Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012
Vi Phạm Nhân quyền là chính sách của VC!
Họ và tên người bị vi phạm: NGUYỄN VĂN TƯ (Tư Hồng)
Sinh ngày: 24/12/2949
Tôn giáo: Phật giáo Hòa Hảo
Nghề nghiệp: làm ruộng
Trú quán: Ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Người thân của ông Nguyễn Văn Tư: Nguyễn Văn Tuấn (con trai), số điện thoại: (+84) 939 664 889, (+84) 123 527 4130.
Vụ án số 1:
- Ngày 15/2/2008, công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Văn Tư, tội danh: "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức", điều 258 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
- Ngày 28/8/2008, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã truy tố ông Nguyễn văn Tư ra Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ để xét xử.
- Ngày 23/9/2008, Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ đã tiến hành xét xử ông Nguyễn Văn Tư và kết án ông 18 tháng tù theo điều 258 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
- Ngày 13/7/2010, ông Nguyễn Văn Tư rời nhà tù sau khi thi hành xong án phạt tù của Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ.
Tóm tắt diễn biến vụ án của ông Nguyễn văn Tư:
Ông Nguyễn Văn Tư là một tá điền thuê đất của Nông trường Sông hậu để canh tác từ năm1979. Nông trường Sông Hậu đã tự đặt ra mức thu tô vượt qua quy định của nhà nước ban hành trong suốt thời gian từ năm 1993 đến năm 2003. Ông Nguyễn Văn Tư và một số tá điền đã làm đơn gởi các cơ quan chính quyền yêu cầu Nông trường Sông Hậu phải trả lại số lúa thu dư cho tá điền. Tuy nhiên, đoàn thanh tra nhà nước của TP Cần Thơ cho rằng việc thu tô nhiều hơn quy định của nhà nước là do tá điền thỏa thuận với Nông trường Sông Hậu và không đồng ý việc trả lại số tô thu dư. Ông Nguyễn văn Tư và một số tá điền gởi đơn khiếu nại ra cơ quan Trung ương tại Hà Nội. Hà Nội đã cử đoàn thanh tra và có kết luận là việc thu tô vượt quá quy định là việc làm sai trái, ngoài ra Nông trường Sông Hậu còn lập quỹ đen trái phép (quỹ đen này là một thứ "bôi trơn" cho các hoạt động của Nộng trường Sông Hậu và cũng là nơi cung phụng cho các quan chức ghé thăm Nông trường). Sự việc này đã làm cho Giám đốc Nông trường Sông Hậu là Trần Ngọc Sương bị cách chức và bị truy tố về tội danh tham nhũng và lập quỹ trái phép. Có thể phe cánh trong chính quyền TP Cần Thơ của Giám đốc Trần Ngọc Sương tại Cần Thơ cay cú, cho rằng hậu quả này là do các tá điền Nông trường Sông Hậu gây ra khi họ gởi đơn khiếu nại ra Trung ương. Công an huyện Cờ Đỏ đã khởi tố ông Nguyễn Văn Tư vì cho rằng ông là người cầm đầu vụ khiếu nại này.
Hiến pháp 1992 của nhà nước CHXHCN Việt Nam có quy định trong điều 74 về quyền khiếu nại, quyền tố cáo của công dân và ban hành Luật khiếu nại, tố cáo hiệu lực từ ngày 1/1/1999. Ông Nguyễn Văn Tư và các tá điền đã sử dụng các quyền được quy định trong Hiến pháp và Luật khiếu nại, tố cáo với một tinh thần ôn hòa, bất bạo động. Tuy nhiên, chính quyền TP Cần Thơ đã dùng bạo quyền truy tố ông Nguyễn văn Tư theo điều 258 của Bộ Luật hình sự, một điều luật vi hiến.
Vụ án số 2:
- Ngày 6/9/2011, công an huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự đối với ông Nguyễn Văn Tư, tội danh: "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức", điều 258 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
- Ngày 28/8/2008, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã truy tố ông Nguyễn văn Tư ra Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ để xét xử.
- Ngày 17/4/2012, Tòa án huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Tóm tắt diễn biến vụ án của ông Nguyễn văn Tư:
Sau khi rời nhà tù ngày 13/7/2010, ông Nguyễn Văn Tư tiếp tục làm đơn khiếu nại ra cơ quan Trung ương tại Hà Nội, với nội dung tố cáo Ủy ban Nhân dân TP Cần Thơ không giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, bao che sự thật, bao che những việc làm sai pháp luật của Nông trường Sông Hậu, bắt giam kết án oan sai người khiếu nại. Cùng khiếu nại với ông Tư còn có một số tá điền như bà Nguyễn Thị Cúc, Phùng Thị Cúc, Nguyễn Văn Út Nhỏ, Nguyễn Văn Kiên, Ngô Văn Bé, Trần Ngọc Đức, Mai Xem, Huỳnh Văn Hùng, Lê Văn Hy, Cao Văn Đào, Nguyễn Văn Hùng, Võ Thị Lanh, Trần Thị Hoa, Trần Thị Út, Bùi Văn To, cùng cư ngụ tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Công an điều tra cho rằng việc khiếu nại tập thể này là do ông Nguyễn Văn Tư cầm đầu và xúi giục người khác, nên công an chỉ truy tố một mình ông Nguyễn Văn Tư. Thật chất của việc truy tố này là một sự trả thù cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Tư tường thuật phiên tòa ngày 17/4/2012:
"Ngày 17/4/2012, Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa bắt đầu 7 giờ 30 phút. Mặc dù Tòa án tuyên bố đây là một phiên tòa công khai nhưng chỉ có người nào có giấy mời của Tòa án thì mới được vào trong phiên tòa, hơn 100 người dân tại vùng của ông Nguyễn Văn Tư đứng bên ngoài phiên tòa. Ông Nguyễn Văn Tư đã phản bác những điểm buộc tội của bản cáo trạng và không đồng ý với tội danh. Ông Tư không thể sử dụng quyền tranh luận, biện hộ vì Thẩm phán phiên tòa thường xuyên dừng lời nói khi ông chứng minh cho sự vô tội của mình. Các nhân chứng mà tòa mời đến cũng không được nói theo ý của mình, họ bị dừng lời nói nếu nó chống lại sự buộc tội của Viện kiểm sát. Trong phiên tòa ông Nguyễn Văn Tư đã không mời được luật sư biện hộ vì các luật sư tại thành phố Cần Thơ đều không nhận lời. Gia đình ông Nguyễn Văn Tư chỉ có duy nhất người con trai là Nguyễn Văn Tuấn được tham dự phiên tòa vì có giấy mời. 12 giờ 20 phút Tòa tuyên án, ông Nguyễn Văn Tư phải chịu án 2 năm 6 tháng tù với tội danh theo điều 258 của bộ luật Hình sự.
Ông Nguyễn Văn Tư cho biết là sẽ kháng án và mời luật sư cho phiên tòa phúc thẩm, hiện nay ông Nguyễn Văn Tư vẫn được tại ngoại. Ông cho biết vẫn e ngại việc công bố những thông tin liên quan đến ông trên truyền thông sẽ là cớ để công an rút lại quyền tại ngoại."
Kết luận:
Tại Việt Nam, người nông dân ở các vùng quê là nạn nhân của sự lạm quyền và áp dụng tùy tiện luật pháp. Họ thường xuyên bị các viên chức nhà nước gây khó khăn trong cuộc sống, áp dụng luật pháp ở các nơi này tùy thuộc vào từng viên chức. Trường hợp ông Nguyễn Văn Tư là một vụ điển hình cho việc chính quyền địa phương áp dụng luật pháp tùy tiện, ngăn chặn các quyền lợi của công dân. Sự việc ông Nguyễn Văn Tư tiếp tục khiếu nại, tố cáo chính quyền địa phương sau khi bị bắt và giam giữ 18 tháng tù là một minh chứng cho thấy ông nhìn nhận vụ án đầu tiên đối với ông là một vụ án oan sai, không có công lý. Các quyền lợi của ông không được giải quyết, thay vào đó là sự bắt giữ và kết án tù.
Chính quyền huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi kết án tù ông Nguyễn Văn Tư, ông chỉ sử dụng quyền khiếu nại tố cáo của công dân theo Bộ luật khiếu nại tố cáo có hiệu lực năm 1999 và điều 74 của Hiến pháp 1992 của nước CHXHCN Việt Nam.
Ngoài ra chính quyền huyện Cờ Đỏ còn vi phạm nhân quyền tại điều 19, 20.1 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 và điều 19.1, 21, 22.1 Công ước về quyền Dân sự và Chính trị 1966.
Tòa án huyện Cờ Đỏ đã vi phạm nhân quyền khi hạn chế quyền biện hộ của ông Nguyễn văn Tư, ngăn cản việc tham dự phiên tòa của người dân. Theo điều 7, 9, 10. 11.1 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 và điều 9.1, 14.1 và 14.3.
Kính mong Chính phủ và Quốc hội các nước tôn trọng nhân quyền, Tổ chức nhân quyền...quan tâm đến trường hợp ông Nguyễn Văn Tư. Ông là một nạn nhân của chính sách độc tài toàn trị của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tiếng nói của Quý vị sẽ làm cho những người cộng sản Việt Nam phải chùn tay đàn áp người dân.
Chân thành cám ơn.
Sài Gòn, ngày 19/4/2012.
NGUYỄN BẮC TRUYỂN
Đính kèm hình chân dung của ông Nguyễn Văn Tư
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét