước, mà sẽ không hy vọng có ngày “khởi công”? Sự thể hẳn là bất ổn, và bất ổn triền miên! Các bác cần tìm hiểu cho ra ngọn nguồn là cũng phải. Vâng, cái “quy hoạch treo xã hội chủ nghĩa” này không có nước nào làm được. Với Việt Nam (kể xa là 80 năm; nói gần, từ ngày chấm dứt chiến tranh đến nay gần 40 năm) chỉ thấy ngổn ngang và bệ rạc mọi mặt. Vậy học thuyết chủ nghĩa Mác là gì?
Khổng Tử của thời xa xưa (không dính dáng tới Trung Quốc ngày nay) có nói một câu tuy hơi quá, nhưng có lý: “Sáng nghe được Đạo, chiều chết cũng yên lòng” (Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ – Luận ngữ).
Các bác nay không còn trẻ, đều từ sáu, bảy, tám, chín mươi trở lên cả, bệnh tật lai rai hoặc cấp tập xuất hiện, nhưng cũng muốn biết cho rõ trắng đen, sai đúng để yên lòng nằm xuống, sau khi dặn dò con cái đôi điều, nếu có thể. Nghĩ gần là đám con cháu, nghĩ rộng ra là tương lai dân tộc. Cũng đôi khi ray rứt phận mình, về một ước mơ và hy sinh chưa thỏa đáng… Dù bản thân đã hết lòng vì đại cuộc, nhưng hình như các bác vẫn cảm thấy một phần nợ nần gì đó với dân tộc, nhất là nhớ lại cái ngày toàn dân kháng chiến, với bản Tuyên ngôn Độc lập mà cụ Hồ long trọng tuyên bố với Quốc dân. Sau đó là Hiến pháp 1946 ra đời đầy hứa hẹn, trong đó có chữ Độc lập, có chữ Dân chủ, mà ngày nay dường như Độc lập vẫn chưa rõ ràng, Dân chủ thì vẫn trắng tay. Lẽ ra, các bác hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, cái nợ này bao giờ trả cho nhân dân, cho lớp lớp những thế hệ đã nằm xuống, cho chính cái ý nghĩa về sự ra đời của Đảng? Sao lại đi tìm kiếm điều gì ở ông Các Mác?
Mạo muội thưa càn với các bác: Ông ấy – Các Mác – chết lâu rồi, đã đem theo tất cả những gì ông ấy có. Thời xưa, ông sống khổ, ăn thiếu thốn, ở nhà thuê chật chội, xây dựng phong trào cộng sản không thành công, cho đến khi nhắm mắt. Điều này chắc cũng giống như các bác ngày nay thôi. Nhưng những gì ông đã công hiến cho nhân loại – cũng như các bác đã cống hiến cho dân tộc – là góp phần tạo tiền đề cho nền dân chủ xuất hiện, vì một xã hội dân chủ và tiến bộ, đảm bảo cho giá trị làm người. Ông Mác, cùng phong trào cách mạng đã khám phá và chống lại sự bất công, áp bức, bóc lột, không hợp lý của thời kỳ đầu phát triển chủ nghĩa Tư bản, đã làm cho chế độ của các nước đương thời sợ hãi, vội vàng ra sức trấn áp, điều chỉnh, sửa chữa, tránh các nhược điểm, sau đó, cùng với trào lưu tiến bộ, các thể chế chính trị đã biến đổi, chuyển hóa cấu trúc xã hội tiến lên một trình độ mới, cao hơn, hợp lý hơn, nhân bản hơn, cuối cùng đã thành tựu một thể chế dân chủ,mà công đầu là Montesquieu, một nhà tư tưởng Pháp xuất sắc của thời đại. Đó là Hiến pháp đầu tiên mà nước Mỹ áp dụng cho nhân dân họ, cũng là đầu tiên trên thế giới, xác định quyền dân chủ của công dân, ra đời từ 1789, gồm ba quyền căn bản, với ba cơ quan độc lập: Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp, xác lập các quyền căn bản của nhân dân, và không cho phép xuất hiện điều kiện để sinh ra chế độ độc tài. Từ đó đến nay, khắp thế giới, trước sau lần lượt áp dụng thể chế này, dù mức độ cao thấp, hay dở có khác theo trình độ của mỗi nước, và cho đến nay, chưa có công thức nào khác, hợp lý hoặc hay hơn. Trong khi ở phương Tây phát triển về khoa học kỹ thuật, đưa đến sự bùng nổ về tư tưởng dân chủ và trào lưu văn hóa như thế, tại Pháp 1789, cả châu Âu 1848, thì ở phương Đông đang đắm chìm trong lạc hậu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, và tư tưởng phong kiến đang ngự trị, một số nước còn bị phương Tây xâm lăng, trở thành thuộc địa. Nước Nga dưới sự cai trị tàn tệ của chế độ phong kiến Nga hoàng, nước Tàu dưới sự cai trị của phong kiến Mãn Thanh, đồng thời bị đô hộ bởi nước Anh. Việt Nam, một nước nhỏ bên cạnh Trung Quốc, cũng nằm trong bối cảnh lạc hậu của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, và bị Pháp đô hộ… Nền văn minh và tư tưởng dân chủ phương Tây đã ảnh hương từng bước sang phương Đông. Phong trào cách mạng vô sản ở phương Tây, thời của Mác đã hoàn thành sứ mạng đấu tranh đưa đến thể chế mới, thì nay đã không còn tồn tại nữa, lại bắt đầu xanh cây bén rễ sau một trăm năm, ở các nước phương Đông nói trên, với những đặc điểm rất chính đáng của hoàn cảnh. Phong trào phát khởi từ nước Nga, rồi Trung Quốc, Việt Nam… Phong trào cách mạng vô sản tại các quốc gia này sau cuộc kháng chiến gian nan, đã thành công. Nga đánh đổ được phong kiến 1917. Trung Quốc đuổi được xâm lăng, giành đươc Độc lập 1949. Việt Nam, chính thức phất cờ 1945, trải qua 9 năm xương máu và cực kỳ gian khổ, giành lại được nửa nước, và 20 năm sau, 1975 mới giải phóng và thống nhất đất nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa, sau hơn 150 năm trào lưu dân chủ của các nước phương Tây. Trong tiến trình đó, thế giới diễn biến thành hai phe kéo dài suốt thế kỷ 20: phe xã hội chủ nghĩa và phe mà Mác gọi là tư bản chủ nghĩa. Phe tư bản chủ nghĩa từng bước chuyển hóa thành chế độ Dân chù mà Mỹ là biểu trưng và đứng đầu. Phe xã hội chủ nghĩa, sau khi giành được độc lập, biến thành chế độ Đảng trị hoặc Gia đình trị, không đem lại hạnh phúc cho nhân dân và không phát triển được xã hội, ngày càng chứng tỏ không phù hợp sự tiến bộ chung của thế giới, trong tình hình mới của thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập, cùng với sự phát triển công nghệ mới. Người “anh cả” Liên Xô đã chuyền sang thể chế Dân chủ, Bắc Triều Tiên thành chế độ Gia đình trị như một thứ quái thai, Trung Quốc đang vươn lên tham vọng bá quyền, hy sinh các giá trị căn bàn của nhân dân Trung Quốc và các nước lân bang để để phát triển mộng bành trướng siêu cường. Chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ là không thể thực hiện được, trên thực tế hiện nay là nó không có thật. Nhưng nó đang tiếp tục bị “nhân danh”, bằng một loạt từ ngữ với khái niệm cực kỳ mông lung, đồng thời là sự cai trị nhân dân rất cụ thể bằng hệ thống tổ chức, gọi tên là Chuyên Chính Vô Sản. Nó thật sự không liên quan gì đến chủ nghĩa Mác, mà chỉ là “đoạn đường nôi dài” nhân danh Mác của Lênin, Stalin, Mao và các đệ tử kế thừa. Họ đã nặn ra một thứ chủ thuyết với quan niệm về một nền “Dân Chủ Mới”, do Đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng có bản chất độc tài và tham nhũng, nó chỉ đưa lại một hiệu quả là kìm hãm sự phát triển của dân tộc. Bên trong thì không dân chủ, nên không thể phát triển sức mạnh của nhân dân, mà hệ thống tham nhũng thì ra sức hoành hành, bên ngoài thì bất lợi trong quan hệ quốc tế. Thể chế này, sau nửa thế kỷ, hai phần ba thế kỷ, đều lần lượt tự sụp đổ, hoặc là biến dạng như cả thế giới đã chứng kiến. Liên Xô chuyển hóa theo thể chế dân chủ, thành Liên bang Nga và một loạt nước ở Đông Âu. Trung Quốc trở thành chủ nghĩa Bành Trướng. Bắc Triều Tiên thành nước Độc tài Gia đình trị trắng trợn. Cuba đang trong tiến trình Đổi Mới, tức là bỏ cái cũ. Việt Nam ta đã từng chuyển hóa theo Đổi Mới, nhưng nửa vời, vì sự cản trở của tư tưởng bảo thủ và nhóm lợi ich. Sự tích lũy tư bản bằng bóc lột của giai đoạn đầu tư bản chủ nghĩa để đua tranh công nghệ mới, nay được nhóm lợi ích bản xứ học đòi tích lũy bằng tham nhũng, nhưng tiền tham nhũng thì ai cũng biết, không thể mang lại cái gì tốt cả!
Con đường Việt Nam phải đi là con đường Độc Lập, Dân Chủ, Chống Xâm Lăng, là con đường của bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp 1946, quyết không làm em út ai. Phải trả lại lá cờ yêu nước của dân tộc. Hiện nay, kẻ thù nguy hiểm nhất đang đe dọa độc lập và dân chủ vẫn là bọn Bành Trướng Bắc Kinh, và nhân dân Việt Nam thì không hề mơ hồ về điều này.
Đã lâu quá rồi, nay các bác lội vào ông Mác làm gì, chữ nghĩa ông khó hiểu, văn ông khó đọc, sẽ vất vả lắm, chẳng khác chi bây giờ, các bác quay lại, lội vào bưng biền một thuở, có ích chi? Còn cái gì ở đó? Con tàu thời đại đã rời bến. Con cháu bác, hỏi thử 10 đứa, nó lắc đầu đủ 10, chẳng một đứa nào quan tâm về một học thuyết đã quá vãng. Trân trọng một vòng hoa kính viếng cho một con người đã cống hiến suốt đời mình cho một giai đoạn lịch sử nhân loại. Tuyệt đại đa số nhân dân ta, biết phải làm thế nào, trước đại họa xâm lăng của phương Bắc. Chúa Trịnh là hệ thống công quyền thối nát, lấy nhà Lê làm cái dù che lý tưởng, bị suy nhược nên khiếp nhược trước bọn Tàu tham, nhưng nhân dân, trong lòng đầy chí khí vô hình, tâm thế đang sẵn sàng. Chỉ có quan lại phủ Chúa, bệ rạc vì điên khùng với tư lợi nên mù quáng, và vì cái lý tưởng giả hiệu, rách nát nhà Lê không còn khả năng hiệu triệu được ai nữa. Với Tinh Thần Nguyễn Huệ, phải lướt qua đám quan tham, gỡ bỏ chiêu bài giả, lấy đại nghĩa quét sạch hung tàn.
Điều đáng kính trọng và cảm động, không phải là các bác sẽ làm gì cho tương lai, thậm chí cho hiện tại, mà chính là sự trăn trở về một kết quảcủa một quá khứ đáng tự hào bởi những ước mơ mà các bác đã hiến dâng cho một giai đoạn lịch sử, một cách thành tín, không phải vì mình, mà vì đồng bào, đồng loại. Các bác nhìn thẳng vào thực tế, thấy, nghe và hiểu. Không lụy vì hư ảo xã hội chủ nghĩa thì đâu có bị vây hãm ở Thành Đô mở rào cho tai họa? Nhưng Lịch sử đang đi tới theo một cách khác, nó đang chuyển dịch, như dòng sông có bao giờ chảy thẳng đâu? Mỗi khúc quanh của lịch sử đều có giá trị riêng của nó. Sự thay đổi là tất yếu, vì đó là yêu cầu của dân tộc, vì sự tồn vong và phát triển. Các Mác và Ăngghen từng bị người ta khai thác vào mục đích sai lệch. Hình như mới hôm nay, hai ông đã nhắc lại lời cảnh báo: “Từ lúc đó trở đi, giai cấp trước kia là cách mạng, nay lại trở thành bảo thủ” (Các Mác – Sự khốn cùng của triết học), “[…] truyền thống là một lực lượng bảo thủ lớn” (Ăngghen – Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức).
Như một sự rà soát lại lần cuối cùng, rất thận trọng, trước khi chọn lựa thái độ: Các “Bác” đi tìm đọc “Các Mác”? Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ! Xin vui cùng các bác vậy.
Tháng 4-2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét