.
Nguyễn Hưng Quốc
Có một thuật ngữ chính trị rất thông dụng ở Tây phương nhưng không hiểu sao, ở Việt Nam, cho đến nay, vẫn còn rất xa lạ: tự sự chính trị (political narrative).
Tự sự (narrative), nói một cách đơn giản, chỉ là một câu chuyện (story). Nhưng ý nghĩa của tự sự, thật ra, lại rộng hơn một câu chuyện. Câu chuyện là diễn biến của các sự kiện, hoặc có thực hoặc chỉ do tưởng tượng, theo hướng tuyến tính (linearity) trong một mối quan hệ ít nhiều có tính nhân quả. Tự sự, ngược lại, là phương thức hiện thực hóa câu chuyện, bởi vậy, trong tự sự có thể có một hoặc nhiều câu chuyện. Câu chuyện bao giờ cũng có nhân vật: hoặc là người hoặc là vật được nhân cách hóa. Hơn nữa, cần ít nhất là hai nhân vật trở lên. Họa hoằn, nếu chỉ có một nhân vật, nhân vật ấy phải tự phân thân, nghĩa là phải biến thành hai: Có như vậy mới có sự tương tác, một điều kiện thiết yếu của chuyện, và từ đó, truyện. Tự sự, ngược lại, là một diễn biến không cần nhân vật: Nó có thể chỉ là một sự vận động nói chung, bao quát một khoảng thời gian nào đó. Câu chuyện gắn liền với ngôn ngữ, hoặc ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết. Tự sự, ngược lại, có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: nhiều nhất, dĩ nhiên, là bằng ngôn ngữ; nhưng bên cạnh ngôn ngữ còn có thể có âm thanh (bởi vậy người ta mới nói đến tự sự trong âm nhạc – narrative in music), trong hội họa (narrative in painting), hoặc ngay cả trong nhận thức.
Ở khía cạnh cuối cùng vừa nêu – tự sự trong nhận thức, tự sự được hiểu là một thao tác tổng thể hóa (totalization), qua đó, mọi thứ đều được sắp xếp vào một cấu trúc có quan hệ chặt chẽ với nhau, cái này là nguyên nhân hay kết quả / hệ quả của cái khác. Ý nghĩa ấy nằm ngay trong từ nguyên của chữ “narrative”: nó gắn liền với tính từ “gnarus” (biết). Có thể nói mọi nhận thức đều có tính tự sự. Chính vì vậy, từ giữa thế kỷ 20 đến nay, khái niệm tự sự trở thành trung tâm của rất nhiều ngành nghiên cứu, từ ký hiệu học đến văn hóa học, văn học – ở đó có hẳn một ngành được gọi là tự sự học, narratology, và gần đây, chính trị học. Nó cũng là khái niệm hạt nhân của một trào lưu triết học và văn nghệ: chủ nghĩa hậu hiện đại với những thuật ngữ quen thuộc như đại tự sự (grand/master narrative), tiểu tự sự (small narrative), siêu tự sự (metanarrative) và phản tự sự (antinarrative).
Mà thôi. Không nên đi quá xa vào các khía cạnh lý thuyết, tôi xin trở lại với những kinh nghiệm đời thường: Tất cả chúng ta đều sống trong, bằng và với các tự sự. Hằng ngày, chúng sử dụng tự sự trong lúc tán gẫu bằng cách kể hết chuyện này đến chuyện khác. Chúng ta phán đoán nhau cũng bằng tự sự qua cách nối kết sự kiện này với sự kiện kia để làm sáng tỏ tính cách của một ai đó. Chúng ta giáo dục nhau cũng bằng tự sự: thay vì chỉ nêu lên một câu châm ngôn, chúng ta nêu lên các câu chuyện làm minh chứng. Quan trọng hơn hết, bản sắc của chúng ta, với tư cách một cộng đồng, được hình thành chủ yếu cũng bằng tự sự. Tự xưng là người Việt, không ai trong chúng ta không nghĩ đến những câu chuyện như trăm trứng trăm con, những khái niệm như đồng bào hay quê cha đất tổ, những niềm tự hào như đánh Tàu, đánh Nguyên, đánh Pháp, v.v. Tất cả đều là những tự sự. Bản sắc của từng cá nhân cũng được hình thành bằng tự sự thông qua các kinh nghiệm cũng như các hình ảnh mà chúng ta tự nghĩ về mình. Đạo đức công dân cũng được hình thành trên căn bản các tự sự: mỗi người tự cố gắng sống, làm việc và hành xử theo một hình mẫu cụ thể nào đó. Ví dụ, ở một số nước, đó là hình mẫu của một con người hiên ngang can đảm và bất khuất trước kẻ thù cũng như trước thiên tai; ở một số nước khác, đó là hình mẫu của những con người lịch sự, nhã nhặn, đàng hoàng, biết tôn trọng người khác, v.v. Tất cả cũng đều là tự sự.
Trong chính trị hiện đại, đặc biệt chính trị theo lối cách mạng với tham vọng thay đổi diện mạo của xã hội, thậm chí, của lịch sử, người ta hay nói đến lý tưởng. Nhưng lý tưởng, chẳng hạn, lý tưởng độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng và thịnh vượng, chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa và vô hồn, nếu chúng không gắn liền với các tự sự. Ví dụ, với dân chúng, cái gọi là thịnh vượng không có gì khác ngoài việc có tiền bạc rủng rỉnh trong túi để không những đáp ứng được những nhu cầu căn bản nhất (như ăn, uống, mặc, ở) mà còn đáp ứng cả những nhu cầu xa xỉ gắn liền với đời sống văn hóa (như diện đồ hiệu, đi du lịch, giải trí), v.v.
Một nhà lãnh đạo giỏi không phải là người biết theo đuổi những lý tưởng lớn mà, trước hết, phải là người biết xây dựng các tự sự để mọi người có thể hình dung rõ ràng là mình đang đến đâu, sẽ trở thành như thế nào, trong tương lai gần cũng như xa, từ đó, tin tưởng và phục tùng. Khả năng xây dựng tự sự, do đó, được xem là điều kiện căn bản của những người muốn lãnh đạo quần chúng. Người ta khen Tổng thống John Kennedy, trước hết, là vì ông biết xây dựng một tự sự về mẫu người biết tự hỏi mình có thể làm gì cho đất nước thay vì chỉ chờ đợi những điều đất nước mang lại cho mình. Tổng thống Ronald Reagan thành công trong tự sự người Mỹ hào hùng có khả năng đánh gục mọi kẻ thù ngay trong các cuộc chiến tranh giữa các vì sao (star wars). George W. Bush thì xây dựng một tự sự về một nước Mỹ sẵn sàng đánh phủ đầu kẻ thù, những kẻ bị xem là quỷ dữ (axis of evil). Barack Obama thì xây dựng tự sự về mẫu người dám nghĩ và dám làm (Yes, we can). Ngược lại, cũng có rất nhiều nhà lãnh đạo bị phê phán dữ dội là, mặc dù thông minh và có tài, có lý tưởng và làm việc tận tâm, họ lại thiếu hẳn khả năng xây dựng các tự sự để lôi kéo quần chúng và để quần chúng biết rõ hướng đi của đất nước.
Ở Việt Nam, rõ ràng là thế hệ thứ nhất của đảng Cộng sản, đặc biệt trong thời chống Pháp, từng chứng tỏ khả năng xây dựng tự sự tốt. Thời ấy, mọi người biết rõ mình phải làm gì và nhắm đến điều gì. Cái điều họ phải làm rất cụ thể: tranh đấu và sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Để cụ thể hóa nguyên tắc này, người ta không ngần ngại bịa ra nhiều chuyện để tuyên truyền. Câu chuyện Lê Văn Tám là một ví dụ. Nhưng dù bịa hay thật thì điều đó cũng chứng tỏ giới lãnh đạo biết cách tận dụng yếu tố tự sự trong cách vận động quần chúng. Còn cái điều nhắm tới thì cũng rất rõ: độc lập và tự do. Khái niệm độc lập và tự do thời ấy cũng rất cụ thể: đánh đuổi được thực dân Pháp.
Có điều, đó là những chuyện trong quá khứ.
Hiện nay, tự sự chính trị chỉ được nghe thấy, vô cùng họa hoằn, chủ yếu ở cấp địa phương, đặc biệt tại Đà Nẵng và Hội An, nơi những người lãnh đạo thường nói và thể hiện một tự sự cụ thể và rõ ràng: Họ muốn thành phố nằm dưới quyền của họ sẽ phát triển như thế nào, với những đặc điểm và một tương lai như thế nào. Không phải ai cũng chia sẻ với những tự sự ấy của họ. Nhưng ít nhất người ta cũng biết cái hướng đi của thành phố cũng như cái tưởng tượng tập thể (collective imagination) mà giới lãnh đạo muốn xây dựng. Về tương lai.
Còn ở cấp quốc gia ư?
Tuyệt đối không có. Không ai vẽ ra một bức tranh cụ thể về hướng đi và tương lai của đất nước cả. Không ai trả lời được những câu hỏi bức thiết và bức xúc nhất của người dân: Chúng ta sẽ làm gì và sẽ như thế nào trước tên bạn láng giềng càng ngày càng giàu mạnh và càng ngày càng hung hãn? Chúng ta sẽ làm gì và sẽ như thế nào trước xu thế toàn cầu hóa của nhân loại? Chúng ta sẽ làm gì và sẽ như thế nào trước các làn sóng dân chủ trên thế giới cũng như trước những khát vọng tự nhiên về sự tự do, công bằng và công chính?
Không. Tuyệt đối không ai trả lời các câu hỏi ấy cả.
Thiếu tự sự, chúng ta cũng thiếu hẳn định hướng. Chúng ta hay nói: Việt Nam là đất nước đang phát triển. Tuy nhiên, có một điều chúng ta hoàn toàn không biết: Việt Nam đang phát triển về hướng nào và sẽ đi đến đâu?
Chỉ mong đó không phải là một cái vực.
Nguồn: Diễn đàn Việt Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét