Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Ý thức và kiến thức về chủ quyền đất nước



Nguyễn Hưng Quốc

 Mới đây, đọc báo trong nước, tôi thấy một bài viết khá thú vị về chuyện hai du học sinh Việt Nam và Trung Quốc ở Mỹ: Trong khi du học sinh Trung Quốc tìm mọi cách để thuyết phục mọi người Mỹ, ở trường cũng như ở nhà em trọ, Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc về Trung Quốc với rất nhiều dẫn chứng từ lịch sử, thì du học sinh Việt Nam, ngược lại, chỉ biết lặp đi lặp lại câu nói “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”.  Rồi thôi. Cuối cùng, vừa đuối lý vừa tức tối, em ấy chỉ biết bỏ bữa cơm tối.

Chúng ta không thể trách cứ em học sinh Việt Nam ấy được. Chắc chắn em là người có lòng với tổ quốc. Em muốn khẳng định chủ quyền đất nước, tự hào về đất nước, và muốn mọi người biết về thực trạng đất nước của mình. Chính vì thế, em mới thấy tức tối và không thể ăn cơm được.


Vấn đề của em một phần nhỏ thuộc về ý thức nhưng phần khác, lớn hơn, thuộc về kiến thức.

Thuộc về ý thức ở điểm: thoạt đầu, khác với học sinh Trung Quốc, em không thấy chủ quyền của đất nước trên Hoàng Sa và Trường Sa là một vấn đề; lại càng không thấy việc thuyết phục người ngoại quốc về chủ quyền ấy là một vấn đề. Em đến Mỹ như một người phi-chính trị, thậm chí, phi-tổ quốc. Em không thấy em có nhiệm vụ gì với đất nước. Em không tự xem mình như một đại sứ văn hóa hay chính trị của quê hương em ở xứ người, như cái điều thỉnh thoảng, đây đó, người ta, kể cả người Việt Nam, vẫn nói. Vì vậy, em mới ở cái thế hoàn toàn bị động trước cái đề tài về Trường Sa và Hoàng Sa mà người học sinh Trung Quốc đề cập.

Nhưng sau giây phút ngỡ ngàng ban đầu, khi muốn tranh cãi về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, em cũng không thể cãi nổi với người bạn học đến từ Trung Quốc. Đến đây, em gặp một vấn đề khác: kiến thức. Em không biết gì về Hoàng Sa và Trường Sa trừ cái câu khẩu hiệu thỉnh thoảng em nghe nói: Đó là hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Hết. Ngay cả khi em muốn tìm hiểu về vấn đề ấy để chuẩn bị cho một bài thuyết trình với đầy đủ luận cứ và luận chứng, có lẽ em cũng không làm được. Vì tìm tài liệu không dễ.

Đó có phải là lỗi của em du học sinh ấy không?

Chắc chắn là không. Bài báo lấy ví dụ từ hai học sinh phổ thông. Tuy nhiên, nếu làm một cuộc điều tra kỹ lưỡng đối với những thành phần lớn tuổi hơn và có học thức hơn, kể cả các sinh viên đại học hoặc hậu đại học, thậm chí các giáo sư hoặc chuyên viên, từ Việt Nam, tôi ngờ tình hình cũng không khá hơn: Hầu hết vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác.

Thật ra, đó cũng không phải là lỗi của họ nữa.

Việc không nắm được kiến thức chuyên ngành là lỗi của người đi học. Việc học sinh không nắm được những kiến thức căn bản là lỗi của người đi dạy. Việc dân chúng không nắm được tình hình chính trị và nhu cầu cấp bách của đất nước lại là lỗi của nhà cầm quyền.

Ở Tây phương, mỗi lần đưa ra một chính sách lớn có ảnh hưởng đến toàn dân, chính phủ luôn luôn tìm mọi cách để vận động dân chúng, trong đó, cách thức quan trọng nhất là cung cấp cho dân chúng đầy đủ các thông tin cần thiết nhất dưới hình thức họp báo rồi quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và cuối cùng, gửi tài liệu đến từng nhà.

Ở Việt Nam thì ngược lại. Không ai có thể chối cãi vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa cũng như vấn đề Biển Đông nói chung là những vấn đề cực kỳ quan trọng, cấp thiết và đầy nhức nhối: Chúng liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia, niềm tự hào dân tộc và, cụ thể hơn, vấn đề sinh sống của người dân, đặc biệt ngư dân. Thế nhưng, với chính quyền, đó lại là những vấn đề bị xem là “tế nhị” hoặc “nhạy cảm”: Họ không muốn nhắc đến và cũng không muốn ai nhắc đến. Tất cả các cuộc hội thảo về vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa, cho dù có tính chất khoa học và lịch sử, đều bị cấm đoán hoặc bị hạn chế gay gắt. Ngay cả các bảng hiệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông cũng bị xem là những điều cấm kị. Những người hô to các khẩu hiệu ấy trên đường phố thì bị bắt bớ hay trù dập.

Trong hoàn cảnh mọi thông tin đều bị bưng bít như thế, làm sao có thể đòi hỏi học sinh Việt Nam, hay công dân Việt Nam nói chung, có ý thức và kiến thức về Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông được?

Không thể không đặt câu hỏi: Tại sao chính quyền Việt Nam lại tìm cách bưng bít các thông tin chính đáng và cần thiết như vậy? Tại họ sợ làm phiền lòng Trung Quốc ư? Nhưng tại sao lại làm phiền và tại sao lại sợ khi đó là những sự thật? Và là bổn phận của chính quyền? Cấm dân chúng hô hào đả đảo Trung Quốc thì còn có thể lý giải được. Nhưng cấm dân chúng không được tìm hiểu lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên chính lãnh thổ của Việt Nam thì lại không có cách gì có thể hiểu nổi.

Càng không thể nào hiểu nổi việc chính quyền xem những người tìm hiểu và khẳng định chủ quyền của đất nước trên Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông, từ góc độ khoa học, như những thành phần chống đối. Chả lẽ chống đối chính quyền Trung Quốc lại bị xem là đồng nghĩa với việc chống đối chính quyền Việt Nam? Tại sao lại có chuyện đồng nhất lạ lùng và oái oăm như thế trong khi ai cũng biết Trung Quốc lúc nào cũng hăm he đòi lấn đất, lấn đảo và lấn biển của Việt Nam?

Hiện tượng đồng nhất Việt Nam và Trung Quốc cũng có thể thấy rõ trong phần Ý kiến phản hồi của độc giả trên blog này. Rất dễ thấy, trong số các “còm sĩ” có khá nhiều người lúc nào cũng chăm chăm bảo vệ đảng của họ. Thì cũng được. Hễ bắt gặp bất cứ sự phê phán nào nhắm đến chính quyền Việt Nam họ đều nhảy dựng lên chửi bới. Thì cũng được. Thế nhưng tại sao khi tôi cũng như khi một độc giả nào đó vạch trần và chỉ trích các hành động bá quyền của Trung Quốc, kể cả đối với Việt Nam, họ cũng nhao nhao lên phản đối và bênh vực cho Trung Quốc?

Thú thực, tôi hoàn toàn không hiểu được.

Tuy nhiên, từ việc không hiểu ấy, tôi có thể dễ dàng giải thích được tại sao các em du học sinh Việt Nam hoàn toàn thua kém bạn bè đến từ Trung Quốc trong các đề tài quan trọng như Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông.

Nếu các em giỏi hơn, có lẽ các em đã không được đi du học. Hơn nữa, có khi còn bị bắt ở tù rồi không chừng.

Như Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) hay Anh Ba Sài Gòn (Phan Thanh Hải). Hay một số người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét