Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012
Thờ Cúng Hùng Vương
Việt Báo
Bạn thân,
Vua Hùng Vương có phải chỉ là huyền thoại, hay là một thực tế lịch sử? Câu hỏi đó không được quan tâm nhiều, bởi vì nhiều tỉnh Miền Bắc VN trước giờ vẫn giữ phong tục thờ cúng Hùng Vương.
Và bây giờ, lại chuẩn bị lên cấp Di sản văn hóa nhân loại.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống có bài viết nhan đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa: Phát triển hài hòa di sản vật thể và phi vật thể” cho biết rằng phong tục này có thể được Liên Hiệp Quốc vinh danh vào giữa năm nay.
Bản tin nói rằng, Hồ sơ Quốc gia Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang trên đường đệ trình UNESCO xét vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự kiến vào tháng 6/2012, Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 sẽ nhóm họp, xét vinh danh. Trước ngày “đi thi”, dù còn đó những nỗi lo, thách thức nhưng Di sản văn hóa Việt độc đáo này lại có dịp khoe sắc trong ngày Giỗ Tổ năm nay.
Bài viết gọi đó là “Một hiện tượng văn hóa độc đáo.”
Báo này ghi nhận:
“Người Việt hẳn ai cũng nhớ câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Thực tế, đa số nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước đều khẳng định Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam là một hiện tượng văn hóa độc đáo, rất ít thấy trên thế giới. Thông thường, con người nơi đâu cũng tin theo một hay nhiều tôn giáo. Nhưng với con người Việt Nam thì dường như gia đình nào cũng có một góc thiêng thờ cúng tổ tiên. Nhiều dân tộc trên thế giới cũng tôn thờ một vị thần thánh được xem là thủy tổ của dân tộc họ… Nhưng cả dân tộc và dường như trên toàn lãnh thổ cùng xem các Vua Hùng là Quốc Tổ, được thờ cúng, tín ngưỡng như một biểu tượng tối linh và ngày nay trở thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ thì có lẽ chỉ có Tín ngưỡng thờ Hùng Vương ở Việt Nam. Đây chính là hiện tượng độc đáo, bản sắc văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam thực sự hiếm thấy trên thế giới...
Nói như PGS.TS. Trần Lâm Biền, núi Nghĩa Lĩnh – Khu di tích lịch sử Đền Hùng chính là “chủ sơn” hội tụ nét văn hóa độc đáo này, nhưng thực chất tín ngưỡng này được cả người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước thực hành. Hàng năm, vào dịp Lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức, Phú Thọ đón khoảng 6 – 10 triệu lượt người trên khắp cả nước về hành hương. Trong dịp Giỗ Tổ, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng tổ chức những lễ nghi tại địa phương mình hướng về cội nguồn của dân tộc và nhiều tỉnh còn dâng các lễ vật lạ như bánh chưng to nhất, bánh dày nặng nhất… để tưởng niệm các Vua Hùng. Suy rộng hơn, PGS.TS. Đặng Văn Bài còn cho rằng, chủ thể văn hóa của di sản này có thể khẳng định chính là 80 triệu người dân Việt Nam.”
Chúng ta không biết UNESCO sẽ phán quyết ra sao, nhưng thấy rõ rằng nhà nước đang ra sức hồi phục các lễ hội truyền thống, không chỉ để gọi là vào danh sách di sản văn hóa, mà thực tế còn là kiếm tiền từ ngành du lịch, một lĩnh vực kinh doanh rất ít vốn. Tiền, tiền, tiền... May ra Vua Hùng Vương cũng làm được mưa tiền cho tỉnh Phú Thọ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét